Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm hậu môn là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa viêm hậu môn

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm hậu môn là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc ống hậu môn, thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh trĩ. Viêm hậu môn là một rối loạn thường gặp, có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến là do chế độ ăn uống của bạn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm hậu môn là gì?

Hậu môn là một ống mở ở cuối trực tràng và có cơ bao quanh. Cấu trúc hậu môn bao gồm các tuyến, ống dẫn, mạch máu, chất nhầy, mô và các đầu dây thần kinh. Trực tràng là một ống dẫn nằm giữa đại tràng và hậu môn, hoạt động như một khoang chứa phân.

Viêm hậu môn là một rối loạn phổ biến, liên quan đến tình trạng viêm lớp niêm mạc hậu môn, hiếm khi được chẩn đoán và thường bị chẩn đoán nhầm là bệnh trĩ.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm hậu môn là chế độ ăn uống. Bên cạnh đó, viêm hậu môn cũng có thể xảy ra đồng thời cùng với viêm trực tràng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm hậu môn

Các triệu chứng thường gặp của viêm hậu môn là:

  • Chảy máu khi đi cầu;
  • Đau khi đi cầu;
  • Ngứa hậu môn.

Viêm hậu môn và trực tràng thứ phát do phóng xạ hoặc các bệnh viêm ruột có thể có các biểu hiện khác như:

  • Áp xe hậu môn;
  • Nứt hậu môn;
  • Rò hậu môn.

Những người viêm hậu môn do nguyên nhân lây truyền qua đường tình dục thường có loét quanh hậu môn, nổi săng, u mủ hoặc nổi hạch vùng bẹn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm hậu môn

Các biến chứng có thể gặp liên quan đến nứt hậu môn, áp xe hậu môn hay rò hậu môn. Nếu không được điều trị, các nguyên nhân nhiễm trùng có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hơn là nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, triển vọng điều trị của các nguyên nhân nhiễm trùng là tốt. Còn đối với viêm hậu môn thứ phát do bệnh lý viêm ruột, tình trạng viêm ruột sẽ thường xuyên tái phát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn.

Viêm hậu môn là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa viêm hậu môn 4
Viêm hậu môn do nguyên nhân viêm ruột (IBD) có thể tái đi tái lại gây ảnh hưởng chất lượng cuộc sống

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường nếu viêm hậu môn xảy ra do các nguyên nhân chế độ ăn uống, bạn có thể không cần điều trị. Triệu chứng sẽ tự giới hạn khi bạn giảm các thực phẩm. Tuy nhiên, đối với các nguyên nhân khác gây viêm hậu môn trực tràng như thứ phát sau các bệnh viêm ruột, do nguyên nhân nhiễm trùng lây qua đường tình dục, bạn cần phải được chẩn đoán và điều trị để tránh các biến chứng.

Điều quan trọng là bạn không thể tự chẩn đoán tình trạng của mình. Do đó, khi có bất cứ các triệu chứng nào liên quan đến rối loạn đi cầu, đi cầu ra máu hoặc đau rát hậu môn. Hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm hậu môn

Viêm trực tràng và viêm hậu môn có thể xảy ra thứ phát sau các bệnh lý:

  • Viêm loét đại tràng (Ulcerative Colitis);
  • Viêm trực tràng do bức xạ mãn tính (Chronic Radiation Proctitis);
  • Bệnh lý trực tràng (Proctopathy);
  • Viêm trực tràng chuyển hướng (Diversion Proctitis - một tình trạng viêm lớp niêm mạc trực tràng sau khi mở thông đại tràng hoặc cắt hồi tràng).

Các nguyên nhân truyền nhiễm gây ra viêm trực tràng và hậu môn gồm:

  • Clostridium difficile;
  • Nhiễm trùng đường ruột (Campylobacter, Shigella, Escherichia coli, Salmonella và Amip);
  • Bệnh truyền qua đường tình dục (LậuGiang mai, Herpes simplex, Lymphogranuloma venereum, Chancroid, CMV, HPV).
Viêm hậu môn là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa viêm hậu môn 5
Các bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục có thể dẫn đến viêm hậu môn trực tràng

Các nguyên nhân khác gây viêm hậu môn trực tràng có thể bao gồm:

  • Thiếu máu cục bộ;
  • Viêm mạch;
  • Độc tố như dung dịch thụt tháo hydrogen peroxide hay tác dụng phụ của thuốc.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm hậu môn là chế độ ăn uống, chẳng hạn như ăn quá nhiều các thực phẩm sau:

  • Cam quýt;
  • Cà phê;
  • Cola;
  • Bia;
  • Tỏi;
  • Gia vị và nước sốt.

Một căn nguyên khác là tiêu chảy sau khi uống thuốc nhuận tràng để chuẩn bị cho nội soi cũng gây nên viêm hậu môn. Và cuối cùng, căng thẳng cũng được xem là một nguyên nhân gây viêm hậu môn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm hậu môn?

Nguy cơ mắc viêm hậu môn sẽ khác nhau tùy thuộc và nguyên nhân. Viêm trực tràng và viêm hậu môn do lậu cầu và chlamydia xảy ra chủ yếu ở người trẻ tuổi, tỷ lệ mắc ở nam nhiều hơn nữ. Viêm hậu môn cấp tính sau khi tiếp xúc với bức xạ (người bệnh có xạ trị) sẽ xảy ra ở hầu hết các đối tượng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm hậu môn

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm hậu môn bao gồm:

  • Quan hệ tình dục không an toàn, nhiều bạn tình.
  • Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
  • Nam giới quan hệ tình dục đồng giới.
  • Có tiếp xúc với tia xạ (như điều trị bằng xạ trị).
  • Ăn thực phẩm giàu acid và cay như cam quýt hay đồ ăn nhiều gia vị.
  • Công việc gặp nhiều căng thẳng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm hậu môn

Chẩn đoán viêm hậu môn bao gồm việc bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám lâm sàng, sau đó đưa ra các xét nghiệm để chẩn đoán nguyên nhân dẫn đến viêm hậu môn của bạn.

Hỏi bệnh sử

Bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng phù hợp với tình trạng viêm hậu môn và trực tràng của bạn bao gồm chảy máu mủ và đau khi đại tiện. Bác sĩ cũng hỏi thêm về các rối loạn đại tiện như táo bón, tiêu chảy, mót rặn hay có sốt kèm theo không.

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám vùng hậu môn trực tràng, có thể khám thêm ở vùng sinh dục của bạn để phát hiện các dấu hiệu khác có liên quan.

Xét nghiệm

Các xét nghiệm ban đầu gồm nội soi tìm phết nhuộm gram của dịch tiết hậu môn trực tràng giúp kiểm tra bạch cầu đa nhân.

Nuôi cấy phân cũng được thực hiện để phát hiện các vi khuẩn như E. coli, Salmonella, Shigella và Lỵ amip.

Viêm hậu môn là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa viêm hậu môn 6
Nuôi cấy phân giúp phát hiện các nguyên nhân nhiễm trùng đường ruột

Các xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể bao gồm khuếch đại acid nucleic (NAAT) với Chlamydia trachomatis và NAAT hoặc nuôi cấy Neisseria gonorrhoeae (Lậu cầu).

Phản ứng chuỗi polymerase (PCR) được sử dụng để kiểm tra độc tố Herpes simplex virus, Lymphogranuloma venereum (U hạt lympho sinh dục hay còn gọi là Bệnh hột xoài) và Clostridium difficile trong phân.

ELISA dùng để xét nghiệm HIV và xét nghiệm máu từ trường tối (darkfield) và huyết thanh học để tìm Treponema pallidum (Giang mai).

Nội soi, nội soi trực tràng và sinh thiết nếu có nghi ngờ về bệnh lý viêm ruột (Inflammatory bowel disease - IBD).

Phương pháp điều trị viêm hậu môn

Đối với viêm hậu môn không phải nguyên nhân nhiễm trùng hay thứ phát từ bệnh lý viêm ruột. Việc thay đổi lối sống và chế độ sinh hoạt, ăn uống có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng.

Nếu bạn mắc viêm hậu môn thứ phát do viêm ruột hay do bệnh nhiễm trùng, điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân của bạn.

