Long Châu

Viêm da mụn mủ truyền nhiễm là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm da mụn mủ truyền nhiễm là một bệnh nhiễm trùng ngoài da với biểu hiện các mụn nước, bọng nước do liên cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn hoặc cả hai gây ra. Bệnh thường ở mức độ nhẹ, ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ nhỏ và những người sống ở nơi có điều kiện vệ sinh không tốt.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm da mụn mủ truyền nhiễm là gì? 

Viêm da mụn mủ truyền nhiễm (hay còn gọi là bệnh chốc) là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến và rất dễ lây lan, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện dưới dạng mụn nước đỏ trên mặt, đặc biệt là xung quanh mũi, miệng, trên bàn tay và bàn chân. Trong khoảng một tuần, các vết loét vỡ ra và tạo thành lớp vảy màu mật ong.

Chẩn đoán bệnh dựa trên dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Điều trị bằng thuốc kháng sinh có thể hạn chế sự lây lan của bệnh chốc cho người khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm da mụn mủ truyền nhiễm

Triệu chứng chính của bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm là những mụn nước, bọng nước kích thước bằng hạt đậu xanh hoặc hạt lạc, thường mọc xung quanh mũi, miệng, đầu, tứ chi hoặc rải rác khắp người.

Bọng nước lúc đầu trong, sau đó đục dần (trong 12 - 24 giờ) và nhanh chóng vỡ ra, rỉ dịch trong vài ngày rồi đóng thành lớp vảy màu mật ong. Các bọng nước có thể lây lan sang các vùng khác trên cơ thể qua tiếp xúc, quần áo và khăn tắm. Bệnh nhân thường bị ngứa và đau nhức nhẹ.

Có thể có các dấu hiệu toàn thân như mệt mỏi, sốt, albumin niệu và sưng hạch phụ cận vị trí xuất hiện bọng nước.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm

Viêm dạ mụn mủ truyền nhiễm thường không nguy hiểm, các bọng nước ở dạng nhiễm trùng nhẹ thường lành mà không để lại sẹo.

Các biến chứng hiếm gặp của bệnh bao gồm:

  • Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng đe dọa tính mạng này ảnh hưởng đến các mô bên dưới da, cuối cùng có thể lan đến các hạch bạch huyết và máu.

  • Các vấn đề về thận: Một trong những loại vi khuẩn gây bệnh cũng có thể làm hỏng thận.

  • Sẹo: Các vết loét nghiêm trọng có thể để lại sẹo.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Viêm da mụn mủ truyền nhiễm

Nguyên nhân gây bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm là vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus hoặc liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A Streptococcus pyogenes. Các chủng S. aureus kháng methicillin (MRSA) và S. aureus kháng gentamicin cũng có thể gây ra bệnh

Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với bọng nước của người bị nhiễm bệnh hoặc với các vật dụng mà họ đã chạm vào - chẳng hạn như quần áo, khăn trải giường, khăn tắm và thậm chí là đồ chơi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm da mụn mủ truyền nhiễm?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm, đặc biệt là người sinh hoạt ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, trình độ dân trí thấp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm da mụn mủ truyền nhiễm

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm da mụn mủ truyền nhiễm, bao gồm:

  • Tuổi tác: Viêm da mụn mủ truyền nhiễm xảy ra phổ biến nhất ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi.
  • Tiếp xúc gần: Bệnh lây lan dễ dàng trong các gia đình, nơi đông người, chẳng hạn như trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em, và khi tham gia các môn thể thao có tiếp xúc da.
  • Thời tiết ấm áp, ẩm ướt: Bệnh phổ biến hơn khi thời tiết ấm, ẩm ướt.
  • Da nứt nẻ: Vi khuẩn gây bệnh thường xâm nhập vào da qua vết cắt nhỏ, vết côn trùng cắn hoặc phát ban.
  • Các tình trạng sức khỏe khác: Trẻ em mắc các bệnh về da khác, chẳng hạn như viêm da dị ứng (chàm); người lớn tuổi, người mắc bệnh tiểu đường hoặc người bị suy giảm hệ thống miễn dịch cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm da mụn mủ truyền nhiễm

Chẩn đoán bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm chủ yếu bằng dấu hiệu lâm sàng đặc trưng trên da.

