Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau xương chậu là gì? Gợi ý các nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau xương chậu (Pelvic pain) hay đau vùng xương chậu có thể do nhiều tình trạng khác nhau gây ra, bao gồm nhiễm trùng đường niệu, sỏi thận, thoát vị hoặc các vấn đề về tiêu hóa. Một trong những trường hợp cấp cứu y tế là đau vùng xương chậu bên phải do viêm ruột thừa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau xương chậu là gì?

Xương chậu là một cấu trúc xương hình chậu, có chức năng nâng đỡ cột sống và bảo vệ các cơ quan trong bụng. Xương chậu bao gồm các phần sau đây:

  • Xương cùng;
  • Xương cụt;
  • Ba xương hông (xương hông, xương mu, ụ ngồi).

Đau xương chậu hay đau vùng xương chậu (Pelvic pain) được định nghĩa là đau vùng dưới rốn và phía trên đùi của cơ thể bạn.

Trên thực tế, khó để bạn có thể phân biệt được đau nằm ở xương chậu hay ở các bộ phận xung quanh xương chậu. Do đó, bài viết này đề cập đến tình trạng đau chung của vùng xương chậu, các nguyên nhân thường gặp gây đau vùng xương chậu để có thể đến gặp bác sĩ kịp thời, đặc biệt đối với các nguyên nhân cấp cứu y tế như viêm ruột thừa.

Đau vùng xương chậu thường gặp ở nữ giới, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện ở nam giới và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đây có thể là triệu chứng của nhiễm trùng, đau ở xương chậu hay các cơ quan nội tạng xung quanh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau xương chậu

Cơn đau vùng xương chậu có thể được mô tả như sau:

  • Đau nhói, như dao đâm hoặc bỏng rát, xảy ra đột ngột.
  • Cơn đau xuất hiện từ từ và không biến mất.
  • Tình trạng đau âm ỉ, cảm giác nặng hoặc áp lực.
  • Cảm giác đau như xoắn hay thắt nút.
  • Các cơn đau quặn thắt hoặc đau nhói, xuất hiện ngắt quãng.
  • Đau chỉ xuất hiện khi bạn đang làm gì đó, như tập thể dục, quan hệ tình dục hoặc đi tiểu.

Ngoài ra, các đặc điểm đau hay triệu chứng kèm theo sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau vùng chậu. Hãy tiếp tục đọc và tìm hiểu ở phần nguyên nhân gây đau xương chậu.

Biến chứng có thể gặp khi mắc đau xương chậu

Biến chứng của đau vùng xương chậu sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Tuy nhiên, nếu các nguyên nhân cấp cứu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bạn có thể gặp các biến chứng sau:

  • Nhiễm trùng huyết;
  • Sốc nhiễm trùng;
  • Sốc mất máu;
  • Sốc giảm thể tích;
  • Suy đa cơ quan.
Đau xương chậu là gì? Gợi ý các nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý 4
Các nguyên nhân đau xương chậu do nhiễm trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết

Do đó, hãy chú ý đến các triệu chứng của đau vùng xương chậu và các triệu chứng kèm theo để có thể kịp thời đến khám và điều trị, tránh các biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau vùng xương chậu có thể tạm thời và nhẹ nhàng, không có gì đáng lo ngại. Nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc tiếp tục kéo dài hơn vài ngày, bạn nên đến gặp bác sĩ. Hoặc nếu bạn đau vùng xương chậu kèm theo các triệu chứng sau, hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị:

  • Tiểu có máu;
  • Nước tiểu có mùi hôi;
  • Khó tiểu;
  • Gặp vấn đề về đi tiêu;
  • Chảy máu không phải trong thời kỳ kinh nguyệt;
  • Sốt;
  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Ớn lạnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau xương chậu

Các nguyên nhân có thể gây đau ở vùng xương chậu của cả nam và nữ

Nhiễm trùng đường niệu

Nhiễm trùng đường niệu (UTI) thông thường sẽ gây đau vùng xương chậu. Cơn đau thường ở giữa xương chậu và khu vực quanh xương mu. Các triệu chứng khác kèm theo tình trạng đau là:

  • Tiểu gấp;
  • Tiểu đục hoặc có mùi nồng;
  • Nóng rát và đau khi đi tiểu;
  • Sốt.

