Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tai giữa ứ dịch

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tai giữa ứ dịch thường có các biểu hiện như mất thính lực, khó chịu trong tai hoặc tắc nghẽn tai mà không có triệu chứng nhiễm trùng như sốt, sưng đỏ hay chảy mủ tai. Ở trẻ em, các triệu chứng do viêm tai giữa ứ dịch cũng có thể là giữ thăng bằng kém, kết quả học tập kém, nói chậm,… Trong nhiều trường hợp cả trẻ em và người lớn có thể không có triệu chứng nào. Bệnh thường tự khỏi nhưng trong một số tình huống vẫn cần sự can thiệp phẫu thuật. Đây là một bệnh lý tương đối phổ biến ở trẻ và gây nhiều bối rối cho các ông bố bà mẹ khi trẻ mắc bệnh này. Bài viết sau sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích về tình trạng bệnh viêm tai giữa ứ dịch.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm tai giữa ứ dịch là gì?

Viêm tai giữa ứ dịch (Otitis Media with Effusion - OME) được định nghĩa là sự hiện diện của chất lỏng trong tai giữa mà không có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng tai nào khác. Đây cũng chính là đặc điểm để phân biệt với viêm tai giữa cấp tính (AOM). Viêm tai giữa ứ dịch mãn tính được định nghĩa là viêm tai giữa ứ dịch tồn tại trong 3 tháng hoặc lâu hơn kể từ ngày khởi phát hoặc kể từ ngày chẩn đoán.

Viêm tai giữa ứ dịch được đặc trưng bởi sự tích tụ chất lỏng ở khe hở tai giữa. Khi chất lỏng tích tụ trong tai giữa và ống Eustachian, dịch sẽ gây áp lực lên màng nhĩ và ngăn cản màng nhĩ rung động bình thường làm giảm sự dẫn truyền âm thanh và do đó dẫn đến giảm thính lực. Khi bị viêm tai giữa ứ dịch thì phần tai giữa chứa đầy chất lỏng và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai. Viêm tai giữa ứ dịch là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy giảm thính lực ở thời thơ ấu và thường xảy ra sau một đợt viêm tai giữa cấp tính.

Triệu chứng

Những triệu chứng của viêm tai giữa ứ dịch

Mặc dù các dấu hiệu của bệnh viêm tai giữa ứ dịch có thể khác nhau tùy theo từng trẻ và mức độ lượng dịch,... nhưng các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Giảm thính lực.
  • Mất thăng bằng.
  • Biến dạng vành tai.
  • Chậm phát triển lời nói.
  • Quấy khóc.
Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tai giữa ứ dịch 1
Trẻ thường trường quấy khóc và kéo tai khi có bệnh về tai

Tác động của viêm tai giữa ứ dịch đối với sức khỏe

Viêm tai giữa ứ dịch gây khó chịu cho người mắc bởi các dấu hiệu trong tai như đau tai, suy giảm thính lực, chậm nói, chậm tiến bộ trong học tập,... Khi đối tượng mắc bệnh là trẻ em chưa biết nói, trẻ không diễn tả được khó chịu của bản thân nên chỉ quấy khóc, gây lo lắng và bối rối cho ba mẹ trẻ.

Biến chứng có thể gặp viêm tai giữa ứ dịch

Nếu viêm tai giữa ứ dịch có liên quan đến nhiễm trùng tai thường xuyên thì các biến chứng khác có thể xảy ra bao gồm:

  • Thủng màng nhĩ: Thủng màng nhĩ là biến chứng phổ biến và dẫn đến chảy dịch bất thường từ tai và thường xuyên đau trong tai kèm giảm thính lực.
  • Viêm xương chũm: Viêm xương chũm cấp tính tuy hiếm gặp nhưng là biến chứng liên quan đến các biến chứng nội sọ. Nghi ngờ viêm tai xương chũm khi bạn có các dấu hiệu sau tai như sưng đỏ, phù nề, đau sau tai, phù nề ống tai ngoài,…
  • Ngoài ra còn có một số biến chứng khác như: Nhiễm trùng tai cấp tính, cholesteatoma (u nang ở tai giữa), sẹo màng nhĩ,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi trẻ quấy khóc, kéo tai hay có bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào ở tai,... bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và tư vấn điều trị hợp lý.

Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tai giữa ứ dịch 2
Nên đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay khi có các triệu chứng khó chịu ở tai

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây viêm tai giữa ứ dịch

Viêm tai giữa cấp

Viêm tai giữa ứ dịch không phải là bệnh nhiễm trùng ở tai nhưng chúng có thể liên quan đến nhau vì khi nhiễm trùng tai làm tăng lượng dịch trong tai giữa do các phản ứng viêm. Sau khi hết nhiễm trùng ở tai, chất lỏng vẫn có thể vẫn còn tồn tại một thời gian sau đó và gây viêm tai giữa ứ dịch.

Tắc vòi Eustache

Khi vòi Eustache bị tắc chất lỏng ứ đọng trong tai gây nên bệnh lý viêm tai giữa ứ dịch và có thể tạo môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Những điều sau đây có thể khiến ống Eustachian đóng hoặc bị tắc như nằm ngửa uống nước, sự gia tăng áp suất không khí đột ngột (như hạ cánh trên máy bay hoặc trên đường núi), u,...

Dị ứng

Các vi khuẩn hay virus gây nhiễm trùng đường hô hấp, các chất kích thích trong không khí,bụi, khói đốt, đặc biệt là khói thuốc lá,... đều có thể gây ra viêm tai giữa ứ dịch do làm tăng sự tiết dịch trong tai.

Tăng áp lực trong tai

Những thay đổi về áp suất không khí có thể đóng ống eustachian và ảnh hưởng đến sự thoát của dòng chất lỏng trong tai giữa. Những tình huống làm tăng áp lực trong tai như đi máy bay, lên núi cao, lăn sâu,...

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm tai giữa ứ dịch?

Viêm tai giữa ứ dịch là một bệnh lý rất phổ biến ở trẻ em, theo Cơ quan Nghiên cứu và Chất lượng Y tế có khoảng 90% trẻ em sẽ mắc viêm tai giữa ứ dịch ít nhất một lần trước 10 tuổi.

Trẻ em có nhiều nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa ứ dịch hơn người lớn do hình dạng đặc biệt của ống eustachian ở trẻ. Ống của chúng ngắn hơn và có lỗ nhỏ hơn nên làm tăng nguy cơ tắc nghẽn và nhiễm trùng. Ống eustachian của trẻ em cũng được định hướng theo chiều ngang hơn ở người lớn nên chất lỏng chảy ra ngoài khó khăn hơn. Và trẻ em thường xuyên bị cảm lạnh hơn do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện trong những tháng đầu đời và các bệnh do virus có thể khiến tai giữa tăng tiết dịch và dễ bị nhiễm trùng tai hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm tai giữa ứ dịch

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm tai giữa ứ dịch không thật sự rõ ràng. Qua nhiều thống kê người ta thấy rằng bệnh viêm tai giữa ứ dịch thường liên quan đến các đặc điểm sau:

  • Thời gian: Theo Bệnh viện Nhi đồng Pennsylvania (CHOP), viêm tai giữa ứ dịch thường phổ biến nhất vào mùa đông hoặc đầu mùa xuân khoảng thời gian có không khí lạnh và nhiều hoa.
  • Bệnh lý kèm theo: Viêm nhiễm đường hô hấp trên, bất thường giải phẫu tai,...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch

Các dấu hiệu lâm sàng

Các dấu hiệu lâm sàng gợi ý chẩn đoán bệnh viêm tai giữa ứ dịch bao gồm:

  • Tai giữa có dịch.
  • Không có dấu hiệu nhiễm trùng cấp tính.
  • Cảm giác đầy tai, khó chịu trong tai.
  • Ở trẻ có thể có các dấu hiệu tiến bộ chậm trong học tập, chậm nói,...

Yếu tố nguy cơ

Soi tai

Bác sĩ sẽ kiểm tra tai bằng kính soi tai để nhìn rõ hơn các cấu trúc bên trong tai. Kính soi tai là một loại kính lúp có đầu phát sáng dùng để quan sát bên trong tai:

  • Bong bóng khí trên bề mặt màng nhĩ.
  • Màng nhĩ có vẻ xỉn màu thay vì mịn màng và sáng bóng như bình thường.
  • Nhìn thấy chất lỏng phía sau màng nhĩ.
  • Màng nhĩ không di chuyển khi một lượng nhỏ không khí thổi vào.
Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tai giữa ứ dịch 3
Soi tai giúp bác nhìn thấy rõ các cấu trúc trong tai và hình ảnh bóng khí trong tai

