Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu, với ước tính khoảng 604.000 ca mắc mới vào năm 2020. Giai đoạn 1 là ung thư cổ tử cung vẫn nằm giới hạn ở cổ tử cung, chưa lan đến mô lân cận hay cơ quan khác. Nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời từ giai đoạn đầu (như giai đoạn 1), ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì?

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ trên toàn cầu, với ước tính khoảng 604.000 ca mới mắc và 342.000 ca tử vong vào năm 2020. Khoảng 90% số ca mắc mới tử vong trên toàn thế giới năm 2020 xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Ung thư cổ tử cung là tình trạng các tế bào ở cổ tử cung phát triển một cách mất kiểm soát. Hầu hết nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do virus u nhú ở người (Human papillomavirus - HPV). Đây là một loại virus phổ biến được truyền từ người này sang người khác qua việc quan hệ tình dục. Ít nhất một nửa số người có quan hệ tình dục sẽ nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời, nhưng rất ít người sẽ mắc ung thư cổ tử cung.

Theo hệ thống phân loại FIGO (Liên đoàn Sản phụ khoa Quốc tế) cho bệnh ung thư cổ tử cung có tổng cộng 4 giai đoạn. Trong đó, ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 nghĩa là ung thư giới hạn ở cổ tử cung, chưa lan đến mô lân cận hay các cơ quan khác, bao gồm:

  • Giai đoạn 1A: Sự tăng trưởng nhỏ đến mức chỉ có thể nhìn bằng kính hiển vi hoặc máy soi cổ tử cung, có thể chia thành 2 nhóm nhỏ hơn là giai đoạn 1A1 (dưới 3mm) và giai đoạn 1A2 (3 đến 5mm).
  • Giai đoạn 1B: Ở giai đoạn này, vùng ung thư lớn hơn, nhưng vẫn giới hạn trong mô ở khu vực cổ tử cung và chưa lan rộng. Có thể chia thành 3 nhóm nhỏ là giai đoạn 1B1 (sâu hơn 5mm nhưng không quá 2cm), giai đoạn 1B2 (có kích thước lớn hơn 2cm nhưng không quá 4cm), giai đoạn 1B3 (lớn hơn 4cm).

Việc phân giai đoạn ung thư cổ tử cung sẽ giúp các bác sĩ quyết định phương pháp điều trị cho bạn. Ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn đầu và điều trị kịp thời.

Một điều quan trọng khác bạn cần biết đó là ung thư cổ tử cung là một bệnh lý có thể phòng ngừa được. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và tiêm ngừa HPV.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Ở ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, hay giai đoạn 1, người bệnh thường sẽ không có triệu chứng. Khi có triệu chứng, chúng có thể bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo bất thường, bao gồm chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, giữa kỳ kinh, sau mãn kinh hoặc có kinh nguyệt nhiều hơn bình thường.
  • Thay đổi dịch tiết âm đạo.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
  • Đau ở lưng dưới, đau vùng chậu hoặc ở bụng dưới.

Các triệu chứng trên có thể gặp nếu bạn mắc các bệnh lý khác như u xơ hay lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên bạn cần phải được kiểm tra bởi bác sĩ để được chẩn đoán chính xác.

Biến chứng có thể gặp khi mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có thể tiến triển và trở nên trầm trọng hơn như các bệnh lý ung thư khác. Các biến chứng có thể gặp như:

  • Suy thận;
  • Thận ứ nước;
  • Đau;
  • Phù bạch huyết;
  • Rối loạn chảy máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào của ung thư cổ tử cung, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Những triệu chứng kể trên có thể rất phổ biến và gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau. Nhưng để chắc chắn liệu bạn có bị mắc ung thư cổ tử cung hay không, phải cần có sự kiểm tra của bác sĩ.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 4
Hãy đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Nhiễm trùng kéo dài với một số loại virus u nhú ở người (HPV) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung.

Các tài liệu hiện tại báo cáo rằng HPV được tìm thấy ở phần lớn những người có quan hệ tình dục tại thời điểm nào đó trong cuộc đời.

Có hơn 130 loại HPV được biết đến, trong đó, có 20 loại được xác định là có liên quan đến ung thư. HPV 16 và 18 là loại HPV phổ biến nhất được tìm thấy trong ung thư cổ tử cung xâm lấn.

Các nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm HPV dựa trên dân số cho thấy, tỷ lệ nhiễm HPV nguy cơ cao nhất ở giai đoạn thanh niên trước 25 tuổi, và đỉnh điểm tử vong do ung thư cổ tử cung xảy ra ở độ tuổi trung niên từ 40 đến 50 tuổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1?

Bất cứ ai có tử cung đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung hay ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Tuy nhiên, ung thư cổ tử cung thường gặp nhất ở những phụ nữ trên 30 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Các yếu tố liên quan có thể làm tăng nguy cơ đối với nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung, bao gồm ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 gồm:

  • Độ tuổi giao hợp lần đầu;
  • Nhiều bạn tình;
  • Hút thuốc lá;
  • Herpes simplex;
  • HIV;
  • Đồng nhiễm với các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác;
  • Sử dụng thuốc tránh thai.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 5
Nhiễm HPV là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Để chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 1, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, khám bệnh và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết bao gồm:

  • Hỏi bệnh: Bác sĩ có thể hỏi bạn về độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu, các triệu chứng đau và chảy máu khi quan hệ tình dục. Các câu hỏi khác có thể bao gồm hỏi về bệnh lây truyền qua đường tình dục trước đây (nếu có), số bạn tình trong đời, tiền sử nhiễm HPV hay các loại virus khác. Bác sĩ cũng sẽ khai thác về kinh nguyệt, dịch tiết âm đạo của bạn để hỗ trợ cho chẩn đoán.
  • Khám bệnh: Bác sĩ sẽ khám để đánh giá cơ quan sinh dục trong và ngoài một cách đầy đủ.
  • Xét nghiệm: Bác sĩ có thể sẽ đề nghị làm Pap smear (phết tế bào học cổ tử cung), soi cổ tử cung, sinh thiết cổ tử cung để chẩn đoán.

