Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm lậu cầu là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra, thường lây nhiễm vào biểu mô của cổ tử cung, trực tràng, niệu đạo, hầu họng hoặc kết mạc, gây kích ứng, đau và tiết dịch mủ. Vi khuẩn còn có thể di chuyển đến da và khớp (không phổ biến), gây ra các vết loét trên da, sốt và viêm đa khớp hoặc viêm khớp nhiễm trùng. Chẩn đoán bệnh bằng soi dưới kính hiển vi, nuôi cấy hoặc xét nghiệm khuếch đại acid nucleic. Điều trị bằng một số kháng sinh uống hoặc tiêm, tuy nhiên tình trạng kháng thuốc đang ngày càng gia tăng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm lậu cầu là gì? 

Neisseria gonorrhoeae là một loại song cầu khuẩn gram âm, chỉ nhiễm cho người và hầu như luôn lây truyền qua đường tình dục. Phổ biến nhất là nhiễm trùng niệu đạo và cổ tử cung, nhưng cũng có thể nhiễm ở hầu hoặc trực tràng sau khi giao hợp bằng miệng hoặc hậu môn và gây viêm kết mạc sau khi mắt bị nhiễm trùng.

Sau giao hợp qua âm đạo, khả năng lây truyền từ phụ nữ sang nam giới khoảng 20%, nhưng từ nam sang nữ có thể cao hơn.

Trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm trùng kết mạc khi sinh thường, và trẻ em có thể mắc bệnh lậu do lạm dụng tình dục.

10 - 20% phụ nữ bị lây nhiễm qua cổ tử cung, lan qua nội mạc tử cung đến ống dẫn trứng gây viêm vòi trứng và phúc mạc vùng chậu gây viêm vùng chậu (PID). Chlamydia hoặc vi khuẩn đường ruột khác cũng có thể gây ra PID. Viêm cổ tử cung do lậu cầu thường đi kèm với viêm ống dẫn Skene và tuyến Bartholin hoặc chứng tiểu khó. Ở một số bệnh nhân nam, viêm niệu đạo dần dần tiến triển thành viêm mào tinh hoàn.

Nhiễm lậu cầu lan tỏa (DGI) do lây lan theo đường máu xảy ra trong < 1% trường hợp, chủ yếu ở phụ nữ. Bệnh thường gây ảnh hưởng đến da, khớp và bao gân. Hiếm khi xảy ra viêm màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc, viêm màng não và viêm quanh khớp.

Đồng nhiễm Chlamydia trachomatis xảy ra ở 35 - 50% nữ giới và 15 - 25% nam giới.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Nhiễm lậu cầu

Khoảng 10 - 20% phụ nữ và rất ít nam giới nhiễm bệnh mà không có triệu chứng. Khoảng 25% nam giới có triệu chứng tối thiểu.

Viêm niệu đạo nam giới:

Thời gian ủ bệnh từ 2 - 14 ngày. Khi khởi phát có cảm giác khó chịu nhẹ ở niệu đạo, sau đó đau nhức dương vật nặng dần, tiểu khó và tiểu mủ. Tần suất mắc tiểu và tiểu gấp tăng khi nhiễm trùng lan đến niệu đạo sau. Khám phát hiện niệu đạo chảy mủ màu vàng xanh, có thể bị viêm.

Viêm mào tinh hoàn:

Thường gây đau, sưng và đau một bên bìu. Hiếm khi bị áp xe tuyến Tyson và Littre, áp xe lỗ niệu đạo hoặc nhiễm trùng tuyến Cowper, tuyến tiền liệt hoặc túi tinh.

Viêm cổ tử cung:

Thường có thời gian ủ bệnh > 10 ngày. Các triệu chứng bao gồm khó tiểu và tiết dịch âm đạo. Dịch cổ tử cung có mủ hoặc nhầy, cổ tử cung có thể sung huyết và dễ chảy máu khi chạm bằng dụng cụ mỏ vịt. Có thể bị viêm niệu đạo đồng thời; chảy mủ từ niệu đạo khi ấn vào lỗ âm đạo hoặc từ các ống dẫn Skene, tuyến Bartholin.

Hiếm khi, trẻ em gái trước tuổi dậy thì nhiễm lậu cầu do bị lạm dụng tình dục gây khó tiểu, tiết dịch âm đạo có mủ, và kích ứng âm hộ, ban đỏ và phù nề.

Viêm vùng chậu (PID):

Gặp phải ở 10 - 20% phụ nữ nhiễm lậu cầu. PID bao gồm viêm vòi trứng, viêm phúc mạc vùng chậu và áp xe vùng chậu, có thể gây khó chịu vùng bụng dưới (thường ở cả hai bên), đau khi giao hợp và đau rõ rệt khi sờ vào bụng, phần phụ hoặc cổ tử cung.

