Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thế nào là bệnh tăng tiểu cầu? Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng tiểu cầu là tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu tăng hơn mức bình thường. Bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên khi biểu hiện triệu chứng thì thường bệnh đã nặng và gây biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bạn cần hiểu rõ và nắm được cách phòng ngừa cũng như những điều cần lưu ý khi mắc bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tăng tiểu cầu là gì?

Tăng tiểu cầu là tình trạng số lượng tiểu cầu trong máu của bạn tăng vượt quá mức cho phép. Khi số lượng tiểu cầu tăng, các cục máu đông trong máu dễ hình thành hơn ở trong lòng mạch, làm cản trở dòng chảy của máu khiến lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể giảm.

Hiện nay, người ta chia tăng tiểu cầu thành 2 loại gồm tăng tiểu cầu nguyên phát (còn gọi là tăng tiểu cầu tiên phát) và tăng tiểu cầu thứ phát.

Tăng tiểu cầu tiên phát là bệnh về máu hiếm gặp, đây là tình trạng tăng sản xuất tiểu cầu quá mức do các tế bào bất thường xâm nhập vào tủy xương.

Tăng tiểu cầu thứ phát là tình trạng số lượng tiểu cầu tăng lên do phản ứng đáp lại khi cơ thể bị tổn thương như chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật,… Tăng tiểu cầu nguyên phát ít phổ biến hơn tăng tiểu cầu thứ phát.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của tăng tiểu cầu

Tăng tiểu cầu tiên phát hoặc thứ phát thường biểu hiện triệu chứng không rõ ràng. Các triệu chứng của bệnh tăng tiểu cầu chủ yếu liên quan đến việc tăng nguy cơ hình thành cục máu đông (hay còn gọi là huyết khối) trong lòng mạch và tăng nguy cơ chảy máu của bạn.

Cục máu đông

Trong tăng tiểu cầu cục máu đông thường xuất hiện làm tắc mạch máu ở não và tay chân. Tuy nhiên, cục máu đông vẫn có thể làm tắc mạch ở những vị trí khác trong cơ thể.

Một số triệu chứng do cục máu đông gây tắc mạch biểu hiện gồm:

  • Lú lẫn hoặc nói khó;
  • Đau đầu;
  • Co giật;
  • Chóng mặt;
  • Ngất;
  • Đau ngực;
  • Đau bụng;
  • Lách to;
  • Đỏ, đau và nóng rát ở lòng bàn tay chân.

Chảy máu

Khi tiểu cầu trong máu tăng rất cao, bạn cũng có thể xuất hiện tình trạng chảy máu do lúc này cơ thể bạn tiêu thụ số lượng lớn tiểu cầu do đó số lượng tiểu cầu còn lại không đủ để kết tập lại bịt kín vết thương khi thành mạch máu bị tổn thương. Các dấu hiệu của chảy máu do tăng tiểu cầu gồm:

  • Dễ bị bầm tím;
  • Chảy máu mũi;
  • Chảy máu nướu, chảy máu răng;
  • Chảy máu nhiều dù bị thương nhẹ;
  • Đi phân có máu.
Thế nào là bệnh tăng tiểu cầu? Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng 4
Chảy máu là một trong những dấu hiệu của tăng tiểu cầu

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tăng tiểu cầu

Số lượng tiểu cầu trong máu tăng quá mức khiến cho việc hình thành cục máu đông trong lòng mạch máu dễ hơn, gây tình trạng tắc mạch từ đó cản trở sự lưu thông của máu. Lâu dần khi các cục máu đông ngày càng lớn sẽ khiến máu đi qua mạch máu khó khăn, do đó các cơ quan trong cơ thể sẽ không được cung cấp đủ máu.

Nếu huyết khối hình thành ở các mạch máu cung cấp máu cho các cơ quan như não, phổi, tim, gan sẽ gây nhiều biến chứng như đột quỵ, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim, hội chứng Budd-Chiari. Đây là những biến chứng nghiêm trọng gây nguy hiểm đến tính mạng của bạn.

Các triệu chứng thường gặp của đột quỵ như nhìn mờ, yếu hoặc tê ở mặt và tay chân, khó thở, nói khó; cơn co giật, lú lẫn,…

Các triệu chứng có thể gặp của nhồi máu cơ tim gồm da lạnh ẩm, đau ngực kéo dài vài phút, lan ra vai, cánh tay, lưng hoặc hàm; khó thở,…

Biến chứng hiếm gặp khác của tăng tiểu cầu như chảy máu mũi, bầm tím, chảy máu nướu, máu trong phân,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có một trong những triệu chứng dưới đây hãy gọi ngay cho cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay lập tức:

  • Cảm giác đau ngực lan lên vai, cánh tay, lưng hoặc hàm;
  • Triệu chứng nghi ngờ đột quỵ: Yếu, tê mặt hoặc tay chân, nói khó, mất thăng bằng, nhìn mờ;
  • Chảy máu nhiều không cầm được.

