Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp cấp là gì? Các nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cấp thường gặp

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp cấp là thuật ngữ chỉ tình trạng viêm và đau khớp khởi phát nhanh chóng hoặc đột ngột. Viêm khớp cấp khiến các khớp của bạn bị đau, có thể do một số nguyên nhân gây ra, bao gồm các bệnh lý tự miễn. Bài viết này sẽ giải thích nguyên nhân và các loại viêm khớp cấp tính, các yếu tố nguy cơ cũng như cách chẩn đoán và điều trị viêm khớp cấp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp cấp là gì?

Viêm khớp cấp chỉ tình trạng viêm ở khớp khởi phát một cách cấp tính. Các triệu chứng chính của viêm khớp cấp là sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp và làm giảm phạm vi chuyển động khớp.

Viêm khớp khởi phát cấp tính là điển hình của viêm khớp nhiễm trùng (septic arthritis), viêm khớp phản ứng (reactive arthritis), viêm khớp tinh thể (crystalline arthropathies). Trong một số trường hợp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến hay thoái hóa khớp cũng có những đợt khởi phát cấp tính.

Bài viết này sẽ đề cập đến các nguyên nhân gây viêm khớp cấp tính thường gặp như:

  • Viêm khớp nhiễm khuẩn (Septic arthritis);
  • Viêm khớp gout;
  • Viêm khớp do vi trùng (Bacterial arthritis).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp cấp

Các triệu chứng của viêm khớp cấp tính có thể khác nhau ở mỗi người, bao gồm:

  • Đau ở một hoặc nhiều khớp không biến mất hoặc tái phát;
  • Nóng và đỏ ở một hoặc nhiều khớp;
  • Sưng ở một hoặc nhiều khớp;
  • Cứng khớp ở một hoặc nhiều khớp;
  • Khó di chuyển, hạn chế vận động khớp.

Bên cạnh đó, tùy theo nguyên nhân của tình trạng viêm khớp cấp mà bạn có thể có các triệu chứng kèm theo khác nhau.

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp cấp

Trong trường hợp viêm khớp cấp bất kể nguyên nhân, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Giảm khả năng vận động: Tình trạng đau do viêm khớp cấp sẽ khiến bạn khó khăn trong việc sinh hoạt hằng ngày.
  • Tăng cân: Do hạn chế vận động thể lực.
  • Biến chứng ở các khu vực khác: Ví dụ như viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến biến chứng lên các cơ quan khác bao gồm da, mắt, mạch máu, phổi. Hay viêm khớp gout gây ra các biến chứng lên thận.
  • Tăng nguy cơ té ngã: Theo Tổ chức Viêm khớp, những người bị viêm khớp có nhiều khả năng bị té ngã và có thể bị gãy xương.
  • Ảnh hưởng sức khỏe tinh thần: Viêm khớp có thể làm tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm do đau.

Trong một nguyên nhân nguy hiểm khác là viêm khớp nhiễm khuẩn, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nó có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng thậm chí là tử vong.

Viêm khớp cấp là gì? Các nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cấp thường gặp 4
Viêm khớp nhiễm khuẩn nếu không được điều trị có thể dẫn đến sốc nhiễm khuẩn

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau khớp xảy ra đột ngột không phải lúc nào cũng nghiêm trọng, nhưng có thể nó sẽ khiến bạn lo lắng. Bạn nên gặp bác sĩ nếu các triệu chứng không biến mất, bao gồm:

  • Đau, sưng hoặc cứng khớp;
  • Các khớp đỏ, nóng khi chạm vào;
  • Hạn chế vận động các khớp.

