Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư khoang miệng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị ung thư khoang miệng

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư khoang miệng (ung thư miệng) thuộc nhóm ung thư đầu và cổ phổ biến nhất. Ung thư khoang miệng thường ảnh hưởng đến những người từ 60 tuổi trở lên, nghiện hút thuốc lá hoặc nghiện rượu. Ung thư miệng ảnh hưởng đến môi và các phần đầu tiên của lưỡi, vòm miệng, sàn miệng, hầu họng - phần cuối của lưỡi và vòm miệng, amidan, hai bên và phía sau cổ họng. Ung thư khoang miệng có thể điều trị bằng hóa trị, xạ trị, phẫu thuật và kết hợp các phương pháp trên.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư khoang miệng là gì?

Ung thư khoang miệng là bệnh ung thư phát triển ở bất kỳ bộ phận nào ở trong khoang miệng, ví dụ:

  • Môi, răng và nướu;
  • Vùng trước của lưỡi;
  • Lớp lót bên trong của môi và má (niêm mạc miệng);
  • Vùng bên dưới lưỡi (sàn miệng);
  • Vòm miệng (vòm miệng cứng);
  • Vùng nhỏ phía sau răng khôn (retromol trigone);

Ung thư khoang miệng được phân nhóm chung với ung thư đầu - cổ, có phương pháp điều trị tương tự nhau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư khoang miệng

Các dấu hiệu và triệu chứng của ung thư khoang miệng có thể bao gồm:

  • Vết loét ở môi hoặc loét miệng kéo dài, không lành loét;
  • Có mảng màu trắng hoặc đỏ hồng ở bên trong miệng;
  • Răng bị rụng, không chắc chắn;
  • Có khối u bên trong miệng;
  • Đau miệng;
  • Đau tai;
  • Nuốt khó khăn hoặc đau khi nuốt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Ung thư khoang miệng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị ung thư khoang miệng 4
Khám răng miệng định kỳ để phát hiện ung thư khoang miệng

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư khoang miệng

Ung thư khoang miệng hình thành khi các tế bào miệng bị đột biến gen, phát triển bất thường và tập hợp thành khối u bên trong khoang miệng. Khối u phát triển lớn dần theo thời gian, lây lan qua các vùng khác trên đầu, cổ hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư khoang miệng là ung thư biểu mô tế bào vảy. 

Hiện chưa rõ nguyên nhân gây đột biến ở tế bào vảy dẫn đến ung thư khoang miệng nhưng có những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng, do đó người bệnh cần lưu ý để tránh các yếu tố đó.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư khoang miệng?

Người hút thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, tẩu thuốc, thuốc lá nhai và thuốc hít, cùng nhiều loại khác, có nguy cơ ung thư khoang miệng cao hơn người không hút thuốc.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư khoang miệng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, bao gồm:

  • Nghiện rượu;
  • Nhiễm virus lây truyền qua đường tình dục gọi là papillomavirus ở người (HPV);
  • Suy giảm miễn dịch cơ thể.
Ung thư khoang miệng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị ung thư khoang miệng 5
Suy giảm miễn dịch làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư khoang miệng

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư khoang miệng bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ hoặc nha sĩ sẽ kiểm tra môi và miệng để tìm những điểm bất thường, những vùng bị kích ứng, chẳng hạn như vết loét và mảng trắng (bạch sản).
  • Sinh thiết mô: Sinh thiết để phát hiện những thay đổi về ung thư hoặc xác định ung thư.

Sau khi có chẩn đoán ung thư miệng, bác sĩ sẽ xác định mức độ (giai đoạn) của bệnh ung thư:

  • Nội soi vòm họng để tìm kiếm các dấu hiệu lây lan của ung thư.
  • Chẩn đoán bằng hình ảnh, ví dụ chụp X-quang, CT, MRI và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) để kiểm tra ung thư có lan ra ngoài miệng hay không.

