Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 30/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U phổi (Lung tumor) là sự hình thành các khối u, xảy ra do sự tích tụ mô bất thường xảy ra khi các tế bào phân chia quá nhanh hoặc chết đi như bình thường. Các khối u phổi có thể là lành tính (benign) hoặc ác tính (malignant).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U phổi là gì?

U phổi là sự hình thành các khối ở phổi, nó có thể là lành tính hoặc ác tính.

U phổi lành tính

Việc bạn được chẩn đoán có khối u ở phổi có thể khiến bạn vô cùng lo lắng. tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, u phổi có thể là lành tính. Các u phổi lành tính nếu so với ác tính sẽ có các đặc điểm sau:

  • Vì không phải ung thư nên không lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
  • Phát triển chậm hoặc thậm chí là ngừng phát triển hoặc tự teo lại.
  • Thường không nguy hiểm đến tính mạng và không cần yêu cầu loại bỏ.
  • Có thể lớn và chèn ép nhưng không xâm lấn, phá hủy các mô xung quanh.

Ung thư phổi

Ung thư phổi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến ung thư tại Mỹ. Kể từ năm 1987, ung thư phổi là nguyên nhân gây ra nhiều ca tử vong ở phụ nữ hơn cả ung thư vú. Vào đầu thế kỷ 20, ung thư phổi là một căn bệnh khá hiếm gặp, tuy nhiên, sự gia tăng mạnh mẽ của ung thư phổi trong những thập kỷ sau chủ yếu là do sự gia tăng hút thuốc lá ở cả nam và nữ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của U phổi

Các triệu chứng có thể sẽ khác nhau tùy mỗi đối tượng.

Đối với u phổi lành tính

Hầu hết những người bệnh mắc u phổi lành tính không có bất kỳ triệu chứng nào. Nghiên cứu cho thấy rằng, hơn 90% các trường hợp u phổi lành tính là phát hiện tình cờ qua chụp X-quang hoặc CT-scan ngực. Nếu có triệu chứng, chúng có thể bao gồm:

  • Ho nhẹ kéo dài;
  • Khó thở;
  • Khó chịu ở ngực;
  • Thở khò khè;
  • Ho ra máu.

Đối với ung thư phổi

Không có triệu chứng hay dấu hiệu đặc hiệu nào cho ung thư phổi, hầu hết người bệnh đã có bệnh tiến triển tại thời điểm có triệu chứng.

Các triệu chứng của ung thư phổi có thể do tác động tại chỗ của khối u, chẳng hạn như khối u chèn ép phế quản, các triệu chứng giống đột quỵ nếu khối u di căn não, hội chứng cận ung hay sỏi thận do tăng canxi máu kéo dài.

Các triệu chứng của ung thư phổi có thể có như:

  • Ho xuất hiện ở 50% đến 75% người bệnh ung thư phổi.
  • Ho ra máu gặp ở 15% đến 30% người bệnh ung thư phổi.
  • Đau ngực xuất hiện ở 20 - 40% và khó thở xuất hiện ở 25 - 40% người bệnh ung thư phổi.

Người bệnh có thể gặp các triệu chứng của tràn dịch màng phổi, đau xương, tăng canxi máu và nhiều biến chứng khác do ung thư phổi di căn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc U phổi

Đối với khối u phổi lành tính, biến chứng chủ yếu liên quan đến phát sinh sau khi áp dụng các phương pháp điều trị xâm lấn, chẳng hạn như phẫu thuật. Các biến chứng phẫu thuật thường gặp bao gồm xuất huyết, thuyên tắc phổi, nhiễm trùng, tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, nhồi máu cơ tim hay các biến cố thần kinh trung ương.

up4.png
Tràn khí màng phổi là một biến chứng có thể liên quan đến phẫu thuật

Trong trường hợp u phổi là ác tính, biến chứng liên quan đến sự di căn của ung thư hay hội chứng cận ung. Các biến chứng liên quan đến điều trị cũng được đề cập như buồn nôn và nôn do hóa trị, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, thiếu máu, giảm bạch cầu, độc tính trên thận và độc tính trên thần kinh trung ương.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn:

  • Ho kéo dài, bắt đầu ho nhiều hơn hoặc ho ra máu.
  • Xuất hiện các triệu chứng mới có thể bao gồm khó thở, sốt, ớn lạnh hoặc đau ngực.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến U phổi

Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra khối u phổi lành tính, có thể bao gồm:

  • U hạt: Là những khối nhỏ của tế bào bị viêm, chúng có thể phát triển do nhiễm trùng, bao gồm bệnh lao hoặc nhiễm nấm như bệnh histoplasmosis.
  • Áp xe phổi: Áp xe phổi là một bệnh lý nhiễm trùng có mủ, thường do vi khuẩn.
  • Nhiễm trùng: Nhiều loại nhiễm trùng khác nhau có thể biểu hiện bằng các nốt ở phổi.
  • Viêm: Các bệnh lý như viêm đa khớp dạng thấp, sarcoidosis hoặc u hạt kèm theo viêm đa mạch có thể dẫn đến u phổi lành tính.
  • Bẩm sinh: Có thể các u phổi lành tính này là do nguyên nhân bẩm sinh, bao gồm u nang, sẹo hoặc dị tật khác ở phổi như dị dạng động tĩnh mạch.

Đối với ung thư phổi, hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây ung thư phổi. Ước tính rằng khoảng 90% trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc lá, nguy cơ cao nhất là ở nam giới hút thuốc. Bên cạnh đó, còn nhiều yếu tố tiếp xúc khác có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.

up5.png
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc U phổi?

U phổi lành tính có xu hướng tìm thấy nhiều hơn ở nam giới so với nữ. Các đối tượng hút thuốc lá, có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc tuổi cao cũng dẫn đến tăng tỷ lệ mắc u phổi lành tính.

Trong ung thư phổi, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ liên quan trực tiếp đến tình trạng hút thuốc lá. Cả nam và nữ đều có khả năng mắc ung thư phổi, tuy nhiên tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới cao hơn so với nữ giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc U phổi

Như đã đề cập ở trên, hút thuốc lá, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và tuổi cao có thể làm tăng nguy cơ mắc u phổi lành tính.

Đối với ung thư phổi, ngoài hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu, các yếu tố khác cũng được đề cập đến như:

  • Tiếp xúc với amiăng;
  • Phơi nhiễm với radon;
  • Hút thuốc lá thụ động;
  • Xạ trị để điều trị ung thư khác (ung thư hạch không Hodgkins, ung thư vú);
  • Tiếp xúc với các kim loại như crom, niken, asen, hydrocarbon thơm đa vòng.
up6.png
Phơi nhiễm amiăng có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư phổi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán U phổi

Việc phát hiện một khối u ở phổi là một thách thức trong chẩn đoán cho các bác sĩ, đặc biệt khi phát hiện tình cờ qua hình ảnh học như CT-scan ngực. Chẩn đoán chính xác bản chất của u phổi là lành tính hay ác tính cần dựa vào sinh thiết.

Bên cạnh việc hỏi bệnh, khám thực thể, và hình ảnh học (X-quang hay CT-scan) phát hiện khối u ở phổi. Bác sĩ có thể đề nghị hàng loạt xét nghiệm khác nhau để chẩn đoán bản chất u phổi, nguyên nhân dẫn đến u phổi và các biến chứng. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Xét nghiệm máu;
  • Xét nghiệm kiểm tra bệnh lao;
  • Chụp cắt lớp phát xạ positron (PET);
  • Chụp cộng hưởng từ (trong trường hợp hiếm gặp);
  • Sinh thiết, giúp phân biệt bản chất khối u phổi là lành tính hay ác tính.

Phương pháp điều trị U phổi

Việc điều trị u phổi tùy thuộc vào bản chất của khối u là lành tính hay ác tính.