Nhiễm trùng lây qua đường tình dục

Bệnh lậu và chlamydia là những bệnh do vi khuẩn lây lan qua đường tình dục. Trong nhiều trường hợp, bệnh lậu và chlamydia sẽ không gây ra triệu chứng. Phụ nữ có thể bị đau vùng xương chậu đặc biệt là khi đi tiểu hoặc đi tiêu. Các triệu chứng khác có thể liên quan đến tiết dịch bất thường từ âm đạo hoặc dương vật, hay các triệu chứng liên quan đến đi tiểu và đi tiêu.

Thoát vị

Cơn đau do thoát vị sẽ nặng hơn khi ho, cười, hắt hơi, cúi người hoặc khi nâng vật nặng. Đồng thời, bạn có thể gặp các triệu chứng khác như:

  • Cảm khác nặng và một khối phình ra ở vùng bụng chậu;
  • Yếu hoặc áp lực ở vùng thoát vị;
  • Đau và sưng quanh tinh hoàn.

Viêm ruột thừa

Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả người lớn. Cơn đau có thể bắt đầu quanh rốn và di chuyển xuống vùng bụng dưới bên phải. Đau sẽ trở nên nặng hơn khi bạn hít thở sâu, ho, hoặc hắt hơi, kèm theo các triệu chứng có thể có sau đây:

  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Sốt;
  • Táo bón hoặc tiêu chảy;
  • Ăn không ngon;
  • Bụng trướng lên.
Đau xương chậu là gì? Gợi ý các nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý 5
Viêm ruột thừa gây đau vùng xương chậu bên phải là một tình trạng cấp cứu y tế

Sỏi thận hoặc nhiễm trùng

Sỏi thận hình thành khi các khoáng chất như canxi hoặc acid uric kết tụ lại, thường phổ biến hơn ở nam giới. Hầu hết sỏi thận không gây triệu chứng trừ khi sỏi bắt đầu di chuyển qua niệu quản. Cơn đau thường bắt đầu ở vùng hông lưng và lan xương vùng chậu, cảm giác đau quặn thát, xuất hiện từng đợt ngày càng dữ dội rồi giảm dần. Tình trạng nhiễm trùng có thể phát triển nếu có vi khuẩn xâm nhập lên thận. Các triệu chứng khác sẽ bao gồm:

  • Tiểu ra máu, nước tiểu hồng, đỏ hoặc nâu;
  • Nước tiểu đục và có mùi hôi;
  • Tiểu thường xuyên;
  • Tiểu gấp;
  • Nóng rát khi đi tiểu;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Sốt;
  • Ớn lạnh.

Viêm bàng quang

Viêm bàng quang gây cảm giác đau hoặc áp lực vùng xương chậu và bụng dưới, kèm theo các triệu chứng khác như:

  • Cảm giác mắc tiểu;
  • Tiểu nóng rát;
  • Tiểu lượng ít;
  • Tiểu ra máu;
  • Nước tiểu đục hoặc mùi nồng;
  • Sốt nhẹ.

Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (IBS) thường ảnh hưởng đến phụ nữ, nhiều gấp 2 lần so với nam giới và bắt đầu trước tuổi 50. Cơn đau của IBS thường cải thiện sau khi đi tiêu, các triệu chứng kèm theo gồm:

  • Đầy bụng;
  • Ợ hơi;
  • Tiêu chảy;
  • Táo bón;
  • Chất nhầy trong phân.