Các giai đoạn ung thư miệng được biểu thị bằng chữ số La Mã từ I đến IV. Giai đoạn thấp hơn, chẳng hạn như giai đoạn I, cho thấy ung thư nhỏ hơn chỉ giới hạn ở một khu vực. Giai đoạn IV cho thấy ung thư đã lớn hơn hoặc ung thư đã lan sang các khu vực khác ở đầu, cổ hoặc đến các khu vực khác của cơ thể. Phân biệt giai đoạn ung thư giúp bác sĩ xác định các lựa chọn điều trị phù hợp.

Ung thư khoang miệng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị ung thư khoang miệng 6
Nội soi vòm họng giúp tìm kiếm và phát hiện vị trí ung thư khoang miệng

Phương pháp điều trị ung thư khoang miệng hiệu quả

Điều trị ung thư miệng phụ thuộc vào vị trí và giai đoạn ung thư, cũng như sức khỏe và lối sống hàng ngày. Các phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị bằng thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch hoặc kết hợp các phương pháp trên.

Phẫu thuật

Phẫu thuật điều trị ung thư khoang miệng thường là:

  • Phẫu thuật để loại bỏ khối u và một phần mô khỏe mạnh xung quanh khối u để đảm bảo tất cả các tế bào ung thư đã được loại bỏ. Các khối u lớn hơn có thể yêu cầu phẫu thuật phức tạp hơn, ví dụ loại bỏ một phần xương hàm hoặc một phần lưỡi.
  • Phẫu thuật để loại bỏ ung thư đã lan đến cổ: Nếu tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở cổ của bạn hoặc nếu có nguy cơ cao xảy ra thì bác sĩ phẫu thuật có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết và các mô liên quan ở cổ. Phẫu thuật cổ sẽ loại bỏ tế bào ung thư lan đến các hạch bạch huyết và hữu ích trong việc xác định xem có cần điều trị bổ sung sau phẫu thuật hay không.
  • Phẫu thuật tái tạo khoang miệng sau khi phẫu thuật điều trị ung thư, nhằm giúp phục hồi khả năng nói chuyện, ăn uống. Bác sĩ phẫu thuật có thể ghép da, cơ hoặc xương từ các bộ phận khác trên cơ thể để tái tạo lại khoang miệng.

Phẫu thuật điều trị ung thư miệng thường ảnh hưởng đến ngoại hình cũng như khả năng nói, ăn và nuốt, biến chứng chảy máu và nhiễm trùng. Trường hợp không thể ăn bình thường, có thể cần một ống thông dạ dày giúp ăn, uống. Ống thông đó có thể dùng qua đường mũi nếu sử dụng ngắn hạn hoặc nối xuyên qua da đến dạ dày để nuôi ăn dài hạn.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp dùng tia bức xạ để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị thường được sử dụng sau phẫu thuật nhưng đôi khi nó có thể được sử dụng nếu bị ung thư miệng giai đoạn đầu.

Xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị để tăng hiệu quả của xạ trị nhưng cũng làm tăng các tác dụng phụ có thể gặp phải. Xạ trị có thể làm giảm triệu chứng do ung thư gây ra như đau, khó chịu nhưng tác dụng phụ là khô miệng, sâu răng và tổn thương xương hàm.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp dùng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được dùng riêng lẻ, kết hợp với các loại thuốc hóa trị khác hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác. 

Hóa trị có thể làm tăng hiệu quả của xạ trị nên cả hai thường được kết hợp. Vì thuốc hóa trị tác động tiêu diệt lên cả tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh của cơ thể, đặc biệt là các tế bào luôn sinh ra liên tục như lông, tóc, móng, trứng, tinh trùng... nên tác dụng phụ của thuốc là gây rụng lông, tóc, móng, gây vô sinh, ngoài ra còn gây buồn nôn, nôn ói, khó chịu.

Điều trị bằng thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích

Thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích là thuốc có cơ chế tác động vào tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Thuốc điều trị ung thư nhắm trúng đích có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với hóa trị hoặc xạ trị.

Cetuximab là một liệu pháp nhắm mục tiêu được sử dụng để điều trị ung thư miệng trong một số trường hợp nhất định. Tác dụng phụ bao gồm phát ban da, ngứa, nhức đầu, tiêu chảy và nhiễm trùng.

