Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Áp xe vú là gì và do đâu? Điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào?

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Áp xe vú là một vấn đề thường gặp, nhất là trên những phụ nữ cho con bú. Áp xe vú là một biến chứng của điều trị không tốt bệnh viêm vú. Tuy nhiên, ai cũng có thể bị áp xe vú nếu bạn có yếu tố nguy cơ kèm theo. Chẩn đoán và điều trị áp xe vú không khó nhưng tỷ lệ tái phát của bệnh cao. Do đó, cần chú ý phòng ngừa và chăm sóc vú sau điều trị thật tốt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Áp xe vú là gì?

Áp xe vú là khối u chứa mủ dưới da vú do nhiễm trùng. Hầu hết áp xe vú đều lành tính. Đây là tình trạng phổ biến ở những phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, không chỉ những người cho con bú mắc bệnh mà cả những phụ nữ không cho con bú và nam giới cũng có thể bị áp xe vú. Lúc này cần xem xét kỹ hơn các nguyên nhân nguy hiểm gây ra áp xe như ung thư.

Áp xe vú có thể là biến chứng của viêm vú, bất kỳ phụ nữ cho con bú nào cũng có thể bị viêm vú do ống dẫn sữa dễ bị tắc, nếu không được điều trị sẽ hình thành áp xe. Khi bạn cho con bú, có thể gây ra các vết rách hoặc xước trên núm vú hoặc xung quanh núm vú, những vết thương này có thể bị nhiễm trùng và tiến triển theo thời gian thành ổ áp xe. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của áp xe vú

Nếu bạn bị áp xe vú, bạn có thể sờ thấy một khối trong mô vú cùng các triệu chứng thường gặp của áp xe vú bao gồm sưng, nóng, đỏ, đau, chảy dịch ở núm vú. Nếu bạn đang nhiễm trùng, bạn có thể có triệu chứng sốt, ớn lạnh và mệt mỏi. Các triệu chứng khác của nhiễm trùng vú gồm:

  • Lượng sữa tiết ra giảm;
  • Đau đầu;
  • Chảy dịch từ núm vú hoặc những nơi sưng đỏ;
  • Xuất hiện hạch nách;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Các triệu chứng giống cảm cúm;
  • Mệt mỏi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh áp xe vú

Nếu bạn mắc áp xe vú, bạn có nguy cơ nhiễm trùng tái phát sau điều trị. Ngoài ra, các biến chứng do điều trị cũng có thể gây mất thẩm mỹ khiến bạn tự ti.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đi khám ngay nếu bạn có triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau vú hoặc chảy dịch từ núm vú hay các khối sưng đỏ quanh vú, đặc biệt là khi bạn đang trong thời gian cho con bú.

Ngoài ra, một số dấu hiệu khác có thể báo hiệu cho áp xe vú:

  • Mủ hoặc máu trong sữa mẹ;
  • Triệu chứng viêm vú xuất hiện đột ngột;
  • Điều trị viêm vú nhưng không đáp ứng.
Áp xe vú là gì và do đâu? Điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào? 4
Hãy đi khám ngay nếu bạn nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở vú

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến áp xe vú

Áp xe vú cho con bú thường xảy ra ở tuần thứ hai sau sinh. Thường bạn sẽ có tiền sử bị trầy xước hoặc bị nứt ở núm vú hoặc không vệ sinh núm vú sau khi cho con bú, khiến vi khuẩn xâm nhập vào mô vú của bạn hoặc ống dẫn sữa bị tắc. Staphylococcus aureus và Streptococcus sp. là vi khuẩn được cho là gây ra áp xe vú phổ biến nhất hiện nay. Tụ cầu kháng methicillin cũng đang ngày càng phổ biến hơn.

Áp xe vú không cho con bú thường được chia thành tổn thương trung tâm (ở quanh quầng vú) và tổn thương ở ngoại biên. Áp xe vú trung tâm thường do viêm vú quanh ống dẫn sữa, còn áp xe vú ngoại biên ít gặp hơn và thường liên quan đến tình trạng bệnh lý như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, chấn thương và hút thuốc. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc áp xe vú?

Cho con bú là nguy cơ phổ biến nhất của nhiễm trùng vú, hiện diện ở 10 đến 33%. Bệnh phổ biến ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, trung bình là 32 tuổi.

