Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nám nội tiết là gì? Điều trị và phòng ngừa ra sao?

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nám nội tiết là tình trạng da sẫm màu thường gặp trên da mặt và phổ biến ở phụ nữ. Bệnh xảy ra do tình trạng rối loạn nội tiết bên trong cơ thể và không gây nguy hiểm đến sức khỏe của người mắc bệnh. Bệnh có thể bị nhầm lẫn với một số tình trạng da khác, do đó khi nhận thấy xuất hiện mảng sẫm màu bất thường, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nám nội tiết là gì?

Nám là các mảng da sẫm màu hơn so với màu da bình thường của bạn. Nám da là một vấn đề về da phổ biến hiện nay. Tình trạng này thường gặp ở nữ giới hơn so với nam giới. Theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ, khoảng 90% dân số mắc nám là nữ giới.

Nám nội tiết là bệnh lý xảy ra do rối loạn nội tiết dẫn đến mất cân bằng các hormone trong cơ thể, từ đó làm xuất hiện các mảng tăng sắc tố trên da. Hormone chủ yếu gây bệnh là estrogen. Estrogen giúp kiểm soát hormone MSH (Melanocyte Stimulating Hormone) - một hormone kích thích sản sinh melanin dưới da. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể giảm, không đủ để ức chế hormone MSH thì các tế bào hắc sắc tố melanin sẽ được sản xuất nhiều hơn và tập trung tại bề mặt da, từ đó hình thành nám.

Nám nội tiết tương tự nám da, có các mảng tăng sắc tố tập trung thành từng nốt tròn trên bề mặt của da, ăn sâu vào lớp thượng bì của màng đáy.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nám nội tiết

Nám nội tiết gây ra các mảng đổi màu trên da của bạn. Các mảng da sẫm màu hơn màu da bình thường, kích thước các nốt nám không đều nhau và hình thành xen lẫn trên vùng da. Thường xuất hiện trên mặt như má, trán, cằm, sống mũi và đối xứng hai bên.

Tùy thuộc vào mức độ rối loạn nội tiết bên trong cơ thể mà mức độ biểu hiện của nám trên da sẽ khác nhau. Một số dấu hiệu đi kèm của tình trạng rối loạn nội tiết như:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt.
  • Cổ tử cung và âm đạo giảm tiết chất nhầy, khô và có thể cảm thấy đau khi quan hệ tình dục.
  • Xuất hiện tình trạng lão hóa ở da như mất đàn hồi, nhăn, sạm.
  • Có các triệu chứng như lo lắng, buồn bực, bốc hỏa, thay đổi tính tình,...

Tác động của nám nội tiết đối với sức khỏe

Nám nội tiết chỉ gây ra những mảng sẫm màu trên mặt, không gây tổn hại gì đến sức khỏe, nhưng lại gây tác động khiến bạn mất tự tin khi đứng trước những người khác, khiến dễ bị trầm cảm hơn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi bạn thấy mình có những mảng sẫm màu trên da mặt, cổ hoặc cẳng tay, hãy đến khám bác sĩ da liễu để được tư vấn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nám nội tiết

Có nhiều lý do có thể gây nám nội tiết:

  • Mang thai: Cơ chế chính xác của việc mang thai gây nám da vẫn chưa được hiểu rõ. Khi mang thai có tình trạng tăng nồng độ estrogen, progesterone và hormone MSH trong tháng thứ 3 của thai kỳ.
  • Điều trị liệu pháp hormone thay thế và sử dụng thuốc tránh thai: Nám da được quan sát thấy xuất hiện ở những người sử dụng thuốc có chứa estrogen và progesterone. Phụ nữ sau mãn kinh được điều trị bằng progesterone cũng được phát triển thành nám da.
  • Stress: Nguyên nhân này hiện nay vẫn còn gây tranh cãi, nhưng một số kết quả nghiên cứu cho thấy khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ sản xuất ra nhiều hormone cortisol và gây ra nám.
  • Rối loạn kinh nguyệt cũng có thể gây ra nám nội tiết.
Nám nội tiết là gì? Điều trị và phòng ngừa ra sao? 4
Mang thai là một nguyên nhân gây nám nội tiết

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc nám nội tiết?

