Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm quanh móng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa viêm quanh móng

Ngày 26/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm quanh móng là một bệnh da liễu khá phổ biến mà nhiều người mắc phải. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu xuất phát từ thói quen vệ sinh móng tay, móng chân hay vùng da bao quanh móng chưa được sạch sẽ. Bệnh này không gây nguy hiểm, tuy nhiên, nếu để bệnh phát triển trong thời gian dài mà không can thiệp điều trị thì nó có thể chuyển thành mãn tính và gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt cuộc sống của bệnh nhân.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm quanh móng là gì?

Viêm quanh móng là tình trạng viêm móng xảy ra ở vùng da xung quanh móng tay hoặc móng chân do chấn thương, kích ứng hoặc nhiễm trùng. Viêm quanh móng phát triển khi vi khuẩn xâm nhập vào vùng da bị tổn thương gần nếp gấp của móng tay (móng chân) và lớp biểu bì, gây nhiễm trùng. 

Bệnh có thể xuất hiện đột ngột (cấp tính) hoặc xảy ra trong một thời gian dài mà không khỏi (mãn tính). Viêm quanh móng nếu không được điều trị sẽ xuất hiện các loại mụn ở nơi bị viêm như mụn mủ, mụn nhọt và hình thành vết loét.

Ngoài ra, tình trạng nhiễm trùng có thể tái phát hoặc các triệu chứng thường kéo dài trong vài tuần thậm chí là vài tháng. Bệnh viêm quanh móng mãn tính thường xảy ra khi bị kích ứng do phơi nhiễm môi trường, trong nghề nghiệp hoặc do vi khuẩn, nấm gây ra. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm quanh móng

Khi có vết thương hở hoặc những vết trầy xước ở vùng da quanh móng, nếu không xử lý kịp thời sẽ tạo điều kiện cho một số loại vi khuẩn, virus và nấm như Staphylococcus, Streptococcus, Candida có cơ hội xâm nhập và tấn công vào vết thương, từ đó gây ra tình trạng viêm quanh móng.

Khi bị viêm quanh móng, nơi bị viêm nhiễm có thể xuất hiện một số tình trạng như:

  • Sưng tấy ở móng chân hoặc móng tay, đồng thời có cảm giác khó chịu hoặc đau rát. Đây là biểu hiện khi mới bị bệnh, nếu người bệnh xử lý kịp thời và đúng cách thì bệnh sẽ hết. Nếu chủ quan kéo dài bệnh sẽ tiến triển nặng hơn.
  • Vùng da quanh móng tay hoặc móng chân có biểu hiện bị biến dạng, da bị nhô lên hay sần sùi thay vì bằng phẳng như bình thường, kèm theo tình trạng tróc da hoặc nguy cơ bị bung móng.
  • Màu sắc của móng chân, móng tay bị thay đổi thành màu xám đậm hoặc chuyển sang màu đen.
  • Cảm thấy đau và khó chịu khi chạm vào vùng da bị viêm quanh móng.
  • Tình trạng nặng có thể xuất hiện mụn mủ và lây lan sang vùng da gần đó gây ra tình trạng viêm nhiễm.
Viêm quanh móng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa viêm quanh móng 4
Viêm quanh móng gây sưng tấy, mưng mủ vùng da quanh móng

Tác động của viêm quanh móng đối với sức khỏe

Nhiều người có tâm lý chủ quan khi bị mắc bệnh viêm quanh móng. Tuy nhiên, bệnh nhân thường không biết đến những hậu quả có thể xảy ra khi để tình trạng viêm kéo dài. Một số những ảnh hưởng có thể kể đến là:

  • Viêm quanh móng khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong cuộc sống: Nơi bị viêm nhiễm thường bị sưng to, mọc mủ gây ra sự khó chịu và đau nhức cho người bệnh. Nếu có va chạm trong vùng da sẽ khiến người bệnh đau hơn, đồng thời cũng gặp phiền toái trong việc di chuyển hoặc bưng bê đồ vật có trọng lượng lớn.
  • Bệnh nhân thường tự ti trong việc giao tiếp: Viêm quanh móng gây mất thẩm mỹ cho vùng da quanh móng và móng tay khiến cho người bệnh có xu hướng ngại giao tiếp với người khác.
  • Tình trạng lây lan giữa người bị bệnh và không bị bệnh có thể xảy ra: Dùng chung đồ cá với người bệnh như khăn lau tay, lau chân, bấm móng tay, găng tay, dép… khả năng bị lây viêm quanh móng là rất lớn. Do đó không nên dùng chung đồ cá nhân với người bị viêm quanh móng. 

Biến chứng có thể gặp phải khi bị viêm quanh móng

Viêm quanh móng thường gặp ở dạng cấp tính, nhưng trong trường hợp kéo dài, bệnh có thể chuyển sang mãn tính. 

