Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U men xương hàm: Bệnh ung thư hiếm gặp nhưng khó phát hiện

Ngày 11/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U men xương hàm là một khối u hiếm gặp và phát triển chậm trong hàm của bạn, ở khoảng trống phía sau răng hoặc hàm. U men xương hàm đa phần là lành tính tuy nhiên vẫn có thể tiến triển thành ác tính. Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi bạn khám nha khoa hoặc đến khi đã gây tình trạng biến dạng mặt. Nếu không được điều trị, u men xương hàm có thể làm hỏng xương hàm và các bộ phận khác trong miệng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất để chữa khỏi u men xương hàm, giúp ngăn ngừa những tổn thương nghiêm trọng hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U men xương hàm là gì?

U men xương hàm là khối u có nguồn gốc từ tế bào tạo men. Đa số các trường hợp là u lành tính tuy nhiên có thể tiến triển thành dạng ác tính như u men xương hàm ác tính hoặc ung thư biểu mô nguyên bào tạo men.

U men xương hàm có thể lây lan cục bộ và xâm lấn các mô xung quanh ở hàm và khoang miệng. Chúng có thể lây lan đến xương và có thể xâm lấn các mô mềm nếu có đủ thời gian. Tuy nhiên vì u men xương hàm thường là khối u lành tính nên khả năng di căn hạch, đến các cơ quan ở xa hiếm khi xảy r. Ước tính u men xương hàm ác tính chỉ chiếm chưa đến 1% tổng các trường hợp được chẩn đoán u men xương hàm.

U men xương hàm phổ biến ở hàm dưới hơn so với hàm trên và hàm trước. Các khối u này thường phát triển chậm, có tính chất phá hủy do đó có thể dẫn đến bệnh lý khác nghiêm trọng và cần điều trị bằng phẫu thuật. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh U men xương hàm

U men xương hàm tiến triển rất chậm, bạn có thể mắc bệnh trong 10 đến 20 năm trước khi phát hiện bởi bác sĩ. U có thể gây biến dạng khuôn mặt và hàm của bạn hoặc gây ra nhiều tình trạng bất lợi cho răng của bạn.

Ảnh hưởng đến mặt và hàm

Bạn sẽ thấy bị sưng tấy ở hàm trên hoặc hàm dưới, xảy ra ở một bên mặt làm mặt bạn mất cân xứng. Nếu bạn thường xuyên đi khám nha khoa hai lần mỗi năm, bác sĩ có thể phát hiện tình trạng này sớm hơn trước khi bệnh biểu hiện rõ ràng. 

Đôi khi các khối u phát triển lớn quá mức khiến mặt bạn giống như đang đang nhét một quả đào hay quả bóng nhỏ vào trong miệng. U men xương hàm có thể khiến bạn khó cử động hàm của mình.

Ảnh hưởng đến răng

U men xương hàm có thể gây hiện tượng phá hủy chân răng, bạn có thể cảm thấy đau răng.

  • Răng lung lay, cảm giác lỏng lẻo như bạn lung lay răng sữa khi những chiếc răng đó đã sẵn sàng rụng.
  • Bạn thấy những đốm màu đỏ hoặc hồng trên răng.
  • Răng của bạn dễ bị sứt mẻ và vỡ.
  • Nướu đỏ, sưng nướu.
  • Môi và/hoặc cằm có cảm giác tê.
U MEN XƯƠNG HÀM 4.jpg
Bệnh ban đầu có thể chỉ biểu hiện với tình trạng đau răng

Khác

Trong một số trường hợp hiếm gặp, u có thể phát triển lớn đến mức chặn đường thở của bạn gây tình trạng khó thở, khó khăn khi há và ngậm miệng hoặc ảnh hưởng đến việc hấp thu chất dinh dưỡng từ thức ăn của ban.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh U men xương hàm

Các biến chứng của u men xương hàm thường do sự xâm lấn tại chỗ hoặc di căn xa. Bệnh có thể gây biến dạng hàm trên và hàm dưới tiến triển dần đến biến dạng, đau và sai khớp cắn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

U men xương hàm có thể được phát hiện sớm mà chưa biểu hiện triệu chứng gì khi bạn đi khám răng định kỳ. Khi bệnh có biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào hãy đến gặp bác sĩ nha khoa ngay. 

