Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm mô tế bào: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn trên da và các mô dưới da. Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm mô tế bào nhưng nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn nếu bạn có vết thương trên da hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu. Nguyên tắc điều trị bệnh bao gồm kháng sinh, giảm đau, giảm sưng viêm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm mô tế bào là gì?

Viêm mô tế bào là tình trạng nhiễm trùng sâu ở da do vi khuẩn gây ra. Nếu bệnh diễn tiến nặng hơn hoặc nếu không được điều trị, nó có thể đi vào các hạch bạch huyết và máu dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng.

Viêm mô tế bào thường được ghi nhận tại cẳng tay, cẳng chân, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở mặt, bụng, hậu môn hoặc các vùng khác. Nhiễm trùng xảy ra khi người bệnh có một vết thương trên da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.

Viêm mô tế bào là một bệnh lý rất phổ biến. Theo thống kê, có hơn 14 triệu trường hợp viêm mô tế bào ở Hoa Kỳ mỗi năm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm mô tế bào

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm mô tế bào bao gồm:

  • Vùng da có màu đỏ hoặc tím sậm đi;
  • Sưng tấy da;
  • Vùng da tăng nhạy cảm hoặc đau;
  • Bề mặt vùng da tổn thương nóng hơn;
  • Phồng rộp, sần da cam hoặc có bóng nước;
  • Sốt;
  • Ớn lạnh;
  • Vã mồ hôi;
  • Cảm thấy mệt mỏi.
Viêm mô tế bào: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Thay đổi màu sắc da là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh

Biến chứng của viêm mô tế bào

Các biến chứng của viêm mô tế bào rất nghiêm trọng bao gồm:

  • Đoạn chi.
  • Tổn thương diện rộng và hoại tử mô.
  • Nhiễm trùng lan đến các hệ cơ quan khác như tim, xương, thần kinh, máu gây viêm nội tâm mạc, viêm tủy xương, nhiễm trùng huyết hoặc sốc nhiễm khuẩn, thậm chí tử vong.
  • Các đợt viêm mô tế bào tái phát có thể làm tổn thương hệ thống dẫn lưu bạch huyết và gây sưng đau mạn tính ở vị trí bị tổn thương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Việc xác định và điều trị sớm bệnh viêm mô tế bào là rất quan trọng vì tình trạng này có thể lây lan nhanh chóng khắp cơ thể người bệnh. Hãy khẩn cấp đến gặp bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng của viêm mô tế bào kèm theo:

  • Sốt cao liên tục;
  • Vùng da viêm đỏ rất lớn hoặc chuyển thành màu đen;
  • Tê, ngứa ran ở vùng tổn thương;
  • Người bệnh có suy giảm miễn dịch, đái tháo đường bị viêm mô tế bào.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm mô tế bào

Viêm mô tế bào thường xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào vết thương trên da. Vi khuẩn có nhiều khả năng xâm nhập vào vùng da bị khô, bong tróc, nứt nẻ, sưng tấy và vết thương hở, chẳng hạn như qua vết thương do phẫu thuật, vết cào, vết cắt, vết loét hoặc viêm da. Các vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm mô tế bào bao gồm:

  • Liên cầu tan huyết beta nhóm A (Group A Beta Hemolytic Streptococcus);
  • Streptococcus pneumoniae;
  • Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus).

Tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn thường được tìm thấy trên da và niêm mạc của miệng và mũi ở người khỏe mạnh. Tỷ lệ nhiễm tụ cầu khuẩn nhóm Staphylococcus kháng methicillin (MRSA) đang gia tăng gây nên tình trạng viêm mô tế bào nguy hiểm và đe dọa tính mạng người bệnh.

Viêm mô tế bào: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Liên cầu khuẩn Streptococcus

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm mô tế bào

Bất cứ ai cũng có thể bị viêm mô tế bào. Tuy nhiên, có một số đối tượng có thể dễ bị viêm mô tế bào hơn như:

  • Trẻ em với hệ miễn dịch chưa toàn diện;
  • Đang có các bệnh lý da mạn tính như nấm bàn chân, bệnh chàm hoặc bệnh vẩy nến;
  • Người bệnh đang mắc thủy đậu hoặc bệnh zona;
  • Người có cơ địa suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, HIV, bệnh bạch cầu,...
  • Người có thể trạng béo phì.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm mô tế bào

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm mô tế bào:

  • Vết thương trên da như vết cắt, nứt nẻ, bỏng hoặc trầy xước đều tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.
  • Sử dụng một số thuốc có thể làm suy yếu hệ miễn dịch như corticosteroid, methotrexate, tacrolimus,...
  • Sưng cánh tay hoặc chân mạn tính (sưng hạch bạch huyết);
  • Tiền căn viêm mô tế bào.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm mô tế bào

Để chẩn đoán viêm mô tế bào, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về các triệu chứng của người bệnh và thăm khám vùng da bị tổn thương. Trong hầu hết các trường hợp, viêm mô tế bào là một bệnh lý được chẩn đoán dựa trên lâm sàng và điều trị dựa trên kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu viêm mô tế bào nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm để tìm chính xác tác nhân gây bệnh, đảm bảo việc điều trị chính xác để nhiễm trùng không lan sang các bộ phận khác trên cơ thể. Những xét nghiệm này có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Đánh giá tình trạng nhiễm trùng và theo dõi điều trị.
  • Lấy dịch từ mô viêm nhiễm và nuôi cấy vi khuẩn: Giúp xác định loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm mô tế bào và thực hiện kháng sinh đồ để tìm loại kháng sinh phù hợp cho bệnh.
  • Cấy máu: Giúp xác định vi khuẩn có tồn tại trong máu không và có các điều trị khẩn trương phù hợp.
Viêm mô tế bào: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Cấy mẫu bệnh phẩm tìm vi khuẩn

Điều trị viêm mô tế bào

Bác sĩ thông thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh đường uống để điều trị viêm mô tế bào.

Các trường hợp viêm mô tế bào nặng có thể không đáp ứng với kháng sinh đường uống. Người bệnh có thể phải nhập viện và dùng kháng sinh đường tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.

Một số phương pháp điều trị khác bao gồm:

  • Chườm ấm lên vùng tổn thương có thể giúp giảm sưng viêm, tuy nhiên cần cẩn thận vết thương tránh làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Các loại thuốc NSAIDs như aspirin, ibuprofen và naproxen có tác dụng giảm đau, kháng viêm. Tuy nhiên, đây là những loại thuốc cần có sự kê toa của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm mô tế bào

Chế độ sinh hoạt:

Để hỗ trợ quá trình điều trị viêm mô tế bào, người bệnh cần thực hiện một số biện pháp như sau:

  • Giữ vệ sinh cơ thể, giữ cho khu vực da bệnh được khô ráo, sạch sẽ, tránh nước;
  • Nâng cao cánh tay hoặc chân có vùng da bị tổn thương có thể giảm bớt sự sưng viêm;
  • Nghỉ ngơi hợp lý giúp hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương;
  • Che hoặc băng vết thương để ngăn bụi bẩn hoặc các vi khuẩn khác xâm nhập vào khu vực da bệnh;
  • Không chạm vào vùng da tổn thương;
  • Thay băng vết thương theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Viêm mô tế bào: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Rửa và thay băng vết thương

Chế độ dinh dưỡng:

Một chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể hỗ trợ người bệnh viêm mô tế bào nhanh lành:

  • Nhóm thực phẩm giàu đạm: Thịt, cá, trứng, đậu hũ, các loại đậu,... chứa nhiều đạm giúp cung cấp các protein cần thiết cho quá trình làm lành vết thương và tái tạo mô mới.
  • Nhóm thực phẩm giàu sắt, acid folic, vitamin B12 như thịt đỏ, gan, trứng, sữa, rau lá xanh đậm, cá, gia cầm,... giúp cung cấp các nguyên liệu cho quá trình tạo hồng cầu.
  • Nhóm thực phẩm giàu các vitamin A, C, E như dâu, cam, bưởi, đu đủ, rau xanh, ớt chuông,... giúp chống oxy hóa, chống viêm và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Phòng ngừa viêm mô tế bào