Đo nhĩ lượng

Đo nhĩ lượng là phương pháp đánh giá độ thông thuận của hệ thống tai giữa từ đó đánh giá sự toàn vẹn của màng nhĩ, chuỗi xương con, áp lực trong hòm tai và chức năng của vòi nhĩ. Bác sĩ sẽ đưa một đầu dò vào tai để do thính lực đồng thời đầu dò này cũng xác định lượng chất lỏng phía sau màng nhĩ và độ dày của nó. Thính lực được tiến hành khi tình trạng viêm tai giữa ứ dịch kéo dài từ 3 tháng trở lên hoặc bất cứ lúc nào nghi ngờ có sự chậm trễ về ngôn ngữ, các vấn đề về học tập hoặc mất thính lực đáng kể ở trẻ hoặc khi trẻ cần đánh giá trước khi thực hiện phẫu thuật (cắt bỏ vòm họng, cắt bỏ vòm họng cộng với phẫu thuật cắt bỏ màng nhĩ có hoặc không có đặt ống).

Phương pháp điều trị viêm tai giữa ứ dịch

Thuốc

Phương pháp điều trị bất kỳ bệnh viêm tai nào cũng đều bắt đầu bằng cách theo dõi tình trạng bệnh và đánh giá để xem liệu nó có tự khỏi hay không có liên quan đến nhiễm trùng không. Có tới 80% trường hợp viêm tai giữa sẽ tự khỏi mà không cần dùng thuốc kháng sinh. Triệu chứng kèm theo là vấn đề quan tâm ở người mắc chẳng hạn như hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau tai,… Vì vậy, điều quan trọng là phải điều trị các triệu chứng này cho đến khi chúng biến mất. Bác sĩ sẽ kê đơn các loại thuốc như thuốc chống buồn nôn, steroid,... giúp giảm các triệu chứng kể trên.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được đề nghị trong trường hợp cần dẫn lưu dịch, phẫu thuật cắt bỏ màng nhĩ,...

Máy trợ thính

Máy trợ thính có thể được dùng trong trường hợp viêm tai giữa ứ dịch hai bên dai dẳng gây suy giảm thính lực mà có chống chỉ định với phẫu thuật hoặc không thể thực hiện phẫu thuật vì bất kỳ lý do gì,…

Viêm tai giữa ứ dịch là gì? Những vấn đề cần biết về viêm tai giữa ứ dịch 4
Phẫu thuật dẫn lưu giúp thoát dịch và giảm áp trong tai

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm tai giữa ứ dịch

Những thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn hạn chế diễn biến nặng của bệnh viêm tai giữa ứ dịch:

  • Đến gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng gợi ý bệnh.
  • Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Vệ sinh tai đúng cách.
  • Tập luyện thể dục thể thao và xây dựng một chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng của cơ thể
  • Điều trị các bất thường cấu trúc giải phẫu vùng tai.

Phương pháp phòng ngừa viêm tai giữa ứ dịch

Các chương trình sàng lọc viêm tai giữa ứ dịch không được thực hiện ở trẻ khỏe mạnh và không có triệu chứng gì vì thuốc kháng histamin và thuốc thông mũi chỉ có giá trị điều trị triệu chứng nên không nên sử dụng chúng để điều trị dự phòng. Hiệu quả lâu dài của các thuốc kháng sinh và corticosteroid ít hơn nguy cơ mà chúng mang lại, vì thế chúng ta cũng không nên sử dụng để điều trị dự phòng hay thường quy mà chưa có bằng chứng nhiễm trùng. Những điều bạn có thể thực hiện để giảm nguy cơ phát triển viêm tai giữa ứ dịch bao gồm:

  • Thường xuyên rửa tay và đồ chơi.
  • Tránh các chất gây dị ứng.
  • Sử dụng bộ lọc không khí để giữ không khí sạch nhất có thể, tránh môi trường nhiều bụi, khói thuốc lá.
  • Cho con bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu giúp con bạn có hệ miễn dịch tốt giúp chống lại nhiễm trùng tai.
  • Không uống khi nằm.
  • Chỉ dùng kháng sinh khi cần thiết.
Nguồn tham khảo
  1. Otitis Media With Effusion: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538293/
  2. Otitis Media With Effusion: https://www.chop.edu/conditions-diseases/otitis-media-effusion-ome
  3. Otitis Media With Effusion: https://medlineplus.gov/ency/article/007010.htm
  4. Otitis Media With Effusion: https://bestpractice.bmj.com/topics/en-gb/3000306
  5. Otitis Media With Effusion: https://www.singhealth.com.sg/patient-care/conditions-treatments/otitis-media-with-effusion-ome