Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U nguyên bào thần kinh đệm là gì? Dấu hiệu nhận biết và mức độ nguy hiểm của u nguyên bào thần kinh đệm

Ngày 25/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U nguyên bào thần kinh đệm (Glioblastoma) là khối u não nguyên phát phổ biến và nguy hiểm nhất ở người lớn. Xác định các đặc điểm mô bệnh học là hoại tử và tăng sinh nội mô, dẫn đến việc phân loại u cấp độ IV, cấp độ cao nhất trong phân loại u não của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U nguyên bào thần kinh đệm là gì?

U nguyên bào thần kinh đệm (Glioblastoma) là một khối u não ác tính, còn gọi là u nguyên bào thần kinh đệm đa dạng (Glioblastoma Multiforme - GBM). Khối u chủ yếu được tạo thành từ các tế bào hình sao bất thường (đây là tế bào thần kinh đệm, có dạng hình sao, giúp nuôi dưỡng và hỗ trợ tế bào thần kinh não). Nhưng u nguyên bào thần kinh đệm cũng có thể chứa các loại tế bào khác nhau (bao gồm cả mạch máu) và các tế bào hoại tử (tế bào chết).

U nguyên bào thần kinh đệm có tính thâm nhiễm lan tỏa và xâm lấn các vùng lân cận của não. Đôi khi chúng có thể lan sang phía đối diện của não thông qua thể chai hoặc hệ thống não thất. Rất hiếm trường hợp u nguyên bào thần kinh đệm lan ra ngoài não và tủy sống.

U nguyên bào thần kinh đệm là u não nguyên phát thường gặp nhất ở người trưởng thành, chiếm 45,2% các u não nguyên phát và u hệ thần kinh trung ương ác tính. Đây là một bệnh nan y với thời gian sống sót trung bình chỉ 15 tháng. Chỉ 5,5% người bệnh sống sót sau 5 năm được chẩn đoán.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa u nguyên bào thần kinh đệm là bệnh ung thư độ IV có đặc điểm ác tính, hoạt động phân bào và dễ bị hoại tử. U nguyên bào thần kinh đệm có tiên lượng rất xấu.

Có hai loại u nguyên bào thần kinh đệm:

  • Nguyên phát (de novo): Đây là u nguyên bào thần kinh đệm phổ biến nhất, nguy hiểm nhất.
  • Thứ phát (Secondary Glioblastoma): U nguyên bào thần kinh đệm thứ phát ít phổ biến hơn, thường bắt đầu từ u tế bào hình sao ở mức độ thấp hơn, ít xâm lấn hơn, sau đó chuyển sang khối u độ 4.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u nguyên bào thần kinh đệm

Người bệnh mắc u nguyên bào thần kinh đệm phát triển các triệu chứng nhanh chóng do tác động từ chính khối u hoặc từ chất lỏng bao quanh khối u gây sưng não thêm (phù nề). Các triệu chứng thường gặp khi chẩn đoán bao gồm:

  • Co giật;
  • Đau đầu dữ dội;
  • Vấn đề về trí nhớ và ngôn ngữ;
  • Thay đổi về hành vi và tính cách;
  • Yêu cơ hoặc tê liệt;
  • Mệt mỏi;
  • Các vấn đề về phối hợp;
  • Các vấn đề về giọng nói, thính giác và thị giác.

Các triệu chứng khác có thể xảy ra tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u.

Biến chứng có thể gặp khi mắc u nguyên bào thần kinh đệm

U nguyên bào thần kinh đệm có tiên lượng rất xấu nếu không được điều trị, thời gian sống trung bình khoảng 15 tháng sau khi được chẩn đoán.