Áp xe vú không cho con bú có độ tuổi rộng hơn và có sự liên quan với bệnh đái tháo đường với hút thuốc lá. Người bệnh béo phì và người Mỹ gốc Phi có tỷ lệ mắc áp xe vú cao hơn. Xỏ khuyên núm vú cũng được ghi nhận gây áp xe dưới vú ở những người không cho con bú.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải áp xe vú

Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ còn đang gây tranh cãi, tuy nhiên nhiều nghiên cứu đã được thực hiện cho thấy có mối liên hệ giữa hút thuốc lá với áp xe vú không cho con bú. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán áp xe vú

Kiểm tra sức khỏe

Những dấu hiệu và triệu chứng thường xuất hiện ở người bị áp xe vú:

  • Vú sưng, nóng, đỏ và đau.
  • Tiền sử nhiễm trùng vú trước đó.
  • Các triệu chứng khác như sốt, buồn nôn, nôn và chảy dịch từ núm vú hoặc từ khối áp xe.
  • Tiền sử cho con bú.
  • Nếu bạn đang không cho con bú, hãy xem xét các triệu chứng của bệnh đái tháo đường (tiểu nhiều, khát nhiều, nhiễm trùng thường xuyên, thay đổi cân nặng).
  • Phẫu thuật can thiệp vú trong vòng 8 tuần.
  • Tiền sử hút thuốc.

Bác sĩ sẽ khai thác toàn bộ các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý ở trên khi bạn đến khám. Phần lớn viêm vú sau sinh được phát hiện trong vòng 6 tuần sau khi cho con bú. Khám thực thể là nền tảng của chẩn đoán áp xe vú:

  • Hình dạng và kích thước 2 bên vú;
  • Khối áp xe cố định hay di động;
  • Vị trí của khối áp xe;
  • Bạn có thể cảm thấy đau khi bác sĩ sờ;
  • Núm vú có chảy dịch, tụt hoặc không đối xứng hay không;
  • Co rút da ở núm vú và quầng vú;
  • Khám hạch ở vùng nách;
  • Thay đổi tính chất da vùng vú và xung quanh.

Xét nghiệm

Ngoài khám thực thể, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm khác giúp chẩn đoán chính xác áp xe vú:

  • Công thức máu toàn phần xem có tăng bạch cầu hay không.
  • Nếu chảy dịch từ núm vú có thể lấy mẫu để cấy làm kháng sinh đồ.
  • Siêu âm vú được chỉ định nếu nghi ngờ viêm mô tế bào, áp xe.
  • Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ có thể được chỉ định để xác nhận hiện diện của áp xe vú và phân tích chất lỏng.
Áp xe vú là gì và do đâu? Điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào? 5
Siêu âm vú hỗ trợ chẩn đoán áp xe vú

Các xét nghiệm này cũng giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây ra áp xe vú như ung thư, u lành tính.

Phương pháp điều trị áp xe vú hiệu quả

Thủ thuật

Rạch và dẫn lưu là phương pháp điều trị áp xe vú phổ biến hiện nay. Nếu áp xe của bạn nhỏ hơn 3cm hoặc áp xe tiết sữa thì bác sĩ có thể tiến hành chọc hút bằng kim dưới hướng dẫn của siêu âm. Tuy phương pháp rạch và dẫn lưu ổ áp xe có tỷ lệ tái phát thấp hơn nhưng chúng xâm lấn hơn so với chọc hút bằng kim và có thể để lại sẹo gây thẩm mỹ kém.

Nếu áp xe tái phát sau khi chọc hút bằng kim thì rạch và dẫn lưu sẽ được chỉ định cho bạn. Các áp xe vú không cho con bú có nguy cơ tái phát cao hơn và có thể cần dẫn lưu nhiều lần. Nếu nguyên nhân gây áp xe là do tắc nghẽn hoặc giãn ống dẫn sữa thì có thể cần tiến hành phẫu thuật cắt bỏ.

Nếu bạn có áp xe vú lớn hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng huyết, bạn sẽ được chỉ định nhập viện ngay để theo dõi và điều trị. Các áp xe vú lớn cần rạch và dẫn lưu trong phòng mổ, dẫn lưu ống thông qua da, băng vết thương và sử dụng kháng sinh truyền tĩnh mạch.

