Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U thần kinh nội tiết là bệnh gì? Những điều cần lưu ý

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U thần kinh nội tiết là những khối u phát triển ở các tế bào thần kinh nội tiết và có thể xuất hiện ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể bạn. Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh rất đa dạng tùy thuộc vào vị trí hình thành khối u và có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác ít nghiêm trọng hơn. Phẫu thuật là phương pháp điều trị phổ biến nhất của bệnh, tuy nhiên nếu khối u đã lan ra các cơ quan khác bạn có thể phải điều trị thêm với thuốc. Phát hiện sớm bệnh giúp điều trị hiệu quả và tránh xâm lấn các cơ quan lân cận.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U thần kinh nội tiết là gì?

U thần kinh nội tiết là những khối u được hình thành ở các tế bào thần kinh nội tiết. Những tế bào này được tìm thấy ở khắp nơi trong cơ thể bạn. Chức năng của chúng là nhận thông tin từ hệ thần kinh và giải phóng nội tiết tố (hormone) vào máu giúp điều khiển các hoạt động sinh lý trong cơ thể. Ví dụ, các tế bào thần kinh nội tiết trong tuyến thượng thận sẽ giải phóng hormone epinephrine (adrenaline) để đáp ứng với tình trạng căng thẳng (stress).

Trước đây các khối u thần kinh nội tiết được phân loại là ung thư hoặc không phải ung thư nhưng hiện nay tất cả các khối u thần kinh nội tiết đều được coi là ung thư. Các khối u thần kinh nội tiết được chia thành hai loại là hoạt động và không hoạt động:

  • Các khối u thần kinh nội tiết hoạt động sẽ tăng sản xuất các hormone dẫn đến tình trạng dư thừa nội tiết tố và gây ra các triệu chứng.
  • Các khối u thần kinh nội tiết không hoạt động sẽ không tăng sản xuất hormone do đó không gây tình trạng dư thừa nội tiết tố hoặc số lượng hormone sản xuất ra không đủ vì vậy sẽ không gây ra các triệu chứng.

Ước tính có khoảng 12.000 người được chẩn đoán mắc u thần kinh nội tiết mỗi năm ở Hoa Kỳ và tăng đều đặn mỗi năm được cho là do các xét nghiệm ngày nay đã giúp chẩn đoán tốt và sớm hơn. Các khối u thần kinh nội tiết thường phát triển rất chậm. 

Ở trẻ em và thanh niên, khối u thường được tìm thấy nhiều nhất ở ruột thừa hoặc ở phổi. Ở người lớn, khối u thường được tìm thấy nhiều nhất ở đường tiêu hóa. Các khối u có thể lan đến các cơ quan xung quanh nhưng thường gặp ở người lớn hơn trẻ em.

U thần kinh nội tiết có thể phát triển ở bất cứ đâu trên cơ thể bạn:

  • Đường tiêu hóa: Là nơi u thần kinh nội tiết phát triển phổ biến nhất: Khoảng 12 đến 27 phần trăm xảy ra ở trực tràng; khoảng 20 phần trăm xảy ra ở ruột già; khoảng 19 phần trăm xảy ra ở ruột non; khoảng 4 phần trăm xảy ra ở ruột thừa.
  • Phổi: Là vị trí phổ biến thứ hai của u thần kinh nội tiết, chiếm khoảng 30 phần trăm các trường hợp.
  • Tuyến tụy: Khoảng 7 phần trăm sẽ phát triển ở trong tuyến tụy.
  • Chỉ có khoảng 15 phần trăm khối u thần kinh nội tiết được tìm thấy bên ngoài đường tiêu hóa, phổi và tuyến tụy.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của U thần kinh nội tiết

Các dấu hiệu và triệu chứng của u thần kinh nội tiết rất khác nhau tùy theo vị trí phát triển của u. Các yếu tố khác ảnh hưởng đến sự xuất hiện và biểu hiện của các triệu chứng bệnh gồm:

  • Kích thước khối u;
  • Loại khối u;
  • Khối u đang hoạt động hay không;
  • Có di căn hay chưa.

Triệu chứng u thần kinh nội tiết trong ở đường tiêu hóa:

Triệu chứng u thần kinh nội tiết ở phổi, đôi khi các triệu chứng có thể bị chẩn đoán nhầm thành viêm phổi:

  • Ho;
  • Ho ra máu;
  • Viêm đường hô hấp tái phát.