Bên cạnh đó, các xét nghiệm sàng lọc cũng được thực hiện ở các đối tượng chưa có bất kỳ triệu chứng nào.

Việc sàng lọc Pap smear được khuyến nghị từ năm 21 tuổi (tại Mỹ). Xét nghiệm HPV bắt đầu ở tuổi 30 kết hợp với Pap smear, nên sàng lọc 3 năm một lần với những phụ nữ tiếp tục sàng lọc bình thường và những người có nguy cơ thấp. Đối với phụ nữ trên 30 tuổi, có thể xét nghiệm tế bào học 5 năm một lần cùng với xét nghiệm HPV.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 6
Tầm soát ung thư cổ tử cung giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm tỷ lệ tử vong

Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 hiệu quả

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 được điều trị bằng phẫu thuật, kết hợp với hóa trị và xạ trị:

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thường liên quan đến cắt bỏ cổ tử cung và cắt tử cung. Đối với một số trường hợp ở giai đoạn đầu, có thể chỉ cần cắt bỏ phần lớn cổ tử cung, nhưng vẫn để lại một phần vừa đủ để duy trì khả năng mang thai và sinh con sau đó.
  • Xạ trị: Xạ trị vẫn là một phần quan trọng trong điều trị ung thư cổ tử cung. Nó có thể được sử dụng như một phương pháp điều trị dứt điểm hoặc bổ trợ có hoặc không có hóa trị kèm theo. Ở ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, gồm giai đoạn 1A1, xạ trị có thể là phương pháp điều trị duy nhất. Xạ trị sau phẫu thuật, kèm hoặc không kèm hóa trị, cũng được khuyến nghị thực hiện khi có kết quả phẫu thuật cụ thể.
  • Hóa trị: Thuốc phổ biến nhất được sử dụng trong hóa trị điều trị ung thư cổ tử cung là cisplatin. Hóa trị bổ trợ có thể được bổ sung sau khi phẫu thuật cắt bỏ nếu người bệnh có các đặc điểm nguy cơ cao.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1

Chế độ sinh hoạt:

Nếu đã được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn 1, việc bạn cảm thấy lẫn lộn về mặt cảm xúc là hoàn toàn bình thường. Hãy nói chuyện với bác sĩ, tìm kiếm sự giúp đỡ để có thể hiểu rõ về bệnh, diễn tiến của bệnh, các tác dụng phụ của việc điều trị, từ đó có thể tuân thủ điều trị giúp hạn chế diễn tiến của bệnh.

Chế độ dinh dưỡng:

Bạn có thể tham khảo chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp trong giai đoạn điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Bạn có thể được khuyên ngừng hút thuốc lá, ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như các loại rau củ quả có chứa vitamin. 

Một nghiên cứu bệnh chứng tại Trung Quốc trên 458 trường hợp mắc ung thư cổ tử cung và 742 trường hợp đối chứng cho kết quả rằng: Các vitamin chống oxy hóa cao hơn có liên quan đến nguy cơ ung thư cổ tử cung thấp hơn. Tác giả kết luận rằng, các vitamin chống oxy hóa (chủ yếu là α-carotene, β-carotene, vitamin E và C) có thể có lợi trong việc giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung, đặc biệt là những người hút thuốc lá thụ động.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 7
Các loại vitamin chống oxy hóa có thể có lợi trong việc giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung

Phương pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 hiệu quả

Phòng ngừa ban đầu bao gồm tiêm ngừa để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung cũng như ung thư cổ tử cung giai đoạn 1. Độ tuổi khuyến cáo cho tiêm chủng đối với nữ là từ 9 cho đến 45 tuổi. Tiêm ngừa HPV cũng được khuyến khích cho nam giới.

Bên cạnh đó, việc phòng ngừa tiên phát còn bao gồm các việc như:

  • Cảnh báo về việc hút thuốc lá;
  • Giáo dục giới tính phù hợp với lứa tuổi;
  • Khuyến khích và cung cấp bao cao su cho những người có quan hệ tình dục;
  • Cắt bao quy đầu ở nam.

Phòng ngừa thứ phát bao gồm việc sàng lọc ung thư cổ tử cung, phát hiện và điều trị ngay lập tức hoặc càng nhanh càng tốt nếu xét nghiệm dương tính với HPV.

Nguồn tham khảo
  • What Is Cervical Cancer?: https://www.cancer.gov/types/cervical
  • Cervical Cancer: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431093/
  • Stages, types and grades of cervical cancer: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/stages-types-grades
  • Cervical Cancer: https://www.cdc.gov/cancer/cervical/basic_info/index.htm
  • Cervical cancer: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/cervical-cancer
  • What Is Cervical Cancer?: https://www.cancer.org/cancer/types/cervical-cancer/about/what-is-cervical-cancer.html
  • Associations between antioxidant vitamins and the risk of invasive cervical cancer in Chinese women: A case-control study: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4559762/

Các bệnh liên quan

  1. Đẻ non

  2. U bì buồng trứng

  3. Xuất huyết tử cung bất thường

  4. Bệnh Peyronie

  5. Nhiễm khuẩn sau sinh

  6. Xuất tinh ngược dòng

  7. Mãn dục nam

  8. Viêm âm đạo

  9. Viêm cổ tử cung

  10. Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối