Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm não cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm não cấp là tình trạng viêm ở não, khởi phát cấp tính. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trong một số trường hợp, viêm não cấp có thể để lại những di chứng nặng nề suốt đời hoặc đe dọa tính mạng. Vì vậy, chẩn đoán và điều trị kịp thời vô cùng quan trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm não cấp ở trẻ em là gì?

Viêm não cấp là tình trạng viêm ở não, khởi phát cấp tính. Tình trạng viêm khiến não phù nề, có thể dẫn đến đau đầu, cứng cổ, nhạy cảm với ánh sáng, rối loạn tâm thần và co giật.

Viêm não cấp có thể do nhiễm trùng hoặc bệnh lý tự miễn gây phản ứng miễn dịch trong cơ thể và tấn công tế bào não. Trong nhiều trường hợp, có thể không tìm ra nguyên nhân. Những đối tượng có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già, HIV/AIDS có thể dễ mắc bệnh này.

Cả trẻ em và người lớn đều có thể mắc bệnh, nhưng 90% số ca xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi. Nữ mắc nhiều hơn nam với tỉ lệ 4:1. Số ca viêm não cấp mới mắc mỗi năm ở các nước phương Tây là 7,4 ca/100.000 dân mỗi năm. Ở các nước nhiệt đới, tỷ lệ mắc bệnh là 6,34 ca/100.000 dân mỗi năm. Năm 2015, bệnh viêm não ước tính đã ảnh hưởng đến 4,3 triệu người và khiến 150.000 người tử vong trên toàn thế giới.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm não cấp ở trẻ em

Hầu hết những người bị viêm não cấp do nhiễm trùng đều có các triệu chứng giống cảm cúm như đau đầu, sốt, đau nhức cơ hoặc khớp, mệt mỏi,... Sau đó là các triệu chứng nghiêm trọng hơn trong khoảng thời gian từ vài giờ đến vài ngày, chẳng hạn như cổ cứng, kích động hoặc ảo giác, co giật, yếu liệt tứ chi, nói đớ, hôn mê.

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các dấu hiệu và triệu chứng cũng có thể bao gồm thóp phồng, buồn nôn và nôn, bú kém hoặc bỏ bú, khóc nhiều.

Trong trường hợp viêm não cấp do bệnh tự miễn, các triệu chứng có thể phát triển chậm hơn trong vài tuần. Các triệu chứng giống cúm ít phổ biến hơn nhưng đôi khi có thể xảy ra vài tuần trước khi các triệu chứng nghiêm trọng hơn bắt đầu xuất hiện. Các triệu chứng ở mỗi người là khác nhau, nhưng thông thường mọi người sẽ có các triệu chứng bao gồm:

  • Ảo giác;
  • Co giật;
  • Nhìn mờ, nhìn đôi;
  • Mất ngủ;
  • Yếu cơ;
  • Mất cảm giác;
  • Yếu liệt tứ chi;
  • Tiêu tiểu không tự chủ;
Viêm não cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 4
Co giật là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm não cấp ở trẻ em do bệnh tự miễn

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm não cấp ở trẻ em

Các biến chứng của viêm não cấp ở mỗi người là khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi của trẻ;
  • Nguyên nhân gây bệnh;
  • Mức độ nghiêm trọng;
  • Thời gian từ khi phát bệnh đến khi điều trị;

Những trẻ mắc bệnh mức độ nhẹ thường hồi phục trong vòng vài tuần sau điều trị tích cực mà không có biến chứng lâu dài. Trong một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong. Các biến chứng khác có thể kéo dài hàng tháng hoặc vĩnh viễn bao gồm:

  • Mệt mỏi dai dẳng;
  • Yếu liệt tứ chi;
  • Thay đổi tính cách;
  • Vấn đề về trí nhớ;
  • Mất thính giác hoặc thị giác;
  • Nói đớ;

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì việc chẩn đoán và điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi càng cao. Do đó, khi có triệu chứng đột ngột đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật hay bất cứ triệu chứng nào của viêm não cấp, người thân hãy chuyển trẻ đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm não cấp ở trẻ em

Ba nhóm vi-rút là nguyên nhân phổ biến gây viêm não cấp ở trẻ em là:

  • Vi-rút Herpes, chẳng hạn như thủy đậu, vi-rút Epstein-Barr và Herpes simplex.
  • Vi-rút và các vi trùng khác lây truyền qua côn trùng, như vi-rút West Nile (lây lan qua vết muỗi đốt) và vi trùng gây bệnh Lyme và sốt phát ban (lây lan qua vết cắn của ve).
  • Các loại vi-rút gây ra các bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em, chẳng hạn như bệnh sởi, quai bị và Rubella. Nhờ có vắc xin, ngày nay hiếm có người mắc bệnh viêm não do những căn bệnh này.

Những nguyên nhân ít gặp hơn có thể gây viêm não cấp ở trẻ em bao gồm:

  • Do nhiễm trùng từ vi khuẩn, chẳng hạn như viêm não do lao, giang mai.
  • Do ký sinh trùng, như bệnh Toxoplasmosis (có trong phân mèo bị nhiễm bệnh) ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Trong nhiều trường hợp, viêm não cấp có thể không tìm được nguyên nhân rõ ràng.