Đối với nhiễm trùng lây qua đường tình dục, bạn cần tránh quan hệ tình dục cho đến khi được điều trị khỏi, điều trị bằng kháng sinh đối với vi khuẩn và kháng virus (acyclovir) đối với nhiễm Herpes simplex.

Đối với viêm hậu môn do viêm loét trực tràng, mesalamine 5-ASA đặt trực tràng được ưu tiên hơn mesalamine đường uống, thuốc đạn có hiệu quả hơn thuốc thụt. Liệu pháp corticosteroid cũng được sử dụng nếu không hiệu quả với mesalamine. Trong trường hợp kháng trị với steroid, các thuốc điều hòa miễn dịch có thể được sử dụng.

Đối với viêm hậu môn trực tràng sau tiếp xúc với tia xạ, thuốc xổ sucralfate tại chỗ là phương pháp điều trị tốt nhất hiện có. Viêm trực tràng chuyển hướng sử dụng thuốc thụt acid béo chuỗi ngắn (SCFA), thuốc thoa 5-ASA hoặc steroid tại chỗ. Ở những người bệnh có các triệu chứng khó điều trị mặc dù đã điều trị tích cực, hoặc có biến chứng gồm rò, hẹp và chảy máu dai dẳng có thể xem xét phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm hậu môn

Chế độ sinh hoạt:

Việc thay đổi chế độ sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm hậu môn bao gồm:

  • Chườm ấm hoặc chườm lạnh vùng hậu môn.
  • Tắm nước ấm bằng cách ngâm mình trong 20 phút, hai đến ba lần mỗi ngày.
  • Có thể sử dụng các thuốc hỗ trợ làm mềm phân.
  • Sử dụng các kem bôi giúp giảm sưng và giảm đau vùng hậu môn (ví dụ như kem hydrocortisone, kem lidocain).
  • Quản lý tình trạng công việc hay sinh hoạt khiến bạn căng thẳng.
  • Tái khám đầy đủ, thường xuyên để được sàng lọc và theo dõi sau điều trị viêm hậu môn do các nguyên nhân nhiễm trùng lây qua đường tình dục.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị viêm hậu môn, bạn có thể thực hiện theo các gợi ý như sau:

  • Thay đổi chế độ ăn uống, bao gồm loại bỏ các thực phẩm gây kích ứng đường tiêu hóa như cà phê, cam quýt, thức ăn nhiều gia vị hay các loại sốt.
  • Tập trung và chế độ ăn giàu chất xơ.
  • Bổ sung 25 đến 30 gam chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày, bao gồm trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu.
Viêm hậu môn là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa viêm hậu môn 7
Nếu mắc viêm hậu môn, bạn nên hạn chế các thực phẩm gây kích ứng đường tiêu hóa như cà phê

Phương pháp phòng ngừa viêm hậu môn hiệu quả

Bạn có thể phòng ngừa được một số nguyên nhân gây viêm hậu môn. Ví dụ như thay đổi chế độ ăn và chế độ sinh hoạt gây viêm hậu môn. Bạn cũng nên nói chuyện với chuyên gia để được tư vấn, giáo dục về thực hành tình dục an toàn, sử dụng bao cao su trong mỗi lần quan hệ tình dục để có thể tránh được các nguyên nhân lây nhiễm qua đường tình dục. 

Nguồn tham khảo
  1. Proctitis and Anusitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK430892/
  2. Proctitis and Anusitis: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28613642/
  3. Anusitis: http://digestivehealth.ca/anusitis/
  4. What can cause anal swelling?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/326004
  5. Proctitis and AnusitisWhat Causes Anal Swelling and How Can I Treat It?: https://www.healthline.com/health/swollen-anus 

Các bệnh liên quan

  1. Sưng khớp

  2. Giun xoắn

  3. Suy tim sung huyết

  4. Sán dây bò

  5. Sẹo lồi

  6. Thoái hóa cột sống

  7. Sán dây lợn

  8. Hôi nách

  9. Bệnh thần kinh quay

  10. Tăng huyết áp trong thai kỳ