Hoặc hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng trên kéo dài hơn ba ngày hay tái đi tái lại nhiều lần trong tháng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cấp

Các nguyên nhân gây viêm khớp cấp thường gặp có thể kể đến như:

Viêm khớp nhiễm khuẩn (Septic arthritis)

Đây là tình trạng nhiễm khuẩn tại khớp do tác nhân vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra. Vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến nhất và nghiêm trọng nhất do tính chất tàn phá cao. Các dấu hiệu của viêm khớp nhiễm khuẩn bao gồm:

  • Sốt;
  • Cảm thấy không khỏe hoặc khó chịu;
  • Sưng, nóng, đỏ, đau ở khớp bị ảnh hưởng;
  • Giảm phạm vi chuyển động ở khớp bị ảnh hưởng.

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một tình trạng cấp cứu y tê, vì nó có thể gây sốc nhiễm khuẩn hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. Ước tính tỷ lệ tử vong thay đổi từ 4% đến 42% dựa trên các yếu tố bao gồm vị trí nhiễm trùng, nguyên nhân và tuổi của người bệnh.

Do đó, nếu nghi nghì bị viêm khớp nhiễm khuẩn, bạn hãy đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Viêm khớp gout

Viêm khớp gout là một tình trạng vô cũng đau đớn do sự tích tụ acid uric trong khớp. Acid uric có thể lắng đọng ở bất kỳ khớp nào và cả trong các mô của cơ thể, gây đau khớp dữ dội. Thông thường, viêm khớp gout sẽ ảnh hưởng đến một khớp tại một thời điểm nhất định, thường là viêm khớp ngón chân cái.

Viêm khớp cấp là gì? Các nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cấp thường gặp 5
Viêm khớp gout cấp thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái

Không chỉ ảnh hưởng đến khớp, bệnh gout có thể gây ra biến chứng lên các cơ quan khác như bệnh thận do lắng đọng acid uric ở thận.

Viêm khớp do vi khuẩn (Bacterial arthritis)

Viêm khớp do vi khuẩn phát triển trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày, được phân loại thành viêm khớp do lậu cầu hoặc không do lậu cầu.

Các triệu chứng của viêm khớp do lậu cầu gồm:

  • Sốt;
  • Viêm gân;
  • Các sẩn, mụn mủ đốm xuất huyết, bọng nước xuất huyết hoặc tổn thương hoại tử trên niêm mạc, thân, cánh tay và chân, không đau;
  • Đau khớp di chuyển;
  • Các khớp bị ảnh hưởng thường là khớp nhỏ của bàn tay, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, hiếm khi là các khớp xương trục.

Các triệu chứng của viêm khớp không do lậu cầu gồm:

  • Đau khớp từ trung bình đến nặng, trầm trọng hơn khi cử động;
  • Sốt nhẹ;
  • Các khớp bị sưng, nóng, đỏ;
  • Các khớp thường bị ảnh hưởng là đầu gối, hông, cổ tay, mắt cá chân hoặc khớp khuỷu tay.

Nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác có thể gây viêm khớp cấp như:

  • Viêm khớp phản ứng: Gây đau và sưng khớp kèm đau mắt và cảm giác cực kỳ mệt mỏi. Viêm khớp phản ứng phát triển ngay khi bị nhiễm trùng đường ruột hoặc viêm họng.
  • Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các cơ quan bao gồm cả khớp của bạn. Biểu hiện đặc trưng bởi tình trạng viêm đối xứng, đa khớp, liên quan đến các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.
  • Viêm khớp vảy nến: Đây là một tình trạng viêm khớp xảy ra trên các đối tượng bị bệnh vảy nến.
  • Thoái hóa khớp: Đây là loại viêm khớp phổ biến nhất, đặc trưng bởi sự thoái hóa của sụn mất dần theo thời gian, dẫn đến tổn thương xương. Thường thoái hóa khớp diễn tiến mạn tính, tuy nhiên, đôi khi cũng có những đợt viêm khớp diễn tiến cấp tính gây sưng, nóng, đỏ ở khớp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc viêm khớp cấp?