Ngoài ra bệnh cũng có thể tái phát trên những người có tiền sử mắc bệnh u xương hàm dù đã điều trị với phẫu thuật, do đó hãy đi khám định kỳ mỗi năm một lần trong 5 năm sau phẫu thuật để theo dõi và phát hiện sớm tình trạng tái phát nếu có.

Nếu bạn có các triệu chứng dưới đây, hãy gọi cấp cứu ngay:

  • Sốt cao, trên 38 độ C;
  • Đau răng không đáp ứng với thuốc giảm đau do bác sĩ kê đơn;
  • Hàm sưng tấy và tiết dịch nhiều;
  • Khó thở.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh U men xương hàm

U men xương hàm xảy ra khi tế bào tạo men tiếp tục phát triển ngay cả khi men răng của bạn đã hình thành. Các nhà nghiên cứu đến nay vẫn chưa chắc chắn nguyên nhân chính xác gây ra u men xương hàm và tại sao bạn lại mắc bệnh.

Tuy nhiên một loạt các giả thuyết đã được các nhà nghiên cứu đưa ra nhưng sự liên quan với tình trạng u men xương hàm vẫn còn mơ hồ. Bao gồm:

  • Di truyền: Có mối liên hệ giữa những thay trong gen với tình trạng xuất hiện u men xương hàm. Sự thay đổi trong di truyền này có thể là nguyên nhân khiến tế bào tạo men tiếp tục phát triển.
  • Bệnh nướu răng hoặc viêm nướu ảnh hưởng đến nướu răng của bạn không được điều trị khỏi.
  • Nhiễm virus.
  • Chấn thương hàm.
U MEN XƯƠNG HÀM 5.jpg
Chấn thương vùng hàm có thể là nguyên nhân gây u men xương hàm

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh U men xương hàm?

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng mỗi năm cứ 1 triệu người thì có 1 người được chẩn đoán mắc u men xương hàm. Khoảng 2% trường hợp mắc u men xương hàm ác tính. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau tuy nhiên thường ảnh hưởng đến những người từ 20 đến 40 tuổi. Chúng không biển ở trẻ em dưới 10 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh U men xương hàm

Các nhà nghiên cứu nhận thấy bệnh phổ biến ở nam giới nhiều hơn nữ giới, người da đen mắc bệnh nhiều hơn người da trắng và một số gen nhất định dường như đóng vai trò trong việc hình thành bệnh. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh U men xương hàm

U men xương hàm thường không có triệu chứng cho đến khi bạn thấy sưng tấy trong miệng hoặc ở mặt. Nha sĩ có thể phát hiện ra u men xương hàm tình cờ trên phim X-quang hàm khi bạn đi khám răng định kỳ. Hoặc khi bệnh tiến triển gây ra các triệu chứng. Một số xét nghiệm được chỉ định bổ sung giúp chẩn đoán gồm:

  • X-quang hàm trên và hàm dưới: Giúp xác định vị trí chính xác, kích thước u và tình trạng lan rộng của chúng.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT-scan): Là phương tiện phổ biến nhất dùng để chẩn đoán, hình ảnh bong bóng xà phòng, giãn nở xương và tiêu chân răng giúp bác sĩ nghĩ đến chẩn đoán u men xương hàm.
  • Sinh thiết để lấy tế bào, mô hoặc khối u để xác định xem đây là u lành tính hay ác tính để lên kế hoạch điều trị.

Phương pháp điều trị bệnh U men xương hàm

Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là cắt bỏ khối u và một số mô lân cận. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào các đặc điểm của u men xương hàm gồm: U có khả năng lây lan hay không, có tái phát trở lại sau điều trị phẫu thuật hay không, tình trạng sức khỏe chung hiện nay của bạn và phẫu thuật sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Phẫu thuật u men xương hàm gồm hai loại là phẫu thuật bảo tồn hoặc cắt bỏ triệt để. Trong phương pháp phẫu thuật bảo tồn, bác sĩ sẽ loại bỏ khối u và một lượng nhỏ mô và xương khỏe mạnh. Tuy nhiên do tỷ lệ tái phát được báo cáo lên tới 70% do việc cắt bỏ không hoàn toàn nên phương pháp phẫu thuật cắt bỏ triệt để được ưu tiên hơn.

