Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hiểu về bệnh lý ống phúc tinh mạc: Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh lý ống phúc tinh mạc là nhóm bệnh lý gồm thoát vị bẹn bẩm sinh, tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh và nang thừng tinh. Đây là những bệnh lý bẩm sinh phổ biến do bất thường trong quá trình phát triển của thai nhi. Hầu hết các bệnh trên chỉ gây triệu chứng khó chịu cho trẻ, hiếm gây biến chứng nguy hiểm do đó cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Phẫu thuật là phương pháp điều trị sử dụng phổ biến hiện nay, mang lại hiệu quả lâu dài.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh lý ống phúc tinh mạc là gì?

Trong giai đoạn phôi thai của bé trai, tinh hoàn sẽ di chuyển xuống bìu cùng với nếp phúc mạc do đó tạo thành một túi có hình ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường sau khi sinh ra thì ống này sẽ đóng lại, nếu ống phúc tinh mạc này không đóng sẽ gây ra bệnh lý ống phúc tinh mạc gồm thoát vị bẹn bẩm sinh, tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh và nang thừng tinh.

Nếu lỗ thông của ống phúc tinh mạc to sẽ gây bệnh thoát vị bẹn bẩm sinh, nếu lỗ thông nhỏ sẽ gây bệnh tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh còn nếu lỗ thông quá nhỏ sẽ gây bệnh nang thừng tinh.

Còn đối với bé gái, ống phúc tinh mạc sẽ nằm phía trên môi lớn gọi là ống Nuck.

Thoát vị bẹn bẩm sinh

Thoát vị bẹn xảy ra khi các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) và mỡ thừa chui qua một lỗ ở thành bụng dưới, ngay nếp bẹn (là một điểm yếu của thành bụng) tại một điểm yếu trên thành bụng. Ống phúc tinh mạc không đóng lại sau sinh khiến cho các cơ quan trong khoang bụng dễ chui xuống gây thoát vị. Thường xuất hiện một bên, bên phải gặp nhiều hơn bên trái.

Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh

Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh, còn gọi là thủy tinh hoàn là tình trạng bìu sưng to, căng phồng do tụ dịch ở giữa hai lớp màng tinh mạc bao quanh tinh hoàn. Ở giai đoạn phôi thai phát triển, nếu ống phúc tinh mạc không được bịt kín sẽ khiến dịch từ khoang bụng chảy vào bìu gây tràn dịch ở màng tinh mạc.

Nang thừng tinh

Thừng tinh là một ống chứa các thành phần từ bìu qua ống bẹn vào trong khoang bụng như ống dẫn tinh, các động mạch và tĩnh mạch, thần kinh. Tương tự bệnh thủy tinh mạc, ống phúc tinh mạc không biến mất sau khi trẻ sinh ra làm bìu phồng to. Nang thừng tinh là một khối hình tròn hoặc bầu dục trơn láng, không đau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ống phúc tinh mạc

Thoát vị bẹn bẩm sinh

Bạn có thể phát hiện một khối phồng bất thường ở vùng háng của trẻ. Thoát vị có thể gặp ngay sau sinh hoặc sau vài tuần hay vài tháng hay có khi vài năm mới xuất hiện. 

Khối phồng có thể đi vào bìu của trẻ khiến trẻ cảm thấy khó chịu nhất là khi khóc, khi ho, khi rặn đi cầu hay cúi người sẽ làm khối phồng to lên. Trẻ có thể cảm thấy nóng rát hay đau nhức vùng chậu hoặc xuống chân.

Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh

Triệu chứng chính của tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh là sưng một hoặc hai tinh hoàn, cảm giác giống như bạn đang treo một quả bóng nước. Các triệu chứng khác bạn có thể nhận biết như thay đổi kích thước của bìu trong ngày (nhỏ vào buổi sáng và lớn hơn vào buổi tối), đau gây khó chịu, cảm giác nặng nề.

Nang thừng tinh

Triệu chứng của trẻ mắc nang thừng tinh rõ nhất là bạn sẽ thấy một khối phồng bất thường ở bìu so với bên còn lại, có thể xuất hiện từng đợt hoặc thường xuyên. Tùy thuộc vào kích thước sưng to của bìu mà triệu chứng của trẻ sẽ khác nhau. Các triệu chứng gồm đau nhức vùng bìu, sưng bìu, cảm giác nặng nề ở bìu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ống phúc tinh mạc

Nếu không được điều trị, bệnh tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh và nang thừng tinh có thể tiến triển thành thoát vị bẹn do lỗ thông lúc này bị yếu và to ra. Tình trạng này rất hiếm gặp, tuy nhiên vẫn cần được chú ý và theo dõi.