  • Những người có làn da sẫm màu có nguy cơ mắc nám nội tiết cao hơn có làn da trắng.
  • Nữ giới có nguy cơ mắc nám nội tiết gấp 9 lần so với nam giới.
  • Nữ giới từ 20 đến 40 tuổi thường gặp nám nội tiết hơn, cho thấy nội tiết tố đóng vai trò trong việc gây ra nám.
  • Những người đang có tình trạng rối loạn nội tiết tố.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nám nội tiết

Bác sĩ sẽ khám da nơi có những thay đổi bất thường có thể đủ để giúp chẩn đoán nám da. Để có thể chẩn đoán chắc chắn nám da này là nám nội tiết và nguyên nhân gây ra nó, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm một số xét nghiệm.

Soi da bằng đèn Wood: Đây là loại đèn được sử dụng nhiều để chẩn đoán các bệnh lý da liễu. Đèn sẽ phát ra ánh sáng UV sóng dài, bác sĩ sẽ chiếu đèn vào làn da của bạn để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, cũng như xác định mức độ tổn thương của nám đến lớp da nào.

Sinh thiết da: Nám da đôi khi giống hoặc có thể bị nhầm lẫn với ung thư da hoặc tăng sắc tố do thuốc gây ra hoặc lichen phẳng,.... Nếu nghi ngờ, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết da, tức là lấy một mảnh da nhỏ của bạn và kiểm tra.

Phương pháp điều trị nám nội tiết hiệu quả

Nám nội tiết xảy ra do thay đổi nội tiết tố bên trong cơ thể, do đó cần điều trị từ bên trong, giúp cân bằng lại nội tiết tố. Một số trường hợp điều trị hiệu quả, cân bằng nội tiết được lập lại thì tình trạng nám sẽ thoái lui dần như nám do thai kỳ. Ngoài ra, nhiều biện pháp khác giúp điều trị triệu chứng nám da của người bệnh cũng thường được sử dụng. Cần sự kết hợp cả bác sĩ nội tiết và bác sĩ da liễu để điều trị hiệu quả bệnh này.

Chống nắng

Quan trọng nhất của điều trị nám là đảm bảo cho nám không tiến triển nặng lên. Các phương pháp được khuyến cáo bao gồm tránh ánh nắng mặt trời, bôi kem chống nắng mỗi ngày, đội mũ rộng vành,...

Bôi thuốc

Thuốc bôi là phương pháp được chỉ định giúp tình trạng nám da cải thiện bằng cách ngăn ngừa hình thành sắc tố mới thông qua việc ngăn chặn sự hình thành melanin. 

Nám nội tiết là gì? Điều trị và phòng ngừa ra sao? 6
Thuốc bôi là lựa chọn điều trị giúp cải thiện tình trạng da

Một số thuốc bôi điều trị nám nội tiết được chỉ định hiện nay tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và tình trạng da của người bệnh:

  • Hydroquinone: Đây là thuốc được chỉ định để điều trị nám phổ biến, có tác dụng làm đều màu da. Thuốc thường được dùng dưới dạng kem bôi hoặc kem dưỡng da. Thuốc tác động lên các mảng nám vào ban đêm và được sử dụng trong 2 đến 4 tháng.
  • Tretinoin và corticosteroid mức độ nhẹ: Thuốc bôi này giúp làm mờ màu do nám gây ra. Nó cũng có thể làm giảm tình trạng viêm da có thể gặp do tác nhân khác. Tuy nhiên, khi sử dụng cần sự giám sát của bác sĩ vì bôi thuốc lâu dài sẽ làm mỏng da.
  • Thuốc bôi kết hợp tretinoin - corticosteroid - hydroquinone: Tăng tác dụng làm mờ màu da và kháng viêm, thuốc bôi này có tác động nhanh trên da nhưng cần được theo dõi bởi bác sĩ và không sử dụng trong thời gian dài.
  • Axit Tranexamic: Có tác dụng làm mờ nám do ức chế tổng hợp melanin khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, thuốc có dạng bôi trên da hoặc tiêm hoặc thuốc uống.
  • Ascorbic acid (vitamin C), azelaic acid hoặc kojic acid: Có thể được bôi bổ sung nhằm giúp làm sáng màu da vùng nám.

