Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Mất thăng bằng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị mất thăng bằng

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Các vấn đề về thăng bằng của cơ thể có thể gây chóng mặt, cảm giác như đang quay tròn hoặc di chuyển trong khi thực tế bạn đang đứng hoặc ngồi yên. Từ đó khiến bạn cảm thấy khó chịu, buồn nôn hoặc nôn, hoặc té ngã, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mất thăng bằng là gì?

Mất thăng bằng là cảm giác chóng mặt, lâng lâng, cảm thấy xung quanh đang chuyển động. Nếu bạn đang đứng, ngồi hoặc nằm, bạn có thể cảm thấy như thể mình đang di chuyển, xoay tròn hoặc lơ lửng. Nếu bạn đang đi bộ, bạn có thể đột nhiên cảm thấy như thể bạn đang bị té nhào xuống đất.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mất thăng bằng

Một số triệu chứng đi kèm với mất thăng bằng như:

  • Chóng mặt hoặc cảm giác quay cuồng;
  • Cảm giác bị rơi lơ lửng hoặc cảm thấy như sắp ngã;
  • Loạng choạng khi đang đi bộ;
  • Cảm giác lâng lâng, yếu người hoặc lơ lửng trên không;
  • Mờ mắt;
  • Nhầm lẫn hoặc mất phương hướng;
  • Các triệu chứng khác có thể bao gồm buồn nôn và nôn; thay đổi nhịp tim và huyết áp, cảm giác sợ hãi, lo lắng hoặc hoảng loạn. Các triệu chứng có thể đến và đi trong thời gian ngắn hoặc kéo dài và có thể dẫn đến mệt mỏi và trầm cảm.
Mất thăng bằng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị mất thăng bằng s1
Chóng mặt là một trong những triệu chứng của mất thăng bằng

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mất thăng bằng

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất thăng bằng:

  • Lớn tuổi.
  • Tác dụng phụ của một số thuốc.
  • Các vấn đề về tai trong: Một phần của tai trong được gọi là mê đạo chịu trách nhiệm về sự cân bằng. Khi mê đạo bị viêm, gây chóng mặt và mất thăng bằng. Một số bệnh về tai và nhiễm trùng có thể dẫn đến viêm mê đạo.
  • Rượu bia: Nồng độ cồn trong máu cao cũng có thể gây chóng mặt và các vấn đề về thăng bằng do ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của tai trong.
  • Một số bệnh lý có thể gây ra mất thăng bằng như bệnh đái tháo đường, bệnh tim, đột quỵ hoặc các vấn đề về thị lực, tuyến giáp, dây thần kinh hoặc mạch máu có thể gây chóng mặt và các vấn đề về thăng bằng khác.
  • Huyết áp thấp có thể dẫn đến chóng mặt khi bạn đứng dậy quá nhanh.
  • Các vấn đề ảnh hưởng đến hệ thống xương hoặc thị giác, chẳng hạn như viêm khớp hoặc mất cân bằng cơ mắt, cũng có thể gây rối loạn thăng bằng.
  • Nhiễm trùng hoặc viêm tai trong có thể khiến bạn cảm thấy chóng mặt và đứng không vững. Cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng này.
  • Bệnh Meniere làm thay đổi lượng dịch/chất lỏng trong tai của bạn, gây ra các vấn đề về thăng bằng, giảm thính lực và ù tai.
  • Chấn thương đầu, hoạt động thể chất, thay đổi áp suất khí quyển có thể khiến dịch tai trong rò rỉ vào tai giữa gây ra các vấn đề về việc mất cân bằng.
  • Khối u, chẳng hạn như u dây thần kinh âm thanh, cũng có thể gây ra các vấn đề về thăng bằng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải mất thăng bằng?

Người lớn tuổi thường là đối tượng dễ bị mất thăng bằng. Nếu bạn từ 65 tuổi trở lên và bị viêm khớp, huyết áp cao hoặc thấp, nguy cơ mất thăng bằng của bạn sẽ cao hơn. Đi du lịch trên thuyền hoặc tàu cũng có thể gây ra các vấn đề về thăng bằng tạm thời.

Mất thăng bằng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị mất thăng bằng 2
Người lớn tuổi là đối tượng có nguy cơ cao gặp tình trạng mất thăng bằng

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mất thăng bằng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc mất thăng bằng, bao gồm:

  • Nhiễm virus;
  • Chấn thương đầu;
  • Nghiện rượu mạn tính;
  • Huyết áp không ổn định;
  • Mắc đồng thời các bệnh tim mạch, đái tháo đường.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mất thăng bằng

Để xác định xem các triệu chứng có phải do các vấn đề về chức năng giữ thăng bằng ở tai trong gây ra hay không, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm bao gồm:

  • Kiểm tra thính giác: Vì các vấn đề về thính giác thường liên quan đến các vấn đề về thăng bằng.
  • Kiểm tra tư thế: Người bệnh di chuyển trên một đường thẳng để đánh giá xem có bị chao đảo hoặc mất thăng bằng không.
  • Thao tác Dix-Hallpike: Bác sĩ sẽ quay/di chuyển đầu theo các vị trí khác nhau trong khi theo dõi chuyển động của mắt để xác định xem có cảm giác sai về chuyển động hoặc quay tròn hay không.
  • Bài kiểm tra Posturography: Posturography đo lường mức độ bạn có thể duy trì sự cân bằng ổn định trong các điều kiện khác nhau, chẳng hạn như đứng/di chuyển trên một bề mặt không cố định.
  • Các thử nghiệm khác: Thử nghiệm xoay ghế, thử nghiệm lắc đầu nhanh hoặc thậm chí các thử nghiệm đo phản ứng của cơ mắt hoặc cổ đối với các âm thanh nhấp chuột ngắn, cũng có thể được thực hiện. Hệ thống tiền đình rất phức tạp, vì vậy có thể cần thực hiện nhiều xét nghiệm để đánh giá tốt nhất nguyên nhân gây ra vấn đề về thăng bằng của bạn.