Thoát vị bẹn không phải lúc nào cũng nghiêm trọng nhưng nếu không điều trị vẫn có thể gây biến chứng. Thoát vị có xu hướng xấu đi theo thời gian mắc bệnh. Lâu dần điểm yếu trên thành bụng rộng hơn và yếu hơn, càng nhiều mô và cơ quan có thể chui qua nó dễ gây nghẹt. 

Các cơ quan như ruột khi thoát ra có nguy cơ bị chèn ép gây tắc ruột hoặc khiến nguồn cung cấp máu cho cơ quan bị chặn gây nhiễm trùng và hoại tử, đây là một cấp cứu y khoa.

ỐNG PHÚC TINH MẠC 4.jpg
Thoát vị bẹn có nghẹt là biến chứng nguy hiểm của bệnh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu con bạn có bất kỳ triệu chứng dưới đây hãy đưa trẻ đi khám sớm nhất tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm nhất, ngăn ngừa biến chứng.

  • Một khối phồng ở háng hoặc bẹn hoặc bìu;
  • Khối phồng thay đổi kích thước khi ho hoặc rặn;
  • Con bạn cảm thấy khó chịu bởi khối phồng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ống phúc tinh mạc

Bệnh lý ống phúc tinh mạc là bệnh lý bẩm sinh, xảy ra trong quá trình phát triển của trẻ do ống phúc tinh mạc không biến mất sau khi sinh ra. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ống phúc tinh mạc?

  • Bé trai có nguy cơ mắc bệnh lý ống phúc tinh mạc cao hơn bé gái.
  • Trẻ sinh non.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ống phúc tinh mạc

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý ống phúc tinh mạc gồm:

  • Di truyền;
  • Giới tính: Bé trai có nguy cơ mắc bệnh lý ống phúc tinh mạc cao hơn bé gái;
  • Hút thuốc lá trong thời gian mang thai;
  • Sinh non;
  • Sống hoặc tiếp xúc thường xuyên với môi trường ô nhiễm khi đang mang thai.
ỐNG PHÚC TINH MẠC 6.jpg
Mẹ hút thuốc lá trong thời gian mang thai là yếu tố nguy cơ gây bệnh ống phúc tinh mạc

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ống phúc tinh mạc

Thoát vị bẹn bẩm sinh

Hiện nay để chẩn đoán thoát vị bẹn có thể chỉ cần khám lâm sàng là đủ. Bác sĩ sẽ nhìn và sờ khối phồng hay yêu cầu trẻ ho hay rặn để xem khối thoát vị này có thay đổi kích thước hay không. Sờ giúp bác sĩ xác định tính chất khối thoát vị như di động, cứng hay mềm, có bị nghẹt hay không.

Siêu âm hoặc CT-scan có thể được chỉ định nếu bác sĩ không chắc chắn về chẩn đoán hoặc muốn xem hình ảnh bên trong khối thoát vị.

Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh

Để chẩn đoán tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh có thể chỉ cần khám lâm sàng, bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và tiến hành khám vùng bìu của trẻ, thường không sờ được tinh hoàn. Chiếu đèn qua bìu có thể giúp phát hiện dịch bên trong. Để chắc chắn cho chẩn đoán của mình, một số xét nghiệm hình ảnh có thể được bác sĩ chỉ định:

  • Siêu âm vùng chậu: Siêu âm cho thấy các mô mềm bên trong bao gồm cả tinh hoàn. Đây là xét nghiệm được sử dụng phổ biến nhất hiện nay.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Sử dụng tia X để tạo ra các hình ảnh cắt ngang của cơ thể, cho thấy hình ảnh 3D của tinh hoàn và sự xuất hiện của dịch hay không.

Nang thừng tinh

Thông thường nang thừng tinh ít gây triệu chứng, có thể chỉ phát hiện khi nang lớn hoặc khám sức khỏe cho trẻ phát hiện. nang thừng tinh thường sẽ không nhỏ lại khi sờ nắn. Tương tự thủy tinh mạc, soi đèn hay siêu âm giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh. 

ỐNG PHÚC TINH MẠC 5.jpg
 Siêu âm là xét nghiệm phổ biến giúp chẩn đoán bệnh

Phương pháp điều trị ống phúc tinh mạc

Thoát vị bẹn bẩm sinh

Khuyến cáo phẫu thuật sớm điều trị thoát vị bẹn cho tất cả trẻ em vì đây là lứa tuổi có nhiều nguy cơ biến chứng nghẹt. Hầu hết các thoát vị bẹn sẽ không tự khỏi và lâu dần sẽ gây triệu chứng và biến chứng nguy hiểm. Thoát vị bẹn gây nghẹt là một phẫu thuật cấp cứu.

