Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U bì buồng trứng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị u bì buồng trứng

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U bì buồng trứng là một u nang lành tính phát triển trên buồng trứng. U nang bì buồng trứng là một túi chứa đầy chất lỏng, ngoài ra còn chứa các mô như răng, da, tóc. Nếu u nang đủ nhỏ và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì có thể không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu u nang trở nên lớn, gây ra các triệu chứng hoặc dẫn đến biến chứng thì có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U bì buồng trứng là gì?

U bì buồng trứng, hay còn gọi là u nang bì buồng trứng là nang (túi) chứa dịch gồm mô từ tóc, da, răng hoặc các bộ phận khác của cơ thể. U bì buồng trứng không hình thành theo chu kỳ kinh nguyệt mà hình thành khi mô phát triển đầy đủ tập trung ở một vị trí khác không phải là nơi đúng của mô cần phát triển (chẳng hạn như mô từ tóc, da, răng phát triển tập trung trong buồng trứng).

U nang bì buồng trứng không phải là ung thư nhưng có thể gây biến chứng nếu phát triển thành kích thước quá lớn. U nang bì buồng trứng đôi khi được gọi là u nang trưởng thành.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u bì buồng trứng

Hầu hết các u nang bì buồng trứng không gây ra triệu chứng trừ khi có biến chứng. Tuy nhiên, nếu có triệu chứng thì triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo là đau bụng dưới. Khi u nang phát triển lớn hơn, kích thước u tăng sẽ chèn ép lên hệ tiêu hóa hoặc tiết niệu gây ra triệu chứng tương ứng. Nếu u nang bì buồng trứng tiến triển, triệu chứng có thể gặp phải:

  • Sốt;
  • Đau bụng nặng;
  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân;
  • Áp lực bụng;
  • Đầy hơi;
  • Chướng bụng;
  • Đau bụng dưới.

Các triệu chứng ít phổ biến khác có thể bao gồm:

  • Đau ở xương chậu;
  • Đau ở lưng dưới và đùi;
  • Khó khăn trong việc làm trống hoàn toàn ruột hoặc bàng quang;
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Đau ngực.
U bì buồng trứng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị u bì buồng trứng 4
Xuất huyết âm đạo thường do u nang bì phát triển kích thước quá lớn

Biến chứng có thể gặp khi mắc u bì buồng trứng

U nang bì buồng trứng trở nên nguy hiểm nếu chúng gây ra các biến chứng như:

  • Xoắn buồng trứng: U bì buồng trứng có thể phát triển lớn đến mức khiến buồng trứng bị ảnh hưởng bị xoắn lại. Nếu không điều trị, tình trạng xoắn có thể gây hại cho buồng trứng.
  • Vỡ: Những u nang này có thể vỡ ra, rò rỉ dịch vào khoang bụng. Thông thường, cơ thể bạn hấp thụ dịch chứa trong các nang vỡ mà không gặp vấn đề gì. Đôi khi, u nang vỡ dẫn đến nhiễm trùng và cần được nhập viện khẩn cấp.
  • Nhiễm trùng: Khả năng nhiễm trùng là khoảng 1 đến 4%. Trong trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể khiến u nang vỡ ra.
  • Chuyển dạng ác tính: U nang bì buồng trứng hầu như luôn lành tính. Tuy nhiên, chúng có thể trở thành ác tính trong một số trường hợp hiếm gặp.

Nếu xảy ra xoắn hoặc vỡ, một người có thể gặp phải:

  • Đau bụng đột ngột và dữ dội;
  • Buồn nôn;
  • Nôn mửa;

Khoảng 2% trường hợp u nang bì buồng trứng trở thành ung thư, tỷ lệ tăng nếu:

  • Tuổi trên 45 tuổi.
  • Khối u đang phát triển nhanh, đường kính lớn hơn 10 cm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

U bì buồng trứng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị u bì buồng trứng 5
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu của u bì buồng trứng

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u bì buồng trứng

U nang bì buồng trứng thường hình thành khi còn trong bụng mẹ. Một số tế bào cuối cùng được biệt hóa trở thành da, tóc, hệ thần kinh… sẽ phát triển trong các u nang bì buồng trứng.

Vậy tại sao u nang bì buồng trứng lại có tóc và răng?

U nang bì hình thành từ tế bào mầm, những tế bào này cuối cùng sẽ trở thành tế bào trứng hoặc tinh trùng. Tế bào mầm có ba lớp phát triển thành các mô, cơ quan và hệ thống cơ thể trong quá trình phát triển của thai nhi:

  • Ngoại bì sẽ trở thành da, tóc, tuyến mồ hôi và răng.
  • Trung bì trở thành cơ và mô liên kết.
  • Nội bì trở thành ruột và các cơ quan nội tạng khác nhau.

Đôi khi, các lớp này phát triển không điển hình, với các mô trưởng thành tụ lại với nhau tạo thành u nang bì. U nang có thể chứa tóc và răng, nhưng nó cũng có thể bao gồm các mô phát sinh từ bất kỳ lớp nào trong ba lớp tạo nên tế bào mầm.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải u bì buồng trứng?

