Long Châu

Suy buồng trứng sớm: Hội chứng làm giảm khả năng thụ thai

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy buồng trứng sớm xảy ra khi buồng trứng của một người sản xuất ít trứng hơn. Thông thường, các bác sĩ không biết nguyên nhân gây ra bệnh, nhưng suy buồng trứng sớm thường là kết quả của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Bác sĩ có thể chẩn đoán suy buồng trứng sớm dựa trên tiền sử bệnh và xét nghiệm máu của một người. Phương pháp điều trị mà họ kê đơn sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy buồng trứng sớm là gì? 

Suy buồng trứng sớm còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát. Đó là một tình trạng ảnh hưởng đến phụ nữ trước khi họ bước vào tuổi mãn kinh. Theo sinh lý bình thường buồng trứng của một phụ nữ khỏe mạnh sản xuất ra estrogen. Hormone này kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt và làm cho phụ nữ dễ thụ thai (có thể mang thai). Theo tuổi tác, buồng trứng sẽ ngừng sản xuất estrogen vào một thời điểm nhất định. Đôi khi, buồng trứng ngừng hoạt động rất lâu trước khi mãn kinh. Tuổi mãn kinh trung bình là 51, nếu bạn dưới 40 tuổi và buồng trứng của bạn không còn tạo ra trứng nữa đồng thời kinh nguyệt của bạn đã ngừng thì đó có thể là suy buồng trứng sớm.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy buồng trứng sớm

Đa phần nữ giới có thể không nhận biết được buồng trứng của họ hoạt động bất thường. Một số phụ nữ bị suy buồng trứng sớm vẫn có kinh và thậm chí có thể mang thai. Nhưng nhiều người gặp tình trạng này sẽ khó mang thai. Đó thường là lý do thúc đẩy họ đến gặp bác sĩ. Các triệu chứng phổ biến nhất của suy buồng trứng sớm là trễ kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Các triệu chứng khác có thể giống như của thời kỳ mãn kinh và thường bao gồm:

  • Nóng ran;

  • Đổ mồ hôi đêm;

  • Lo lắng, trầm cảm hoặc thay đổi tâm trạng;

  • Gặp phải các vấn đề về sự tập trung hoặc trí nhớ;

  • Ham muốn tình dục không như trước đây;

  • Khó ngủ;

  • Khô âm đạo, có thể gây khó chịu khi quan hệ tình dục.

Tác động của suy buồng trứng sớm đối với sức khỏe

Mức độ thấp của estrogen có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng mang thai của giới nữ. Estrogen cần thiết cho một trái tim khỏe mạnh và xương chắc khỏe. Nếu buồng trứng của bạn không tạo đủ hormone này, bạn có nhiều khả năng mắc các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như:

  • Lo lắng và trầm cảm;

  • Bệnh về mắt, bao gồm cả bệnh khô mắt;

  • Cholesterol cao và bệnh tim;

  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém);

  • Loãng xương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng, chẳng hạn như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm hoặc mất kinh trước 40 tuổi.

Bạn cũng có thể hỏi ý kiến ​​bác sĩ nếu gặp tình trạng khó có thai hơn 6 - 12 tháng hoặc nhận thấy kinh nguyệt không trở lại bình thường sau khi ngừng kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố, điều trị ung thư hoặc sau phẫu thuật.

Nếu một người cần điều trị ung thư, họ có thể muốn bảo tồn khả năng sinh sản bằng cách đông lạnh trứng để có cơ hội thụ thai sau khi điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy buồng trứng sớm

Bên trong buồng trứng là những túi nhỏ, được gọi là nang. Chúng giữ trứng khi cho đến khi lớn lên và trưởng thành. Các bé gái thường được sinh ra với khoảng 2 triệu “hạt giống” biến thành những nang này, kéo dài qua thời kỳ mãn kinh.

Nếu bạn bị suy buồng trứng nguyên phát, các nang trứng của bạn sẽ cạn kiệt (bác sĩ có thể gọi là suy giảm) hoặc không hoạt động bình thường (còn gọi là rối loạn chức năng). Các bác sĩ chưa xác định rõ nguyên nhân vì sao điều này xảy ra.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải suy buồng trứng sớm?

Hội chứng suy buồng trứng sớm này có thể xảy ra nhiều hơn nếu mẹ hoặc chị gái của bạn cũng mắc phải hội chứng này. Những người có nguy cơ mắc phải hội chứng suy buồng trứng sớm bao gồm:

  • Người bị rối loạn tự miễn;

  • Người phải trải qua hóa trị và xạ trị;

  • Những người bị rối loạn di truyền và nhiễm sắc thể, bao gồm hội chứng Fragile X và hội chứng Turner;

  • Người bị nhiễm virus.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy buồng trứng sớm

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc suy buồng trứng sớm, bao gồm:

Tuổi: Nguy cơ gia tăng trong độ tuổi từ 35 đến 40. Mặc dù hiếm gặp trước 30 tuổi, nhưng suy buồng trứng nguyên phát vẫn có thể xảy ra ở phụ nữ trẻ hơn và ngay cả ở thanh thiếu niên.

Tiền sử gia đình: Có tiền sử gia đình bị suy buồng trứng nguyên phát làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn này.

Giải phẫu buồng trứng: Các cuộc phẫu thuật liên quan đến buồng trứng làm tăng nguy cơ suy buồng trứng nguyên phát.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy buồng trứng sớm

Nếu kinh nguyệt của người nữ đã ngừng hoặc kinh nguyệt không đều, bác sĩ sẽ làm xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone và loại trừ trường hợp mang thai, các bệnh lý tuyến giáp và các tình trạng sức khỏe khác.

Các xét nghiệm máu được thực hiện để đo nồng độ hormone trong máu:

  • FSH (hormone kích thích nang trứng). Tuyến yên tạo ra hormone này, hormone này kích thích cho buồng trứng giải phóng một quả trứng mỗi tháng.

  • Estradiol: Đây là một loại hormone estrogen được tạo ra bởi buồng trứng.

Kết quả từ các xét nghiệm này giúp bác sĩ hiểu những gì có thể đang xảy ra với buồng trứng của bệnh nhân. Bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị suy buồng trứng nguyên phát nếu bạn dưới 40 tuổi và có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Mức FSH cao trong hai xét nghiệm khác nhau được thực hiện cách nhau ít nhất 1 tháng.

  • Mức estradiol thấp, có nghĩa là buồng trứng của bạn không sản xuất đủ estrogen.

  • Không có kinh hoặc kinh nguyệt không đều (ít thường xuyên hơn 35 ngày một lần) trong 3 tháng liên tiếp.

  • Bác sĩ có thể khuyên bạn nên siêu âm qua ngã âm đạo. Kiểm tra hình ảnh sẽ phát hiện được bất thường ở buồng trứng. Phụ nữ bị suy buồng trứng nguyên phát thường có buồng trứng nhỏ hơn với ít nang.

Phương pháp điều trị suy buồng trứng sớm hiệu quả

Mặc dù không có cách chữa trị, nhưng có những phương pháp điều trị có thể làm giảm các triệu chứng và các biến chứng tiềm ẩn liên quan đến mức độ estrogen thấp do suy buồng trứng sớm.

Liệu pháp thay thế hormone (HRT) là phổ biến nhất. Phương pháp điều trị này thường kết hợp estrogen và progestin, mặc dù bác sĩ có thể kê đơn các dạng khác. Bạn có thể dùng thuốc qua đường uống, bôi ngoài da hoặc đặt âm đạo. Đảm bảo rằng bạn đã được bác sĩ tư vấn về các tác dụng phụ và rủi ro có thể xảy ra nếu bạn đang cân nhắc liệu pháp này.

Các bác sĩ thường kê đơn bổ sung canxi và vitamin D để ngăn ngừa mất xương, điều này có thể xảy ra khi nồng độ estrogen giảm xuống. Nếu bạn không tập luyện, bạn sẽ cần tạo thói quen tập thể dục vì các bài tập thể lực được thiết kế phù hợp với thể trạng có thể giúp giữ cho xương của bạn chắc khỏe và trái tim khỏe mạnh.

Nếu bạn đang hy vọng có thai nhưng phát hiện ra rằng bạn bị suy buồng trứng nguyên phát, bạn có thể tìm đến chuyên gia tư vấn và cũng làm việc với bác sĩ để hiểu và có những lựa chọn lựa chọn phù hợp cho cuộc sống hôn nhân, gia đình.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy buồng trứng sớm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Hỗ trợ tinh thần: Chẩn đoán suy buồng trứng sớm có thể thay đổi kế hoạch mang thai của một người nào đó, điều này có thể gây ra cảm giác đau buồn. Các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm có thể giúp đỡ những người lo lắng về khả năng sinh sản.

Chế độ dinh dưỡng:

Một số thay đổi lối sống và chế độ ăn uống có thể làm giảm các triệu chứng của suy buồng trứng sớm và nguy cơ biến chứng, những điều này bao gồm:

  • Giữ cho xương chắc khỏe bằng cách uống bổ sung canxi và vitamin D, ăn thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng này và thực hiện các bài tập thể lực để tăng cường sức khỏe hệ xương.

  • Tránh hút thuốc và các chất độc: Khói thuốc lá, thuốc trừ sâu và một số vi rút có thể làm trầm trọng thêm suy buồng trứng sớm. Ngừng hút thuốc và tiêm phòng vi rút, chẳng hạn như vi rút quai bị, có thể giúp tránh bị tổn thương thêm buồng trứng.

  • Có một số bằng chứng hạn chế cho thấy một số loại thảo mộc có thể làm giảm các triệu chứng của suy buồng trứng sớm. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy thuốc thảo dược Trung Quốc có thể làm giảm các triệu chứng suy buồng trứng sớm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này để xác định tính an toàn và hiệu quả.

Phương pháp phòng ngừa suy buồng trứng sớm hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn cần một chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý ngay từ khi còn trẻ tuổi. Ăn một chế độ ăn giàu canxi, thực hiện các bài tập thể dục như đi bộ và các bài tập rèn luyện sức bền cho cơ thể của bạn và không hút thuốc.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.webmd.com/menopause/premature-ovarian-failure 
  2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/premature-ovarian-failure#complications 
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-ovarian-failure/symptoms-causes/syc-20354683

Các bệnh liên quan