Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nấm da đầu là gì? Cách ngừa nấm da đầu hiệu quả

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nấm da đầu là tình trạng da đầu bị nhiễm nấm, xuất hiện các mảng bong tróc giống như gàu, gây ngứa, rụng tóc và nhiễm trùng ở vùng da đầu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nấm da đầu là gì? 

Nấm da đầu là bệnh nhiễm trùng nấm Dermatophyte ở da đầu. Một số nguyên nhân chính gây nấm da đầu ở Mỹ như Trichophyton tonsurans, Microsporum canisM. audouinii; Trichophyton sp. (T. schoenleinii, T. violaceum) phổ biến ở nơi khác. Nghiên cứu ở Việt nam cho thấy nguyên nhân thường là nấm M. canis.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nấm da đầu

Nấm da đầu biểu hiện bởi các mảng tròn có vảy da khô, gàu, mụn mủ lan tỏa và rụng tóc. Hình thái của các vùng nhiễm nấm có thể phân biệt như sau:

  • Nhiễm T. tonsurans làm cho tóc bị gãy ngay bề mặt da đầu nên xuất hiện các chấm đen.

  • Nhiễm M. audouinii dẫn đến biểu hiện các mảng tròn, màu xám, tóc bị gãy rụng. 

  • Nhiễm trùng do Dermatophyte gây sự hình thành kerion (nấm tóc gây thâm nhiễm và mưng mủ), là một khối da bị sưng và viêm, gây ra bởi phản ứng viêm nặng với nấm dermatophyte. Kerion có kèm mụn mủ và vảy tiết dễ bị nhầm lẫn với áp xe, ngoài ra có thể gây rụng tóc.

Tác động của nấm da đầu đối với sức khỏe 

Một số trường hợp có thể gây rụng tóc vĩnh viễn, gây sẹo.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nấm da đầu 

Trường hợp nhiễm nấm nặng hoặc bệnh nhân suy giảm miễn dịch, nấm có thể xâm nhập sâu dẫn đến hậu quả nhiễm nấm huyết hoặc nội tạng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nấm da đầu

Nấm da đầu có thể mắc phải do lây truyền từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nấm da đầu?

Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm nấm da đầu nhiều hơn người lớn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nấm da đầu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nấm da đầu, bao gồm:

  • Vệ sinh da đầu không đúng cách.

  • Tiếp xúc với người bị nhiễm nấm da đầu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nấm da đầu

Chẩn đoán chung gồm có:

Biểu hiện lâm sàng:

  • Biểu hiện nhẹ tương tự như viêm da đầu (thường do T. tonsurans).

  • Biểu hiện nghiêm trọng hơn là xuất hiện mụn mủ nặng, rụng tóc (gọi là kerion (tầng ong)) có hoặc không kèm vảy da đầu. Tóc ở vùng bị nhiễm nấm có thể mọc lại, nhưng khi tổn thương kéo dài và không điều trị có thể để lại sẹo và gây rụng tóc vĩnh viễn.

  • Các phản ứng quá mức của cơ thể như mảng mủ, ướt, có hình thành các ổ áp xe nhỏ. 

  • Một số người bị nhiễm nấm da đầu có triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sưng hạch. 

Nhiễm nấm T. tonsurans không có biểu hiện lâm sàng nhưng có thể xác định bằng phương pháp nuôi cấy nấm.

Biểu hiện của nhiễm nấm Dermatophytes gồm có dạng nội sợi, dạng ngoại sợi và dạng favus:

  • Dạng nội sợi: Nguyên nhân thường do T. tonsuransT. Violaceum, đặc trưng bởi các lớp vảy da, tóc rụng thành mảng, có các chấm đen, hình thành kerion.

  • Dạng ngoại sợi: Đặc điểm lâm sàng là sự bong tróc vảy da đầu kèm mảng rụng tóc có viêm, hình thành kerion (do lớp biểu bì bên ngoài sợi tóc bị phá hủy). Nhiễm nấm ngoại sợi có thể xác định bằng phương pháp soi đèn Wood, Microsporum bắt màu huỳnh quang còn MicrosporumTrichophyton thì không bắt màu huỳnh quang.

  • Dạng Favus (trường hợp nặng nhất của nhiễm nấm Dermatophyte ở tóc): Nguyên nhân chủ yếu là do T. Schoenleinii với hình thái mảng vảy tiết màu vàng, mảng dày có chứa sợi kèm da chết bong tróc. Khi xác định bằng phương pháp soi đèn Wood có thể thấy ánh sáng huỳnh quang màu trắng hơi xanh da trời.