Bên cạnh đó, có thể gặp các biến chứng liên quan đến quá trình điều trị như biến chứng do phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị. Bản thân quá trình bệnh còn có các biến chứng như tái phát.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

U nguyên bào thần kinh đệm là một loại ung thư não nguyên phát nguy hiểm. Khi khối u phát triển, nó gây áp lực lên các tế bào não xung quanh và dẫn đến các triệu chứng như đau đầu, co giật, vấn đề về trí nhớ, thay đổi tính cách, thị lực, ngôn ngữ, yếu và tê liệt.

unbtkd4.jpg
U nguyên bào thần kinh đệm có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ

Một số triệu chứng có thể giống như đột quỵ, tuy nhiên, bạn không thể tự chẩn đoán chúng. Và dù là do bất kỳ nguyên nhân nào, khi gặp các triệu chứng đã kể trên, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u nguyên bào thần kinh đệm

Hiện nguyên nhân của u nguyên bào thần kinh đệm vẫn chưa được xác định rõ. Nhiều yếu tố di truyền và môi trường đã được nghiên cứu trong u nguyên bào thần kinh đệm, nhưng không xác định được yếu tố nguy cơ nào chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, u nguyên bào thần kinh đệm cũng giống như các bệnh ung thư khác, xảy ra lẻ tẻ, bắt đầu khi các tế bào phát triển không kiểm soát và hình thành các khối u. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc u nguyên bào thần kinh đệm?

Dựa trên báo cáo tại Mỹ năm 2013, tỷ lệ mắc trung bình hàng năm của u nguyên bào thần kinh đệm là 3,19/100.000 dân. Đây là tỷ lệ mắc cao nhất trong số các khối u ác tính ở não và hệ thần kinh trung ương.

U nguyên bào thần kinh đệm chủ yếu được chẩn đoán ở người lớn có độ tuổi trung bình là 64 tuổi, rất hiếm ở trẻ em. Tỷ lệ mắc bệnh cũng tăng dần theo tuổi, cao nhất ở độ tuổi 75 - 84.

U nguyên bào thần kinh đệm được báo cáo nhiều hơn ở nam giới, tỷ lệ bệnh ở nam nhiều hơn nữ 1,57%. GBM nguyên phát nhiều hơn ở nam và thứ phát nhiều hơn ở nữ. Tỷ lệ mắc cao hơn ở người da trắng và tiếp theo là người da đen.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u nguyên bào thần kinh đệm

Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ chiếu xạ trước đó cao (chiếm 17%) ở những người bệnh mắc u nguyên bào thần kinh đệm.

Một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc u nguyên bào thần kinh đệm giảm đi khi có đặc điểm dễ bị dị ứng, các yếu tố miễn dịch, gen miễn dịch và một số yếu tố khác liên quan đến gen. Nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ mắc u nguyên bào thần kinh đệm thấp do dị ứng và các bệnh lý dị ứng.

Không có bằng chứng đáng kể nào về mối liên hệ giữa u nguyên bào thần kinh đệm và các yếu tố lối sống như hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy hoặc tiếp xúc với hợp chất N-Nitroso (hợp chất gây ung thư ở thực nghiệm trên động vật).

unbtkd5.jpg
Không có bằng chứng đáng kể nào về liên hệ giữa tiếp xúc hợp chất N-Nitroso và u nguyên bào thần kinh đệm

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sử dụng điện thoại di động không làm tăng nguy cơ phát triển u nguyên bào thần kinh đệm, tuy nhiên, sự liên quan đến việc dùng lâu dài cần được xác nhận thêm. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u nguyên bào thần kinh đệm

Bên cạnh việc hỏi bệnh sử và khám thần kinh kỹ lưỡng, để chẩn đoán u nguyên bào thần kinh đệm, xét nghiệm hình ảnh học thường được sử dụng là chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não. Các xét nghiệm hình ảnh khác có thể bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT scan) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).