Nếu thoát vị bẹn của con bạn nhỏ và không có triệu chứng hoặc bạn không muốn phẫu thuật, bác sĩ có thể dùng tay đẩy khối thoát vị lại trở lại khoang bụng tuy nhiên đây chỉ là tạm thời và khối thoát vị có thể xuất hiện lại bất cứ lúc nào. Bạn có thể đeo thắt lưng hoặc nẹp để giữa khối thoát vị cố định.

Các phương pháp phẫu thuật cho thoát vị bẹn:

  • Phẫu thuật nội soi: Bác sĩ sẽ rạch những vết mổ nhỏ ở bụng, phẫu thuật được thực hiện dưới hướng dẫn của máy quay nội soi. Vết mổ nội soi thường ít đau hơn và thời gian lành cũng nhanh hơn.
  • Phẫu thuật nội soi bằng robot: Tương tự như phẫu thuật nội soi nhưng bác sĩ không phải là người mổ trực tiếp mà thông qua robot.
  • Phẫu thuật mở: Là phương pháp phẫu thuật truyền thống. Bác sĩ sẽ rạch một đường dài ngang xương chậu. So với phẫu thuật nội soi thì vết mổ thường sẽ đau và thời gian lành cũng lâu hơn.
  • Nếu bạn có tình trạng chèn ép hoặc nghẹt ruột, bác sĩ có thể sẽ phải cắt bỏ phần ruột bị ảnh hưởng.

Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh

Tràn dịch màng tinh hoàn bẩm sinh và nang thừng tinh thường sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Nếu bệnh không tự khỏi (sau 2 tuổi), bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ dịch ở tinh hoàn và bìu cũng như là cột cắt ống phúc tinh mạc.

Nang thừng tinh

Nang thừng tinh thường sẽ không tự biến mất, nếu sau 2 năm mà nang này không tự nhỏ đi hoặc tiếp tục to ra thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để bóc tách nang.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ống phúc tinh mạc

Chế độ sinh hoạt:

Chế độ sinh hoạt không ảnh hưởng đến diễn tiến của bệnh. Quan trọng nhất của điều trị bệnh là chăm sóc trẻ sau phẫu thuật.

  • Thông thường trẻ sẽ cảm thấy đau sau khi hết thuốc, hãy bên cạnh bé trấn an và động viên để trẻ thấy tốt hơn hoặc có thể hỏi bác sĩ về thuốc giảm đau có thể sử dụng cho trẻ.
  • Vệ sinh vết mổ sạch, hạn chế tiếp xúc vết mổ với nước (nhất là 2 ngày đầu).
  • Tránh vận động quá mạnh làm ảnh hưởng vết mổ.
  • Mặc quần áo rộng rãi thoải mái, tránh cọ xát với vết mổ.
  • Theo dõi các dấu hiệu như sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt; vết mổ tiết dịch, sưng tấy hay vết mổ nóng đỏ hơn vùng xung quanh để báo bác sĩ ngay lập tức.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa.
  • Uống nhiều nước.
ỐNG PHÚC TINH MẠC 7.jpg
Vệ sinh vết mổ sau phẫu thuật cần được chú ý

Phương pháp phòng ngừa ống phúc tinh mạc hiệu quả

Các bệnh lý của ống phúc tinh mạc chưa được ghi nhận do dinh dưỡng hay thuốc hay chế độ sinh hoạt của mẹ khi mang thai gây ra tác động đến sự phát triển của trẻ. Do đó bệnh hiện nay vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa.

Nguồn tham khảo
  1. Inguinal Hernia (Groin Hernia): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16266-inguinal-hernia
  2. Hydrocele: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/16294-hydrocele
  3. Spermatocele: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17492-spermatocele
  4. Peritoneal dialysis: https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/peritoneal-dialysis/about/pac-20384725
  5. Peritoneal Dialysis: https://www.niddk.nih.gov/health-information/kidney-disease/kidney-failure/peritoneal-dialysis

Các bệnh liên quan

  1. Suy giãn tĩnh mạch sâu chi dưới

  2. Hội chứng tăng tiết ADH không thích hợp

  3. Nhiễm Arbovirus

  4. Nóng trong người

  5. Suy tim mạn tính

  6. Hạ magie máu

  7. Bệnh nấm da

  8. Tắc mạch máu não

  9. Ối vỡ non

  10. U sao bào