Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng Sudeck đặc trưng bởi tình trạng đau liên tục, đau nhói, cảm giác bỏng rát, thường xuất hiện vài ngày đến vài tuần sau chấn thương. Hội chứng này có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần, vì thế việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời giúp người bệnh giảm thiểu triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng Sudeck là gì?

Hội chứng Sudeck được mô tả lần đầu tiên bởi bác sĩ Silas Weir Mitchell vào năm 1872 với các triệu chứng đau và nóng rát. Ông đặt tên hội chứng này là Causalgia (hỏa thống). Đến năm 1946, bác sĩ James A. Evans mô tả hội chứng này với tên hội chứng loạn dưỡng giao cảm phản xạ (Reflex sympathetic dystrophy Syndrome - RSD). Ngoài ra, hội chứng này còn có những tên gọi khác như teo Sudeck (Sudeck’s atrophy), hội chứng teo cơ sau chấn thương (posttraumatic dystrophy), hội chứng loạn dưỡng thần kinh vận mạch phản xạ (reflex neurovascular dystrophy).

Dựa trên đồng thuận của Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu Đau (IASP) năm 1994, các nhà khoa học đưa ra sự thống nhất về tên gọi của hội chứng này là hội chứng đau vùng phức tạp (Complex regional pain syndrome - CRPS). Hội chứng này được chia thành hai tuýp với các tiêu chuẩn chẩn đoán chuyên biệt:

  • CRPS tuýp I (RSD): Người bệnh có sự kiện kích hoạt đau nhưng không có bằng chứng về tổn thương thực thể thần kinh.
  • CRPS tuýp II (Causalgia): Người bệnh có sự kiện kích hoạt đau và có bằng chứng về tổn thương thực thể thần kinh.

Hội chứng Sudeck là tình trạng lâm sàng đặc trưng với các triệu chứng đau kiểu bỏng rát, rối loạn vận mạch, rối loạn vận động, hội chứng vai tay, loạn dưỡng teo cơ.

Triệu chứng

Triệu chứng của hội chứng Sudeck

Theo hai bác sĩ Steinbrocker và Argyros, hội chứng Sudeck được chia thành ba giai đoạn.

Giai đoạn đau và sưng (kéo dài 3 - 6 tháng)

Người bệnh có các triệu chứng của rối loạn vận mạch và dinh dưỡng như:

  • Đau kiểu bỏng rát, đau liên tục, tăng dần, nặng hơn về đêm. Đau trầm trọng hơn khi buông thõng tay, khi kích thích lên da như gió lạnh thổi, chạm tay vào nước lạnh, vật nhọn châm lên da.
  • Phù nề từ cổ tay xuống ngón tay, da sưng căng, mất nếp nhăn tự nhiên, ấn lõm, mu bàn tay phù nặng hơn lòng bàn tay.
  • Da bàn tay và ngón tay sắc đỏ tím, tăng khi buông thõng tay xuống, nhạt hơn khi nâng bàn tay cao lên.
  • Tăng hoặc giảm cảm giác vùng bàn ngón tay.
  • Hạn chế vận động khớp cổ tay, khớp bàn - ngón tay và khớp ngón tay.
  • Khớp vai có thể bị đông cứng, đau liên tục cả khi nghỉ, tăng lên khi vận động và khi về đêm.

Giai đoạn loạn dưỡng (kéo dài 3 - 6 tháng)

Các triệu chứng của rối loạn vận mạch và dinh dưỡng cùng với các triệu chứng của khớp vai vẫn tồn tại nhiều tháng, khiến người bệnh đau đớn, suy nhược và lo âu, kèm theo:

  • Đau vẫn dai dẳng, lúc tăng lúc giảm, bỏng rát nhiều.
  • Bàn tay và ngón tay sưng nề.
  • Da ngón tay đỏ tía, hiện rõ các mao mạch, có chỗ sắc da tái hơn xung quanh, mất các nếp nhăn tự nhiên, da teo.
  • Cảm giác bàn tay căng tức, nặng nề, giảm cảm giác sờ và cầm nắm.
  • Khó hoặc không thể duỗi các ngón tay.
  • Thay đổi màu sắc móng.
  • Tăng tiết mồ hôi.
  • Hạn chế vận động nghiêm trọng ở khớp vai.

Giai đoạn teo cơ (tồn tại kéo dài)

Tình trạng rối loạn vận mạch và dinh dưỡng giảm dần, bệnh diễn tiến đến giai đoạn teo cơ với các biểu hiện:

  • Đau bỏng rát và phù nề giảm dần.
  • Dính các khớp bàn - ngón tay khiến bàn tay luôn trong tư thế duỗi, có dạng “bàn tay khỉ”.
  • Ngược lại, viêm cân gan tay gây biến dạng gân gấp các ngón khiến ngón tay luôn trong tư thế gấp, tình trạng này còn được mô tả là kiểu co thắt Dupuytren.
  • Phù nề giảm làm lộ rõ tình trạng teo các cơ vùng bàn tay và ngón tay, đặc biệt là mô ngón cái và ngón út.
  • Hạn chế vận động nặng nề cổ tay, bàn tay và các ngón tay.