Tình trạng mãn tính thường xảy ra trong một khoảng thời gian dài gây ra nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Khi đó, dưới sự tấn công của các loại vi khuẩn và nấm sẽ khiến những mụn mủ xuất hiện và chuyển biến nghiêm trọng, làm cho việc điều trị bệnh trở nên khó khăn. Viêm quanh móng là bệnh ngoài da khá phổ biến, tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp tình trạng khó chịu nhiều ở móng chân hoặc móng tay, có vết mủ hay vết sưng đỏ ngày càng lan rộng, đồng thời có những dấu hiệu nghi ngờ về viêm quanh móng, bạn nên gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh và giảm nguy cơ gặp phải biến chứng nếu có.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm quanh móng

Viêm quanh móng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, một số nguyên nhân phổ biến thường gặp là:

  • Nguyên nhân do vết thương hở hoặc vết trầy xước ở vùng da quanh móng: Vết thương không được xử lý và vệ sinh sạch sẽ rất dễ bị nhiễm khuẩn gây viêm nhiễm hoặc viêm quanh móng.
  • Ở nữ giới, việc làm móng và sử dụng các loại sơn móng tay là nguyên nhân gây ra sự tổn thương và tình trạng viêm quanh móng do chúng có thành phần acrylic - một chất độc hại có khả năng làm gãy móng tự nhiên. 
  • Trẻ em có thói quen mút ngón tay. 
  • Tình trạng móng mọc ngược.
  • Da bị kích ứng, dị ứng do hóa chất hoặc nước.
  • Một số loại thuốc có thể gây ra tình trạng viêm quanh móng như retinoids, thuốc điều trị HIV, thuốc chống ung thư và một vài loại thuốc kháng sinh. 

Nguy cơ

Những ai nguy cơ mắc phải viêm quanh móng?

Viêm quanh móng là tình trạng viêm da khá phổ biến và nó có thể xảy ra ở bất kỳ ai không phân biệt độ tuổi và giới tính. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh xảy ra ở nữ giới thường cao hơn. 

Đặc biệt, những người thường xuyên tiếp xúc với các chất tẩy rửa như giặt là, rửa bát, pha chế… là những đối tượng cao dễ bị viêm quanh móng. Bên cạnh đó, những người có tiền sử bị nấm móng tay hoặc bị bệnh tiểu đường cũng dễ bị viêm quanh móng. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm quanh móng

Một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh viêm quanh móng bao gồm:

  • Vết thương hở ở kẽ móng;
  • Nguồn nước chứa hóa chất;
  • Sơn móng tay;
  • Bệnh nấm móng hoặc tiểu đường...
Viêm quanh móng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa viêm quanh móng 5
Sơn móng tay làm tăng nguy cơ bị viêm quanh móng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm quanh móng

Để chẩn đoán tình trạng viêm quanh móng, bác sĩ sẽ kiểm tra và quan sát móng tay hoặc móng chân của bệnh nhân. Bên cạnh đó, dịch mủ lấy từ ổ viêm của bệnh nhân cũng được bác sĩ dùng để làm xét nghiệm. Dựa vào chẩn đoán lâm sàng và kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra kết quả về mức độ viêm, loại nấm hoặc vi khuẩn gây ra viêm quanh móng.

Điều trị viêm quanh móng

Sau khi đã có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị cho tình trạng bệnh của bệnh nhân. 

Nếu tình trạng viêm ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể thực hiện điều trị viêm quanh móng tại nhà. Ngâm vùng bị nhiễm bệnh vào nước ấm khoảng 15 phút, thực hiện 3 - 4 lần trong ngày. Rửa sạch tay hoặc chân bị viêm quanh móng, sau đó ngâm nước, điều này giúp cho mủ viêm dưới da có thể chảy ra ngoài trong quá trình ngâm. 

Các phác đồ điều trị được đưa ra với tình trạng viêm quanh móng do vi khuẩn gây nên, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị triệu chứng sưng và viêm. Để điều trị bệnh hiệu quả hơn, bệnh nhân nên sử dụng thuốc và đồng thời ngâm tay, chân bị bệnh bằng nước nóng. Nếu mụn mủ xuất hiện nhiều ở quanh móng bị viêm, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định hút dịch mủ để giảm triệu chứng của viêm.

Trong trường hợp bị viêm quanh móng nguyên nhân do vi nấm gây ra thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc kháng nấm. Ngoài sử dụng thuốc đường uống (dùng toàn thân) thì bệnh nhân cũng có thể phối hợp sử dụng thuốc bôi để tình trạng viêm nhanh chóng thuyên giảm. 

