Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh trĩ giai đoạn đầu nhận biết thế nào? Có tự khỏi không?

Ngày 09/08/2023
Kích thước chữ

Nếu phát hiện bệnh trĩ giai đoạn đầu sớm, việc chữa trị sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Điều này cũng giúp hạn chế nguy cơ tái phát và bệnh diễn tiến nặng kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.

Tỷ lệ dân số Việt Nam mắc bệnh trĩ có xu hướng gia tăng do thói quen ăn uống và sinh hoạt trong xã hội hiện đại. Bệnh trĩ gây ra những đau đớn và bất tiện trong cuộc sống nếu trở nặng và tái lại nhiều lần. Vì vậy, phát hiện bệnh trĩ giai đoạn đầu là việc vô cùng quan trọng.

Bệnh trĩ giai đoạn đầu là gì?

Dựa vào tình trạng, kích thước, vị trí búi trĩ, người ra chia thành các giai đoạn của bệnh trĩ theo cấp độ từ 1 đến 4. Cụ thể gồm:

  • Bệnh trĩ cấp độ 1 là giai đoạn búi trĩ mới hình thành, kích thước nhỏ, vị trí nằm trong ống hậu môn và ảnh hưởng không nhiều đến cuộc sống người bệnh. Bệnh nhân không cảm nhận được sự có mặt của búi trĩ. Triệu chứng trĩ độ 1 thường là đại tiện ra máu do phân cứng làm trầy xước búi trĩ. Người bệnh chưa có cảm giác đau mà chỉ thấy ngứa nhẹ ở hậu môn.
  • Bệnh trĩ cấp độ 2 có thể nhận biết qua cục thịt thừa hay búi trĩ bị thò ra ngoài hậu môn mỗi khi đại tiện nhưng sau đó lại tự thụt vào. Khi đại tiện, người bệnh dễ bị chảy máu hơn, chảy nhiều máu màu đỏ tươi hơn.
  • Bệnh trĩ cấp độ 3 là giai đoạn bệnh trở nặng và diễn tiến nhanh. Khi này, búi trĩ đã thò ra ngoài hậu môn khi đại tiện nhưng không tự co vào trong được. Bệnh nhân cần dùng tay ấn búi trĩ vào trong. Ở cấp độ 3, người bệnh dễ bị chảy máu thành tia, hậu môn có nhiều dịch nhầy, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu gia tăng.
  • Bệnh trĩ cấp độ 4 là cấp độ nặng nhất, búi trĩ sa ra ngoài hoàn toàn và không thể đẩy vào. Bùi trĩ cọ sát với trang phục, bị tì đè khi ngồi gây đau đớn, dễ viêm nhiễm hoặc hoại tử.

Như vậy, bệnh trĩ giai đoạn đầu chính là bệnh trĩ độ 1 - cấp độ nhẹ nhất. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh trĩ sẽ không phát triển nặng gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe.

benh-tri-giai-doan-dau-1.jpg
Các giai đoạn phát triển của bệnh trĩ từ độ 1 đến độ 4

Bệnh trĩ giai đoạn đầu nhận biết thế nào?

Cả trĩ nội và trĩ ngoại, bệnh đều phát triển qua các cấp độ từ 1 đến 4. Muốn phát hiện bệnh kịp thời, chúng ta cần biết dấu hiệu nhận biết bệnh trĩ giai đoạn sớm. Cụ thể là

Dấu hiệu trĩ nội giai đoạn đầu

Bệnh trĩ nội ở giai đoạn đầu có các triệu chứng không rõ ràng, khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua. Búi trĩ rất nhỏ và nằm sâu trong ống hậu môn rất khó cảm nhận được. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy hơi ngứa ở hậu môn, dễ nhầm lẫn với nhiễm giun kim. Khi đi đại tiện, bệnh nhân chỉ cảm thấy đau rát nhẹ, có máu lẫn trong phân hoặc máu dính vào giấy lau với lượng ít. Chất nhầy chảy ra ở hậu môn không nhiều nên dễ bị bỏ qua.

Dấu hiệu trĩ ngoại nhẹ giai đoạn đầu

Trong trường hợp trĩ ngoại, bệnh trĩ giai đoạn đầu dễ nhận biết hơn trĩ ngoại. Lúc này, búi trĩ nhỏ, có lòi nhẹ ra ngoài hậu môn, nhất là trong mỗi lần đại tiện. Vì vậy, người bệnh vẫn có thể cảm nhận được bằng tay hoặc quan sát bằng mắt. Ngoài ra, người bệnh sẽ cảm nhận được các triệu chứng như cộm, đau nhẹ ở hậu môn. Hậu môn cũng ẩm ướt, ngứa ngáy, có dịch nhầy. Khi đại tiện cũng dễ bị chảy máu ít do búi trĩ bị cọ xát.

benh-tri-giai-doan-dau-2.jpg
Dấu hiệu bệnh trĩ giai đoạn đầu dễ gây nhầm lẫn với táo bón hoặc nhiễm giun

Bệnh trĩ giai đoạn đầu có tự khỏi không?