Chèn ép dây thần kinh thẹn

Khi thần kinh thẹn bị chèn ép, có thể do chấn thương hay phẫu thuật, sẽ gây đau dây thần kinh. Cảm giác đau được mô tả như điện giật, hoặc đau nhức sâu ở vùng đáy chậu. Cơn đau sẽ tồi tệ hơn khi ngồi, và sẽ giảm đi nếu bạn nằm hoặc đứng. Các triệu chứng khác có thể gồm:

  • Gặp vấn đề khó bắt đầu đi tiểu;
  • Tiểu gấp hoặc tiểu lắt nhắt;
  • Táo bón;
  • Đau khi đi tiêu;
  • Tê dương vật, bìu hoặc âm hộ;
  • Rối loạn cương dương.

Dính ruột

Xảy ra khi các cơ quan và mô ở bụng dính lại với nhau, 90% người phẫu thuật vùng bụng sẽ bị dính ruột sau đó. Dính ruột có thể gây cảm giác kéo căng và đau vùng chậu. Mặc dù tình trạng dính thường không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng, tuy nhiên nếu ruột dính và gây ra tắc nghẽn, bạn có thể bị đau dữ dội và có các triệu chứng như:

  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Bụng to lên;
  • Táo bón;
  • Nghe các âm thanh lớn trong ruột.
Đau xương chậu là gì? Gợi ý các nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý 6
Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn có các dấu hiệu nghi ngờ tắc ruột

Các nguyên nhân đau vùng xương chậu ở phụ nữ

Đau khi rụng trứng

Trong thời kỳ rụng trứng (xảy ra ở khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt), bạn có thể cảm nhận cơn đau ở vùng bụng dưới và vùng xương chậu, cơn đau có đặc điểm như sau:

  • Kéo dài vài phút hoặc vài giờ;
  • Đau ở bên bụng nơi rụng trứng;
  • Cảm giác đau nhói, sắc.

Đau do rụng trứng thường không nghiêm trọng, nhưng bạn hãy gặp bác sĩ nếu cơn đau không biến mất hoặc bạn bị sốt, buồn nôn kèm theo.

Hội chứng tiền kinh nguyệt và đau bụng kinh

Nhiều người bị đau vùng bụng dưới ngay trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Sự khó chịu này đến từ việc thay đổi nội tiết tố và tử cung co bóp để đẩy niêm mạc tử cung ra ngoài. Đau bụng kinh được mô tả cảm giác đau kiểu gò thắt, bên cạnh đó bạn sẽ có các triệu chứng khác như:

  • Đau ngực;
  • Đầy hơi;
  • Thay đổi tâm trạng;
  • Thèm ăn;
  • Cáu gắt;
  • Mệt mỏi;
  • Nôn;
  • Đau đầu;
  • Tiêu chảy.

Thai ngoài tử cung

Cơn đau do thai ngoài tử cung xuất hiện nhanh chóng và có cảm giác như dao dâm hoặc đau nói, có thể chỉ ở một bên vùng xương chậu. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo;
  • Đau ở lưng dưới hoặc vai;
  • Chóng mặt;
  • Mệt.

Hãy gọi cấp cứu hoặc đến gặp bác sĩ ngay khi bạn có các triệu chứng này, vì thai ngoài tử cung là một trường hợp cấp cứu y tế.

Đau xương chậu là gì? Gợi ý các nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý 7
Thai ngoài tử cung cũng là một trong những nguyên nhân gây đau xương chậu

Sảy thai

Sảy thai là tình trạng mất em bé trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Nhiều trường hợp có thể bị sảy thai ngay cả trước khi họ biết mình mang thai. Cảm giác cơn gò hoặc đau bụng dữ dội là một dấu hiệu của sảy thai, các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo;
  • Tiết dịch hoặc mô ở âm đạo;
  • Đau lưng.

Nếu bạn đang mang thai mà gặp các cơn gò hoặc đau bụng từ trung bình đến nặng, hãy cân nhắc đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu ở nữ thường do các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hoặc chlamydia. Ngoài cảm giác đau, các triệu chứng kèm theo là:

  • Tiết dịch âm đạo;
  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Sốt;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Tiểu đau;
  • Tiểu lắt nhắt.

U nang buồng trứng vỡ hoặc xoắn

Thông thường u nang buồng trứng không gây triệu chứng, tuy nhiên khi vỡ hoặc xoắn, bạn có thể bị đau ở cùng bên buồng trứng tổn thương và các triệu chứng khác như:

  • Cảm giác đầy tức bụng;
  • Đau lưng dưới;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân;
  • Đau trong kỳ kinh nguyệt;
  • Chảy máu âm đạo bất thường;
  • Thường xuyên đi tiểu;
  • Sốt;
  • Nôn;
  • Đầy hơi.

Hãy đi khám ngay đến cơn đau xương chậu nghiêm trọng hoặc có kèm sốt.

U xơ tử cung

U xơ phát triển ở thành tử cung, phổ biến trong độ tuổi sinh sản và không gây ung thư. U xơ lớn có thể gây áp lực và đau vùng xương chậu, và kèm theo các triệu chứng:

  • Chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt;
  • Thời kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 1 tuần;
  • Cảm giác đầy trướng bụng dưới;
  • Đau lưng;
  • Thường xuyên mắc tiểu;
  • Đau khi quan hệ tình dục;
  • Tiểu không hết;
  • Táo bón.

Lạc nội mạc tử cung

Cơn đau do lạc nội mạc tử cung có thể nghiêm trọng, đau có thể xuất hiện khi đi tiểu hoặc quan hệ tình dục. Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng:

  • Chảy máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt;
  • Mệt mỏi;
  • Tiêu chảy;
  • Táo bón;
  • Buồn nôn.

Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu

Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu (PCS) là tình trạng giãn tĩnh mạch xung quanh buồng trứng. Đàn ông cũng có thể bị giãn tĩnh mạch ở xương chậu, nhưng tình trạng này thường gặp ở nữ giới hơn.

Đau vùng xương chậu là triệu chứng chính của PCS, cảm giác nhức hoặc đau âm ỉ. Tình trạng đau thường tệ hơn đặc biệt nếu bạn ngồi hoặc đứng nhiều. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau khi quan hệ tình dục hay khi có kinh;
  • Tiêu chảy hoặc táo bón;
  • Giãn tĩnh mạch đùi kèm theo.

Sa cơ quan vùng chậu

Do sinh nở và tuổi tác, các cơ và mô hỗ trợ ở vùng chậu của phụ nữ trở nên yếu đi, khiến bàng quang, trực tràng hoặc tử cung bị sa xuống. Ngoài triệu chứng tăng áp lực hoặc nặng vùng xương chậu, bạn có thể nhận thấy một khối nhô ra từ âm đạo.

Các nguyên nhân có thể gặp ở nam giới

Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm trùng

Đây là một tình trạng tuyến tiền liệt bị viêm do nguyên nhân vi khuẩn. Cùng với đau vùng xương chậu, các triệu chứng kèm theo là:

  • Tiểu gấp hoặc tiểu lắt nhắt;
  • Tiểu đau;
  • Bí tiểu;
  • Sốt;
  • Ớn lạnh;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Mệt mỏi.
Đau xương chậu là gì? Gợi ý các nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý 8
Viêm tuyến tiền liệt ở nam có thể gây đau vùng xương chậu

Hội chứng đau vùng chậu mạn tính

Đau vùng xương chậu mạn tính được chẩn đoán khi bạn đau kéo dài hơn 3 tháng mà không do nhiễm trùng hay các nguyên nhân rõ ràng khác. Khoảng 2% đến 16% nam giới mắc đau vùng chậu mạn tính trong suốt cuộc đời của họ, phổ biến ở nam giới dưới 50 tuổi. Thường được mô tả đau ở dương vật, tinh hoàn, vùng đáy chậu và vùng bụng dưới. Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau khi đi tiểu và xuất tinh;
  • Dòng nước tiểu yếu;
  • Tăng nhu cầu đi tiểu;
  • Mệt mỏi;
  • Đau cơ và khớp.