Những tình trạng nêu trên là tình trạng cấp cứu y tế và bạn cần được điều trị ngay lập tức nếu không muốn gặp nguy hiểm tính mạng.

Thế nào là bệnh tăng tiểu cầu? Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng 5
Cần gặp bác sĩ ngay khi xuất hiện tình trạng đau ngực lan lên vai, cánh tay, lưng hoặc hàm

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến tăng tiểu cầu

Nguyên nhân dẫn đến tăng tiểu cầu được chia thành 2 nhóm dựa vào nguyên phát hay thứ phát.

Tăng tiểu cầu nguyên phát

Tăng tiểu cầu nguyên phát là rối loạn máu do rối loạn tại tủy xương. Dạng này thường hiếm gặp. Nguyên nhân trực tiếp gây ra tăng tiểu cầu nguyên phát hiện nay vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy tăng tiểu cầu nguyên phát có liên quan đến đột biến gen JAK2.

Tăng tiểu cầu thứ phát

Nguyên nhân gây tăng tiểu cầu thứ phát thường do một bệnh lý khác gây ra, là phản ứng của cơ thể trước một tình trạng tổn thương trong cơ thể. Các bệnh lý có thể gây ra tăng tiểu cầu thứ phát gồm:

  • Thiếu máu: Thiếu máu do thiếu sắt và thiếu máu tán huyết có thể gây tăng tiểu cầu.
  • Bệnh gây rối loạn máu;
  • Nhiễm trùng;
  • Chấn thương;
  • Các tình trạng viêm nhiễm;
  • Phẫu thuật, nhất là phẫu thuật ở vùng bụng;
  • Phẫu thuật cắt bỏ lách hoặc chấn thương lách: Lách là cơ quan dự trữ tiểu cầu, do đó khi cắt lách sẽ làm tăng số lượng tiểu cầu.
  • Suy thận;
  • Thuốc;
  • Ung thư: Thường gặp ở ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư hạch,…

Ngoài ra, số lượng tiểu cầu có thể tăng thoáng qua trong thời gian ngắn trong thời gian phục hồi sau mất máu nhiều, phục hồi sau uống nhiều rượu và có lượng vitamin B12 hoặc Vitamin B9 thấp, nhiễm trùng hoặc viêm cấp tính.

Nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng tiểu cầu

Khi bạn có một hoặc nhiều yếu tố dưới đây thì bạn có nguy cơ mắc bệnh tăng tiểu cầu nhiều hơn những người khác, bao gồm:

  • Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai;
  • Tuổi: Tăng tiểu cầu phổ biến ở những người từ 50 đến 70 tuổi do nguy cơ hình thành huyết khối cao hơn khi bạn lớn tuổi;
  • Tiền sử từng có huyết khối;
  • Hút thuốc lá;
  • Đái tháo đường;
  • Tăng huyết áp.
Thế nào là bệnh tăng tiểu cầu? Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng 6
Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng tiểu cầu

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán tăng tiểu cầu

Để chẩn đoán bạn mắc bệnh tăng tiểu cầu nguyên phát hay thứ phát, bác sĩ sẽ khai thác về tiền sử bệnh và thuốc hiện đang dùng của bạn cũng như các cuộc phẫu thuật và truyền máu bạn từng trải qua. Bác sĩ cũng sẽ hỏi và khám thêm về dấu hiệu chảy máu hoặc dấu hiệu có cục máu đông.

Để chẩn đoán bệnh tăng tiểu cầu cũng như xác định nguyên nhân gây ra và biến chứng đã xảy ra chưa, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện một số xét nghiệm sau:

  • Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi: Nhằm xác định số lượng tiểu cầu giúp xác định chẩn đoán.
  • Xét nghiệm đông máu.
  • Phết máu ngoại biên: Đối với tăng tiểu cầu nguyên phát kết quả phết máu thường sẽ thấy bất thường của tiểu cầu, khác với tăng tiểu cầu thứ phát thì tiểu cầu vẫn bình thường.
  • Xét nghiệm tủy đồ.
  • Xét nghiệm di truyền: Để xác định xem bạn có yếu tố di truyền gây ra tăng tiểu cầu hay không.
  • Các xét nghiệm tầm soát ung thư.
  • Xét nghiệm chức năng gan, thận.
  • Các xét nghiệm hình ảnh học: Siêu âm bụng, siêu âm tim, CT-scan phổi, CT-scan hoặc MRI não,...