Tất cả nữ giới đều có thể mắc phải u bì buồng trứng. U bì buồng trứng là loại u tế bào mầm buồng trứng lành tính phổ biến nhất, thường được phát hiện trong thai kỳ.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải u bì buồng trứng

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u bì buồng trứng là phụ nữ ở độ tuổi 20 đến 40.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u bì buồng trứng

U nang bì buồng trứng thường không gây ra triệu chứng nên chỉ phát hiện mắc bệnh khi siêu âm buồng trứng. U nang bì buồng trứng có hình dáng đặc biệt nên dễ dàng xác định bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh siêu âm.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) cũng được sử dụng để xác định u nang bì buồng trứng nhưng ít phổ biến hơn. MRI có thể cung cấp thêm thông tin chi tiết về cấu tạo của u nang nếu siêu âm không cung cấp đủ thông tin.

U bì buồng trứng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị u bì buồng trứng 6
U nang bì thường được phát hiện khi siêu âm định kỳ

Phương pháp điều trị u bì buồng trứng hiệu quả

Điều trị u nang buồng trứng phụ thuộc vào:

  • Triệu chứng lâm sàng;
  • Mong muốn duy trì khả năng thụ thai;
  • Kích thước của khối u;
  • Đặc điểm của khối u nhìn thấy trên siêu âm;
  • Khả năng u nang sẽ trở thành ác tính.

Trong một số trường hợp, phẫu thuật là cách phù hợp nhất đối với những người có u nang có kích thước dưới 5cm, bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện phẫu thuật nội soi. Phương pháp phẫu thuật có thể là cắt bỏ u nang thay vì toàn bộ buồng trứng. Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể cần thiết nếu các u nang có kích thước hơn 5 - 6cm và đã ảnh hưởng đến toàn bộ buồng trứng. Nếu một người mang thai cần phẫu thuật, phẫu thuật nội soi được xem là an toàn và tỷ lệ thành công cao.

Không phải tất cả các u nang bì buồng trứng đều phải cắt bỏ. U nang bì buồng trứng thường được cắt bỏ nếu đường kính lớn hơn 5cm, có triệu chứng, hoặc trở thành ác tính.

U nang bì buồng trứng không thể tự tiêu biến mà vẫn tồn tại trừ khi chúng được cắt bỏ.

Điều trị u nang bì buồng trứng là cắt bỏ u nang. Quyết định cắt bỏ u nang bì buồng trứng tùy thuộc vào đánh giá của bác sĩ và kế hoạch sinh con của người bệnh:

  • Cắt u nang buồng trứng: Loại bỏ phần buồng trứng có u nang, giúp loại bỏ u nang trong khi vẫn bảo tồn khả năng sinh sản.
  • Cắt bỏ buồng trứng: Loại bỏ toàn bộ buồng trứng cùng với u nang, trường hợp này người bệnh không thể sinh sản được nữa.

Phương pháp phẫu thuật loại bỏ u nang bì buồng trứng thường là phương pháp nội soi ổ bụng. Tuy nhiên tùy vào trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp.

Phẫu thuật là phương pháp chữa trị hiệu quả cho u nang. U nang bì buồng trứng tái phát sau khi cắt bỏ khoảng 3% đến 4% trường hợp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u bì buồng trứng

Chế độ sinh hoạt:

  • U nang bì buồng trứng thường không có triệu chứng, do đó thường khó có thể phát hiện sớm, trừ khi phát hiện nhờ siêu âm định kỳ.
  • U bì buồng trứng thường không phải là ung thư nên người bệnh đừng nên quá lo lắng, tránh căng thẳng áp lực. Người bệnh nên chia sẻ với người thân và bác sĩ về kế hoạch sinh con để có sự lựa chọn điều trị phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
  • Chế độ ăn khoa học giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh và nâng cao sức khỏe tổng thể.
U bì buồng trứng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị u bì buồng trứng 7
Hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp với trạng thái của mình

Phương pháp phòng ngừa u bì buồng trứng hiệu quả

U nang bì buồng trứng được hình thành trước khi được sinh ra, do đó không thể phòng ngừa bệnh được.

Nguồn tham khảo
  • Ovarian Cyst: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560541/
  • What to know about ovarian dermoid cysts: https://www.medicalnewstoday.com/articles/ovarian-dermoid-cyst 
  • Dermoid Cyst: https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/sdermoid-cyst 
  • Ovarian Cysts: https://www.healthline.com/health/ovarian-cysts
  • What Is a Dermoid Cyst in the Ovary?: https://www.verywellhealth.com/ovarian-dermoid-cyst-causes-diagnosis-and-treatment-6500823

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư buồng trứng

  2. Mất kinh

  3. Băng huyết sau sinh

  4. Bướu sợi tuyến Birads 4

  5. Chít hẹp cổ tử cung

  6. Lãnh cảm

  7. U xơ tử cung

  8. Viêm âm đạo

  9. Bướu sợi tuyến Birads 3

  10. Đa ối