Nhiều người thắc mắc, bệnh trĩ giai đoạn đầu có thể tự khỏi không trong khi các triệu chứng khá nhẹ? Theo các bác sĩ, búi trĩ có vị trí vô cùng nhạy cảm, dễ tổn thương và khó làm sạch hoàn toàn. Bệnh trĩ dù ở giai đoạn đầu tiên cũng không thể tự khỏi nếu người bệnh không thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt hay áp dụng cách chữa trị phù hợp.

Một số trường hợp, bệnh nhân có thể không nhận thấy dấu hiệu chảy máu thường xuyên nên cho rằng bệnh trĩ đã khỏi. Nhưng thực tế, đó chỉ là giai đoạn búi trĩ phát triển chậm. Bệnh trĩ rất dễ tái đi tái lại. Một khi bệnh trĩ tái lại thì những lần sau sẽ nghiêm trọng hơn lần trước.

Khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh trĩ, tốt nhất bệnh nhân nên đến bác sĩ để được thăm khám kỹ càng. Thay vì tự ý điều trị tại nhà, bệnh nhân nên điều trị và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Điều trị sai cách cũng khiến bệnh trĩ diễn tiến nặng, dễ tái phát và khó chữa khỏi hơn. Ngoài ra, bệnh trĩ để lâu sẽ dễ phát triển lên cấp độ nặng hơn. Khi đó, chữa trị sẽ khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều.

Chữa trĩ giai đoạn đầu bằng cách nào?

Khi nhận ra những triệu chứng của bệnh trĩ giai đoạn đầu, bạn nên đến gặp bác sĩ để kết quả chính xác. Các bác sĩ cũng sẽ cho bạn biết nguyên nhân gây trĩ là gì và cách điều trị bệnh tận căn nguyên. Ở giai đoạn này, các bác sĩ có thể sẽ tư vấn cách chữa trĩ như sau:

Sử dụng các bài thuốc trị trĩ dân gian

Trong dân gian có nhiều cây thuốc có nguồn gốc tự nhiên với công dụng kháng viêm, diệt khuẩn, ngăn chặn sự phát triển của búi trĩ. Một số loại cây lá thường có mặt trong các bài thuốc trị trĩ của y học cổ truyền như lá lốt, nghệ tươi, lá sung, lá cúc tần, lá ngải cứu.

benh-tri-giai-doan-dau-3.jpg
Việc chữa trĩ giai đoạn đầu cũng cần có chỉ dẫn của bác sĩ

Các bài thuốc chữa trĩ dân gian thường là bài thuốc đắp trực tiếp, nấu nước uống hoặc nước xông trĩ. Các nguyên liệu thiên nhiên này cũng được y học hiện đại sử dụng để bào chế thành thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh trĩ. Những sản phẩm này mang đến sự tiện lợi cho người bệnh khi sử dụng hàng ngày.

Thuốc Tây chữa bệnh trĩ giai đoạn đầu

Trong giai đoạn đầu, người bị trĩ có thể được bác sĩ tư vấn dùng các loại thuốc chữa táo bón, thuốc chống viêm, giảm đau, làm bền thành mạch máu. Các loại thuốc này thường là dạng uống, bôi hoặc đặt tại chỗ. 

Một số loại thuốc điều trị nội khoa quen thuộc cho bệnh nhân trĩ độ 1 như:

  • Thuốc giảm đau như lincodazin 2 - 5%, benzocain 5 - 20%.
  • Thuốc giúp giảm chảy máu, co búi trĩ, tăng sức bền thành mạch như phenylephrin HCl 0,25% hay ephedrine sulfate 0,1%.
  • Thuốc kháng viêm, giảm triệu chứng khó chịu như hydrocortison 0,25 - 1%.
  • Thuốc giúp phòng ngừa hoặc điều trị nứt kẽ hậu môn, bảo vệ niêm mạc hậu môn, giảm ngứa ngáy khó chịu như kẽm oxit, glycerin, lanolin.

Ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Với bệnh trĩ giai đoạn đầu, người bệnh không cần áp dụng các biện pháp điều trị ngoại khoa như phẫu thuật, chiếu tia hồng ngoại,... Tuy nhiên, ngoài bôi thuốc, dùng các bài thuốc dân gian, người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt. Cụ thể là:

  • Táo bón là nguyên nhân gây bệnh trĩ hàng đầu. Để phòng táo bón người bệnh cần ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, sử dụng lợi khuẩn để hỗ trợ tiêu hóa.
  • Uống nhiều nước mang đến vô vàn lợi ích cho cơ thể. Một trong số đó là giúp làm mềm phân, đại tiện dễ dàng và ít gây tổn thương búi trĩ.
  • Vận động với mức độ phù hợp kích thích nhu động ruột, tốt cho tiêu hóa, phòng ngừa táo bón. Điều này tốt cho bệnh nhân bị trĩ.
  • Không nhịn đại tiện để tránh làm chứng táo bón thêm nghiêm trọng.
benh-tri-giai-doan-dau-4.jpg
Ăn nhiều chất xơ là việc người bị trĩ cần làm

Với những thông tin trên, hy vọng bạn đã hiểu rõ về bệnh trĩ giai đoạn đầu và các biểu hiện của bệnh. Dù chỉ là giai đoạn đầu nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Ngoài ra, không nên vì căn bệnh này mà mặc cảm, tự ti. Hãy đến đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bạn sĩ sẽ giúp bệnh trĩ sớm được kiểm soát.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin