Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nang cơ năng buồng trứng là gì? Có nguy hiểm đến sức khỏe không?

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nang cơ năng buồng trứng là một nang xuất hiện tại buồng trứng chứa dịch ở bên trong, thường xuất hiện theo chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của bạn. Các nang này không có hại cho bạn, không có triệu chứng và thường tự biến mất trong vòng vài tuần hoặc vài tháng. Hầu hết các nang cơ năng buồng trứng không cần can thiệp phẫu thuật và các thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng khó chịu của người bệnh. Tuy nhiên một số biến chứng hiếm gặp vẫn có thể xảy ra gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nang cơ năng buồng trứng là gì?

Nang buồng trứng là một nang chứa dịch hoặc dung dịch sệt hình thành ở trên hoặc bên trong một hay hai buồng trứng. Có nhiều loại nang buồng trứng khác nhau, hầu hết đều không gây triệu chứng và lành tính.

Nang cơ năng buồng trứng là loại nang buồng trứng phổ biến nhất xảy ra do sự rụng trứng. Mỗi nang thường sẽ hình thành trong thời kỳ rụng trứng để chứa trứng trưởng thành. Thông thường nang này sẽ vỡ ra sau trứng được giải phóng. Khi trứng không được giải phóng hoặc sau khi trứng rụng nang này đóng lại và không vỡ ra thì lúc này nang này sẽ to ra và chứa dịch bên trong. Các nang này sẽ tiếp tục phát triển do kích thích của nội tiết tố.

Trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng của người bình thường, một trong hai loại nang cơ năng có thể xuất hiện gồm:

  • Nang noãn: Nang trên buồng trứng nhưng không giải phóng trứng trong thời kỳ rụng trứng mà tiếp tục phát triển lên tạo nang chứa dịch bên trong. Những nang noãn này thường có đường kính lớn hơn 2,5cm. Đây là nang buồng trứng thường gặp nhất và sẽ tự biến mất sau 1 đến 3 tháng.
  • Nang hoàng thể: Nang xuất hiện sau khi trứng rụng, nang không co lại mà bịt kín và chứa dịch bên trong. Những nang hoàng thể thường phát triển đến khoảng 3cm hoặc có thể phát triển lớn hơn 10cm. Các nang này thường tự biến mất trong vòng vài tuần.

Hầu hết các nang cơ năng buồng trứng đều lành tính (không phải ung thư). Chúng thường hình thành do thay đổi nội tiết tố, mang thai hoặc một số bệnh lý như lạc nội mạc tử cung. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nang cơ năng buồng trứng

Hầu hết những nang cơ năng buồng trứng không gây ra triệu chứng. Nang càng lớn thì mới xuất hiện các triệu chứng như

  • Đau vùng chậu;
  • Đau ở một bên bụng dưới, âm ỉ hoặc đau nhói;
  • Cảm giác chướng bụng;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Đau bụng trong thời gian hành kinh;
  • Tình trạng rối loạn kinh nguyệt ví dụ như kinh nguyệt không đều;
  • Chảy máu âm đạo bất thường giữa 2 chu kỳ kinh;
  • Mắc tiểu thường xuyên;
  • Khó làm trống bàng quang hoặc khi đi cầu;
  • Lạc nội mạc tử cung làm bạn khó thụ thai;
  • Tăng cân bất thường;
  • Đau và khó chịu vú.
NANG CƠ NĂNG BUỒNG TRỨNG 4.jpg
Đau vùng bụng dưới là một trong những triệu chứng của nang buồng trứng

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh nang cơ năng buồng trứng

Biến chứng do nang cơ năng buồng trứng rất hiếm. Khi nang phát triển lớn dần hoặc khi nang vỡ có thể gây gây đau dữ dội và chảy máu âm đạo.