Hẹp niệu đạo

Niệu đạo là bộ phận dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể. Hẹp niệu đạo có thể do tắc nghẽn, sưng, chấn thương hay nhiễm trùng đường niệu. Hẹp niệu đạo ảnh hưởng khoảng ít hơn 1% nam giới lớn tuổi, phụ nữ cũng có thể gặp nhưng ít phổ biến hơn. Các triệu chứng hẹp niệu đạo có thể bao gồm:

  • Đau vùng xương chậu;
  • Đau khi đi tiểu;
  • Dòng nước tiểu chậm;
  • Tiểu ra máu;
  • Rò rỉ nước tiểu;
  • Sưng dương vật;
  • Mất kiểm soát bàng quang.

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH) đề cập đến sự phì đại, không phải là ung thư tiền liệt tuyến. Khi tuyến tiền liệt tăng sản, sẽ gây chèn ép vào niệu đạo và gây ra các triệu chứng khác ngoài căng tức vùng chậu:

  • Tiểu gấp;
  • Dòng nước tiểu yếu hoặc nhỏ giọt;
  • Khó tiểu;
  • Tiểu phải rặn.

Hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh

Thắt ống dẫn tinh là một hình thức ngừa thai ở nam giới. Khoảng 1% đến 2% những người thắt ống dẫn tinh bị đau tinh hoàn trong hơn 3 tháng sau khi thực hiện thủ thuật. Đây được gọi là hội chứng đau sau thắt ống dẫn tinh.

Cơn đau có thể liên tục hoặc ngắt quãng, đau có thể xuất hiện khi cương cứng, khi quan hệ tình dục hay xuất tinh. Cảm giác đau có thể được mô tả như đau nhói hoặc như dao đâm. 

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải đau xương chậu?

Bất cứ ai cũng có thể mắc đau vùng xương chậu. Tuy nhiên đây là vấn đề thường gặp hơn ở nữ giới. Ngoài ra các đối tượng nguy cơ sẽ khác nhau tùy theo nguyên nhân gây đau vùng xương chậu. Ví dụ như hội chứng đau vùng chậu mạn tính phổ biến ở nam giới dưới 50 tuổi. Trong khi đó, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính thường gặp ở nam giới lớn tuổi, tỷ lệ khoảng 50% nam giới trong độ tuổi từ 51 đến 60, và 90% ở nam giới từ 80 tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau xương chậu

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đau xương chậu sẽ khác nhau tùy thuộc nguyên nhân, có thể bao gồm:

  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Tuổi tác gia tăng có liên quan đến tăng nguy cơ phì đại tuyến tiền liệt ở nam hay sa cơ quan vùng chậu ở nữ giới.
  • Giới tính có liên quan đến tăng nguy cơ nhiễm trùng tiết niệu ở nữ hoặc sỏi thận ở nam.
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có nguy cơ thai ngoài tử cung hoặc sảy thai.
  • Mang thai cũng làm tăng nguy cơ đau vùng xương chậu.
  • Chấn thương lưng hoặc xương chậu, mức độ căng thẳng cũng có liên quan đến đau vùng xương chậu.
Đau xương chậu là gì? Gợi ý các nguyên nhân nguy hiểm cần chú ý 9
Mang thai có thể gia tăng nguy cơ đau vùng xương chậu ở phụ nữ

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau xương chậu

Để chẩn đoán được nguyên nhân gây đau vùng xương chậu, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi về tình trạng đau và tiền sử bệnh của bạn:

  • Cơn đau xảy ra khi nào và ở đâu?
  • Cơn đau kéo dài trong bao lâu?
  • Cơn đau có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, vấn đề đi tiểu hay hoạt động tình dục của bạn hay không?
  • Cảm giác đau của bạn được mô tả như thế nào (ví dụ như đau nhói hay đau âm ỉ)?
  • Cơn đau khởi phát trong hoàn cảnh nào?
  • Cơn đau có đột ngột hay không?

