Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư xương hàm là một bệnh lý ác tính hiếm gặp, chiếm khoảng 6 - 7% các bệnh lý ung thư xương và chiếm 1% trong tổng số các khối u ác tính ở vùng đầu cổ. Đặc tính sinh học của ung thư xương hàm khác với các ung thư xương khác, ít xảy ra di căn xa hơn và tỷ lệ sống sót cao hơn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư xương hàm là gì?

Ung thư xương là một loại khối u ác tính hình thành trong xương, thường ảnh hưởng ở vị trí đĩa tăng trưởng của xương, đặc biệt là các xương dài như xương cánh tay, xương đùi, xương chày và các xương dẹt như xương chậu, xương bả vai. Ung thư xương gồm hai nhóm là ung thư xương nguyên phát và ung thư xương thứ phát.

Ung thư xương hàm là một loại ung thư phát triển ở xương hàm dưới hoặc hàm trên, được xếp vào nhóm ung thư vùng miệng - hầu họng thuộc ung thư đầu và cổ. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) ước tính rằng năm 2023 có 54.540 ca ung thư vùng miệng - hầu họng mắc mới.

Ung thư xương hàm bao gồm các loại như sau:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy (squamous cell carcinoma), chiếm hơn 90% bệnh lý ung thư vùng miệng;
  • Ung thư biểu mô nguyên bào men răng (ameloblastic carcinoma);
  • Ung thư biểu mô trong xương nguyên phát (primary intraosseous carcinoma);
  • Ung thư biểu mô do răng xơ cứng (sclerosing odontogenic carcinoma);
  • Ung thư biểu mô tế bào sáng do răng (clear cell odontogenic carcinoma);
  • Ung thư biểu mô tế bào bóng ma do răng (ghost cell odontogenic carcinoma);
  • Carcinosarcoma do răng (odontogenic carcinosarcoma);
  • Sarcoma do răng (odontogenic sarcoma).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư xương hàm

Tương tự như giai đoạn đầu của các bệnh lý ung thư khác, dấu hiệu ung thư xương hàm khá mơ hồ và người bệnh thường không chú ý đến. Vì ung thư xương hàm thường có những triệu chứng ban đầu như ung thư vùng miệng - hầu họng nên một số triệu chứng có thể xuất hiện như:

  • Có các mảng trắng hoặc đỏ trên nướu, lưỡi hoặc niêm mạc miệng;
  • Chảy máu, đau hoặc loét trong miệng;
  • Sưng nướu hoặc sưng hàm.

Một nghiên cứu đánh giá hệ thống (2021), có 28,8% trường hợp ung thư xương hàm có triệu chứng. Khi bệnh phát triển, các triệu chứng ung thư xương hàm thể nặng hơn và dễ nhận thấy, bao gồm:

  • Đau vùng xương hàm, đau liên tục, tăng dần, tăng về đêm;
  • Đau khi nhai, khi nuốt;
  • Thay đổi giọng nói;
  • Có thể xuất hiện hạch vùng cổ, sau tai, dưới hàm;
  • Loét miệng kéo dài trên 3 tuần, vết loét khó lành;
  • Sưng hàm, biến dạng khuôn mặt
  • Răng yếu, dễ lung lay.

Biến chứng có thể gặp khi mắc ung thư xương hàm

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sau 5 năm của ung thư xương hàm phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện ung thư và mức độ di căn của khối u khi được chẩn đoán, được ước tính vào khoảng 53%. Hiệp hội đưa ra tỷ lệ sống sau 5 năm đối với nhóm bệnh ung thư vùng miệng - hầu họng tương đối như sau:

  • Giai đoạn khu trú: Khối u vừa hình thành hoặc đã phát triển với kích thước to hơn nhưng vẫn giới hạn trong phạm vi xương hàm. Tỷ lệ sống 73%.
  • Giai đoạn lan tỏa: Khối u lan tỏa sang các vùng lân cận ở miệng - họng, có thể di căn hạch bạch huyết. Tỷ lệ sống 42%.
  • Giai đoạn di căn xa: Khối u xâm lấn toàn bộ vùng miệng - họng, hạch bạch huyết và các cơ quan khác. Tỷ lệ sống 23%.
Ung thư xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4
Biến chứng của ung thư xương hàm phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh

Ngoài ra, một số biến chứng do điều trị ung thư xương hàm có thể xảy ra sau xạ trị và hóa trị là viêm niêm mạc miệng, nhiễm trùng, đau, chảy máu, tổn thương tuyến nước bọt, tổn thương cơ và xương khớp vùng hàm và cổ, giảm lưu lượng máu nuôi cho xương hàm, thậm chí hoại tử xương,...