Khi hình ảnh học cho kết quả bất thường, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết, một thủ thuật nhằm lấy mẫu mô để xét nghiệm. Mẫu mô được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra xem liệu chúng có phải là ung thư hay u nguyên bào thần kinh đệm hay không. Sinh thiết có thể được thực hiện bằng kim trước khi phẫu thuật, hoặc trong khi phẫu thuật để loại bỏ u nguyên bào thần kinh đệm.

unbtkd6.jpg
Chụp cộng hưởng từ (MRI) là xét nghiệm hình ảnh học thường được dùng để chẩn đoán u nguyên bào thần kinh đệm

Phương pháp điều trị u nguyên bào thần kinh đệm

Việc điều trị u nguyên bào thần kinh đệm là khó khăn vì những lý do sau:

  • Chúng phát triển nhanh chóng và xâm lấn các mô não lân cận, khiến việc loại bỏ 100% gần như là không thể.
  • Hàng rào máu não ngăn cản một số phương pháp điều trị có thể tiếp cận khối u có hiệu quả.
  • U nguyên bào thần kinh đệm có nhiều loại tế bào khối u khác nhau (không đồng nhất) và có thể thay đổi theo thời gian, khiến việc điều trị trở nên khó khăn.

Do đó, kế hoạch điều trị u nguyên bào thần kinh đệm có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị (thuốc temozolomide), thử nghiệm lâm sàng, điện trường điều trị khối u (TTFields) và liệu pháp nhắm trúng đích.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u nguyên bào thần kinh đệm

Chế độ sinh hoạt:

Điều quan trọng là bạn cần được chẩn đoán và điều trị sớm, thảo luận với bác sĩ về tiên lượng bệnh và những kỳ vọng để có thể duy trì chất lượng cuộc sống càng lâu càng tốt.

Do tính chất ác tính, nguy hiểm của khối u, tỷ lệ sống sót chung kém và tỷ lệ tái phát cao. Nên bạn cần được theo dõi thường xuyên bằng hình ảnh học lặp lại, ngay cả khi kết thúc điều trị. Do đó, hãy tái khám đầy đủ để bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng của bạn.

Trong quá trình điều trị, u nguyên bào thần kinh đệm thường liên quan đến giả tiến triển, là tình trạng xấu đi bán cấp trên hình ảnh MRI trong vòng ba tháng sau khi hoàn thành hóa trị liệu. Đây là một tác dụng liên quan đến điều trị, điều quan trọng là cần phân biệt giữa giả tiến triển và tiến triển thực sự để tránh phải ngừng điều trị đột ngột. Đặc điểm chính để phân biệt giả tiến triển thường không có triệu chứng. Do đó, hãy tự theo dõi triệu chứng và báo cáo cho bác sĩ điều trị của bạn, để họ có thể tiếp tục điều trị hay đưa ra các lựa chọn điều trị thêm cho bạn.

unbtkd7.jpg
Do tính chất nguy hiểm và tái phát của khối u, bạn cần được theo dõi thường xuyên, lặp lại xét nghiệm hình ảnh học dù đã kết thúc điều trị

Chế độ dinh dưỡng:

Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho thực đơn theo tư vấn từ chuyên gia là một cách rất tốt để hỗ trợ duy trì thể trạng cho người bệnh u nguyên bào thần kinh đệm hiệu quả.

Phương pháp phòng ngừa u nguyên bào thần kinh đệm hiệu quả

Hiện không có cách nào để bạn có thể ngăn ngừa u nguyên bào thần kinh đệm một cách hiệu quả. Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào.

Nguồn tham khảo
  1. Glioblastoma: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26948367/
  2. Glioblastoma Multiforme: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK558954/
  3. Glioblastoma Multiforme: https://www.aans.org/en/Patients/Neurosurgical-Conditions-and-Treatments/Glioblastoma-Multiforme
  4. Glioblastoma: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/glioblastoma/cdc-20350148
  5. What Is Glioblastoma and What Is the Survival Rate?: https://www.healthline.com/health/brain-tumor/glioblastoma 

Các bệnh liên quan

  1. Hở van tim

  2. Ối vỡ non

  3. Viêm đa xoang

  4. Nhiễm khuẩn Listeria

  5. đĩa đệm mất nước

  6. Rong kinh tiền mãn kinh

  7. Bệnh khổng lồ

  8. Viêm xoang do nấm

  9. Bệnh Legg-Calvé-Perthes

  10. Viêm dạ dày cấp