Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hiểu về bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa và cách phòng ngừa

Ngày 08/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lupus ban đỏ dạng đĩa là dạng ban đỏ da mạn tính phổ biến nhất với các tổn thương trên mặt, tai, da đầu hoặc trên và dưới cổ. Bệnh bùng phát và diễn tiến nặng khi bạn tiếp xúc ánh mặt trời. Lupus ban đỏ dạng đĩa là tình trạng bệnh về da mạn tính, không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Mục tiêu điều trị hiện nay của bệnh là giảm các đợt bùng phát cấp và ngăn tiến triển đến biến chứng như lupus ban đỏ hệ thống. Vậy làm sao để biết mình mắc bệnh và cách phòng ngừa là gì?

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Lupus ban đỏ dạng đĩa là gì?

Lupus ban đỏ là một bệnh rối loạn hệ thống, chủ yếu gây tổn thương đến da. Trong các tổn thương da của lupus ban đỏ được chia thành tổn thương lupus da cấp tính, tổn thương lupus da bán cấp và tổn thương lupus da mạn tính. Lupus ban đỏ dạng đĩa là bệnh lý phổ biến nhất của lupus ban đỏ da mạn tính, các tổn thương thường có phân bố theo hình ảnh như hình tròn, hình đồng xu và có xu hướng gây teo da hoặc để lại sẹo hoặc tăng sắc tố.

Cả lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống đều gây phát ban da nhưng phát ban của lupus ban đỏ dạng đĩa có xu hướng nặng nề hơn và gây biến chứng như sẹo, tăng sắc tố, ảnh hưởng thẩm mỹ của người bệnh. Tuy nhiên, lupus ban đỏ hệ thống sẽ gây tác động nguy hiểm hơn vì bệnh ảnh hưởng các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lupus ban đỏ dạng đĩa

Triệu chứng đầu tiên của lupus ban đỏ dạng đĩa là phát ban màu hồng trên da, màu sắc từ nhẹ đến đậm. Phát ban có thể ở bất cứ đâu trên cơ thể, thường gặp nhất là ở cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân và khuỷu. Các tổn thương phát ban da thường có ranh giới rõ ràng và nhiều kích thước khác nhau.

Đặc điểm của tổn thương gồm:

  • Vết thương hình tròn hoặc hình đồng xu;
  • Dày sừng hoặc tróc vảy trên da đầu;
  • Tổn thương bóng nước, nhất là ở quanh khuỷu và đầu ngón tay;
  • Da vùng tổn thương bị mỏng;
  • Thay đổi sắc tố da như tối đi hoặc sáng hơn, có thể tồn tại vĩnh viễn;
  • Da đầu dày;
  • Rụng tóc, có thể vĩnh viễn không hồi phục;
  • Móng tay giòn hoặc cong;
  • Loét phía trong môi;
  • Sẹo vĩnh viễn;
  • Một số ít trường hợp có triệu chứng ngứa hoặc đau nhưng hiếm.

Các triệu chứng này sẽ bùng phát khi gặp kích thích như ánh nắng mặt trời sau đó sẽ thuyên giảm. Bệnh không tổn thương đến các cơ quan nội tạng của cơ thể nhưng thường để lại sẹo hoặc đổi màu sắc da ở vị trí tổn thương sau khi lui bệnh.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa

Lupus ban đỏ dạng đĩa có thể tiến triển thành lupus ban đỏ hệ thống, gây ra các biến chứng:

  • Rụng tóc có sẹo;
  • Thiếu máu bất sản;
  • Huyết khối;
  • Viêm khớp;
  • Viêm cơ;
  • Tăng huyết áp;
  • Suy thận;
  • Bệnh lý thần kinh như cơn động kinh, trầm cảm;
  • Viêm màng phổi - màng ngoài tim;
  • Viêm tụy, viêm mạch máu mạc treo;
  • Viêm dây thần kinh thị giác;
  • Tác dụng phụ liên quan điều trị như teo da;
  • Thiếu vitamin D;
  • Ung thư da nếu bạn có những tổn thương trên da lâu ngày.
Hiểu về bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa và cách phòng ngừa 4
Lupus ban đỏ dạng đĩa có thể khiến người bệnh bị trầm cảm

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn chưa được chẩn đoán mắc bệnh, hãy đến gặp bác sĩ khi bạn có dấu hiệu:

  • Phát ban da hình tròn hoặc hình đồng xu ở mặt, tay chân;
  • Da đầu dày, tăng sừng;
  • Rụng tóc không rõ nguyên nhân;
  • Móng tay giòn dễ gãy;
  • Thay đổi sắc tố da.