Tiếp theo, bác sĩ sẽ thăm khám, và đưa ra các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán xác định, bao gồm:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu.
  • Xét nghiệm mang thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
  • Xét nghiệm vi khuẩn từ âm đạo hoặc dương vật để kiểm tra các bệnh lây qua đường tình dục như bệnh lậu hoặc chlamydia.
  • X-quang bụng và vùng chậu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Kiểm tra mật độ xương nếu cần, để xác định độ chắc khỏe của xương.
  • Nội soi chẩn đoán (giúp quan sát cấu trúc trong vùng chậu và bụng).
  • Nội soi buồng tử cung ở nữ giới.
  • Nội soi trực tràng, một phần hoặc toàn bộ đại tràng.
  • Siêu âm giúp quan sát các cơ quan nội tạng bằng cách sử dụng sóng âm thanh.
  • Chụp cắt lớp vi tính bụng chậu.

Phương pháp điều trị đau xương chậu hiệu quả

Việc điều trị đau vùng xương chậu khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân, mức độ đau và tần suất cơn đau xảy ra. Đôi khi, đau vùng xương chậu được điều trị bằng thuốc, bao gồm thuốc giảm đau và thuốc kháng sinh nếu cần. Vật lý trị liệu, chẳng hạn như các bài tập cho cơ sàn chậu cũng có thể giúp ích.

Ngoài ra, tùy vào nguyên nhân, nếu cơn đau xuất phát từ vấn đề ở các cơ quan nội tạng, việc điều trị có thể bao gồm phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác.

Điều quan trọng là bác sĩ cần chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau vùng xương chậu của bạn, từ đó cung cấp thêm thông tin về các phương pháp điều trị đau vùng xương chậu khác nhau.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau xương chậu

Chế độ sinh hoạt

Để hạn chế diễn tiến của đau vùng xương chậu, bạn nên tuân thủ điều trị của bác sĩ đối với nguyên nhân gây ra tình trạng đau. Đặc biệt trong các trường hợp phải dùng kháng sinh hay phẫu thuật.

Ngoài ra, các bài tập thư giãn hay các bài tập cho cơ sàn chậu cũng giúp ích trong việc giảm đau do các nguyên nhân yếu cơ sàn chậu (ví dụ như sa cơ quan sinh dục).

Chế độ dinh dưỡng

Không có chế độ dinh dưỡng cụ thể cho tình trạng đau vùng xương chậu. Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ là cần thiết cho sức khỏe của bạn. Đặc biệt nếu bạn trải qua phẫu thuật, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ ăn phù hợp, ví dụ như các thức ăn cho từng giai đoạn sau phẫu thuật. Việc duy trì chế độ ăn phù hợp sẽ giúp cho vết thương mau lành, nâng cao sức khỏe và hạn chế những bệnh nhiễm trùng.

Phương pháp phòng ngừa đau xương chậu hiệu quả

Không phải lúc nào cũng đề phòng được tình trạng đau xương chậu. Việc quan trọng là bạn không thể tự chẩn đoán nguyên nhân gây đau xương chậu của mình, nên cần thiết nhận biết sớm các triệu chứng và đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Một vài nguyên nhân có thể đề phòng được như bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hãy thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su để phòng ngừa bệnh lậu và chlamydia.

Nguồn tham khảo
  1. Pelvic pain: https://www.nhs.uk/conditions/pelvic-pain/
  2. Slideshow: What's Causing Your Pelvic Pain?: https://www.webmd.com/women/ss/slideshow-pelvic-pain-causes
  3. Pelvic pain: https://www.webmd.com/pain-management/pelvic-pain
  4. What Could Be Causing Pain in Your Pelvis?: https://www.healthline.com/health/pain-in-pelvis
  5. Pelvis problems: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/pelvis-problems

Các bệnh liên quan