Nuôi cấy mẫu lấy từ tổn thương chỉ được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị theo kinh nghiệm. 

Bệnh nhân bị bệnh tái phát nên cấy dịch mũi. 

Đối với các nhiễm trùng dai dẳng, cũng cần được nuôi cấy để xác định chủng MRSA.

Phương pháp điều trị Viêm da mụn mủ truyền nhiễm hiệu quả

Rửa nhẹ nhàng vùng da bị bệnh bằng xà phòng và nước nhiều lần một ngày để loại bỏ các lớp vảy.

Thuốc bôi ngoài da

Điều trị viêm da mụn mủ truyền nhiễm tại chỗ bằng các thuốc bôi:

  • Thuốc mỡ kháng sinh mupirocin 3 lần/ngày trong 7 ngày;

  • Thuốc mỡ retapamulin 2 lần/ngày trong 5 ngày, hoặc bôi kem ozenoxacin 1% mỗi 12 giờ/lần trong 5 ngày;

  • Kem bôi chứa acid fusidic nồng độ 2% 3 - 4 lần/ngày cho đến khi da hết bệnh và phục hồi.

Trước khi bôi thuốc, ngâm vùng da đó trong nước ấm hoặc chườm khăn ướt trong vài phút. Sau đó lau khô và nhẹ nhàng loại bỏ vảy để kháng sinh có thể ngấm vào da. Đặt một miếng băng không dính lên khu vực đó để giúp ngăn vết loét lan rộng.

Thuốc điều trị toàn thân

Bệnh nhân suy giảm miễn dịch, người có tổn thương lan rộng hoặc kháng thuốc, hoặc bệnh chàm: 

  • Người lớn: Dicloxacillin hoặc cephalexin uống 250 - 500 mg x 4 lần/ngày trong 10 ngày.

  • Trẻ em: Dicloxacillin hoặc cephalexin uống 12,5 mg/kg x 4 lần/ngày trong 10 ngày.

Bệnh nhân dị ứng với penicillin:

Clindamycin 300 mg mỗi 6 giờ/lần hoặc erythromycin 250 mg mỗi 6 giờ/lần.  

Tuy nhiên, tình trạng đề kháng với cả hai loại thuốc đang ngày càng gia tăng.

Bệnh nhân bị nhiễm MRSA:

Không nên điều trị bằng thuốc theo kinh nghiệm ban đầu trừ khi có bằng chứng lâm sàng thuyết phục (ví dụ: tiếp xúc với một người có ca bệnh được ghi nhận, tiếp xúc với ổ dịch được ghi nhận, tỷ lệ lưu hành bệnh tại địa phương > 10% hoặc 15%). 

Cần lấy mẫu nuôi cấy và làm kháng sinh đồ trước khi chỉ định thuốc. Thông thường, clindamycin, trimethoprim/sulfamethoxazole và doxycycline có hiệu quả chống lại hầu hết các chủng MRSA nhiễm trong cộng đồng.

Bệnh nhân bị viêm da cơ địa hoặc bệnh da dầu trên diện rộng:

Khôi phục hàng rào bình thường của da bằng chất làm mềm da tại chỗ và corticosteroid. Người bị viêm da mụn mủ ở mũi do tụ cầu mãn tính được chỉ định kháng sinh tại chỗ (mupirocin) 1 tuần liên tục trong 3 tháng.