Các loại thuốc nhắm mục tiêu khác có thể là một lựa chọn nếu các phương pháp điều trị tiêu chuẩn không hiệu quả.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là liệu pháp sử dụng hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư. Hệ thống miễn dịch của cơ thể không tấn công được bệnh ung thư vì các tế bào ung thư tạo ra các protein làm cho các tế bào của hệ thống miễn dịch không phát hiện được. Liệu pháp miễn dịch giúp hệ thống miễn dịch nhận ra tế bào ung thư và tiêu diệt chúng. 

Phương pháp điều trị bằng liệu pháp miễn dịch thường dành riêng cho những người bị ung thư miệng giai đoạn muộn không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn.

Ung thư khoang miệng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị ung thư khoang miệng 7
Liệu pháp miễn dịch thường dành cho những người bị ung thư miệng giai đoạn muộn

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư khoang miệng

Chế độ sinh hoạt:

  • Ung thư khoang miệng có liên quan chặt chẽ đến việc sử dụng thuốc lá, bao gồm thuốc lá điếu, xì gà, tẩu, thuốc lá nhai và thuốc hít... Không phải tất cả những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư miệng đều sử dụng thuốc lá.
  • Sử dụng thuốc lá làm cho việc điều trị kém hiệu quả và khiến cơ thể khó phục hồi hơn sau phẫu thuật.
  • Việc sử dụng thuốc lá làm tăng nguy cơ tái phát ung thư và mắc bệnh ung thư khác trong tương lai.
  • Bỏ uống rượu, đặc biệt khi kết hợp với việc sử dụng thuốc lá, làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư miệng.
  • Mắc bệnh ung thư khiến cơ thể mệt mỏi, tâm lý căng thẳng, do đó người bệnh nên áp dụng các biện pháp giúp cơ thể được thư giãn, thoải mái và tích cực hơn, ví dụ: Tập thể dục nhẹ nhàng, châm cứu, đọc sách, nghe nhạc hoặc tham gia các hoạt động của các hội nhóm ung thư.

Chế độ dinh dưỡng: Thực hiện chế độ dinh dưỡng theo sự tư vấn của bác sĩ.

Phương pháp phòng ngừa ung thư khoang miệng hiệu quả

Hiện nay chưa có phương pháp nào được chứng minh là có thể ngăn ngừa ung thư miệng nhưng có thể giảm nguy cơ ung thư khoang miệng nếu thực hiện các biện pháp sau:

  • Ngừng hút thuốc lá nếu có sử dụng.
  • Uống rượu ở mức độ vừa phải. Việc sử dụng rượu quá mức thường xuyên có thể gây kích ứng các tế bào trong miệng, khiến dễ bị ung thư miệng. Đối với người lớn khỏe mạnh, uống rượu vừa phải có nghĩa là tối đa 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi, đối với giới dưới 65 tuổi thì tối đa 2 ly mỗi ngày.
  • Bảo vệ da môi khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách thoa kem chống nắng cho môi hoặc che chắn kỹ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Khám răng miệng định kỳ để tìm những vùng bất thường có thể cho thấy ung thư miệng hoặc những thay đổi tiền ung thư.
Nguồn tham khảo
  • Oral Cancer: https://www.nidcr.nih.gov/health-info/oral-cancer
  • What Are Oral Cavity and Oropharyngeal Cancers?: https://www.cancer.org/cancer/types/oral-cavity-and-oropharyngeal-cancer/about/what-is-oral-cavity-cancer.html
  • Oral Cavity Cancer: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/oral-cancer
  • Oral Cancers: https://www.healthline.com/health/oral-cancer
  • Oral Cancer: Risks, Symptoms, and Prevention: https://www.webmd.com/oral-health/oral-cancer 

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư tủy

  2. Ung thư da

  3. U xơ tuyến vú

  4. Hội chứng Lynch

  5. Ung thư vòm hầu

  6. U xơ tử cung

  7. U nguyên bào thần kinh

  8. Sưng hạch bạch huyết

  9. Ung thư miệng

  10. Ung thư ruột