Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm đại tràng co thắt: Nguyên nhân và cách phòng bệnh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm đại tràng co thắt là tình trạng co thắt đường ruột mạn tính, bệnh không đe dọa đến tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý và sinh hoạt bình thường của bệnh nhân. Bệnh có thể gây nhiều triệu chứng khác nhau, nhưng chủ yếu là về sự thay đổi nhu động ruột và tần suất đi tiêu.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm đại tràng co thắt là bệnh gì?

Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích (IBS) là một nhóm các triệu chứng về rối loạn đường ruột mạn tính. Các triệu chứng này xảy ra ít nhất 3 ngày mỗi tháng trong tối thiểu 3 tháng.

Viêm đại tràng co thắt được chia thành 3 loại dựa trên triệu chứng bệnh:

  • Viêm đại tràng co thắt kèm táo bón (IBS – C).

  • Viêm đại tràng co thắt kèm tiêu chảy (IBS – D).

  • Viêm đại tràng co thắt hỗn hợp (IBS – M).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm đại tràng co thắt

Viêm đại tràng co thắt gây nên nhiều triệu chứng trên hệ tiêu hóa:

  • Đau quặn bụng, co thắt ruột, chướng bụng có liên quan đến việc đi tiêu và cơn đau đó dai dẳng, không thuyên giảm kể cả khi đi ngoài;

  • Sự co thắt nhu động ruột mạnh và thường xuyên;

  • Thay đổi về tần suất đi tiêu;

  • Đầy hơi, có khí hoặc chất nhầy trong phân;

  • Sụt cân;

  • Táo bón;

  • Tiêu chảy vào ban đêm;

  • Nôn mửa;

  • Khó nuốt;

  • Triệu chứng có thể bùng phát trong kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ mắc bệnh.

Tác động của Viêm đại tràng co thắt đối với sức khỏe 

Viêm đại tràng co thắt gây nên một loạt các triệu chứng khó chịu trên đường tiêu hóa, ảnh hưởng thói quen đi đại tiện và sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Do đó, bệnh có thể ảnh hưởng nhiều đến tình trạng tâm lý của bệnh nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm đại tràng co thắt

Viêm đại tràng co thắt có thể gây chảy máu trực tràng, thiếu máu do thiếu sắt nếu đi ngoài ra máu thời gian dài.

Viêm đại tràng co thắt kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống cũng như tâm lý của bệnh nhân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm đại tràng co thắt

Các cơ trong ruột bị co thắt quá mức (mạnh hơn và trong thời gian dài hơn bình thường) gây nên tình trạng đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy.

Sự bất thường trong hệ thần kinh ở đường tiêu hóa khiến sự truyền tín hiệu giữa não và ruột kém.

Viêm đại tràng co thắt có thể phát triển sau một đợt viêm dạ dày ruột nghiêm trọng do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Bệnh cũng có thể liên quan đến sự phát triển quá mức của hệ vi khuẩn đường ruột.

Bị căng thẳng kéo dài, đặc biệt khi ở độ tuổi còn trẻ.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm đại tràng co thắt?

Người vừa trải qua một đợt nhiễm trùng đường ruột nghiêm trọng.

Người có tình trạng tâm lý căng thẳng kéo dài.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm đại tràng co thắt

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Viêm đại tràng co thắt, bao gồm:

  • Dị ứng thức ăn thường không gây viêm đại tràng co thắt nhưng có thể làm các triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn.

  • Bệnh thường gặp ở người dưới 50 tuổi.

  • Dùng liệu pháp estrogen trước hoặc sau khi mãn kinh. Do đó, nữ giới thường dễ bị viêm đại tràng co thắt hơn nam giới.

  • Tiền sử gia đình đã hoặc đang có người bị viêm đại tràng co thắt.

  • Có tiền sử lo lắng, trầm cảm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm đại tràng co thắt

Không có một xét nghiệm nào có thể chẩn đoán xác định viêm đại tràng co thắt. Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh, triệu chứng của bệnh nhân và đánh giá theo tiêu chí ROME.

Các thủ tục chẩn đoán khác có thể bao gồm:

  • Nội soi đường tiêu hóa trên, nội soi đại tràng để phát hiện các bất thường ở hệ thống tiêu hóa.

  • Chụp X quang, CT vùng bụng và xương chậu.

  • Các xét nghiệm về chứng không dung nạp lactose.

  • Test hơi thở để kiểm tra sự phát triển của vi khuẩn ở ruột non.

  • Xét nghiệm phân.

  • Sinh thiết mô ở đại tràng.

Phương pháp điều trị viêm đại tràng co thắt hiệu quả

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Trường hợp táo bón: Thuốc nhuận tràng (polyethylene glycol, magie hydroxide…), linaclotide, lubiprostone (tăng bài tiết chất lỏng trong ruột non để hỗ trợ việc di chuyển phân, chỉ dùng cho phụ nữ và khi có triệu chứng nghiêm trọng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác).

Trường hợp tiêu chảy: Thuốc chống tiêu chảy (loperamide…), resin gắn acid mật (cholestyramine, colestipol, colesevelam), eluxadoline (giảm tiêu chảy bằng cách tăng trương lực cơ ở trực tràng, giảm co thắt cơ và sự tiết chất lỏng ở ruột).

Chống co thắt ruột: Thuốc kháng cholinergic (dicyclomine…).

Giảm chứng trầm cảm, ức chế hoạt động của các tế bào thần kinh đường ruột giúp giảm đau: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (imipramine, desipramine, nortriptyline). Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy, đau bụng và không có dấu hiệu trầm cảm, vẫn có thể dùng các thuốc này ở liều thấp.

Trường hợp trầm cảm, táo bón và đau nhiều: Thuốc chống trầm cảm SSRI (fluoxetine, paroxetine…).

Giảm đau thần kinh, làm dịu cơn đau dữ dội hoặc đầy hơi: Pregabalin, gabapentin.

Thư giãn đại tràng và làm chậm sự di chuyển của chất thải xuống ruột dưới: Alosetron. Thuốc chỉ sử dụng cho nữ giới và dùng khi các phương pháp khác không hiệu quả.

Kháng sinh làm giảm sự phát triển quá mức của vi khuẩn và giảm tiêu chảy: Rifaximin.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Viêm đại tràng co thắt

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe tổng thể, giảm bớt phần nào sự căng thẳng và kích thích sự co bóp bình thường của ruột.

  • Ngưng hút thuốc lá vì có thể gây kích thích đường ruột dẫn đến các cơn co thắt trầm trọng hơn.

  • Ngủ đủ giấc.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tránh ăn các thực phẩm gây ra các triệu chứng của bạn.

  • Bổ sung từ từ thực phẩm chứa chất xơ.

  • Uống nhiều nước, ăn cơm đúng giờ và không bỏ bữa.

  • Nếu có các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, không nên dùng đồ uống có gas, có cồn, thức ăn gây tăng khí đường ruột, thực phẩm kích thích đường ruột.

  • Nếu bị tiêu chảy, không nên ăn các thực phẩm chứa gluten (lúa mì, lúa mạch…).

  • Có chế độ ăn ít FODMAP (một số loại ngũ cốc, sữa giàu disaccharide, polyol, oligosaccharide, monosaccharide…).

  • Có thể sử dụng thêm probiotic.

Phương pháp phòng ngừa Viêm đại tràng co thắt hiệu quả

Không thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh nên không thể phòng ngừa viêm đại tràng co thắt. Tuy nhiên, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tránh các tác nhân gây bệnh:

  • Giảm thiểu căng thẳng bằng cách thường xuyên rèn luyện cơ thể, tập yoga, tập thiền, ăn ngủ đúng giờ và đủ giấc.

  • Có thể bổ sung thêm probiotic để tăng cường các lợi khuẩn đường ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/
  2. https://my.clevelandclinic.org/
  3. https://www.healthline.com/

Các bệnh liên quan

  1. Tắc mật

  2. Chấn thương bụng kín

  3. Viêm gan mạn

  4. Viêm dạ dày ruột

  5. Xơ gan còn bù

  6. Thủng dạ dày

  7. Thoát vị thành bụng

  8. Viêm đại tràng sigma

  9. Hẹp môn vị phì đại

  10. Nôn ra máu