Biến chứng của hội chứng Sudeck

Hội chứng Sudeck ngoài gây các triệu chứng ở chi trên thì cũng có thể xuất hiện tương tự ở chi dưới. Nếu không điều trị kịp thời sẽ tiến triển theo ba giai đoạn như trên, dẫn đến mất chức năng các chi bị tổn thương, biến dạng chi và tàn phế. Ngoài ra, hội chứng Sudeck cũng có thể gây ảnh hưởng đến các hệ cơ quan của toàn thân như:

  • Hệ tim mạch và hô hấp: Đau thắt ngực, khó thở, co thắt cơ liên sườn, ngất,...
  • Hệ tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, nôn,...
  • Hệ bài tiết: Tiểu nhiều lần, tiểu không tự chủ,...
  • Hệ nội tiết: Giảm nồng độ cortisol máu, giảm nồng độ hormone tuyến giáp,...
  • Hệ thần kinh: Giảm trí nhớ, rối loạn ngôn ngữ,...
  • Rối loạn tâm lý: Lo âu, trầm cảm, kém tập trung,...
Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 3
Hội chứng Sudeck có thể gây ảnh hưởng đến hệ tim mạch, gây đau thắt ngực

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi xuất hiện bất kì triệu chứng nêu trên, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh sớm sẽ giúp bệnh phục hồi hiệu quả và hạn chế để lại những biến chứng nguy hiểm.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng Sudeck

Tần suất mắc hội chứng Sudeck là 26,2/100 000 người mỗi năm. Có 75% trường hợp bệnh là tìm được nguyên nhân, thường xảy ra sau một sự kiện kích hoạt như:

  • Chấn thương: Gãy xương, tụ máu, trật khớp, bong gân,...
  • Phẫu thuật: Sọ não, lồng ngực, chậu hông,...
  • Một số bệnh lý: Nhồi máu cơ tim, viêm màng ngoài tim, lao, nhiễm trùng, bệnh tự miễn, ung thư phế quản, ung thư vú, đột quỵ não, thoái hóa cột sống cổ, viêm quanh khớp vai, hội chứng ống cổ tay,...
  • Nằm bất động lâu: Bó bột, liệt,...
  • Sử dụng thuốc: Thuốc kháng lao, phenobarbital, rimifon, iod phóng xạ 131,...
  • Nội soi khớp.
Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 4
Chấn thương là một trong những nguyên nhân của hội chứng Sudeck

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng Sudeck?

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc phải hội chứng Sudeck:

  • Người bệnh sau chấn thương, đặc biệt là chấn thương có gãy xương ở vùng cẳng tay, cổ tay, đùi, cẳng chân,...
  • Người bệnh sau đột quỵ não trong giai đoạn phục hồi, thường từ 1 - 6 tháng sau đột quỵ.
  • Người bệnh đang mắc bệnh mạch vành, thoái hóa cột sống cổ, đái tháo đường và một số bệnh nội tiết khác,...

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng Sudeck

Một số yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến hội chứng Sudeck bao gồm:

  • Tuổi: Hội chứng này có thể gặp ở tất cả mọi lứa tuổi, trung bình ở người 40 - 60 tuổi.
  • Giới: Tỷ lệ bệnh ở nữ giới so với nam giới là ⅔.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán hội chứng Sudeck

Để chẩn đoán hội chứng Sudeck, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, hỏi bệnh sử và tiền căn bản thân. Dựa trên các thông tin khai thác từ người bệnh kết hợp các triệu chứng thực thể, hội chứng Sudeck được chẩn đoán dựa trên tiêu chuẩn của IASP cải tiến như sau:

Người bệnh đau liên tục, không tương xứng với kích thích ban đầu bác sĩ tạo ra, và có ít nhất một trong bốn phân loại sau:

  • Nhận cảm: Tăng cảm đau (hyperalgesia) hoặc loạn cảm đau (allodynia);
  • Vận mạch: Bất tương xứng nhiệt độ/màu sắc da giữa chi bệnh và chi lành;
  • Tiết mồ hôi: Phù và/hoặc thay đổi tiết mồ hôi giữa chi bệnh và chi lành;
  • Vận động/dinh dưỡng: Giảm hoặc rối loạn chức năng vận động, hoặc loạn dưỡng chi bệnh.

Kết hợp thêm các tiêu chí phân biệt CPRS tuýp I và CPRS tuýp II.

