Long Châu

Bệnh nấm da là gì? Triệu chứng, các yếu tố nguy cơ, cách chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa.

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh nấm da là tình trạng nhiễm trùng da và móng do một số loại vi nấm khác nhau gây ra và được phân loại theo vị trí trên cơ thể như nấm da đầu, nấm bẹn, nấm thân mình, nấm kẽ chân, nấm móng, lang ben...Nếu không điều trị, nấm có thể lây lan sang nhiều vùng khác của cơ thể và gây khó chịu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh nấm da là gì? 

Có hàng triệu loài nấm trên trái đất và chúng sống ở khắp mọi nơi (trong bụi bẩn, trên thực vật, bề mặt đồ gia dụng và trên da của con người). Đôi khi, chúng có thể dẫn đến các vấn đề về da. Bệnh nấm da là tình trạng nhiễm trùng da và móng do một số loại vi nấm khác nhau gây ra và được phân loại theo vị trí trên cơ thể như nấm da đầu, nấm bẹn, nấm thân mình, nấm kẽ chân, nấm móng, lang ben... Những bệnh nấm da thông thường gây ra bởi các loại nấm men (chẳng hạn như Candida hoặc Malassezia furfur) hoặc các loại vi nấm ngoài da (dermatophytes) như Epidermophyton, MicrosporumTrichophyton.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nấm da

Nhiễm nấm ở thân mình thường biểu hiện triệu chứng là những nốt ban đỏ hình nhẫn gồ cao trên bề mặt da kèm ngứa. Vùng da phía trong vòng ban đỏ thường trông như da bình thường. Dân gian còn có tên gọi cho bệnh nấm da trên thân mình là bệnh hắc lào.

Một tình trạng nhiễm nấm khác ở thân với biểu hiện là các mảng da hình bầu dục nhỏ có màu sắc thay đổi so với vùng da bình thường, dân gian thường gọi là lang ben gây ra bởi loài nấm Malassezia (loài nấm thường trú trên 90% ở người trưởng thành). Những mảng da đổi màu này thường xảy ra nhất ở lưng, ngực và vùng cánh tay. Vùng da này có thể trông sáng màu hơn hoặc tối hơn các vùng da khác và có thể có màu đỏ, hồng, rám nắng hoặc nâu. Các mảng này có thể ngứa, bong vảy.

Nếu nhiễm nấm ở thân mình nhưng ở các vị trí đặc biệt là các nếp, kẽ của cơ thể thì được gọi là nhiễm nấm bẹn, nấm kẽ chân...Ví dụ trong nấm kẽ chân, bệnh nhân thường than ngứa, hoặc cảm giác nóng, châm chích giữa các ngón chân hoặc lòng bàn chân; vùng da kẽ chân đỏ, có vảy, khô hoặc bong tróc, nứt nẻ, phồng rộp. 

Nếu nhiễm nấm da đầu, nấm sẽ xâm lấn cả da và vùng tóc xung quanh, những mảng da đầu bị nấm sẽ có triệu chứng đau, ngứa và đóng vảy kèm theo các mảng hói đầu cục bộ có thể xảy ra. 

Biến chứng có thể gặp khi nhiễm nấm

Nhiễm nấm hiếm khi lan tràn bên dưới bề mặt da. Biến chứng từ các bệnh nhiễm nấm da rất hiếm gặp. Tuy nhiên, nếu không điều trị, nấm có thể lây lan sang nhiều vùng khác của cơ thể và gây khó chịu.

Nếu da bị vỡ do nhiễm nấm, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng.

Những bệnh nhân bị nhiễm HIV và các bệnh lý khác làm suy giảm hệ thống miễn dịch có nhiều khả năng bị nhiễm nấm da lan toả, nhiễm nấm huyết và nhiễm trùng huyết.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Cần gặp bác sĩ khi:

  • Tình trạng nhiễm trùng da do nấm không cải thiện, tăng nặng hơn hoặc tái phát sau khi điều trị với các thuốc không cần kê đơn.

  • Nhiễm nấm kèm theo các mảng rụng tóc, ngứa ngáy hoặc có vảy da.

  • Người bệnh nhiễm nấm và có tình trạng suy yếu hệ thống miễn dịch.

  • Bệnh nhân tiểu đường và đang bị nấm da ở chân hoặc nấm móng.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh nấm da

Nấm thường sống trên da người mà không gây ra bất kỳ vấn đề gì trừ khi chúng sinh sôi nhanh hơn bình thường hoặc xâm nhập vào da qua vết cắt hoặc tổn thương trên da.