Trong một số ít trường hợp, người mắc u thần kinh nội tiết có thể phát triển hội chứng carcinoid. Hội chứng carcinoid là tình trạng u thần kinh nội tiết sản xuất quá nhiều hormone hơn mức bạn cần. Đầu và cổ đỏ bừng là triệu chứng phổ biến nhất và sớm nhất của hội chứng này. Các triệu chứng khác:

  • Đau bụng và tiêu chảy;
  • Phân mỡ có mùi hôi;
  • Phù hoặc sưng bàn chân và cẳng chân (có thể là triệu chứng của suy tim);
  • Thở khò khè, khó thở;
  • Giảm hứng thú trong tình dục hoặc rối loạn cương dương;
  • Vàng da, vàng mắt.
U THẦN KINH NỘI TIẾT 4.jpg
 Đau bụng là một triệu chứng của bệnh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh thường dễ nhầm lẫn với các bệnh lý ít nghiêm trọng hơn do đó khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên hãy đi khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện sớm và chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến U thần kinh nội tiết

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được tại sao tế bào thần kinh nội tiết lại phát triển thành khối u. Một số bệnh lý được cho thấy có sự liên quan đến u thần kinh nội tiết:

  • Bệnh đa u tuyến nội tiết type 1: Bệnh khiến tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến thượng thận của bạn hoạt động quá mức hoặc hình thành khối u.
  • Bệnh đa u tuyến nội tiết type 2: Bệnh khiến tuyến tụy, tuyến yên hoặc tuyến cận giáp hoạt động quá mức hoặc hình thành khối u.
  • Hội chứng Von Hippel-Lindau: Đây là một tình trạng hiếm gặp khi các khối u lành tính phát triển ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể bạn.
  • U sợi thần kinh type 1: Đây là tình trạng hiếm gặp khi các khối u phát triển trên da và dây thần kinh, ảnh hưởng đến mắt và các bộ phận khác của cơ thể.
  • Bệnh xơ cứng củ: Các triệu chứng của bệnh gồm động kinh, tự kỷ hoặc chậm phát triển, xuất hiện các vết bớt trên da ở thời thơ ấu.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc U thần kinh nội tiết

Khi bạn có bất kỳ hội chứng ung thư di truyền sẽ làm tăng nguy cơ mắc u thần kinh nội tiết. Những ung thư này đều di truyền trội trên nhiễm sắc thể thường. Bao gồm:

  • Bệnh đa u tuyến nội tiết type 1;
  • Bệnh Von Hippel-Lindau;
  • Xơ cứng củ;
  • U sợi thần kinh type 1.

Một số tình trạng bệnh lý khác có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh u thần kinh nội tiết như giảm sản xuất acid dạ dày sẽ làm tăng nguy cơ mắc u thần kinh nội tiết trong dạ dày.

U THẦN KINH NỘI TIẾT 5.jpg
U sợi thần kinh làm tăng nguy cơ mắc u thần kinh nội tiết

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải U thần kinh nội tiết

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh u thần kinh nội tiết của bạn:

  • Chủng tộc: Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da đen.
  • Giới tính: Phụ nữ mắc bệnh thường xuyên hơn so với nam giới.
  • Tuổi: Các khối u thần kinh nội tiết hiếm gặp ở trẻ em.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán U thần kinh nội tiết

Để chẩn đoán u thần kinh nội tiết khá khó khăn vì các triệu chứng của bệnh không điển hình và đặc hiệu. Các khối u có thể phát hiện tình cờ khi khám tổng quát hoặc khám bệnh khác. Để có thể chẩn đoán chính xác bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm:

  • Xét nghiệm máu: Nhằm đánh giá số lượng và mức độ hoạt động của accs loại nội tiết tố trong cơ thể.
  • Xét nghiệm nước tiểu.
  • Hình ảnh học gồm siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT-scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), PET.
  • Sinh thiết: Lấy tế bào hoặc dịch, mô hoặc u để làm giải phẫu bệnh.

Phương pháp điều trị U thần kinh nội tiết

Lựa chọn phương pháp khối u thần kinh nội tiết phụ thuộc vào:

  • Vị trí khối u;
  • Tính chất xâm lấn;
  • Tiến triển của khối u;
  • Khối u có sản xuất ra hormone dưa thừa hay không.

