Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư tế bào hắc tố là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư tế bào hắc tố là một bệnh ung thư ác tính của các tế bào sản sinh sắc tố melanin. Bệnh lý này thường gặp ở người cao tuổi và hiếm khi gặp ở trẻ em. Đây là một bệnh lý nguy hiểm vì tiến triển nhanh, tiên lượng bệnh nặng và có thể di căn nhiều nơi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư tế bào hắc tố là gì?

Ung thư tế bào hắc tố hay ung thư hắc tố có tên tiếng anh là Malignant Melanoma. Đây là một loại u ác tính xuất phát từ tế bào sản sinh sắc tố melanin. Vì melanin có sắc tố đen nên những tế bào này còn được gọi là tế bào hắc tố. Các tế bào hắc tố được hình thành từ mào thần kinh và di chuyển đến đích cuối cùng là da, màng bồ đào, màng não và niêm mạc nhưng chủ yếu là tập trung ở da, tại “ngã ba” biểu bì - hạ bì của da. Khi da chịu tác động của bức xạ tia cực tím (thường từ ánh nắng mặt trời) gây ra đột biến và không được sửa chữa, khiến các tế bào nhân lên không kiểm soát và hình thành khối u có tính chất ác tính.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tế bào hắc tố

Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tế bào hắc tố theo từng loại:

Ung thư hắc tố thể u:

Ung thư hắc tố thể u là thể bệnh hay gặp nhất:

  • Thường gặp ở bệnh nhân từ 50 - 60 tuổi, chủ yếu gặp ở nam.
  • Tổn thương cơ bản ở thể này là những khối u, nổi cao lên bề mặt da, hình vòm, có thể có cuống, màu nâu đen không đồng nhất, dễ loét và chảy máu.
  • Vị trí hay gặp là ở thân mình.
  • Khối u tiến triển nhanh nên thường bị chẩn đoán muộn, tiên lượng kém.
  • Cần chẩn đoán phân biệt với u máu, histiocytoma hoặc u máu xơ hóa.

U tế bào hắc tố nông:

  • Thường gặp ở người da trắng ở độ tuổi từ 40 - 50.
  • Tổn thương có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Nam giới bị nhiều ở lưng, nữ bị nhiều ở cẳng chân.
  • Tổn thương giai đoạn đầu thường có màu nâu xen kẽ xanh, bờ nham nhở không đều, kích thước nhỏ nhưng có xu hướng lan rộng ra xung quanh.
  • Giai đoạn sau tổn thương dày, có các nốt, cục, loét, chảy máu. Màu sắc không đồng nhất.
  • Chẩn đoán phân biệt với các nốt ruồi không điển hình.

Ung thư hắc tố của Dubreuilh:

  • Thường gặp ở người già.
  • Tổn thương cơ bản là những dát màu nâu hoặc đen, hình dạng không đồng nhất.
  • Các tổn thương tập trung nhiều ở má, thái dương, trán.
  • Bệnh tiến triển trong nhiều năm và có xu hướng ngày càng lan rộng ra xung quanh.
  • Các tổn thương xâm lấn sâu vào tổ chức dưới da.

Ung thư hắc tố thể đầu chi:

  • Thường gặp nhiều ở các quốc gia châu Á.
  • Vị trí tổn thương là ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gót chân chiếm 50% trường hợp.
  • Tổn thương trong giai đoạn đầu là vùng da tăng sắc tố không đồng nhất, bờ nham nhở, giới hạn không rõ, bệnh nhân không đau, không ngứa.
  • U tế bào hắc tố dưới móng hay bị chẩn đoán muộn vì thường nhầm với nốt ruồi dưới móng, xuất huyết do chấn thương, viêm móng, nhiễm nấm, hạt cơm…

Ngoài ta còn nhiều thể bệnh ung thư hắc tố khác bao gồm thể niêm mạc, thể u sùi, ung thư tế bào hắc tố thứ phát, ung thư hắc tố phát triển từ nốt ruồi, thể có giảm sắc tố quanh tổn thương…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Các bệnh tổn thương sắc tố da không khó để nhận biết trên lâm sàng, tuy nhiên chúng ta thường chủ quan vì giai đoạn đầu các tổn thương da hoàn toàn không gây nguy hiểm hay khó chịu, nhiều khi chỉ biểu hiện là vết bớt hay nốt ruồi. Để hạn chế tiến triển các bệnh lý ác tính, khi gặp các triệu chứng bất thường hãy đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tế bào hắc tố

Bản chất gây nên ung thư tế bào hắc tố đó là là sự biến đổi nhiễm sắc thể, các tế bào khối u nhân lên không kiểm soát, lấn át các tế bào lành. Vậy tất cả những yếu tố có thể dẫn tới biến đổi nhiễm sắc thể đều là nguyên nhân gây nên ung thư sắc tố. Các yếu tố hay gắp cần kể đến như ánh nắng mặt trời, gen, hóa chất,...

Ung thư tế bào hắc tố là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 2
Ánh nắng mặt trời cũng là một trong những nguyên nhân gây ung thư tế bào hắc tố

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư tế bào hắc tố?