Một số trường hợp khi nang buồng trứng phát triển lớn sẽ khiến buồng trứng di chuyển và xoắn lại làm mất nguồn cung cấp máu cho buồng trứng gây đau bụng dữ dội. Xoắn buồng trứng là một tình trạng cấp cứu, nếu không kịp điều trị sẽ làm buồng trứng bị hoại tử.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ khi bạn có triệu chứng đau vùng chậu hoặc chảy máu để được kiểm tra sức khỏe và tìm kiếm nguyên nhân gây ra. Ngoài ra, một số triệu chứng dưới đây cũng có thể báo hiệu cho tình trạng sức khỏe nguy hiểm mà bạn cần gọi cấp cứu ngay lập tức:

  • Đau kèm sốt;
  • Buồn nôn và nôn;
  • Ngất, cảm thấy yếu hoặc chóng mặt;
  • Đau bụng đột ngột, dữ dội;
  • Thở nhanh;
  • Chảy máu bất thường.
NANG CƠ NĂNG BUỒNG TRỨNG 5.jpg
Hãy đi khám bác sĩ nếu bạn có chảy máu âm đạo bất thường

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nang cơ năng buồng trứng

Nang cơ năng buồng trứng thường phát triển trong chu kỳ kinh nguyệt (theo sự phát triển và giải phóng tế bào trứng) gây ra sự thay đổi nồng độ nội tiết tố. Thường xảy ra ở tuổi dậy thì hoặc trước thời kỳ mãn kinh. Và các nang này có thể xuất hiện ở một buồng trứng hoặc cả hai buồng trứng cũng một lúc.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nang cơ năng buồng trứng?

  • Thanh thiếu niên ở tuổi dậy thì.
  • Phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh.
  • Phụ nữ mang thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nang cơ năng buồng trứng

Các yếu tố nguy cơ hình thành nang cơ năng buồng trứng:

  • Tuổi: Thường gặp ở tuổi dậy thì, trước khi bạn mãn kinh;
  • Mang thai;
  • Hút thuốc lá;
  • Đang điều trị vô sinh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nang cơ năng buồng trứng

Hầu hết các nang buồng trứng không có dấu hiệu hoặc triệu chứng nên thường khó chẩn đoán. Người bệnh có thể phát hiện một cách tình cờ khi đi khám sức khỏe hoặc khi nang gây triệu chứng khiến người bệnh phải đi khám bệnh.

Khi đến khám bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng và bệnh sử của bạn. Khám phụ khoa có thể phát hiện nang buồng trứng. Một số xét nghiệm được chỉ định để đánh giá hình dạng và kích thước của nang.

  • Thử thai bằng xét nghiệm beta hCG hoặc que thử nước tiểu để loại trừ khả năng mang thai trước khi chỉ định xét nghiệm hình ảnh. Nếu kết quả thử thai dương tính thì có thể bạn có nang hoàng thể.
  • Xét nghiệm máu: Công thức máu toàn phần, xét nghiệm ung thư buồng trứng CA125.
  • Siêu âm qua ngã âm đạo: Giúp phân biệt nang lành tính hay ác tính.
  • Siêu âm bụng: Giúp đánh giá kích thước, tính chất của nang (chưa dịch hay đặc hay có u nhú).
  • Chụp MRI hoặc CT-scan.

Cần theo dõi sự xuất hiện và tốc độ phát triển của nang buồng trứng để xác định phương pháp điều trị.

NANG CƠ NĂNG BUỒNG TRỨNG 6.jpg
 Siêu âm giúp xác định kích thước và vị trí nang

Phương pháp điều trị nang cơ năng buồng trứng

Hầu hết các nang cơ năng buồng trứng đều biến mất mà không cần điều trị. Khi quyết định phương pháp điều trị phù hợp, bác sĩ sẽ xem xét đến nhiều yếu tố của người bệnh như đã có con hay chưa, đã mãn kinh hay chưa, kích thước nang hiện tại và sự phát triển của nang. Nếu nang không biến mất sau vài chu kỳ kinh nguyệt thì đây không phải là nang cơ năng buồng trứng, lúc này bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm khác.

Thuốc

Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng chườm ấm hoặc kê đơn thuốc giảm đau như acetaminophen hay thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như Ibuprofen để điều trị triệu chứng đau nhẹ.

Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng thuốc tránh thai để ngăn quá trình rụng trứng khi bạn thường xuyên xuất hiện nang cơ năng buồng trứng vì thuốc sẽ ngăn ngừa hình thành nang mới. Tuy nhiên nó sẽ không làm các nang buồng trứng có sẵn nhỏ đi.