Viêm não cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 8
Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh viêm não cấp ở trẻ là do nhiễm vi-rút Herpes simplex

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm não cấp ở trẻ em

Bất kì ai cũng có thể mắc viêm não cấp. Tuy nhiên bệnh thường phổ biến ở trẻ em dưới 15 tuổi hơn người lớn. Trẻ gái có nguy cơ mắc bệnh cao hơn trẻ trai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm não cấp ở trẻ em

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm não cấp ở trẻ em bao gồm:

  • Hệ thống miễn dịch suy yếu: Những người nhiễm HIV/AIDS, dùng thuốc ức chế miễn dịch hoặc mắc bệnh lý khác khiến hệ miễn dịch suy yếu có nguy cơ cao mắc bệnh viêm não cấp.
  • Mắc bệnh tự miễn: Những người đã mắc bệnh tự miễn có thể dễ bị viêm não hơn người bình thường.
  • Hút thuốc: Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc làm tăng nguy cơ phát triển ung thư phổi, từ đó làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm não cấp do tự miễn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm não cấp ở trẻ em

Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tiền căn bệnh lý của trẻ và gia đình, khám sức khỏe tổng quát, khám thần kinh để đánh giá chức năng não bộ và đề nghị một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định trẻ có mắc bệnh viêm não cấp hay không.

Các xét nghiệm bác sĩ sử dụng để chẩn đoán viêm não cấp ở trẻ em bao gồm:

  • Chọc dò dịch não tủy: Xét nghiệm giúp tìm được các dấu hiệu nhiễm trùng trong dịch não tủy.
  • Xét nghiệm máu: Đánh giá chức năng của cơ quan và kiểm tra các loại vi khuẩn cụ thể.
  • Các xét nghiệm hình ảnh học như chụp CT, MRI: Những xét nghiệm này cho thấy dấu hiệu tổn thương mô. Họ cũng có thể phát hiện các vấn đề như khối u và chảy máu não.
  • Điện não đồ (EEG): Xét nghiệm ghi lại các tín hiệu điện trong não, để kiểm tra các sóng não bất thường.
Viêm não cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 9
Chụp CT có thể giúp bác sĩ chẩn đoán viêm não cấp ở trẻ em

Phương pháp điều trị viêm não cấp ở trẻ em

Hầu hết trẻ em bị viêm não cấp cần được chăm sóc tại bệnh viện, thường là ở phòng chăm sóc đặc biệt (ICU). Các bác sĩ sẽ theo dõi huyết áp, nhịp tim, nhịp thở và dịch cơ thể của trẻ để ngăn ngừa tình trạng viêm não nặng thêm.

Các loại thuốc được chỉ định thường tùy vào tình trạng cụ thể ở mỗi trẻ bao gồm:

  • Thuốc kháng vi-rút có thể điều trị một số dạng viêm não, chẳng hạn như viêm não cấp do Herpes simplex có thể điều trị bằng Acyclovir.
  • Corticosteroid có thể được sử dụng để giảm phù não, chống viêm.
  • Thuốc chống co giật có thể được dùng cho trẻ bị co giật.
  • Acetaminophen có thể giúp hạ sốt và giảm đau đầu.
  • Thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại vi-rút nên không được sử dụng để điều trị hầu hết các dạng viêm não.
  • Nhiều người bị viêm não hồi phục hoàn toàn. Trong một số trường hợp, viêm não có thể gây ra vấn đề kéo dài như khuyết tật học tập, vấn đề về giọng nói, giảm trí nhớ, giảm thính lực hoặc yếu liệt cơ. Trị liệu ngôn ngữ, vật lý trị liệu hoặc trị liệu nghề nghiệp có thể giúp ích trong những trường hợp này.
Viêm não cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 10
Khi nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi-rút, cần điều trị bằng thuốc kháng vi-rút

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm não cấp ở trẻ em

Chế độ sinh hoạt:

  • Uống nhiều nước ít nhất 1,5 lít nước/ngày;
  • Tránh hút thuốc lá hoặc không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá;
  • Vệ sinh sạch sẽ, rửa tay đúng cách;
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng;
  • Hãy đến gặp ngay bác sĩ nếu có các triệu chứng của viêm não cấp đặc biệt là các triệu chứng đau đầu, sốt cao, co giật hay có bất kỳ lo lắng nào trong quá trình chăm sóc con bạn.

Chế độ dinh dưỡng:

Hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp với tình trạng của con bạn.

Phương pháp phòng ngừa viêm não cấp ở trẻ em hiệu quả

Để phòng ngừa viêm não cấp ở trẻ em cần thực hiện các điều sau:

  • Chích ngừa vắc-xin sởi, Rubella, quai bị, viêm não Nhật Bản.
  • Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với chó mèo.
  • Tránh ra ngoài vào lúc bình minh và hoàng hôn khi muỗi hoạt động mạnh nhất.
  • Tránh áo tù nước đọng quanh nhà.
  • Mặc quần áo bảo hộ bên ngoài, như áo dài tay và quần dài.
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng.
  • Hạn chế trẻ tiếp xúc với đất, lá cây và bụi rậm.
Viêm não cấp ở trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị 11
Mặc quần áo tay dài khi đi ra ngoài để tránh bị muỗi và côn trùng đốt
Nguồn tham khảo
  1. Acute encephalitis – diagnosis and management: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6303463/
  2. The syndrome of acute encephalitis in children in India: Need for new thinking: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5761025/
  3. Encephalitis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/encephalitis/symptoms-causes/syc-20356136
  4. Encephalitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/6058-encephalitis
  5. Encephalitis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/encephalitis

Các bệnh liên quan

  1. Dị tật ống thần kinh

  2. Loạn sản phế quản phổi

  3. Chứng dính liền khớp sọ sớm

  4. Uốn ván

  5. Tim bẩm sinh

  6. U nguyên tủy bào

  7. Bàn chân khoèo

  8. Nang niệu quản

  9. Xuất huyết giảm tiểu cầu

  10. Bệnh Tay-Sachs