Biến chứng khi điều trị rạch và dẫn lưu áp xe:

  • Gây sẹo;
  • Vú không đối xứng;
  • Đau;
  • Tạo lỗ rò;
  • Núm vú và quầng vú bị co rút dẫn đến biến dạng vú gây mất thẩm mỹ.
Áp xe vú là gì và do đâu? Điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào? 6
Chọc hút áp xe vú bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn của siêu âm

Thuốc

Kháng sinh có thể được dùng trước và sau khi dẫn lưu ổ áp xe. Việc lựa chọn kháng sinh điều trị sẽ dựa vào các nguyên nhân có thể gây nhiễm trùng sau khi rạch và dẫn lưu kèm tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng của người bệnh. Thời gian sử dụng kháng sinh từ 5 đến 7 ngày.

Quan trọng khi lựa chọn kháng sinh là phải cân nhắc đến việc người bệnh có đang cho con bú hay không. Nếu áp xe vú tái phát, nên lấy mẫu dịch hoặc mủ từ áp xe để làm kháng sinh đồ nhằm giúp lựa chọn kháng sinh phù hợp.

Thuốc giảm đau NSAIDs (như ibuprofen) và/hoặc thuốc giảm đau gây nghiện có thể được chỉ định nếu bạn đau nhiều không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường (như acetaminophen).

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của áp xe vú

Những điều cần chú ý khi bạn bị áp xe vú:

  • Sử dụng túi chườm nóng để giảm đau và giảm sưng.
  • Xoa bóp nhẹ nhàng vú để các ống dẫn sữa không bị tắc.
  • Cho bé bú sữa mẹ đúng cách: Phần đầu và thân trẻ nằm trên một đường thẳng; mặt trẻ quay vào vú và mũi đối diện núm vú; khi trẻ bú sẽ thấy miệng trẻ mở rộng, trẻ ngậm vú sâu, hai má căng tròn, mẹ không cảm thấy đau khi bé đang bú; bầu ngực mềm hẳn sau khi bé bú xong.
  • Vệ sinh vết rạch sạch sẽ.
  • Vệ sinh núm vú và rửa tay trước khi chạm vào và sau khi trẻ bú.
  • Không mặc quần áo chật khiến đè ép bầu ngực.
  • Không hút thuốc lá.
  • Ăn đầy đủ các chất.
Áp xe vú là gì và do đâu? Điều trị và phòng ngừa bệnh như thế nào? 7
Tư thế cho con bú đúng cách

Phương pháp phòng ngừa áp xe vú hiệu quả

Tỷ lệ tái phát áp xe vú khá cao, từ 39 đến 50%, kể cả đã rạch và dẫn lưu hoặc chọc hút bằng kim. Áp xe không cho con bú có tỷ lệ tái phát cao hơn. Để ngăn ngừa áp xe vú, bạn nên:

  • Điều trị tốt viêm vú hoặc nhiễm trùng giúp giảm nguy cơ phát triển thành áp xe vú.
  • Vệ sinh núm vú, rửa tay sạch trước khi chạm vào vú.
  • Thoa kem dưỡng ẩm lên núm vú để tránh tình trạng khô nứt, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Ngăn ngừa tắc nghẽn ống dẫn sữa bằng cách xoa bóp, cho con bú đúng cách.
  • Tránh tạo áp lực lên vùng ngực như mặc áo ngực chật, lấy tay tì vào, mặc quần áo chật.
  • Ngưng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ xuất hiện và tái phát áp xe.
  • Kiểm soát tốt bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, tăng huyết áp.
Nguồn tham khảo
  1. Breast Abscesses: Types, Treatment, and More: https://www.healthline.com/health/breast-abscess
  2. Breast Infection and Breast Abscess: https://www.msdmanuals.com/home/women-s-health-issues/breast-disorders/breast-infection-and-breast-abscess
  3. Breast Abscess: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459122/
  4. Breast Abscesses and Masses: https://emedicine.medscape.com/article/781116-overview#a4
  5. What to know about a breast abscess: https://www.medicalnewstoday.com/articles/breast-abscess
Chủ đề:Áp xe vúáp xe

Các bệnh liên quan

  1. Chứng tạo đờm do virus

  2. Ngoại tâm thu thất

  3. Trào ngược dạ dày

  4. Tức ngực

  5. Viêm sụn sườn

  6. Bụi phổi atbet (amiăng)

  7. Bệnh phổi kẽ

  8. Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan

  9. Khó thở, hụt hơi

  10. Bướu sợi tuyến