Hội chứng Fitz-Hugh-Curtis: 

Là bệnh viêm quanh khớp do lậu cầu (hoặc Chlamydia) chủ yếu xảy ra ở phụ nữ và gây ra đau bụng hạ sườn phải, sốt, buồn nôn và nôn, triệu chứng giống bệnh gan mật.

Bệnh lậu trực tràng:

Thường không có triệu chứng, xảy ra chủ yếu ở nam giới giao hợp qua hậu môn và có thể ở phụ nữ quan hệ qua hậu môn. Các triệu chứng bao gồm ngứa trực tràng, tiết dịch trực tràng màu đục, chảy máu và táo bón. Khi soi có thể phát hiện sung huyết hoặc dịch mủ trên thành trực tràng.

Viêm họng do lậu cầu:

Thường không có triệu chứng nhưng có thể gây đau họng. Cần phân biệt N. gonorrhoeae với N. meningitidis và các vi khuẩn không gây hại hiện diện trong cổ họng.

Nhiễm lậu cầu lan tỏa (DGI):

Còn được gọi là hội chứng viêm da khớp, phản ánh nhiễm khuẩn huyết và thường biểu hiện bằng sốt, đau khi di chuyển, sưng khớp (viêm đa khớp) và tổn thương da mụn mủ. Ở một số bệnh nhân, cơn đau tiến triển và các gân (ở cổ tay hoặc mắt cá chân) đỏ lên hoặc sưng lên.

Tổn thương da thường xuất hiện trên cánh tay hoặc chân, màu đỏ và nhỏ, hơi đau và thường có mụn mủ. DGI có thể gây sốt, tổn thương da và viêm đa khớp (ví dụ: Tiền căn của nhiễm trùng viêm gan B hoặc nhiễm trùng não mô cầu) như các bệnh lý khác. Một số rối loạn khác (như viêm khớp phản ứng ) cũng có các triệu chứng ở bộ phận sinh dục.

Viêm khớp nhiễm khuẩn do lậu cầu:

Là một dạng DGI khu trú gây viêm khớp đau kèm theo tràn dịch, thường xảy ra ở 1 hoặc 2 khớp lớn như đầu gối, mắt cá chân, cổ tay hoặc khuỷu tay. Khởi phát thường cấp tính, kèm theo sốt, đau khớp dữ dội và hạn chế vận động. Các khớp bị nhiễm trùng bị sưng, vùng da có thể nóng và đỏ.

Biến chứng có thể gặp khi Nhiễm lậu cầu

Vô sinh ở phụ nữ: 

Bệnh lậu lây lan vào tử cung và ống dẫn trứng, gây ra viêm vùng chậu (PID). PID gây sẹo ở vòi trứng, nguy cơ biến chứng thai nghén và vô sinh cao.

Vô sinh ở nam giới: 

Bệnh lậu có thể gây viêm mào tinh hoàn. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến vô sinh.

Nhiễm trùng lây lan đến các khớp và các vùng khác trên cơ thể: 

Vi khuẩn gây bệnh lậu có thể lây lan qua đường máu và nhiễm sang các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả khớp. Sốt, phát ban, lở loét da, đau khớp, sưng tấy và cứng khớp có thể xảy ra.

Tăng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS: 

Mắc bệnh lậu khiến bệnh nhân dễ bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (HIV) và tiến triển thành AIDS.

Các biến chứng ở trẻ sơ sinh: 

Trẻ sơ sinh nhiễm bệnh lậu từ mẹ trong khi sinh có thể bị mù, lở loét trên da đầu và nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Nhiễm lậu cầu

Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhoeae gây ra. Vi khuẩn lậu thường được truyền từ người này sang người khác khi quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ bằng miệng, hậu môn hoặc âm đạo.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Nhiễm lậu cầu?

Mọi phụ nữ và nam giới quan hệ tình dục không an toàn, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm lậu cầu đều có nguy cơ mắc bệnh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Nhiễm lậu cầu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Nhiễm lậu cầu, bao gồm:

  • Phụ nữ dưới 25 tuổi hoạt động tình dục và nam giới quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ mắc bệnh lậu cao hơn.

  • Có nhiều bạn tình và không sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ.

  • Tiền sử mắc bệnh lậu hoặc bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Nhiễm lậu cầu

Nhuộm Gram

Phương pháp này nhạy và đặc hiệu đối với bệnh lậu ở nam giới bị ra mủ niệu đạo; phát hiện song cầu khuẩn Gram âm. Nhuộm Gram ít chính xác hơn đối với các trường hợp nhiễm trùng cổ tử cung, họng và trực tràng và không được khuyến cáo để chẩn đoán tại các khu vực này.