Ngoài ra, một số dưỡng chất khác cũng đang được nghiên cứu để cải thiện nám da gồm arbutin (ức chế và giảm sản xuất melanin), glutathione, chiết xuất cam thảo, chiết xuất đậu nành,...

Thủ thuật

Một số thủ thuật sau có thể mang lại hiệu quả:

  • Peel da: Là một phương pháp giúp lột lớp da bằng hóa chất, giúp loại bỏ sắc tố dư thừa. Tuy nhiên, không nên lạm dụng peel da quá nhiều khi bị nám da.
  • Lăn kim: Tạo các tổn thương nhỏ trên da, khi lành sẽ khiến da đều màu lại.
  • Laser: Laser kết hợp với bôi thuốc giúp ức chế sản xuất melanin, kích thích phát triển tế bào mới khỏe mạnh, từ đó bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời và cải thiện màu da.
Nám nội tiết là gì? Điều trị và phòng ngừa ra sao? 5
Laser là một thủ thuật bạn có thể lựa chọn để điều trị

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nám nội tiết

Chế độ sinh hoạt:

  • Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và che chắn kỹ khi ra ngoài.
  • Bôi kem chống nắng với SPF 30 mỗi ngày dù ở trong nhà.
  • Đội mũ rộng vành hoặc sử dụng dù để che chắn cho khuôn mặt.
  • Ngủ đủ giấc giúp cơ thể được hồi phục sau khi hoạt động một ngày và giúp cân bằng nồng độ nội tiết tố.
  • Giữ tinh thần thoải mái và tránh căng thẳng.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê,...

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung thực phẩm chứa vitamin D giúp giữ cho làn da của bạn khoẻ mạnh như trong thịt, ngũ cốc, cá béo và trứng.
  • Bổ sung thực phẩm có chứa estrogen như đậu nành, hạn chế sử dụng estrogen tổng hợp vì tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Bổ sung omega-3 có ở dầu dừa, bơ, cá hồi, hạt chia,... giúp cải thiện tình trạng nám.
  • Hạn chế dầu thực vật như dầu hướng dương, dầu đậu phộng,...

Phương pháp phòng ngừa nám nội tiết hiệu quả

Một số biện pháp giúp ngừa nám nội tiết:

  • Tránh tiếp xúc ánh nắng; nếu cần thì nên bôi kem chống nắng, mặc áo tay dài, quần dài và mũ rộng vành.
  • Giữ tinh thần thoải mái và lạc quan.
  • Hạn chế căng thẳng.
  • Bổ sung đầy dưỡng chất, nhất là các thực phẩm bổ sung estrogen, omega-3 như đậu nành và các thực phẩm làm từ đậu nành.
  • Hạn chế cản sản phẩm gây stress cho cơ thể như đường, chất béo động vật, thức ăn chế biến sẵn,...
  • Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, cà phê,...
  • Ngủ sâu, ngủ đủ giấc giúp hồi phục cơ thể sau một ngày làm việc.
Nám nội tiết là gì? Điều trị và phòng ngừa ra sao? 7
Đội mũ rộng vành và bôi kem chống nắng khi ra đường
Nguồn tham khảo
  • Understanding Melasma: https://www.healthline.com/health/melasma
  • Melasma: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459271/
  • Melasma: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21454-melasma
  • MELASMA: DIAGNOSIS AND TREATMENT: https://www.aad.org/public/diseases/a-z/melasma-treatment
  • What is melasma?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/323715

Các bệnh liên quan

  1. Mụn lưng

  2. Viêm da

  3. Da khô

  4. Chàm

  5. Lichen nitidus

  6. Rạn da

  7. Dày sừng nang lông

  8. Chân tay lạnh

  9. Chàm môi

  10. Dị ứng thực phẩm