Long Châu

Hói - Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ở người khỏe mạnh bình thường, có khoảng 50 đến 100 sợi rụng mỗi ngày. Tuy nhiên vì một nguyên nhân nào đó khiến cho tóc rụng nhiều hơn so với bình thường. Rụng tóc là tình trạng có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Nó có thể là kết quả của di truyền, thay đổi nội tiết tố, điều kiện y tế hoặc một phần bình thường của quá trình lão hóa. Rụng tóc xảy ra phổ biến ở nam giới, tuy nhiên bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị rụng tóc. Hói đầu thường đề cập đến tình trạng rụng tóc quá nhiều trên da đầu. Nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng hói đầu chính là di truyền. Trước khi đưa ra các phương pháp điều trị rụng tóc, hãy nói chuyện với bác sĩ về nguyên nhân gây rụng tóc và các lựa chọn điều trị.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hói là gì? 

Rụng tóc được định nghĩa là sự mất tóc từ cơ thể. Rụng tóc ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý, nhưng đôi khi là ảnh hưởng của một số bệnh lý khác.

Hói là tình trạng khiến cho tóc rụng nhiều hơn so với bình thường, làm cho những mảng da đầu tại những vùng tóc rụng hầu như trống trơn không còn thấy chân tóc hoặc còn rất ít. Tuy hói không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng có tác động cực kỳ nghiêm trọng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hói

Tìm hiểu chu kỳ tóc phát triển

Tóc sẽ phát triển theo 3 chu kỳ bao gồm:

  • Anagen: Giai đoạn phát triển dài (giai đoạn này kéo dài từ 2 đến 6 năm).
  • Catagen: Giai đoạn apoptotic chuyển tiếp (kéo dài khoảng 3 tuần).
  • Telogen: Giai đoạn nghỉ ngơi ngắn (kéo dài từ 2 đến 3 tháng).

Như vậy, theo chu kỳ bình thường vào cuối giai đoạn telogen hay giai đoạn nghỉ ngơi thì tóc bắt đầu rụng. Ở người bình thường mỗi ngày có khoảng 50 đến 100 sợi tóc đến giai đoạn cuối, hết vòng đời và rụng đi. Lúc này một chu kỳ mới của nang tóc bắt đầu.

Rối loạn các chu kỳ tăng trưởng

Anagen effluvium – là tình trạng làm ảnh hưởng gián đoạn đến sự phát triển làm các sợi tóc bị rụng hay còn gọi là các sợi tóc anagen.

Rụng tóc telogen - hơn 100 sợi tóc/ngày bước vào giai đoạn nghỉ ngơi.

Dấu hiệu và triệu chứng của hói

  • Mỏng dần trên đỉnh đầu: Là loại rụng thường gặp nhất trong tất cả các loại rụng tóc, càng lớn tuổi thì càng bị rụng nhiều. Ở nam, tóc bắt đầu rụng ở phần trán; còn đối với nữ thường bị rụng ở phần đường chân tóc.

  • Các đốm hói hình tròn hoặc loang lổ: Một số bệnh nhân có thể sẽ gặp tình trạng rụng tóc kiểu này, tóc sẽ bắt đầu rụng theo đốm hình tròn, hoặc loang lỗ trên bề mặt da đầu dẫn đến tình trạng hói theo cụm. Hói kiểu này có thể kèm theo đau hoặc ngứa đầu.

  • Rụng tóc đột ngột: Rụng tóc đột ngột thường xuất hiện khi bệnh nhân gặp một số vấn đề về thể chất hoặc một cú sốc lớn về tinh thần, cảm xúc. Rụng tóc đột ngột thường gây tình trạng mỏng tóc nhưng chỉ là tạm thời.

  • Rụng tóc toàn thân: Tình trạng này có thể ảnh hưởng bởi những phương pháp điều trị y khoa như xạ trị, hóa trị điều trị ung thư, dẫn đến tình trạng tóc bị rụng toàn cơ thể. Tuy nhiên, sau khi ngưng điều trị thì tóc có thể mọc lại.

  • Các mảng vảy lan rộng trên da đầu: Các vảy lan rộng thường là biểu hiện của các bệnh liên quan đến nhiễm nấm như hắc lào. Đi kèm với tình trạng này là mẩn đỏ, sưng tấy hoặc đôi khi bị rỉ dịch.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Liên hệ với bác sĩ nếu như tình trạng hói hoặc rụng tóc ảnh hưởng đến chất lượng sống, hoặc chứng rụng tóc dai dẳng mà bạn muốn điều trị chúng. Đối với phụ nữ rụng tóc nên đến tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh việc bị hói đầu vĩnh viễn.

Ngoài ra, nếu gặp trường hợp rụng tóc đột ngột, từng mảng hoặc rụng nhiều hơn so với bình thường nên liên hệ với bác sĩ vì triệu chứng rụng tóc đột ngột có thể liên quan hoặc là dấu hiệu để nhận biết một số bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hói

Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng hói đầu phải kể đến là do di truyền. Đối với nam giới, hói đầu bị ảnh hưởng trực tiếp từ hormone có tên là androgen. Androgen là hormone có nhiều chức năng, giúp điều hòa các hoạt động bình thường của cơ thể, trong đó có vai trò điều hòa sự phát triển của nang tóc.

Mỗi sợi tóc sẽ có thời gian phát triển. Đối với các đối tượng hói là nam giới, thời gian chu kỳ của sợi tóc ngắn lại. Như vậy, do thời gian chu kỳ của tóc phát triển ngắn hơn nên khi sợi tóc đó bị rụng đi thì không có tóc khác mọc thay thế, lâu dần dẫn đến tình trạng hói đầu.

Tuy nhiên, ngoại trừ những nguyên nhân về hormone, di truyền thì hói còn do một số các yếu tố khác như:

Thiếu máu: Thiếu máu dẫn đến các nang tóc bị thiếu chất dinh dưỡng khiến tóc dễ bị gãy rụng hơn, làm tăng tình trạng rụng tóc.

Bệnh lý tuyến giáp: Rụng tóc có thể gây ra bởi tình trạng bệnh lý cường giáp hoặc suy giáp. Cần điều trị các tình trạng bệnh lý này mới có thể khắc phục được tình trạng rụng tóc.

Viêm: Nhiễm nấm da đầu dễ dẫn đến tình trạng tóc rụng thành từng mảng tại những vùng bị nhiễm nấm. Lúc này cần điều trị nhiễm nấm để khắc phục tình trạng rụng tóc.

Đa nang buồng trứng: Ở nữ giới, do buồng trứng đa nang làm tăng hormone androgen dẫn đến tình trạng rụng tóc.

Bệnh lý căng thẳng: Những người hay có bệnh lý như trầm cảm, lo âu dễ bị vấn đề rụng tóc theo kiểu Telogen effluvium.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hói?

Tiền sử gia đình từ cha hoặc mẹ.

Sự già đi hay tuổi sinh học.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hói

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hói đầu, bao gồm:

  • Giảm cân đáng kể.

  • Một số điều kiện y tế, chẳng hạn như bệnh tiểu đường và bệnh lupus.

  • Căng thẳng.

  • Dinh dưỡng kém.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hói

Xét nghiệm

Xem xét các bệnh lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hói đầu.

Rụng không do yếu tố di truyền

Đối tượng thanh thiếu niên không có yếu tố di truyền thì nên hỏi và tìm hiểu bệnh nhân có sử dụng steroid đồng hóa hay các thuốc khác hay không. Còn đối với với phụ nữ mà bị hói hay rụng tóc và có một số các biểu hiện nam hóa thì nên xét nghiệm đo nồng độ hormone (như testosterone, dehydroepiandrosterone sulfate).

Thử nghiệm kéo tóc

Thử nghiệm kéo đánh giá sự rụng tóc lan tỏa, tiến hành trên 1 lượng tóc khoảng 40 sợi, kéo nhẹ nhàng theo từng vùng và ít nhất là 3 vùng khác nhau trên da đầu. Kết quả thông thường cho tóc rụng bình thường sẽ ít hơn 3 sợi telogen cho mỗi lần kéo tóc. Còn nếu sau mỗi lần kéo tóc có từ 4 đến 6 sợi tóc bị rụng đi, nghĩa là test kéo tóc dương tính, gợi ý cho bệnh nhân bị rụng tóc kiểu telogen.

Thử nghiệm nhổ tóc

Kiểm tra nhổ tóc, tiến hành nhổ liên tục 50 sợi riêng lẻ sau đó soi chân tóc dưới kính hiển vi để xác định được các sợi tóc đó đang trong giai đoạn phát triển nào. Từ dữ liệu này có thể xác định hoặc chẩn đoán được các khiếm khuyết telogen hoặc anagen hoặc bệnh lý khác.

Theo nguyên tắc, các sợi tóc anagen có vỏ bọc ở góc; sợi telogen không có vỏ bọc ở góc và có hành nhỏ. Theo nguyên lý bình thường thì có khoảng từ 85 đến 90% tóc sẽ nằm trong giai đoạn anagen, giai đoạn telogen chỉ chiếm khoảng 15%, và dưới 1% tóc nằm trong giai đoạn catagen. 

Sinh thiết

Sinh thiết da đầu được thực hiện khi các chẩn đoán trước nghi ngờ và chứng rụng tóc vẫn còn. Sinh thiết da đầu phân biệt các dạng rụng tóc sẹo và không sẹo. Tiến hành lấy da đầu những vùng đang có tình trang viêm, và tốt nhất là những nơi vùng rìa của rụng tóc. Sau đó cấy nấm và vi khuẩn để tiến hành xem xét tình trạng bệnh lý.

Đếm số lượng tóc rụng mỗi ngày

Đếm số lượng tóc rụng hàng ngày được thực hiện khi thử nghiệm kéo tóc âm tính. Thu thập tóc rụng trong vòng 14 ngày. Sau đó đếm số lượng tóc rụng nếu > 100 sợi/ngày là bất thường.

Phương pháp điều trị hói hiệu quả

Các hướng điều trị bao gồm:

  • Thuốc (kết hợp cả các thuốc điều hòa hormone nội tiết).

  • Laser.

  • Phẫu thuật.

Rụng tóc nội tiết tố androgen

Minoxidil (đối với nữ giới thì dùng hàm lượng 2%; đối với nam giới hàm lượng 2% hoặc 5%): Hoạt chất minoxidil giúp kéo dài thêm thời gian tăng trưởng của nang tóc hay còn gọi là giai đoạn anagen, từ đó giúp các tóc tơ có thể thay thế được vùng tóc bị rụng. Liều dùng đối với minoxidil là 1ml bôi hoặc xịt lên da đầu tại những vị trí rụng tóc và đặc biệt hiệu quả tại những vùng tóc rụng đỉnh đầu trong các tình trạng hói ở nam hoặc nữ.

Những vị trí bị rụng tóc thì tóc mọc lại để phủ được có thể mất từ 8 tháng đến 1 năm. Thời gian điều trị với minoxidil là vô hạn, khi ngưng điều trị, tóc sẽ tiếp tục bị rụng quay trở lại. Đối với minoxidil thì tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng để điều trị rụng tóc là viêm da tiếp xúc, kích ứng da đầu mức độ nhẹ.

Finasteride – chất ức chế enzyme 5-alpha-reductase, enzyme này ức chế sự chuyển testosterone thành dihydrotestosterone. Finasteride cực kỳ hiệu quả đối với rụng tóc kiểu hói nam. Liều dùng 1mg/lần, ngày 1 lần, giúp kích thích nang tóc phát triển và năng ngừa rụng tóc.

Hiệu quả điều trị của finasteride rõ nhất trong khoảng 6 đến 8 tháng trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, đối với finasteride là làm rối loạn chức năng cương dương và xuất tinh, giảm ham muốn tình dục, bệnh lý về cơ và phì đại tuyến vú.

Khi ngừng điều trị thì tình trạng rụng tóc quay về trạng thái ban đầu. Chống chỉ định finasteride ở phụ nữ mang thai vì các thông tin nghiên cứu cho thấy thuốc có tác động gây quái thai ở động vật, không chỉ định finasteride đối với phụ nữ.

Dutasteride – chất ức chế mạnh hơn 5-alpha-reductase so với finasteride, là thuốc được sử dụng để điều trị tăng sản tuyến tiền liệt, nhưng cũng được đôi khi sử dụng điều trị chứng rụng tóc do androgenetic.

Điều chỉnh hormone nội tiết – hữu ích cho rụng tóc kiểu nữ như các thuốc tránh thai đường uống hoặc spironolactone.

Laser cường độ thấp – giúp thúc đẩy tóc tăng trưởng, là một phương pháp bổ sung hoặc thay thế trong điều trị rụng tóc androgenetic.