Dưới đây là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh ung thư tế bào hắc tố:

  • Người dùng thuốc tránh thai: Một vài nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa estrogen - một loại hormon sinh dục nữ và ung thư tế bào hắc tố, tuy nhiên vẫn chưa rõ ràng.
  • Người có vết bớt bẩm sinh: Đặc biệt là bớt bẩm sinh khổng lồ. Do bất thường về cấu trúc da nên u hắc tố ác tính có xu hướng phát triển từ những vết bớt đó.
  • Gia đình có người mắc ung thư hắc tố: Khoảng 10% bệnh nhân ung thư hắc tố có tính chất gia đình, gặp ở những người cùng huyết thống trong một gia đình, cùng vị trí. Trong đó tiền sử gia đình liên quan đến bất thường của gen p16 trên đoạn 9p21 là thường gặp hơn cả.
  • Người có nhiều nốt ruồi hoặc nốt ruồi không điển hình: Những người có nhiều nốt ruồi, hoặc có nốt ruồi không điển hình thường có khả năng bị ung thư hắc tố cao gấp 3 - 20 lần so với người bình thường.
  • Màu da: Người da trắng có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao hơn người da màu từ 7 - 10 lần.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư tế bào hắc tố

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tế bào hắc tố có thể kể đến:

  • Bức xạ tia cực tím: Có nguồn gốc từ ánh sáng mặt trời hoặc các giường tắm nắng, sau chiếu đèn tử ngoại,... Đây là nguyên nhân chính gây nên ung thư hắc tố. Bởi tia cực tím có thể gây ra những đột biến không hồi phục trên nhiễm sắc thể dẫn đến hình thành khối u. Đa phần các bệnh nhân bị ung thư hắc tố có tiền sử bị bỏng nắng trước đây.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Người có tiền sử dùng các thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài có nguy cơ cao mắc bệnh.
  • Ngoài ra, u hắc tố ác tính còn có thể phát triển trên vị trí những nốt ruồi hay bị đụng chạm hoặc những vị trí nốt ruồi bị ánh mặt trời chiếu thường xuyên. Từ một nốt ruồi bình thường nếu bạn thấy chúng đột nhiên tăng kích thước, bị ngứa, đau và có loét, bờ nham nhở, không đều màu và không đối xứng thì cần đi kiểm tra ngay tại cơ sở y tế có chuyên môn.
Ung thư tế bào hắc tố là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 3
U hắc tố ác tính còn có thể phát triển trên vị trí những nốt ruồi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tế bào hắc tố

Để chẩn đoán xác định ung thư hắc tố, thầy thuốc cần dựa vào 2 yếu tố là biểu hiện lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng của bệnh nhân.

Về mô bệnh học: Thấy hình ảnh tăng sinh, thâm nhập các tế bào hắc tố ở thượng bì và trung bì khi nhuộm H&E. Hình ảnh các tế bào chưa biệt hóa, nhân bắt màu đậm, kích thước lớn, có thâm nhiễm các tế bào bạch cầu và tăng sinh mạch trên nền một tổn thương loét.

Chỉ số Clark: Dựa vào hình ảnh mô bệnh học để đánh giá mức độ xâm lấn của khối u, gồm các mức độ sau:

  • Chưa có xâm lấn (ung thư tại chỗ) hoặc mới xâm lấn biểu bì.
  • Khối u đã lan vào phần trung bì nông và chỉ có một vài tế bào ở nhú bì.
  • Khối u xâm lấn toàn bộ nhú bì.
  • U xâm lấn vào trung bì sâu.

Ngoài chỉ số Clark, hiện nay người ta còn sử dụng chỉ số Breslow là một chỉ số về độ dày của tổn thương tính từ lớp hạt của biểu bì đến phần sâu nhất của tổn thương, để đánh giá mức độ xâm lấn của khối u và tiên lượng bệnh.

Một số biểu hiện khác như tỉ lệ phân bào hoặc tỉ lệ tế bào thoái triển có trong tổn thương, tăng sinh mạch… có ý nghĩa tiên lượng bệnh.

Về lâm sàng:

Khi người bệnh đến gặp bác sĩ với một tổn thương có tăng sắc tố trên da, bác sĩ cần đánh giá triệu chứng theo hệ thống ABCDE của Hoa Kỳ để xác định xem đây có phải tổn thương ung thư không, cụ thể như sau:

  • A - asymmetry: Sự đối xứng. Tổn thương không đối xứng nghĩa là khi chia đôi tổn thương thì 2 nửa có hình dạng không giống nhau.
  • B - border: Ranh giới không rõ ràng. Các bờ tổn thương nham nhở, bị rách hoặc có khía, sắc tố có thể lan ra vùng da xung quanh.
  • C - color: Màu sắc không đồng đều. Tổn thương có màu sắc loang lổ đen, nâu và rám nắng hoặc có các vùng trắng, xám, đỏ, hồng hoặc xanh tím.
  • D - diameter: Kích thước thay đổi nhanh, thường lớn hơn 1cm.
  • E - evolution: Bệnh tiến triển nhanh trong vòng 6 tháng.