Bên cạnh đó, xét nghiệm tổng quát để đánh giá chung hoặc tìm bệnh lý khác có thể gây mất thăng bằng, ví dụ như:

  • Xét nghiệm hình ảnh: Chụp MRI và CT có thể xác định xem các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra các vấn đề về thăng bằng của bạn hay không.
  • Kiểm tra huyết áp và nhịp tim: Huyết áp được kiểm tra khi ngồi và sau đó sau khi đứng trong hai đến ba phút để xác định xem có bị tụt huyết áp đáng kể hay không. Nhịp tim của bạn có thể được kiểm tra khi đứng để giúp xác định xem bệnh tim có gây ra các triệu chứng của bạn hay không.
  • Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm máu, chụp rung giật nhãn cầu bằng video (xét nghiệm đo chuyển động của mắt và các cơ kiểm soát chúng) hoặc chẩn đoán hình ảnh về đầu và não.
Mất thăng bằng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị mất thăng bằng 3
Chụp MRI có thể xác định một số bệnh tiềm ẩn có thể gây ra mất thăng bằng

Phương pháp điều trị mất thăng bằng hiệu quả

Một số phương pháp để điều trị mất thăng bằng như:

Thuốc

  • Nếu mất thăng bằng do nhiễm trùng tai thì có thể dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
  • Nếu có triệu chứng buồn nôn, có thể dùng thuốc thuốc chống buồn nôn.
  • Nhìn chung, cần tìm ra bệnh lý gây mất thăng bằng và điều trị bệnh lý đó, trong trường hợp chưa tìm ra, có thể sử dụng thuốc giảm tình trạng chóng mặt.

Phẫu thuật

Nếu bạn mắc bệnh Meniere, có thể phẫu thuật hệ thống tiền đình, hệ thống tạo nên tai trong và ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng.

Chế độ ăn uống

  • Nếu bạn mắc bệnh Meniere hoặc chứng đau nửa đầu, những thay đổi trong chế độ ăn uống thường có thể làm giảm các triệu chứng: Hạn chế lượng muối ăn vào và tránh các yếu tố kích hoạt chế độ ăn uống khác như caffein, rượu.
  • Các vấn đề về cân bằng do huyết áp cao có thể được kiểm soát bằng cách ăn ít muối (natri), duy trì cân nặng khỏe mạnh và tập thể dục.
  • Các vấn đề về thăng bằng do huyết áp thấp có thể được kiểm soát bằng cách uống nhiều nước, kiêng rượu và thận trọng với tư thế và chuyển động của cơ thể, chẳng hạn như không đứng dậy quá nhanh (thay đổi tư thế nhanh chóng).

Tập vật lý trị liệu tại nhà

  • Để giảm chóng mặt, bác sĩ có thể chỉ định các hoạt động có thể thực hiện tại nhà hoặc với sự trợ giúp của chuyên gia trị liệu phục hồi chức năng.
  • Một kỹ thuật phổ biến có thể được thực hiện tại nhà là thao tác Epley: Đây là bài tập ngồi dậy, sau đó nhanh chóng nằm ngửa và quay đầu sang một bên. Sau một vài phút, bạn ngồi dậy. Đây là bài tập ở nhà để giảm chóng mặt.
  • Các bài tập liên quan đến việc di chuyển đầu và cơ thể theo những cách nhất định có thể giúp điều trị một số rối loạn thăng bằng. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mất thăng bằng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bỏ hút thuốc.
  • Hạn chế caffein và rượu.
  • Chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, lượng muối vừa đủ.
Mất thăng bằng là gì? Nguyên nhân và cách điều trị mất thăng bằng 4
Người hay bị mất thăng bằng cần hạn chế uống rượu

Phương pháp phòng ngừa mất thăng bằng hiệu quả

Hầu hết các vấn đề về cân bằng đều khó phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn có thể giải quyết những vấn đề liên quan đến huyết áp. Ngăn ngừa huyết áp thấp bằng cách uống nhiều nước hơn và tránh uống rượu. Tránh huyết áp cao bằng cách tập thể dục thường xuyên, hạn chế lượng muối ăn vào và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.nidcd.nih.gov/health/balance-disorders 
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/balance-problems/diagnosis-treatment/drc-20350477 
  3. https://www.healthline.com/health/balance-problems#prevention 

Các bệnh liên quan

  1. Mộng du

  2. Rối loạn dạng cơ thể

  3. Viêm não cấp ở trẻ em

  4. Ngất

  5. Thiểu năng tuần hoàn não

  6. Run vô căn

  7. Thoái hóa chất trắng

  8. Co giật

  9. Đau dây thần kinh tam thoa

  10. Nhức đầu chóng mặt