Cấy vi khuẩn

Phương pháp nhạy cảm và đặc hiệu, nhưng vì lậu cầu rất yếu và khó cấy, cần nhanh chóng phết các mẫu lấy bằng tăm bông lên môi trường thích hợp (Thayer-Martin) và vận chuyển đến phòng thí nghiệm bằng các thùng vận chuyển có chứa CO2. Mẫu máu và dịch khớp phải được gửi đến phòng xét nghiệm với thông báo nghi ngờ nhiễm lậu cầu. Hiện nay, các xét nghiệm khuếch đại acid nucleic đã thay thế nuôi cấy trong hầu hết các phòng thí nghiệm.

Xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAATs)

Có thể được thực hiện trên dịch sinh dục, trực tràng hoặc miệng. Hầu hết các xét nghiệm đồng thời phát hiện được bệnh lậu, nhiễm chlamydia và sau đó thực hiện tiếp một xét nghiệm khác để phân biệt nguyên nhân. NAATs nhạy đối với mẫu nước tiểu ở cả hai giới.

Cần thực hiện các xét nghiệm huyết thanh học cho bệnh giang mai (STS), HIV và xét nghiệm khuếch đại acid nucleic (NAAT) để sàng lọc nhiễm chlamydia.

Sàng lọc

Các bệnh nhân có nguy cơ cao mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) nhưng không triệu chứng có thể được sàng lọc bằng NAAT các mẫu nước tiểu, do đó không cần thực hiện thủ thuật xâm lấn để lấy mẫu từ các cơ quan sinh dục.

Phụ nữ không mang thai (bao gồm cả những phụ nữ có quan hệ tình dục với phụ nữ) được sàng lọc hàng năm nếu họ:

  • Có quan hệ tình dục và ≤ 24 tuổi;

  • Có tiền sử mắc bệnh STD;

  • Có nguy cơ cao(ví dụ: Có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình, mại dâm, sử dụng bao cao su không thường xuyên);

  • Có bạn tình có nguy cơ cao.

Phụ nữ mang thai được kiểm tra trong lần khám thai đầu tiên của họ và lặp lại trong 3 tháng cuối nếu họ ≤ 24 tuổi hoặc có các yếu tố nguy cơ.

Nam giới quan hệ tình dục khác giới: Không cần kiểm tra định kỳ trừ khi họ có nguy cơ cao (như những người quan hệ tình dục đồng giới, bệnh nhân ở bệnh viện thanh thiếu niên hoặc STD, nam giới vào các cơ sở cải huấn).

Nam giới quan hệ tình dục đồng giới: Được kiểm tra nếu họ quan hệ tình dục trong năm trước đó (mẫu nước tiểu, phết niêm mạc trực tràng và ngoáy họng). Những người nhiễm HIV, nhiều bạn tình hoặc bạn tình có nhiều bạn tình nên được sàng lọc thường xuyên hơn, trong khoảng 3 - 6 tháng.

Phương pháp điều trị Nhiễm lậu cầu hiệu quả

Nhiễm trùng lậu cầu cổ tử cung, trực tràng và họng không biến chứng 

Ưu tiên:

Một liều duy nhất ceftriaxone 250mg tiêm bắp cộng với azithromycin 1g uống.

Thay thế:

Một liều duy nhất của cefixime 400mg uống cộng với azithromycin 1g uống.

Bệnh nhân bị dị ứng azithromycin hoặc nôn thuốc ngay sau khi uống, doxycycline 100 mg uống 2 lần/ngày trong 7 ngày phối hợp với kháng sinh cephalosporin như trên.

Bệnh nhân bị dị ứng với cephalosporin, được điều trị bằng một trong những thuốc sau:

  • Gemifloxacin 320mg uống cộng với azithromycin 2g uống.

  • Gentamicin 240mg tiêm bắp cộng với azithromycin 2g uống.

Liệu pháp đơn trị và các thuốc fluoroquinolones uống (ví dụ, ciprofloxacin, levofloxacin, ofloxacin) hoặc cefixime không còn được khuyến cáo vì sự gia tăng kháng thuốc. 

DGI và bệnh viêm khớp lậu cầu ban đầu được điều trị bằng kháng sinh tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch (ví dụ, ceftriaxone 1g tiêm bắp hoặc tĩnh mạch mỗi 24 giờ, ceftizoxime 1g tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ, cefotaxime 1g tiêm tĩnh mạch mỗi 8 giờ) tiếp tục trong 24 - 48 giờ đến khi triệu chứng giảm, sau đó sử dụng thuốc uống trong 4 - 7 ngày. Một liều duy nhất của azithromycin 1g cũng luôn được chỉ định.