Ngoài ra, người bệnh còn có các biểu hiện khác của những người bị ung thư nói chung như mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân.

Phương pháp điều trị ung thư hắc tố hiệu quả

Mặc dù ung thư tế bào hắc tố là một trong những bệnh ung thư rất ác tính, nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời thì tỉ lệ sống trên 5 năm sau điều trị của bệnh nhân có thể lên đến 80%.

Đối với những tổn thương ung thư, phẫu thuật luôn là phương pháp điều trị hàng đầu. Với u tế bào hắc tố thì cắt bỏ rộng tổn thương là phương pháp điều trị hữu dụng nhất. Giới hạn của đường rạch cắt tổn thương dựa vào chỉ số Breslow. Sau khi cắt bỏ rộng tổn thương, bác sĩ sẽ tiến hành nạo vét hạch. Trước kia, người ta hay nạo vét hạch vùng, tuy nhiên phương án này gây ra biến chứng tắc bạch mạch gây phù cứng cho bệnh nhân. Vì vậy, hiện nay nạo vét hạch chọn lọc trở thành ưu tiên hàng đầu. Các bác sĩ sẽ sử dụng chất chỉ thị phóng xạ để xác định các hạch di căn và cắt bỏ.

Ngoài ra, quang tuyến trị liệu sẽ được chỉ định cho những bệnh nhân đã có di căn hoặc không thể phẫu thuật. Các tổ chức di căn hạch hoặc di căn sang tổ chức mềm thường đáp ứng với quang hóa trị liệu tốt hơn các tổ chức di căn não, xương.

Bên cạnh 2 phương pháp điều trị nêu trên thì tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phối hợp điều trị hóa trị liệu và các phương pháp điều trị đích (điều trị miễn dịch).

Bệnh nhân sau khi điều trị cắt bỏ khối u hắc tố cần được theo dõi định kỳ 3 tháng 1 lần trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm để phòng ngừa ung thư tái phát và di căn.

Ung thư tế bào hắc tố là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 6
Phẫu thuật là phương pháp điều trị hàng đầu được lựa chọn

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến ung thư tế bào hắc tố

Chế độ sinh hoạt:

  • Tái khám đúng hẹn để bác sĩ có thể theo dõi diễn tiến của các triệu chứng và tình trạng sức khỏe.
  • Tuân thủ theo hướng dẫn và toa thuốc của bác sĩ.
  • Không nhuộm da.
  • Sử dụng kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 trở lên để bảo vệ da.

Chế độ dinh dưỡng:

Chưa tìm thấy mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và ung thư tế bào hắc tố. Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh có thể giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, hỗ trợ điều trị và phục hồi bệnh tốt hơn. Dưới đây là một số chất dinh dưỡng và thực phẩm mà bệnh nhân ung thư tế bào hắc tố nên bổ sung:

  • Chất chống oxy hóa: Rau củ, các loại đậu,...
  • Lycopene: Cà chua, ổi, dưa hấu, mơ,...
  • Axit béo omega-3: Cá hồi, hạt lanh, quả óc chó, cá thu, cá ngừ,...
  • Polyphenol: Trà xanh (lưu ý chỉ nên tiêu thụ một lượng phù hợp để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ).

Phương pháp phòng ngừa ung thư tế bào hắc tố hiệu quả

Từ các yếu tố nguy cơ đã được trình bày ở trên, có thể thấy bức xạ tia cực tím là yếu tố nguy cơ lớn nhất của ung thư tế bào hắc tố và có thể phòng tránh được. Một số biện pháp phòng ngừa bệnh có thể áp dụng như:

  • Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời gay gắt bằng cách mặc quần áo dày và đội mũ rộng vành, bôi kem chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên lên vùng da không được bảo vệ, tìm bóng râm khi di chuyển ngoài trời vào buổi trưa (khi ánh nắng mặt trời là mạnh nhất).
  • Đeo kính râm để tránh vùng da quanh mắt bị tổn thương. Trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt khỏi nắng gắt vì những tổn thương cháy nắng ở độ tuổi trẻ em có thể làm tăng nguy cơ mắc u hắc tố ác tính.
  • Thường xuyên theo dõi sức khỏe và đi khám chuyên khoa nếu thấy có biểu hiện bất thường trên da hoặc đối với những người có tiền sử gia đình bị ung thư tế bào hắc tố.
  • Chế độ sinh hoạt hợp lý, khoa học để nâng cao sức khỏe và sức đề kháng.
Ung thư tế bào hắc tố là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa 7
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời là một cách phòng ngừa ung thư tế bào hắc tố
Nguồn tham khảo
  1. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/27268913/
  2. https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/cancers-of-the-skin/melanoma
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/melanoma/symptoms-causes/syc-20374884

Các bệnh liên quan

  1. U sùi thể nấm

  2. Da khô

  3. Dị cảm

  4. Lichen nitidus

  5. Vảy nến

  6. Lichen phẳng

  7. Xơ cứng bì

  8. Mụn cóc, hạt cơm

  9. Lupus ban đỏ dạng đĩa

  10. Sẹo lồi