Phẫu thuật

Phẫu thuật không được khuyến khích đối với người bệnh có u nang chức năng buồng trứng. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ được chỉ định để điều trị khi:

  • Nang cơ năng buồng trứng quá lớn hoặc càng ngày ngày càng tiến triển;
  • Không tự biến mất sau vài chu kỳ kinh nguyệt;
  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Gây đau bụng dữ dội, cấp tính;
  • Tiền sử gia đình bạn có người thân mắc ung thư khác;
  • Nghi ngờ nang ác tính trên siêu âm.

Phẫu thuật nội soi thường được áp dụng cho phẫu thuật cắt bỏ nang buồng trứng và thường không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và thời gian hồi phục của người bệnh sẽ nhanh hơn so với phẫu thuật mở ổ bụng. Phẫu thuật nội soi có thể phù hợp với cả nang lớn hoặc có thể là nang nghi ngờ ung thư.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể sẽ đề nghị cắt một hoặc cả hai buồng trứng, đặc biệt là khi bạn mắc ung thư hoặc do khó cắt bỏ nang ra khỏi buồng trứng. Việc cắt bỏ có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản vì phẫu thuật có thể dẫn đến giai đoạn mãn kinh ngay lập tức.

Sự sụt giảm hormone đột ngột sẽ gây ra các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, chóng mặt, đau đầu và buồn nôn. Và phụ nữ sẽ không thể có thai được nữa. Vì vậy, bạn và bác sĩ điều trị sẽ cần thảo luận thật kỹ để đưa ra quyết định phù hợp nhất.

NANG CƠ NĂNG BUỒNG TRỨNG 7.jpg
Phẫu thuật nội soi được ưu tiên khi nang buồng trứng lớn và gây triệu chứng khó chịu cho người bệnh

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nang cơ năng buồng trứng

Chế độ sinh hoạt:

Nang cơ năng buồng trứng là một tình trạng sinh lý bình thường do đó hãy cứ duy trì những thói quen sinh hoạt từ trước đến nay của bạn. Nếu có thể hãy tham khảo một số cách dưới đây giúp bạn phòng ngừa các bệnh khác cũng như có một cuộc sống khỏe mạnh cho sau này:

  • Tập thể dục thường xuyên, biết chơi một môn thể thao là có ích vì nó sẽ giúp bạn xả stress sau những giờ đi làm và học tập;
  • Không hút thuốc lá;
  • Giữ cho bản thân luôn vui vẻ và tham gia các hoạt động xã hội nếu có thể;
  • Hạn chế thức khuya, hãy ngủ đủ giấc.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không sử dụng rượu bia;
  • Ăn những thực phẩm có lợi như cá, hải sản, rau xanh đậm, trái cây,...
  • Hạn chế các sản phẩm chế biến sẵn hoặc đóng hộp, thức ăn dầu mỡ hoặc chiên xào;
  • Uống đủ nước, ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.

Phương pháp phòng ngừa nang cơ năng buồng trứng hiệu quả

Không có cách nào để phòng ngừa sự xuất hiện của nang cơ năng buồng trứng. Tuy nhiên những nang buồng trứng này thường lành tính và không gây ảnh hưởng nghiêm trọng hay tác động xấu đến sức khỏe của bạn do đó không cần phải lo lắng. 

Hãy khám phụ khoa và vùng chậu thường xuyên để phát hiện sớm nang buồng trứng giúp theo dõi và điều trị khi cần thiết. 

Nguồn tham khảo
  1. What Size Is Normal for an Ovarian Cyst?: https://www.healthline.com/health/ovarian-cyst-size
  2. Ovarian cysts: What you need to know: https://www.medicalnewstoday.com/articles/179031
  3. Ovarian cysts: Overview: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539572/
  4. Ovarian Cysts: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9133-ovarian-cysts
  5. Ovarian Cysts: https://www.webmd.com/women/ovarian-cysts#1-4 

Các bệnh liên quan

  1. Viêm dạ dày cấp

  2. U máu thể hang

  3. Tăng canxi máu

  4. Rong kinh tiền mãn kinh

  5. cao huyết áp vô căn

  6. Bệnh thoái hóa tinh bột

  7. U nang dây thanh

  8. Nhiễm Cryptococcus

  9. Suy tim giai đoạn cuối

  10. Viêm mũi cấp tính