Huyết tương giàu tiểu cầu – các tiểu cầu có chứa yếu tố tăng trưởng và giúp duy trì được các nang tóc, được sử dụng bằng phương pháp tiêm trực tiếp vào da đầu.

Phẫu thuật – cấy tóc, chuyển vạt da đầu...

Hói do nguyên nhân khác

Đối với hói do các nguyên nhân khác cần điều trị các bệnh lý gây nên tình trạng rụng tóc từ đó tình trạng rụng tóc mới được cải thiện. 

Rụng tóc mảng dùng corticosteroid toàn thân hoặc tiêm tại chỗ, minoxidil, liệu pháp miễn dịch, anthralin tại chỗ, methotrexate.

Điều trị rụng tóc do nguyên nhân nấm da đầu bằng các thuốc chống nấm đường uống:

Rụng tóc để lại sẹo như viêm tế bào da đầu hoặc rụng theo từng đám được điều trị bằng kháng sinh tetracycline bằng đường uống kết hợp với corticosteroid bôi tại chỗ. Trường hợp bệnh nhân bị viêm nang lông cũng điều trị tương tự; bệnh nhẹ có thể sử dụng kháng sinh dạng bôi tại vị trí viêm hoặc retinoid bôi, benzoyl peroxide phối hợp điều trị tại chỗ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hói

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn các thực phẩm bổ sung các chất sau:

  • Protein: Các nang tóc được tạo ra chủ yếu từ protein gọi là keratin. Một nghiên cứu năm 2017 trong số 100 người bị rụng tóc ghi nhận thiếu hụt dinh dưỡng ở những người tham gia, bao gồm cả các acid amin đóng vai trò cấu tạo của protein.

  • Vitamin A: Làm tăng tốc độ phát triển của tóc, đồng thời giảm sản xuất bã nhờn làm tóc khỏe và dày hơn.

  • Vitamin tổng hợp: Các nhà khoa học đã xác định rằng vitamin A, B, C, D, sắt, selen và kẽm đều quan trọng đối với quá trình duy trì và phát triển của tóc, đặc biệt là đối với sự thay đổi tế bào.

  • Vitamin D: Một nghiên cứu năm 2018, thiếu hụt vitamin D có liên quan đến chứng rụng tóc không di truyền. Điều trị thiếu hụt có thể giúp mọc lại. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc dùng 800 đến 1000 IU mỗi ngày.

  • Biotin: Vitamin H hoặc B7— tham gia vào quá trình tổng hợp acid béo trong cơ thể. Thiếu hụt biotin có thể làm cho tóc dễ gãy rụng. 

Phương pháp phòng ngừa hói hiệu quả

Đa phần các trường hợp hói đầu là do di truyền (hói đầu ở nam và hói đầu ở nữ). Loại rụng tóc này không thể ngăn ngừa được.

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Nhẹ nhàng với mái tóc của bạn. Sử dụng dụng cụ tách tóc và tránh giật mạnh khi chải và gỡ tóc, đặc biệt là khi tóc ướt. Một chiếc lược răng thưa có thể giúp ngăn tóc bị nhổ. Tránh các phương pháp làm tóc khắc nghiệt như lăn nóng, máy uốn tóc, dầu nóng và thuốc nhuộm. Hạn chế độ căng trên tóc từ các kiểu dùng dây thun, kẹp tóc và thắt bím tóc.

  • Hỏi bác sĩ về các loại thuốc và thực phẩm chức năng bạn dùng có thể gây rụng tóc.

  • Tránh để tóc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tia UV.

  • Bỏ thuốc lá – các nghiên cứu chỉ ra rằng hói đầu ở nam giới có thể ảnh hưởng từ việc hút thuốc lá.

Nguồn tham khảo
  1. Mayo Clinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hair-loss/symptoms-causes/syc-20372926
  2. MSD manuals: https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-da-li%E1%BB%85u/c%C3%A1c-b%E1%BB%87nh-v%E1%BB%81-t%C3%B3c/r%E1%BB%A5ng-t%C3%B3c
  3. Healthline: https://www.healthline.com/health/hair-loss-prevention#hair-care

Các bệnh liên quan

  1. Á sừng

  2. Giời leo

  3. Dày sừng ánh sáng

  4. Gàu

  5. Tóc bạc

  6. U mềm treo

  7. Da bọng nước tự miễn Pemphigus

  8. Lichen nitidus

  9. Gai đen

  10. Ung thư mô mỡ