Đối với trường hợp u phổi lành tính

Việc điều trị được thực hiện tốt nhất bằng các tiếp cận đa chuyên môn. Đánh giá kích thước, tính chất và các yếu tố nguy cơ là không thể thiếu trong điều trị u phổi. Điều quan trọng là phải theo dõi và đánh giá, đề nghị sinh thiết để chắc chắn khối u phổi không phải là ung thư. 

Nếu là khối u lành tính, có khả năng sẽ không cần điều trị gì thêm. Nếu trong trường hợp xâm lấn cần phẫu thuật để loại bỏ khối u, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra trước khi phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật được thực hiện sẽ phụ thuộc vào vị trí và loại khối u của bạn. Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để hiểu rõ các phương thức điều trị của bạn.

Đối với ung thư phổi

Ung thư phổi được điều trị tùy thuộc vào giai đoạn, bản chất của ung thư.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ được phân làm 4 giai đoạn: Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn IIIIII, IV. Tùy theo giai đoạn có thể được điều trị bằng các phương pháp như:

  • Phẫu thuật;
  • Xạ trị;
  • Hóa trị bổ trợ;
  • Liệu pháp nhắm trúng đích;
  • Liệu pháp miễn dịch.

Đối với ung thư phổi tế bào nhỏ, thường rất nhạy với hóa trị nhưng có tỷ lệ tái phát rất cao. Điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, có thể bao gồm các điều trị như: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của U phổi

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của u phổi, điều quan trọng là tuân thủ các hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Đối với cả u phổi lành tính hay ung thư phổi, việc ngừng hút thuốc là rất quan trọng và được khuyến khích thực hiện.

Bạn cũng nên theo dõi sát các triệu chứng của bản thân để có thể báo với bác sĩ, việc này có thể giúp hỗ trợ cho hướng chẩn đoán và điều trị tiếp theo của bác sĩ.

Bạn cũng cần tránh nâng vật nặng và hoạt động gắng sức trong khoảng 1 tuần nếu bạn vừa làm sinh thiết hoặc phẫu thuật loại bỏ u phổi lành tính.

Chế độ dinh dưỡng:

Người bệnh u phổi hay ung thư phổi cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp. Tham vấn ý kiến từ chuyên gia dinh dưỡng và tích cực thay đổi lối sống, thực đơn mỗi ngày.

up7.png
Ngừng hút thuốc được khuyến khích ở cả người bệnh u phổi lành tính hay ác tính

Phương pháp phòng ngừa U phổi hiệu quả

Đối với ung thư phổi, biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất là cai thuốc lá ở tất cả mọi người. Một phương pháp quan trọng khác để giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong liên quan đến ung thư phổi là sàng lọc hiệu quả.

Chụp cắt lớp vi tính xoắn ốc liều thấp được chỉ định ở những trường hợp nguy cơ cao để phòng ngừa tiên phát. 

Các đối tượng hút thuốc lá trong độ tuổi từ 66 đến 80 được hưởng lợi nhiều từ việc sàng lọc so với người từ 55 đến 64 tuổi. 

Các đối tượng nguy cơ cao được định nghĩa là những người có tiền sử hút thuốc lớn hơn hoặc bằng 20 gói/năm (hiện còn hút hoặc đã bỏ hút thuốc trong vòng 15 năm).

Nguồn tham khảo
  1. Overview of Lung Tumors: https://www.msdmanuals.com/professional/pulmonary-disorders/tumors-of-the-lungs/overview-of-lung-tumors
  2. Benign Lung Tumors: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15023-benign-lung-tumors
  3. Lung Cancer: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482357/
  4. Benign Lung Tumors and Nodules: https://www.webmd.com/lung/benign-lung-tumors-and-nodules
  5. Lung Cancer Types: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/lung-cancer/lung-cancer-types

Các bệnh liên quan

  1. Suy hô hấp cấp

  2. Viêm phổi do tụ cầu

  3. Tắc động mạch phổi

  4. Hen suyễn

  5. Hội chứng hít phân su

  6. Viêm họng hạt

  7. Khó thở

  8. COVID-19

  9. Viêm phế quản co thắt

  10. Dị vật đường thở