Các đối tượng nguy cơ sẽ khác nhau tùy theo nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cấp. Đối với bệnh gout, tỷ lệ mắc cao hơn ở những người trên 60 tuổi, và ngày càng gia tăng. Viêm khớp dạng thấp tìm thấy ở khoảng 1% người da trắng và nữ giới bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới (nguy cơ suốt đời ở nữ là 3,6% so với 1,7% ở nam giới). Viêm khớp nhiễm khuẩn thường phát triển do vi khuẩn xâm nhập vào khớp thông qua sự lây lan theo đường máu, thường gặp nhất là từ nhiễm trùng da hoặc tiết niệu.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp cấp

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc viêm khớp cấp. Trong đó, tuổi tác là một yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được, kèm theo đó là các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh bằng thay đổi lối sống.

Các yếu tố nguy cơ có thể bao gồm:

  • Tuổi cao (trên 60 tuổi);
  • Ung thư và hóa trị;
  • Bệnh mạn tính như bệnh phổi hoặc gan;
  • Bệnh đái tháo đường;
  • Có khớp giả;
  • Chế độ ăn nhiều purin;
  • Tiền sử nhiễm trùng khớp hoặc phẫu thuật khớp;
  • Sử dụng thuốc tiêm;
  • Suy giảm miễn dịch bao gồm HIV;
  • Liệu pháp ức chế miễn dịch bao gồm corticosteroid;
  • Bệnh da liễu;
  • Lupus;
  • Bệnh hồng cầu hình liềm;
  • Nhiễm trùng da;
  • Các yếu tố nguy cơ liên quan đến nhiễm trùng lây qua đường tình dục.
Viêm khớp cấp là gì? Các nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cấp thường gặp 6
Chế độ ăn giàu purin làm tăng nguy cơ viêm khớp gout

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp cấp

Nếu nghi ngờ bị viêm khớp cấp tính, bác sĩ sẽ khai thác kỹ bệnh sử và khám để đánh giá tình trạng đau, sưng, đỏ và các dấu hiệu khác của bệnh. Bác sĩ cũng có thể hỏi về tiền sử bệnh bao gồm tiền sử gia đình mắc các bệnh lý viêm khớp, tiền sử các bệnh lý mà bạn mắc phải trước đây.

Sau khi hỏi bệnh và khám bệnh, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm để kiểm tra các dấu hiệu viêm khớp và loại trừ các tình trạng khác để đưa ra chẩn đoán xác định.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Tổng phân tích tế bào máu: Đánh giá dấu hiệu viêm và nhiễm trùng, kiểm tra số lượng hồng cầu, tiểu cầu của bạn.
  • Xét nghiệm dịch khớp: Việc kiểm tra dịch khớp giúp kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng và viêm tại khớp. Đồng thời cũng có thể kiểm tra các tinh thể acid uric, sự hiện diện của vi khuẩn và nấm.
  • Xét nghiệm phân tử: Ví dụ như xét nghiệm PCR các mẫu thu thập từ cổ tử cung, niệu đạo, họng hoặc trực tràng để kiểm tra lậu cầu.
  • Xét nghiệm acid uric: Đo lượng acid uric trong máu hoặc nước tiểu để kiểm tra bệnh gout.
  • Xét nghiệm hình ảnh học: Các xét nghiệm hình ảnh học như X-quang, MRI, siêu âm khớp cũng có thể được thực hiện để giúp chẩn đoán.

Phương pháp điều trị viêm khớp cấp

Mục đích điều trị là quản lý tình trạng đau và điều trị tùy theo nguyên nhân mắc viêm khớp cấp của bạn.

  • Viêm khớp nhiễm khuẩn: Ngoài kiểm soát đau, việc điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn có thể đòi hỏi phải dẫn lưu khớp bị ảnh hưởng và sử dụng kháng sinh. Kháng sinh được sử dụng dựa trên kết quả kháng sinh đồ của dịch khớp.
  • Viêm khớp gout: Trong bệnh viêm khớp gout, các đợt bùng phát khiến cơ thể suy nhược và đau đớn. Sử dụng thuốc kháng viêm giúp giảm đau đáng kể và lý tưởng nhất nên bắt đầu trong vòng 24 giờ. Các thuốc được sử dụng gồm corticosteroid, NSAID như indomethacin hoặc naproxen hay colchicine.
  • Viêm khớp do vi khuẩn (do lậu cầu hoặc không do lậu cầu): Điều trị bằng kháng sinh tĩnh mạch và dẫn lưu mủ từ các khớp bị nhiễm trùng.
  • Viêm khớp dạng thấp: Việc sử dụng sớm thuốc chống thấp khớp và thuốc sinh học sẽ hiệu quả hơn glucocorticoid và NSAID. Thuốc chống viêm có thể được sử dụng như một liệu pháp bổ trợ để giảm triệu chứng khi bệnh còn hoạt động.
  • Thoái hóa khớp: Kiểm soát bệnh nhằm mục đích giảm đau và cải thiện chức năng. Có thể bao gồm các thuốc giảm đau, chống viêm và các phương pháp điều trị không dùng thuốc khác như châm cứu, vật lý trị liệu, nẹp. 
Viêm khớp cấp là gì? Các nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cấp thường gặp 7
Điều trị viêm khớp do vi khuẩn bằng kháng sinh

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp cấp

Chế độ sinh hoạt:

Giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng làm giảm nguy cơ phát triển viêm khớp cấp và có thể làm giảm các triệu chứng của viêm khớp.

Việc tập thể dục thường xuyên cũng giúp giữ cho các khớp của bạn linh hoạt, hạn chế tình trạng cứng khớp. Bơi là một hình thức tập luyện tốt cho khớp vì không gây áp lực lên khớp như chạy bộ hay đi bộ. Duy trì hoạt động là điều quan trọng, nhưng nếu trong tình trạng đau cấp tính, bạn có thể cần nghỉ ngơi và tránh gắng sức.

Các bài tập bạn có thể thử tại nhà bao gồm:

  • Để giảm đau cổ, bạn có thể tập cúi ngửa, nghiêng hoặc xoay đầu.
  • Tập gấp duỗi các ngón tay để giảm đau khớp bàn ngón tay.
  • Tập nâng chân, co chân, đạp xe đạp ở tư thế nằm giúp hỗ trợ khớp gối.

Chế độ dinh dưỡng:

Nếu bạn bị viêm khớp, để giảm tình trạng viêm, bạn nên hạn chế các thực phẩm như đồ chiên, thực phẩm chế biến sẵn, các sản phẩm từ sữa và thịt đỏ. Đặc biệt nếu nguyên nhân do bị viêm khớp gout, bạn nên hạn chế các thực phẩm giàu purin để hạn chế tái phát.

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp cấp hiệu quả

Không phải tất cả các nguyên nhân dẫn đến viêm khớp cấp đều có thể phòng ngừa được. Một số nguyên nhân gây viêm khớp cấp có thể phòng ngừa được bằng cách:

  • Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế thức ăn giàu purin nếu bạn đã được chẩn đoán tăng acid uric hay bệnh gout.
  • Hạn chế tình trạng nhiễm trùng da. Nếu có các vết đỏ, sưng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng trên da, hãy đến khám và được điều trị.

Hạn chế bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu bằng cách quan hệ tình dục an toàn.

Nguồn tham khảo
  1. Arthritis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK518992/
  2. Arthritis: https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/arthritis
  3. Arthritis: https://www.healthline.com/health/arthritis
  4. What are the causes and types of arthritis?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/7621
  5. Acute Infectious Arthritis: https://www.msdmanuals.com/professional/musculoskeletal-and-connective-tissue-disorders/infections-of-joints-and-bones/acute-infectious-arthritis

Các bệnh liên quan

  1. Viêm khớp ngón tay cái

  2. Chuột rút co cứng

  3. Trật khớp

  4. Viêm cân gan chân

  5. Thoái hóa khớp khuỷu tay

  6. Paget xương

  7. Viêm cơ

  8. Viêm bao hoạt dịch khớp vai

  9. Thoái hoá khớp cổ tay

  10. Hội chứng rung giật cơ lành tính