Trong phẫu thuật cắt bỏ triệt để, bác sĩ sẽ loại bỏ một mảng lớn mô và xương khỏe mạnh để giảm nguy cơ tái phát u men xương hàm. Những trường hợp phẫu thuật cắt bỏ triệt để thường sẽ được phẫu thuật tái tạo thay thế mô và xương khỏe mạnh đã bị cắt bỏ, tránh ảnh hưởng đến chất lượng sống của bạn.

Nếu bạn phẫu thuật u men xương hàm, bạn cần được điều trị hỗ trợ với chuyên gia ngôn ngữ trị liệu và bác sĩ dinh dưỡng vì sau phẫu thuật bạn sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống. Bác sĩ có thể cân nhắc đến việc cho ăn qua đường ruột hoặc đường truyền tĩnh mạch.

Ngoài ra, bạn cũng cần được điều trị dự phòng huyết khối tĩnh mạch và loét nếu phải nằm một chỗ trong thời gian dài. Hóa trị và xạ trị không phải là phương pháp điều trị chính cho bệnh u men xương hàm nhưng nếu xét thấy lợi ích cao bác sĩ cũng có thể xem xét sử dụng cho bạn.

Vì nhiều u men xương hàm có thể tái phát nhiều năm sau khi bạn phẫu thuật. Do đó bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tái khám định kỳ mỗi năm một lần trong vòng 5 năm để theo dõi và phát hiện sớm tình trạng tái phát.

U MEN XƯƠNG HÀM 6.jpg
Khám nha định kỳ dù đã được phẫu thuật để điều trị

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh U men xương hàm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tái khám định kỳ mỗi năm một lần trong vòng 5 năm sau phẫu thuật.
  • Không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu, đồ uống có cồn.
  • Ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
  • Giữ một tinh thần thoải mái, tránh lo lắng.
  • Vận động vừa phải không nằm một chỗ quá lâu.
  • Xoay trở mỗi 2 giờ nếu bạn phải nằm một chỗ.
  • Kê cao gối đầu giường để phòng ngừa hít sặc.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.
  • Nếu bạn gặp khó khăn trong việc ăn uống, hãy ưu tiên những thực phẩm lỏng, dễ tiêu hóa nhưng vẫn phải đầy đủ chất.
  • Tránh các thức ăn cứng có thể gây tổn thương nướu.
  • Uống ít nhất 2 lít nước.
  • Hãy liên hệ với bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn xây dựng chế độ ăn hợp lý.
U MEN XƯƠNG HÀM 7.jpg
Nên ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa

Phương pháp phòng ngừa bệnh U men xương hàm hiệu quả

Cách để phòng ngừa bạn phát triển u men xương hàm đầu tiên là duy trì răng miệng khỏe mạnh bằng cách:

  • Khám nha sĩ mỗi 6 tháng một lần để kiểm tra và sàng lọc ung thư miệng.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế các thức ăn cứng gây tổn thương niêm mạc miệng.
  • Chăm sóc tốt các vết thương ở miệng hoặc ở hàm của bạn.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng ít nhất 2 lần một ngày, sử dụng bàn chải mềm tránh gây tổn thương cho khoang miệng.
  • Theo dõi và phát hiện sớm các bất thường trong hàm và ở mặt.
Nguồn tham khảo
  1. Ameloblastoma: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK545165/
  2. Ameloblastoma: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22143-ameloblastoma
  3. What Is Ameloblastoma?: https://www.webmd.com/cancer/ameloblastoma-tumor 
  4. Ameloblastoma - Symptoms and causes - Mayo Clinic: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ameloblastoma/symptoms-causes/
  5. Mandible Tumor - an overview | ScienceDirect Topics: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/mandible-tumor

Các bệnh liên quan