Cận lâm sàng:

  • Phương pháp soi tươi trong dung dịch kiềm (KOH): Soi tươi trực tiếp mẫu bệnh phẩm (mảng vảy da, tóc) trong dung dịch KOH nồng độ 10-20%. Trên tiêu bản soi tươi trực tiếp thấy hình ảnh sợi nấm chia đốt và phân nhánh.

  • Nuôi cấy mẫu trong phòng thí nghiệm (môi trường nuôi cấy là Sabouraud): Thời gian nuôi cấy để kết luận dương tính là 7-14 ngày và để kết luận âm tính là 21 ngày.

  • Mô bệnh học: Sinh thiết thường ít được dùng trong chẩn đoán nấm nông.

  • Dùng phương pháp soi dưới ánh sáng đèn Wood.

Chẩn đoán phân biệt gồm:

  • Nấm tóc Piedra: Xuất hiện chấy, tóc bị gãy, tóc dạng nốt, có nhiễm nấm Trichomycosis axillaris, rận mu.

  • Nấm đầu: Viêm da đầu, rụng tóc theo mảng, tật nhổ tóc, vảy nến, viêm da mủ, viêm nang lông, lichen phẳng, lupus đỏ dạng đĩa, viêm nang lông.

Phương pháp điều trị nấm da đầu hiệu quả

Nguyên tắc chung:

  • Cắt tóc ngắn.

  • Gội đầu bằng các dung dịch sát khuẩn và chống nấm.

  • Sử dụng thuốc chống nấm thận trọng và theo dõi kỹ.

  • Điều trị các nhiễm khuẩn kèm theo.

Điều trị cụ thể:

  • Thuốc chống nấm đường uống: Fluconazol, Griseofulvin, Itraconazol, Terbinafin.

  • Dầu gội Selenium sulfide.

  • Prednisone (nếu cần).

Trẻ em:

  • Điều trị bằng hỗn dịch Griseofulvin micronized 10 đến 20 mg/kg, uống, 1 lần/ngày (liều tối đa thường là 1 g/ngày). 

  • Nếu trẻ trên 2 tuổi, Griseofulvin liều 5 đến 10 mg/kg (tối đa 750 mg/ngày), uống, một lần/ ngày hoặc chia 2 lần, uống cùng bữa ăn hoặc sữa trong 4 đến 6 tuần hoặc cho đến khi tất cả các dấu hiệu nhiễm trùng đã hết. Có thể dùng Terbinafine

  • Với trẻ dưới 20 kg uống Terbinafine 62,5 mg/lần/ngày.

  • Trẻ từ 20 đến 40 kg uống 125 mg/lần/ngày.

  • Trẻ trên 40 kg, uống 250 mg/lần/ ngày.

  • Kem bôi da đầu Imidazole hoặc Ciclopirox giúp ngăn ngừa tổn thương phát triển, đặc biệt phòng lây cho các trẻ khác.

  • Dầu gội chứa Selenium sulfide 2,5% dùng ít nhất hai lần/tuần. 

Người lớn:

  • Terbinafine uống 250 mg/lần/ngày trong 2 đến 4 tuần.

  • Hoặc Itraconazole uống 200 mg/lần/ngày trong 2 đến 4 tuần hoặc 200 mg uống 2 lần/ngày trong 1 tuần, tiếp theo là 3 tuần không dùng thuốc trong 2 đến 3 tháng.

  • Đối với những tổn thương viêm nặng và đối với kerion, kết hợp uống prednisone ngắn ngày để giảm triệu chứng và giảm nguy cơ sẹo, bắt đầu với liều uống 40 mg/lần/ngày (1 mg/kg ở trẻ em) và giảm dần liều mỗi 2 tuần.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nấm da đầu

Chế độ sinh hoạt:

  • Không tiếp xúc với nguồn lây nhiễm như người bị nhiễm nấm da đầu hoặc động vật.

  • Giữ vệ sinh tóc sạch sẽ, hạn chế gội đầu ban đêm và đi ngủ khi tóc còn ướt.

  • Giữ khô tóc, da đầu.

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ từ các bữa ăn.

Phương pháp phòng ngừa nấm da đầu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh tóc thường xuyên.

  • Hạn chế gội đầu vào ban đêm.

  • Giữ khô tóc.

  • Hạn chế trẻ nhỏ chơi với súc vật.

Nguồn tham khảo
  1. MSDmanual: https://www.msdmanuals.com/

  2. https://www.sahealth.sa.gov.au/

  3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, Bộ Y Tế, 2015

Các bệnh liên quan

  1. Tổ đỉa

  2. Lichen nitidus

  3. Á sừng

  4. Da bọng nước tự miễn Pemphigus

  5. Sẹo rỗ

  6. Bạch biến

  7. Giời leo

  8. Dày sừng nang lông

  9. U sùi thể nấm

  10. Lupus ban đỏ