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc lupus ban đỏ dạng đĩa, cần chú ý theo dõi các dấu hiệu của đợt bùng phát hoặc dấu hiệu tiến triển bệnh. Hãy đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị:

  • Phát ban đột ngột sau khi ra đường;
  • Đau khớp;
  • Đau cơ;
  • Đau ngực dữ dội;
  • Khó thở;
  • Cơn động kinh;
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi hoặc mất thị lực;
  • Đau bụng,…

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến lupus ban đỏ dạng đĩa

Lupus ban đỏ dạng đĩa là bệnh lý tự miễn liên quan viêm mô liên kết. Nguyên nhân chính xác của bệnh vẫn chưa được hiểu rõ. Cơ chế phát sinh của bệnh là do sự tương tác đa yếu tố giữa di truyền với môi trường xung quanh. Bệnh không lây truyền từ người sang người.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc lupus ban đỏ dạng đĩa?

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em, phụ nữ từ 20 đến 40 tuổi có nguy cơ cao hơn.

Dân tộc là một nguy cơ của lupus ban đỏ. Bệnh thường gặp ở người da đen (phụ nữ da đen có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4 lần so với người da trắng), người Mỹ gốc Á, người Mỹ bản địa hơn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải lupus ban đỏ dạng đĩa

Gene: Các gen TYK2 , IRF5, CTLA4 được cho là liên quan đến lupus ban đỏ hệ thống và làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa.

Vì cơ chế phát sinh bệnh của lupus ban đỏ ở da là sự tương tác giữa di truyền và môi trường. Do đó một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm bức xạ tia cực tím, hút thuốc lá, thuốc, stress, nhiễm trùng hoặc chấn thương.

Hiểu về bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa và cách phòng ngừa 5
Hút thuốc là là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán lupus ban đỏ dạng đĩa

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử và khám da để tìm các dấu hiệu của bệnh cũng như biến chứng của bệnh đã có hay chưa. Chẩn đoán lupus ban đỏ dạng đĩa chủ yếu là chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên một vài trường hợp cũng cần thêm sinh thiết da để xét nghiệm mô bệnh học giúp chẩn đoán chính xác.

Phương pháp điều trị lupus ban đỏ dạng đĩa

Điều trị sớm các tổn thương da trong lupus ban đỏ dạng đĩa giúp ngăn ngừa các tổn thương da lan rộng và tiến triển, tuy nhiên nếu thất bại trong điều trị sẽ để lại biến chứng sẹo vĩnh viễn. Rụng tóc, sẹo lõm, và thay đổi sắc tố là biến chứng thường gặp của bệnh.

Tránh ánh nắng mặt trời

Các biện pháp được khuyến cáo cho tất người bệnh là tránh ánh nắng mặt trời, tránh sử dụng thuốc gây kích ứng, bôi kem chống nắng vì các tổn thương của lupus ban đỏ thường bị kích thích và bùng phát bởi ánh nắng mặt trời.

Hiểu về bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa và cách phòng ngừa 6
Người bị lupus ban đỏ dạng đĩa cần bôi kem chống nắng để bảo vệ da

Việc tránh ánh nắng mặt trời có thể khiến bạn bị thiếu vitamin D do đó cần kiểm tra định kỳ nồng độ vitamin D trong cơ thể để bổ sung kịp thời.

Thuốc

Thuốc bôi

Corticosteroid bôi tại chỗ hoặc tiêm và thuốc ức chế calcineurin bôi là điều trị đầu tay được khuyến cáo cho người bệnh. Teo da là tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng corticosteroid bôi hiệu lực mạnh trong thời gian dài, có thể thay thế bằng corticosteroid tiêm hoặc thuốc ức chế calcineurin bôi.

Khi bạn bùng phát đợt cấp tính của lupus, thuốc corticosteroid bôi hiệu lực mạnh và rất mạnh sẽ được chỉ định và tình trạng tổn thương sẽ thuyên giảm trong vòng 2 tuần.