Nếu bác sĩ không tìm ra nguyên nhân gây tăng tiểu cầu thì bạn có thể được chẩn đoán là mắc tăng tiểu cầu tiên phát.

Phương pháp điều trị tăng tiểu cầu

Sau khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp cho bạn dựa trên nguyên nhân gây ra và biến chứng có xảy ra chưa.

Đối với tăng tiểu cầu nguyên phát

Nếu việc tăng tiểu cầu không gây ra triệu chứng nào kể trên và bạn không có yếu tố nguy cơ nào thì bạn có thể không cần điều trị ngay lúc này. Khi đó, bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn một cách chặt chẽ. Điều trị có thể được khuyến cáo nếu bạn có một trong những tình trạng sau:

  • Người cao tuổi, trên 60 tuổi;
  • Hút thuốc lá;
  • Mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh tim mạch;
  • Có tiền sử chảy máu hoặc huyết khối.

Các phương pháp điều trị được khuyến cáo cho người bệnh tăng tiểu cầu:

  • Aspirin liều thấp giúp giảm tình trạng đông máu;
  • Thuốc giảm nguy cơ đông máu hoặc giảm sản xuất tiểu cầu trong tủy xương;
  • Lọc bỏ tiểu cầu: Phương pháp này thường được sử dụng trong tình trạng khẩn cấp cần loại bỏ số lượng lớn tiểu cầu như đột quỵ do tăng tiểu cầu.

Đối với tăng tiểu cầu thứ phát

Điều trị tăng tiểu cầu thứ phát phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bạn được chẩn đoán tăng tiểu cầu thứ phát do một nguyên nhân nào đó thì bạn không cần sử dụng thuốc hay thủ thuật để điều trị, vì tiểu cầu của bạn bình thường. Điều trị đối với trường hợp này sẽ là điều trị bệnh gây ra tăng tiểu cầu. Khi nguyên nhân được kiểm soát ổn, số lượng tiểu cầu của bạn sẽ trở lại mức bình thường.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến đến biến chứng của tăng tiểu cầu

Chế độ sinh hoạt:

Khi bạn được chẩn đoán tăng tiểu cầu, bạn cần chú ý một số điều dưới đây:

  • Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, tái khám định kỳ;
  • Tập thể dục thường xuyên như đi bộ, bơi lội; tránh các môn thể thao va chạm mạnh;
  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Duy trì cân nặng của bạn ở mức bình thường.

Chế độ dinh dưỡng:

Nếu bạn không mắc bệnh nào khác, hãy bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nếu bạn đang mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol,… hoặc những bệnh lý có nguy cơ cao làm xuất hiện cục máu đông cần chú ý chế độ ăn phù hợp và lành mạnh.

Thế nào là bệnh tăng tiểu cầu? Nguyên nhân, triệu chứng và biến chứng 7
Người bệnh tăng tiểu cầu cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Phương pháp phòng ngừa tăng tiểu cầu hiệu quả

Hiện nay chưa có phương pháp phòng ngừa tăng tiểu cầu nguyên phát. Những lời khuyên được bác sĩ đưa ra giúp bạn giảm nguy cơ tiến triển đến biến chứng nghiêm trọng:

  • Kiểm soát huyết áp, mỡ máu, đường huyết nhằm giảm nguy cơ huyết khối;
  • Tập thể dục đều đặn;
  • Chế độ ăn nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt;
  • Ngưng hút thuốc lá;
  • Báo với bác sĩ điều trị nếu bạn cần thực hiện thủ thuật hoặc phẫu thuật hoặc kê các loại thuốc làm tăng tiểu cầu.
Nguồn tham khảo
  1. What Does It Mean If Your Platelet Count Is High?: https://www.medicinenet.com/what_does_it_mean_if_your_platelet_count_is_high/article.htm
  2. What to Know About Platelet Count: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-to-know-mean-platelet-volume-tests#1-1
  3. Primary Thrombocythemia: https://www.healthline.com/health/primary-thrombocythemia
  4. Thrombocythemia and Thrombocytosis: https://www.nhlbi.nih.gov/health/thrombocythemia-thrombocytosis
  5. High Platelets Count – Everything You Need to Know: https://hematologybmt.com/high-platelets-count-everything-you-need-to-know/

Các bệnh liên quan