Vi nấm phát triển mạnh trong môi trường ấm, ẩm ướt nên nhiễm trùng da do vi nấm thường có thể xuất hiện khi có những yếu tố thuận lợi ở các vùng da trên cơ thể như vùng da ẩm ướt, nhiều mồ hôi hoặc vùng da không thoáng khí... Một số ví dụ bao gồm bàn chân, bẹn và các nếp gấp của da. Một số yếu tố nguy cơ khác có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển như: Tình trạng vệ sinh cơ thể kém, làm việc trong môi trường ấm và ẩm, sử dụng chung các vật dụng cá nhân hoặc tiếp xúc với động vật nhiễm nấm tạo điều kiện cho nấm lây lan, mặc đồ hoặc quần áo quá chật hoặc bệnh nhân có bệnh nền gây suy giảm hệ thống miễn dịch tạo điều kiện cho vi nấm lan tràn khắp cơ thể.

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm da

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm da, bao gồm:

  • Sống trong môi trường ấm hoặc ẩm ướt.

  • Đổ mồ hôi nhiều, không giữ cho da sạch và khô.

  • Dùng chung các vật dụng như quần áo, giày dép, khăn tắm…

  • Mặc quần áo chật hoặc đi giày dép không thông thoáng.

  • Tham gia các hoạt động tiếp xúc da kề da với động vật bị nhiễm nấm.

  • Tiền căn suy giảm hệ thống miễn dịch do thuốc ức chế miễn dịch, điều trị ung thư hoặc các bệnh như HIV.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nấm da

Đa số chẩn đoán nhiễm nấm dựa trên các triệu chứng lâm sàng cùng với tiền sử tiếp xúc với người hoặc động vật bị nhiễm nấm. Trong một số trường hợp, có thể cạo lấy mẫu từ vùng da nghi nhiễm nấm và xem dưới kính hiển vi để đưa ra chẩn đoán xác định. Hiếm gặp hơn, bác sĩ có thể tiến hành nuôi cấy các mảnh vụn nấm trong 1 số trường hợp bệnh nhân bị nhiễm nấm da đầu hoặc nấm móng để có những gợi ý điều trị hiệu quả.

Phương pháp điều trị bệnh nấm da hiệu quả

Bệnh nấm ngoài da thường được điều trị bằng thuốc kháng nấm, thường dùng nhất là dạng thuốc bôi trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng. Thuốc bôi có nhiều dạng bao gồm kem, gel, dạng lotion, dung dịch hoặc dầu gội. Thuốc kháng nấm cũng có thể được dùng bằng đường uống.

Ngoài thuốc, bệnh nhân thường được khuyên sử dụng thêm các biện pháp giữ khô, thoáng vùng da bị bệnh như bôi phấn hoặc đi giày hở mũi.

Thuốc corticosteroid có thể giúp giảm viêm và ngứa nhưng chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh nấm da

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa bệnh nấm da hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân.

  • Không dùng chung quần áo, khăn tắm hoặc các vật dụng cá nhân khác.

  • Mặc quần áo sạch mỗi ngày, đặc biệt là tất và quần áo lót.

  • Chọn quần áo và giày dép thoáng khí. Tránh mặc quần áo hoặc giày quá chật.

  • Đảm bảo lau khô cơ thể bằng khăn sạch sau khi tắm hoặc bơi.

  • Mang dép hoặc dép xỏ ngón trong phòng thay đồ thay vì đi bằng chân trần.

  • Lau sạch các bề mặt dùng chung, chẳng hạn như thiết bị tập thể dục hoặc thảm.

  • Tránh xa động vật có dấu hiệu nhiễm nấm, chẳng hạn như khi thấy động vật mất lông hoặc thường xuyên gãi.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/home/skin-disorders/fungal-skin-infections/overview-of-fungal-skin-infections

2. https://www.healthline.com/health/fungal-skin-infection#treatment

3. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/guide/fungal-infections-skin

Các bệnh liên quan

  1. Viêm họng hạt

  2. Ung thư âm đạo

  3. Tiểu đường thai kỳ

  4. Trĩ ngoại

  5. Nang đơn thận

  6. Jet lag

  7. Giun xoắn

  8. Bệnh động mạch chủ

  9. Tắc sữa

  10. Hạ đường huyết tiểu đường