Nếu được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh chóng: Trì hoãn điều trị có thể gây ra viêm mô tế bào, viêm bạch huyết, nhọt và tăng/giảm sắc tố có hoặc không có sẹo. Trẻ em từ 2 đến 4 tuổi có nguy cơ bị viêm cầu thận cấp nếu nhiễm các chủng liên cầu khuẩn nhóm A gây bệnh thận (type 49, 55, 57 và 59). Điều trị bằng thuốc kháng sinh không có khả năng ngăn ngừa viêm cầu thận sau nhiễm khuẩn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Viêm da mụn mủ truyền nhiễm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Nhẹ nhàng rửa các vùng da có bọng nước bằng xà phòng loãng và dưới vòi nước chảy, sau đó phủ nhẹ bằng gạc.

  • Giặt quần áo, khăn trải giường và khăn tắm của người bị bệnh mỗi ngày bằng nước nóng. Không dùng chung đồ với bất kỳ ai khác trong gia đình.

  • Đeo găng tay khi bôi thuốc mỡ kháng sinh và rửa tay thật sạch sau đó.

  • Cắt ngắn móng tay của trẻ bị mắc bệnh để tránh gây trầy xước da. Hạn chế cho trẻ mắc bệnh tiếp xúc với người khác cho đến khi được bác sĩ xác nhận đã khỏi bệnh để tránh lây nhiễm.

  • Rửa tay, vệ sinh thân thể và nơi ở thường xuyên, kỹ lưỡng.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn uống nhiều trái cây tươi, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và ít protein từ động vật có thể tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao khả năng chữa bệnh tự nhiên của cơ thể.

  • Hạn chế dầu thực vật không bão hòa đa chức, bơ thực vật, tất cả các loại dầu hydro hóa một phần và tất cả các loại thực phẩm (như thực phẩm chiên rán) có thể chứa acid béo chuyển hóa. Nên sử dụng dầu thực vật như dầu olive nguyên chất.

  • Tăng lượng acid béo omega-3.

  • Ăn gừng và nghệ thường xuyên để có tác dụng chống viêm. 

  • Thêm tỏi sống vào chế độ ăn uống (một đến hai tép mỗi ngày, băm nhuyễn và trộn với thức ăn) để chống nhiễm trùng.

  • Bổ sung probiotic tốt trong và sau bất kỳ đợt điều trị kháng sinh đường uống. 

Phương pháp phòng ngừa Viêm da mụn mủ truyền nhiễm hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tắm rửa hàng ngày với xà phòng diệt khuẩn, giữ vệ sinh cơ thể và nơi ở.

  • Thường xuyên giặt giũ quần áo và các đồ dùng khác như chăn màn, chiếu gối và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Nên giặt và cất giữ riêng quần áo của trẻ.

  • Tránh tiếp xúc gần và không dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị bệnh.

  • Sử dụng khẩu trang mỗi khi đi ra đường để tránh bụi bẩn cũng như vi khuẩn trong không khí xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

  • Thường xuyên rửa tay, đặc biệt là đối với trẻ em. Cắt móng tay của trẻ để tránh cào gãi làm trầy xước da.

  • Nếu bị thương, cần xử lý vết thương ngoài da đúng cách: làm sạch vết thương và bôi thuốc sát trùng vào vết thương và băng lại để tránh tiếp xúc với bụi bẩn.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/bacterial-skin-infections/impetigo-and-ecthyma
  2. https://emedicine.medscape.com/article/965254-overview
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/impetigo/diagnosis-treatment/drc-20352358
  4. https://soyte.namdinh.gov.vn/home/hoat-dong-nganh/giao-duc-suc-khoe/phong-tranh-benh-choc-lo-487
Chủ đề:mụn mủviêm da

Các bệnh liên quan

  1. U mềm lây

  2. Gai đen

  3. Da khô

  4. Gàu

  5. Lupus ban đỏ

  6. Chàm đồng tiền

  7. Chàm môi

  8. Da bọng nước tự miễn Pemphigus

  9. U sùi thể nấm

  10. Viêm da cơ địa