Các xét nghiệm chẩn đoán hội chứng Sudeck

Để chẩn đoán xác định bệnh cũng như tiên lượng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán như sau:

  • X-quang: Đánh giá hiện tượng xương mất calci xuất hiện sớm và nặng dần;
  • Xét nghiệm máu: Trường hợp có đáp ứng viêm cấp bạch cầu, VS, CRP có thể tăng.
  • Siêu âm Doppler: Có tăng tốc độ tuần hoàn tại chỗ.
Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 5
Hình ảnh X-quang trong hội chứng Sudeck

Phương pháp điều trị hội chứng Sudeck hiệu quả

Điều trị hội chứng Sudeck chủ yếu là sự kết hợp giữa điều trị nội khoa kết hợp với vật lý trị liệu - phục hồi chức năng, mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Thuốc điều trị hội chứng Sudeck

  • Đường uống: Nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid, nhóm thuốc chống trầm cảm, nhóm thuốc chẹn kênh calci, nhóm thuốc chẹn beta, nhóm thuốc chống co giật, nhóm thuốc bisphosphonate.
  • Đường toàn thân: Phentolamine, thuốc chống loạn nhịp Bretylium, nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid, thuốc chủ vận chọn lọc alpha2-adrenergic Clonidine.

Phong bế hạch giao cảm gốc chi, phong bế hạch sao và đám rối thần kinh

Hai phương pháp này giúp giảm triệu chứng rối loạn vận mạch và dinh dưỡng để giảm đau, giảm phù nề, giảm thay đổi sắc tố da.

Vật lý trị liệu

Một số phương pháp vật lý trị liệu giúp người bệnh giảm triệu chứng và cải thiện vận động gồm:

  • Sử dụng dây treo tay giúp tay giảm đau nhức và phù nề. Kê tay cao hơn vào lúc nằm cũng giúp giảm phù nề.
  • Ngâm bàn tay vào nước lạnh trong 1 - 2 phút/lần, mỗi ngày 2 lần giúp giảm sưng, nóng, đỏ, đau.
  • Điện xung dòng TENS, điện di Novocain nồng độ 2%, siêu âm sóng ngắn, đắp sáp paraffin giúp giảm các triệu chứng.
  • Tập phục hồi vận động khớp vai để chống dính bao khớp, giãn khớp, tăng tầm vận động khớp.
Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 6
Siêu âm sóng ngắn là một trong những phương pháp vật lý trị liệu giúp giảm triệu chứng của hội chứng Sudeck

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hội chứng Sudeck

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh, tái khám đúng hẹn.
  • Duy trì thói quen tập thể dục với cường độ phù hợp, có thể bắt đầu từ những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe đạp,...
  • Ngủ đủ giấc, giữ tâm lý thoải mái, tránh xa căng thẳng, áp lực.
  • Vận động sớm dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng sau đột quỵ não.
  • Tránh xa các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá gây hại cho sức khỏe.
Hội chứng Sudeck: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị 7
Vận động sớm dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên phục hồi chức năng sau đột quỵ não

Chế độ dinh dưỡng:

  • Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, ăn đầy đủ các chất.
  • Tăng cường bổ sung rau xanh, thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
  • Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C, canxi và vitamin D.
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm có hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ.

Phương pháp phòng ngừa hội chứng Sudeck hiệu quả

Để phòng ngừa hội chứng Sudeck, bạn cần xây dựng một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh như sau:

  • Chế độ ăn uống đầy đủ các nhóm chất đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Lựa chọn nhóm đường bột phức tạp (ngũ cốc nguyên cám), phối hợp đạm động vật và đạm thực vật, các chất béo không bão hòa.
  • Duy trì tập luyện thể dục, tránh thụ động khiến các khớp bị hạn chế.
  • Kết hợp bổ sung vitamin C, canxi và vitamin D sau khi bị gãy xương theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, làm việc khoa học, tránh các căng thẳng mệt mỏi kéo dài.
Nguồn tham khảo
  1. Goebel A, Birklein F, Brunner F, et al. The Valencia consensus-based adaptation of the IASP complex regional pain syndrome diagnostic criteria. Pain. 2021;162(9):2346-2348. doi: 10.1097/j.pain.0000000000002245.
  2. Coderre TJ. Complex regional pain syndrome: what's in a name? J Pain. 2011;12(1):2-12. doi: 10.1016/j.jpain.2010.06.001.
  3. Goh EL, Chidambaram S, Ma D. Complex regional pain syndrome: a recent update. Burns Trauma. 2017;5:2. doi: 10.1186/s41038-016-0066-4.
  4. Goh EL, Chidambaram S, Ma D. Complex regional pain syndrome: a recent update. Burns Trauma. 2017;5:2. doi: 10.1186/s41038-016-0066-4.
  5. Sudeck’s atrophy, CRPS: https://www.kybun.com/advisor/health-conditions-does-kybun-help/complex-regional-pain-syndrome-crps-reflex-dystrophy-sudecks-atrophy-sudeck-dystrophy-algodystrophy-and-reflex-sympathetic-dystrophy

Các bệnh liên quan