Sau khi qua giai đoạn cấp tính, corticosteroid bôi hiệu lực thấp hoặc thuốc ức chế calcineurin bôi thường được chỉ định để sử dụng duy trì trong thời gian kéo dài nhằm ngăn ngừa bùng phát trở lại bệnh.

Thuốc uống

Nếu các tổn thương của lupus ban đỏ dạng đĩa lan rộng và không đáp ứng với thuốc bôi, bác sĩ sẽ cho bạn sử dụng thuốc uống. Các loại thuốc uống hiện có:

  • Corticosteroid dạng uống: Nhằm điều trị lupus dạng đĩa hiện nay khá nhiều loại với mức độ tác động từ nhẹ đến rất mạnh, do đó không tự ý mua thuốc uống mà cần bác sĩ kê toa cho phù hợp với tổn thương của bạn vì tác dụng phụ gây mỏng da của thuốc.
  • Thuốc chống sốt rét: Hydroxychloroquine, chloroquine, và quinacrine có thể được chỉ định do tác dụng phụ của chúng khá nhẹ.
  • Thuốc ức chế miễn dịch: Giúp sản xuất tế bào viêm và được chỉ định trong các trường hợp lupus nặng hoặc bạn không thể sử dụng corticosteroid uống. Một số thuốc của nhóm này gồm azathioprine và methotrexate.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của lupus ban đỏ dạng đĩa

Chế độ sinh hoạt:

  • Tránh ánh nắng mặt trời và che chắn kĩ (sử dụng quần áo bảo hộ và mũ rộng vành), bôi kem chống nắng đúng cách khi ra ngoài;
  • Hạn chế ra đường vào giờ cao điểm gắt từ 10 giờ đến 16 giờ;
  • Tránh các hoạt động ngoài trời;
  • Ngừng hút thuốc lá;
  • Tránh sử dụng rượu;
  • Ngưng sử dụng các loại thuốc khiến bạn nhạy cảm với ánh nắng như lợi tiểu, kháng sinh.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn đủ các chất là cần thiết. Hạn chế các thực phẩm có hại như thức ăn chế biến sẵn, đồ dầu mỡ chiên xào. Ưu tiên các thức ăn tốt cho cơ thể.

Người bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa nên tăng cường bổ sung vitamin D bằng thực phẩm tự nhiên như cá hồi, cá mòi, gan bò, lòng đỏ trứng, tôm, nấm, yến mạch, sữa chua,... 

Hiểu về bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa và cách phòng ngừa 7
Người bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa nên tăng cường bổ sung vitamin D bằng thực phẩm tự nhiên

Phương pháp phòng ngừa lupus ban đỏ dạng đĩa hiệu quả

Hiện nay không có cách để phòng ngừa lupus ban đỏ dạng đĩa. Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh, hãy phòng ngừa các đợt bùng phát của bệnh bằng các cách sau:

  • Thoa kem chống nắng phổ rộng với SPF ít nhất 30 mỗi ngày và thoa lại mỗi 4 giờ;
  • Tránh ra đường vào thời điểm nắng mạnh nhất (từ 10 giờ đến 16 giờ);
  • Hạn chế bật đèn và tiếp xúc với đèn huỳnh quang trong nhà;
  • Mặc quần áo chống nắng như áo dài tay và mũ rộng vành;
  • Tránh gãi hay chọc vào vết loét;
  • Không hút thuốc lá;
  • Không sử dụng rượu bia;
  • Hạn chế sử dụng mỹ phẩm hoặc hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng;
  • Các bệnh lý cần sử dụng thuốc điều trị cần được hỏi ý kiến bác sĩ về tính an toàn của thuốc đối với việc bùng phát bệnh.
Nguồn tham khảo
  1. Discoid Lupus: https://www.healthline.com/health/discoid-lupus
  2. Discoid Lupus Erythematosus: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK493145/
  3. Discoid Lupus: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21808-discoid-lupus 
  4. Discoid Lupus Erythematosus: https://emedicine.medscape.com/article/1065529-overview
  5. Discoid lupus erythematosus: https://dermnetnz.org/topics/discoid-lupus-erythematosus

Các bệnh liên quan

  1. Bỏng nắng

  2. Mụn nhọt

  3. Dày sừng nang lông

  4. Chân tay lạnh

  5. Viêm quanh móng

  6. Rạn da

  7. Mụn cóc, hạt cơm

  8. Da bọng nước tự miễn Pemphigus

  9. Tàn nhang

  10. Hôi nách