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ngay khi có những dấu hiệu ung thư xương hàm kể trên, hoặc thậm chí có những biến đổi nhỏ ở vùng răng hàm mặt, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư xương hàm

Nguyên nhân ung thư xương hàm được các nhà nghiên cứu cho rằng có thể từ yếu tố di truyền và/hoặc tác động môi trường. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) đưa ra hai tác nhân tiềm ẩn có thể gây ung thư vùng miệng - hầu họng bao gồm:

  • Sử dụng thuốc lá: Tiêu thụ thuốc lá bằng các phương pháp như hút, nhai, ngậm, ngửi. Nghiên cứu của Jethwa và cộng sự (2017) cho thấy nguy cơ mắc ung thư đầu cổ ở người hút thuốc lá cao gấp 10 lần so với người chưa bao giờ hút thuốc lá. Và nghiên cứu cũng đưa ra kết quả rằng 70 - 80% người bệnh ung thư đầu cổ mắc mới có liên quan đến sử dụng thuốc lá và rượu. Khói thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ ung thư khu vực này.
  • Uống rượu: ACS báo cáo rằng người hút thuốc lá và uống rượu có nguy cơ mắc bệnh ung thư vùng miệng - họng cao gấp 30 lần so với những người không tiêu thụ các sản phẩm độc hại này.
Ung thư xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Thuốc lá và rượu bia là hai tác nhân lớn gây ung thư xương hàm

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư xương hàm?

Những đối tượng sau đây có nguy cơ bị ung thư xương hàm:

  • Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc các bệnh lý ung thư đầu cổ cao hơn so với nữ giới.
  • Tuổi: Nguy cơ mắc ung thư xương hàm tăng đối với người trên 45 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư xương hàm

Một số yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng khả năng mắc ung thư xương hàm bao gồm:

  • Nhiễm virus HPV (Human papillomavirus): Nếu ung thư xương hàm có xuất phát nguồn từ khu vực hầu họng lan đến, rất có thể tác nhân HPV là nguyên nhân gây nên. HPV là tên một nhóm virus gồm 200 tuýp khác nhau, lây qua quan hệ tình dục ở miệng, âm đạo, hậu môn. Virus này là nguyên nhân chính gây ra hơn 70% bệnh lý ung thư vòm họng ở Hoa Kỳ, gồm ung thư amidan và ung thư đáy lưỡi.
  • Ăn trầu cau: Tục lệ ăn trầu cau khá phổ biến tại các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư khoang miệng. Tạp chí y khoa Lancet cho biết khi tiến hành kiểm tra 8.222 người bệnh ung thư khoang miệng tại tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc, các nhà khoa học phát hiện có 90% trường hợp có thói quen ăn trầu cau.
  • Vệ sinh răng miệng không đúng cách: Một số bằng chứng khoa học cho thấy việc vệ sinh răng miệng kém, sâu răng, nhiễm trùng là yếu tố nguy cơ gây ung thư xương hàm. Sử dụng các loại nước súc miệng có nồng độ cồn cao cũng có thể gây hại cho sức khỏe răng miệng.
  • Chế độ dinh dưỡng kém: Các nghiên cứu khoa học đã tìm ra mối liên hệ giữa một số nhóm thực phẩm và ung thư khoang miệng. Các thực phẩm chiên rán, thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp gây ra nguy cơ ung thư lớn nhất. Ngược lại, nhóm thực phẩm chứa nhiều vitamin C, E và các chất chống oxy hóa được chứng minh làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 6
Virus HPV là yếu tố nguy cơ dẫn đến ung thư xương hàm

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư xương hàm

Nếu bạn đang có một hoặc nhiều triệu chứng ung thư xương hàm, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử, các yếu tố nguy cơ bạn có và tiến hành khám thông thường hoặc kết hợp nội soi vùng họng miệng để quan sát các sang thương. Bên cạnh đó, việc khám thực thể có thể kiểm tra có một khối u nguyên phát nào khác di căn đến xương hàm hay không.

Bên cạnh nội soi tai - mũi - họng, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh và theo dõi tình trạng di căn của bệnh như sau:

  • Sinh thiết: Sinh thiết và làm giải phẫu bệnh mô bệnh học để xác định có phải u ác tính hay không và loại ung thư mà người bệnh mắc phải.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra các chỉ số sức khỏe tổng quát của cơ thể. Ngoài ra, một số xét nghiệm có thể là dấu chứng của bệnh ung thư đang tiến triển như phosphatase kiềm và lactate dehydrogenase.
  • X-quang toàn cảnh: Chụp X-quang toàn cảnh cho thấy hình ảnh hai chiều của toàn bộ vùng hàm miệng gồm hàm trên, hàm dưới và các xoang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Giúp khảo sát độ lan rộng của khối u và kiểm tra sự di căn của khối u đến các cơ quan khác của cơ thể.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Giúp khảo sát rõ ràng và chi tiết hơn về khối u, cho thấy thêm hình ảnh mô mềm và các vấn đề khác liên quan.