Để giúp ngăn ngừa viêm mô tế bào và các bệnh nhiễm trùng da khác, bạn hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Nếu đang có vết thương hở trên da, hãy rửa vết thương và thay băng hàng ngày tại các cơ sở y tế;
  • Che chắn vết thương bằng băng gạc để hạn chế nhiễm khuẩn;
  • Theo dõi các dấu hiệu nhiễm trùng để được điều trị kịp thời;
  • Đối với người bệnh đái tháo đường, cần kiểm tra bàn chân hàng ngày để xem có dấu hiệu tổn thương da nào hay không;
  • Dưỡng ẩm cho da thường xuyên, giúp ngăn ngừa nứt nẻ và bong tróc. Không bôi kem dưỡng ẩm lên vết thương hở;
  • Điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng, nhiễm nấm da;
  • Rửa tay thường xuyên;
  • Giữ gìn vệ sinh cơ thể, tắm gội thường xuyên.
Viêm mô tế bào: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Chăm sóc bàn chân trên người bệnh đái tháo đường

Các câu hỏi thường gặp về viêm mô tế bào

Triệu chứng đầu tiên để nhận biết viêm mô tế bào là gì?

Triệu chứng đầu tiên của viêm mô tế bào là thay đổi màu sắc của da. Da có thể đỏ tấy hoặc tím sậm, thậm chí nâu đen và nóng ấm khi chạm vào.

Viêm mô tế bào có ngứa không?

Viêm mô tế bào không gây ngứa. Tuy nhiên, vùng da tổn thương có thể ngứa khi da bắt đầu quá trình lành vết thương.

Viêm mô tế bào điều trị trong bao lâu?

Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ cải thiện bệnh trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Bạn sẽ nhận thấy các dấu hiệu nhiễm trùng của viêm mô tế bào dần cải thiện như giảm sưng, giảm đau và vùng da đổi màu bắt đầu mờ dần.

Tại sao tôi hay bị viêm mô tế bào tái đi tái lại?

Người bệnh viêm mô tế bào tái phát thường có các tình trạng bệnh da mạn tính như nấm da, chốc lở, viêm da hoặc có cơ địa suy giảm miễn dịch, đái tháo đường kiểm soát kém. Khoảng 33% số người bệnh đã từng bị viêm mô tế bào có khả năng tái phát bệnh.

Viêm mô tế bào có lây không?

Viêm mô tế bào thường không lây nhiễm. Mặc dù hiếm gặp nhưng bạn có thể bị viêm mô tế bào nếu bạn có vết thương hở và tiếp xúc da kề da với vết thương hở của người bệnh.

Nguồn tham khảo
  • Cranendonk DR, Lavrijsen APM, Prins JM, Wiersinga WJ. Cellulitis: current insights into pathophysiology and clinical management. Neth J Med. 2017 Nov;75(9):366-378.
  • Sullivan T, de Barra E. Diagnosis and management of cellulitis. Clin Med (Lond). 2018 Mar;18(2):160-163. doi: 10.7861/clinmedicine.18-2-160.
  • Neill BC, Stoecker WV, Hassouneh R, Rajpara A, Aires DJ. CELLULITIS: A mnemonic to increase accuracy of cellulitis diagnosis. Dermatol Online J. 2019 Jan 15;25(1):13030.
  • Cox NH. Management of lower leg cellulitis. Clin Med (Lond). 2002 Jan-Feb;2(1):23-7. doi: 10.7861/clinmedicine.2-1-23.
  • Santer M, Lalonde A, Francis NA, Smart P, et al. Management of cellulitis: current practice and research questions. Br J Gen Pract. 2018 Dec;68(677):595-596. doi: 10.3399/bjgp18X700181.

Các bệnh liên quan

  1. U sùi thể nấm

  2. Bạch biến

  3. Viêm da cơ địa

  4. Hăm tã

  5. Nám nội tiết

  6. Xơ cứng củ

  7. Ngứa

  8. Viêm da

  9. Lupus ban đỏ dạng đĩa

  10. Chàm đồng tiền