Theo dõi tích cực - chủ động

Nếu khối u phát triển chậm, bác sĩ có thể đề nghị bạn chỉ theo dõi tích cực - chủ động tức bạn sẽ không cần điều trị mà chỉ theo dõi sát khối u thường xuyên.

Phẫu thuật với có/không xạ trị hoặc hóa trị

Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất hiện nay của u thần kinh nội tiết. Nếu khối u chưa xâm lấn hoặc di căn đến các cơ quan khác, bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u. Hóa trị hoặc xạ trị được chỉ định nhằm thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật.

Thuốc

Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng các loại thuốc tương tự như somatostatin như octreotide hoặc lanreotide. Những loại thuốc này ngăn cơ thể bạn sản xuất quá nhiều hormone từ đó giúp cải thiện triệu chứng cũng như ngăn ngừa khối u lan sang các cơ quan khác.

Liệu pháp nhắm trúng đích là sử dụng các thuốc nhắm vào gen hoặc protein nhất định nào đó để tiêu diệt tế bào ung thư.

Khác

Bạn có thể tìm đến châm cứu, xoa bóp hoặc tập yoga giúp thư giãn và kiểm soát triệu chứng trong thời gian điều trị.

U THẦN KINH NỘI TIẾT 6.jpg
Xoa bóp là phương pháp hỗ trợ thư giãn và kiểm soát triệu chứng

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của U thần kinh nội tiết

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi bệnh và tuân thủ điều trị của bác sĩ;
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia;
  • Tập thể dục và vận động giúp tinh thần thư giãn và thoải mái;
  • Trò chuyện và chia sẻ cảm xúc và tình trạng bệnh của bạn với những người thân thiết của bạn;
  • Luôn giữ tâm trạng lạc quan, tránh căng thẳng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn uống cân bằng đầy đủ các chất, lành mạnh;
  • Ưu tiên các thực phẩm sạch, rau quả, trái cây và cá, trứng, đậu, phô mai;
  • Hạn chế các thực phẩm dầu mỡ, chiên xào hay thức ăn đóng hộp, đồ ngọt;
  • Chia các bữa ăn lớn trong ngày thành các bữa nhỏ hơn nếu bạn cảm thấy khó chịu khi ăn các bữa lớn;
  • Uống đủ nước, hạn chế đồ uống có đường và các chất kích thích.
U THẦN KINH NỘI TIẾT 7.jpg
Sống lành mạnh giúp bạn phòng ngừa và ngăn tiến triển bệnh

Phương pháp phòng ngừa U thần kinh nội tiết hiệu quả

Các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân khiến các tế bào thần kinh nội tiết phát triển bất thường và hình thành khối u. Khám sức khỏe thường xuyên để có thể phát hiện sớm bệnh. Khi có bất kỳ triệu chứng nào kể trên bạn cũng không nên xem thường mà hãy đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân.

Luôn giữ tinh thần vui vẻ, tránh căng thẳng; không hút thuốc lá và uống rượu bia; chế độ ăn lành mạnh đầy đủ các chất, không nên sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ; trò chuyện và chia sẻ với người thân về cảm xúc và tình trạng bệnh của bạn. 

Nguồn tham khảo
  1. Neuroendocrine Tumors: Where and Why They Develop: https://www.healthline.com/health/cancer/neuroendocrine-tumors
  2. Neuroendocrine Tumors: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22006-neuroendocrine-tumors-net
  3. What Are Neuroendocrine Tumors (NETs)?: https://www.webmd.com/cancer/neuroendocrine-tumors 
  4. Neuroendocrine tumors - Symptoms and causes: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/neuroendocrine-tumors/symptoms-causes/syc-20354132
  5. Principles of diagnosis and management ...: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5359105/

Các bệnh liên quan

  1. Viêm cầu thận Lupus

  2. Teo não

  3. U tế bào thần kinh đệm ít nhánh

  4. Ung thư lá lách

  5. Vô sinh thứ phát

  6. Giãn tĩnh mạch thừng tinh

  7. Bệnh Legg-Calvé-Perthes

  8. Xơ cứng bì toàn thể

  9. Phù thũng

  10. Xơ gan cổ trướng