Viêm mủ do lậu cầu:

Thường cần phải dẫn lưu dịch khớp nhiều lần, chọc dịch khớp hoặc nội soi khớp. Ban đầu, cần cố định khớp; sau khi đó, bệnh nhân bắt đầu các bài tập vật lý trị liệu nhẹ nhàng. Khi cơn đau thuyên giảm, nên tập thể dục nhiều hơn, chủ yếu là để kéo giãn và tăng cường cơ bắp. Vì tình trạng tích tụ dịch khớp (tràn dịch khớp) có thể kéo dài, nên chỉ định thuốc chống viêm.

Nếu đáp ứng điều trị tốt, không cần thiết phải cấy vi khuẩn. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân có triệu chứng > 7 ngày, cần lấy mẫu, nuôi cấy và kiểm tra độ nhạy cảm của kháng sinh.

Bệnh nhân nên kiêng hoạt động tình dục cho đến khi điều trị được hoàn thành để tránh lây nhiễm cho bạn tình.

Đối tượng quan hệ tình dục:

Tất cả người có quan hệ tình dục với bệnh nhân trong vòng 60 ngày cần được kiểm tra bệnh lậu, các bệnh STDs khác và điều trị nếu kết quả dương tính. Người tiếp xúc trong vòng 2 tuần phải được điều trị dự phòng (điều trị dịch tễ).

Điều trị nhanh cho bạn tình (Expedited partner therapy - EPT): Cung cấp cho bệnh nhân toa thuốc hoặc thuốc để đưa cho bạn tình của họ. EPT có thể làm tăng sự tuân thủ của bạn tình và giảm sự thất bại điều trị do tái nhiễm. Có thể phù hợp nhất với bạn tình của phụ nữ bị bệnh lậu hoặc nhiễm chlamydia. Tuy nhiên, nên thăm khám trực tiếp để điều tra lịch sử dị ứng thuốc và sàng lọc các STDs khác.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Nhiễm lậu cầu

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Không hút thuốc lá và hạn chế uống bia rượu.

  • Hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh.

  • Quan hệ tình dục an toàn, có biện pháp bảo vệ và không quan hệ với nhiều đối tượng.

Chế độ dinh dưỡng:

Bổ sung thức ăn chứa nhiều vitamin A, C, kẽm để giúp tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật.

Một số thực phẩm có lợi cho bệnh nhân nhiễm lậu cầu như:

  • Tỏi và hành tây: Có chứa chất diệt khuẩn và chất chống oxy hoá.

  • Cà chua và cà rốt: Giàu dinh dưỡng, lycopene, beta carotene và chất chống oxy hóa.

  • Lê và táo: Kích thích hệ miễn dịch...

Phương pháp phòng ngừa Nhiễm lậu cầu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Sử dụng bao cao su nếu quan hệ tình dục: Kiêng quan hệ tình dục là cách chắc chắn nhất để ngăn ngừa bệnh lậu. Nhưng nếu quan hệ tình dục, hãy sử dụng bao cao su trong bất kỳ hình thức nào, bao gồm quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng hoặc quan hệ tình dục qua đường âm đạo.

  • Hạn chế số lượng bạn tình: Quan hệ chung thủy một vợ một chồng, trong đó cả hai vợ chồng không quan hệ tình dục với bất kỳ ai khác có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

  • Đảm bảo bản thân và đối tác đã kiểm tra các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. 

  • Không quan hệ tình dục với người nghi ngờ nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục: Nếu bạn tình có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như nóng rát khi đi tiểu, phát ban hoặc đau ở bộ phận sinh dục, đừng quan hệ với người đó.

  • Cân nhắc tầm soát bệnh lậu thường xuyên, khuyến nghị cho phụ nữ có hoạt động tình dục dưới 25 tuổi và phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Bao gồm những phụ nữ có bạn tình mới, nhiều hơn một bạn tình, bạn tình bị nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục...

  • Kiểm tra thường xuyên cũng được khuyến cáo cho nam giới quan hệ tình dục đồng giới, cũng như bạn tình của họ.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gonorrhea
  2. https://www.msdmanuals.com/professional/
  3. https://vncdc.gov.vn/benh-lau-nd14527.html

Các bệnh liên quan

  1. Nhiễm trùng vết thương

  2. Lao hệ tiết niệu-sinh dục

  3. Sán dây cá

  4. Quai bị

  5. Giun sán

  6. Nhiễm nấm Coccidioidomycosis

  7. Nhiễm ấu trùng sán lợn

  8. Áp xe lòng bàn tay

  9. Tiêu chảy do virus Rota

  10. Nhiễm Candida