Viêm quanh móng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa viêm quanh móng 6
Phối hợp với thuốc bôi trị viêm quanh móng do vi nấm gây ra

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm quanh móng

Chế độ sinh hoạt:

  • Thực hiện điều trị sớm nhất có thể, tuân thủ đúng theo quy trình điều trị mà bác sĩ đã đưa ra.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, thư giãn và duy trì lối sống tích cực để hạn chế những căng thẳng, stress.
  • Khi có dấu hiệu bất thường hoặc tình trạng viêm không thuyên giảm trong quá trình điều trị, bệnh nhân nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và tìm hướng điều trị mới.
  • Kiểm tra định kỳ, tái khám nếu có, theo dõi tình trạng bệnh và thường xuyên báo cáo với bác sĩ cho đến khi khỏi viêm hoàn toàn.
  • Luôn duy trì tâm lý lạc quan, hạn chế sự tự ti trong giao tiếp.
  • Không tự ý dùng thêm thuốc khác, bỏ thuốc, thay đổi liều (tăng hoặc giảm liều) mà không có sự chỉ định của bác sĩ.
  • Giữ chân tay sạch sẽ và khô thoáng.
  • Rửa tay (hoặc chân) bằng nước và xà phòng thật kỹ.
  • Khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa, chất kích thích như nước rửa chén, miếng cọ rửa, miếng chà kim loại và các loại hóa chất như nhựa thông, chất đánh bóng xe hơi, sơn, nước lau sàn, kim loại và các vật dụng khác thì nên đeo găng tay bảo vệ.
  • Giữ băng gạc bao bọc nơi viêm được khô và sạch, thay băng hằng ngày (ít nhất 2 lần/ngày) hoặc thay khi băng bị ướt do sinh hoạt.
  • Nếu da bị khô, bạn nên sử dụng kem dưỡng da trên vùng da hoặc biểu bì quanh móng. Da khô quá mức có thể gây ra tình trạng nứt nẻ. 

Chế độ dinh dưỡng: Bên cạnh thực hiện những biện pháp trên, chế độ dinh dưỡng cũng góp phần giúp tình trạng viêm quanh móng mau lành. Do đó, bệnh nhân nên ăn nhiều rau xanh, bổ sung chất khoáng, dưỡng chất và vitamin C…

Phòng ngừa viêm quanh móng

Để hạn chế nguy cơ bị mắc viêm quanh móng, bạn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa như:

  • Không cắt quá sâu vào vùng khóe cạnh móng khi cắt móng chân.
  • Hạn chế việc chấn thương ngón chân, ngón tay hoặc không nên mang giày quá chật dễ làm tổn thương các ngón chân. 
  • Để chân tay luôn khô thoáng, khi thực hiện ngâm tay, ngâm chân, không nên ngâm trong thời gian dài hoặc không mang tất bị bẩn, ẩm ướt.
  • Vệ sinh tay chân hằng ngày bằng xà bông hoặc chà nhẹ bàn chân bằng bàn chải có lông mịn.
Viêm quanh móng là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa viêm quanh móng 7
Giữ chân tay sạch sẽ, khô thoáng để hạn chế viêm quanh móng

Các câu hỏi thường gặp về viêm quanh móng

Viêm quanh móng có trị khỏi được không?

Viêm quanh móng có thể điều trị khỏi. Một số trường hợp người bệnh có thể bị nhiều bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng tái phát sau khi điều trị viêm quanh móng. Viêm quanh móng nếu không được điều trị, bệnh sẽ ăn sâu vào cấu trúc da và gây nhiễm trùng, tổn thương móng hoặc thậm chí là xương. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến người bị bệnh tiểu đường và gây ra các vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu. 

Viêm quanh móng không nên ăn gì?

Các thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng như thịt gà, thịt bò, rau muống, đồ nếp... rất tốt với nhiều người ở thể trạng bình thường. Tuy nhiên, với người bị viêm quanh móng thì nó lại là nguyên nhân khiến tình trạng bệnh nặng hơn, vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng và lâu khỏi, đồng thời thúc đẩy khả năng hình thành sẹo lồi, sẹo thâm...

Nguồn tham khảo
  1. Paronychia: https://www.health.harvard.edu/a_to_z/paronychia-a-to-z
  2. Acute Paronychia: https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/nail-disorders/acute-paronychia
  3. Paronychia: https://emedicine.medscape.com/article/1106062-overview?form=fpf
  4. Paronychia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK544307/
  5. Paronychia: https://www.healthline.com/health/paronychia

Các bệnh liên quan

  1. Da bọng nước tự miễn Pemphigus

  2. Lao da

  3. Hăm

  4. Loạn dưỡng móng

  5. Dày sừng ánh sáng

  6. U sùi thể nấm

  7. Viêm nang lông

  8. Chàm đồng tiền

  9. Khe nứt và lỗ rò hậu môn, trực tràng

  10. Bệnh ấu trùng da di chuyển