Phương pháp điều trị ung thư xương hàm hiệu quả

Nếu kết quả sinh thiết là u ác tính, tức là ung thư xương hàm, phương pháp điều trị hiện nay là phương pháp tiếp cận đa mô thức, ê kíp điều trị là một nhóm chuyên gia bao gồm bác sĩ phẫu thuật đầu - cổ và bác sĩ ung bướu sẽ tư vấn và đưa ra phương pháp tốt nhất cho người bệnh. Ví dụ như ung thư vòm họng hiếm khi cần phẫu thuật, nhưng phải tiến hành xạ trị hoặc hóa trị. Và trong một số trường hợp nặng, việc sử dụng hóa trị để thu nhỏ khối u có thể cần thiết trước khi phẫu thuật. Mỗi phương pháp phẫu thuật được áp dụng phụ thuộc vào vị trí, kích thước và đặc điểm của khối u.

Cắt hàm dưới

Loại phẫu thuật này có thể loại bỏ một phần hàm dưới hoặc toàn bộ hàm dưới. Nếu khối u đã phát triển sát xương hàm nhưng không xâm lấn thì có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ phần rìa hàm dưới và xương có thể được bảo tồn.

Nếu ung thư đã xâm lấn vào xương, phẫu thuật cắt bỏ từng đoạn xương hàm dưới sẽ được thực hiện. Phẫu thuật có thể loại bỏ một đoạn xương hàm dưới hoặc toàn bộ. Khoảng trống sau khi cắt bỏ sẽ được tái tạo lại để hàm có thể hoạt động bình thường. Việc tái tạo thường được thực hiện bằng xương từ một bộ phận khác như cẳng chân, cẳng tay hoặc xương chậu.

Cắt hàm trên

Loại phẫu thuật này có thể loại bỏ một phần hàm dưới hoặc toàn bộ hàm trên. Có năm phương pháp phẫu thuật cắt hàm trên, trong đó có bốn loại là cắt một phần và nó phụ thuộc vào vị trí của khối u liên quan đến mắt, mũi, răng và khẩu cái cứng. 

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hàm trên sẽ loại bỏ toàn bộ hàm trên ở một bên của khuôn mặt và cần phải tái tạo rộng vùng này. Một số ca phẫu thuật khó với khối u lan rộng thậm chí cần phẫu thuật loại bỏ hốc mắt, sau đó sẽ được tái tạo lại. Các thao tác phẫu thuật có thể cần được thực hiện nếu ung thư lan rộng đến các khu vực khác của miệng hoặc họng, chẳng hạn như cắt bỏ lưỡi (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi) và bóc tách hạch cổ (cắt bỏ các hạch bạch huyết bị di căn).

Xạ trị

Xạ trị có thể được sử dụng vào những thời điểm khác nhau trong quá trình điều trị. Các khối u ác tính ở xương hàm có thể cần điều trị bằng xạ trị nếu khối u không được cắt bỏ hoàn toàn, ung thư lan rộng, di căn đến hạch bạch huyết, dây thần kinh hoặc mạch máu. Xạ trị cũng có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để giảm kích thước khối u nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng ở người bệnh có khối u nhỏ và cân nhắc thấy phẫu thuật có rủi ro cao hơn.

Ung thư xương hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 7
Xạ trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư xương hàm

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư xương hàm

Chế độ sinh hoạt: 

  • Tuân thủ những chỉ định của chuyên gia trong quá trình điều trị.
  • Đi khám đúng hẹn để theo dõi diễn tiến của bệnh.
  • Giữ tinh thần lạc quan để chiến đấu với bệnh tật.

Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất, có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng để được gợi ý về chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Phương pháp phòng ngừa ung thư xương hàm hiệu quả

Không có một biện pháp nào đảm bảo có thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư xương hàm. Tuy nhiên, một số thói quen sinh hoạt dưới đây có thể phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây ung thư xương hàm nói riêng và ung thư vùng miệng - họng nói chung. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo:

  • Không sử dụng các loại đồ uống có cồn, thuốc lá dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Tiêm ngừa vắc xin HPV.
  • Quan hệ tình dục an toàn.
  • Hạn chế tiếp xúc với tia cực tím.
  • Duy trì cân nặng lý tưởng và xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học.
  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe răng miệng.
Nguồn tham khảo
  1. Jaw Tumors: https://www.msdmanuals.com/professional/ear,-nose,-and-throat-disorders/tumors-of-the-head-and-neck/jaw-tumors
  2. Everything you need to know about jaw bone cancer: https://www.medicalnewstoday.com/articles/jaw-bone-cancer
  3. What to Know About Jaw Cancer: https://www.healthline.com/health/cancer/jaw-cancer
  4. What Is Jaw Cancer?: https://www.verywellhealth.com/jaw-cancer-overview-and-more-5201871
  5. Osteosarcoma of the jaw: Challenges in the diagnosis and treatment: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1110036218300074