Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm cân gan chân: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Ngày 23/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm cân gan chân là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau gót chân. Bệnh lý này thường gây cảm giác đau như dao đâm, xảy ra khi bạn bước đi và giảm khi nghỉ ngơi. Nguyên nhân gây viêm cân gan chân vẫn chưa được biết rõ, phổ biến hơn ở những vận động viên chạy và người thừa cân, béo phì.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm cân gan chân là gì?

Cân gan chân là một dải mô liên kết rộng, dày và chắc, được cấu tạo từ các sợi collagen. Cân gan chân che phủ cơ và mạch ở gan chân, bám từ xương gót sau đó tách thành 5 chẻ cho 5 ngón chân, dính chặt vào lớp tổ chức dưới da. Có hai vách liên cơ tách ra từ cân nông chia gan chân thành 3 ô gồm: Ô trong, giữa, ngoài. Cân gan chân căng duỗi khi bạn bước đi, chống đỡ vòm bàn chân giúp tư thế vững chắc hơn, chịu lực nhún khi chạy chảy và bảo vệ gan bàn chân khỏi những chấn thương.

Viêm cân gan chân là tình trạng viêm xảy ra ở cân gan chân, xảy ra khi cân gan chân bị kéo căng quá mức. Viêm cân gan chân là nguyên nhân phổ biến nhất ở người bệnh đến khám vì đau gót chân, với hơn 2 triệu người đến bệnh viện điều trị mỗi năm ở Hoa Kỳ. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm cân gan chân

Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm cân gan chân bao gồm:

  • Đau gót chân;
  • Sưng quanh gót chân;
  • Đau vòm bàn chân;
  • Cảm giác bàn chân cứng khó vận động;
  • Căng gân gót Achilles;
  • Triệu chứng nặng hơn khi bạn đi những bước chân đầu tiên sau khi thức dậy và sẽ giảm sau vài phút hoặc khi bạn đứng lâu.

Biến chứng của viêm cân gan chân

Nếu bạn không có chiến lược điều trị phù hợp, viêm cân gan chân có thể dẫn đến đau gót chân mạn tính do tăng sức căng của cân gan chân, cản trở các hoạt động thông thường trong cuộc sống của bạn.

Bạn có thể thay đổi tư thế dáng bộ của mình để cố gắng tránh cơn đau do viêm cân gan chân và điều này có thể dẫn đến các vấn đề bệnh lý khác về bàn chân, gối, hông lưng. Ngoài ra, người bệnh có nguy cơ đứt cân gan chân (đặc biệt nếu tiêm corticosteroid), hoại tử mỡ,...

Viêm cân gan chân: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 1
Đau vòm bàn chân

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu đang có các triệu chứng của viêm cân gan chân và tình trạng này không thuyên giảm sau một tuần, bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình để được chẩn đoán và điều trị sớm. Hoặc nếu bạn đang trong quá trình điều trị nhưng các triệu chứng của bạn không cải thiện sau hai tuần hãy đến tái khám để bác sĩ có chiến lược điều trị mới phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm cân gan chân

Viêm cân gan chân là một chấn thương do sử dụng quá mức, chủ yếu là do tình trạng cân gan chân căng cứng liên tục và quá mức có thể gây ra những vết rách nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra do chấn thương hoặc các nguyên nhân đa yếu tố khác. Một số yếu tố nguy cơ là bàn chân bẹt, bàn chân quặp có vòm cao, hạn chế động tác gập lưng bàn chân và tư thế quay sấp hoặc ngửa quá mức. Bàn chân bẹt có thể gây ra sự căng thẳng gia tăng ở vị trí ban đầu của cân gan chân. Bàn chân quặp có vòm cao có thể gây căng thẳng quá mức cho gót chân vì bàn chân không có khả năng hấp thụ lực hoặc giảm sốc một cách hiệu quả. 

Căng cơ bụng chân, cơ dép và/hoặc các cơ khác ở vùng sau của cẳng chân cũng thường gặp ở những người bệnh mắc viêm cân gan chân, do các nhóm cơ này được cho rằng có thể làm thay đổi cơ chế sinh học của việc đi lại bình thường. Khoảng 50% bệnh nhân mắc bệnh này cũng sẽ bị gai xương gót, nhưng bản thân gai gót chân không phải là nguyên nhân. Người ta đã phát hiện thấy viêm cân gan chân có liên quan đến nhiều bệnh lý viêm khớp cột sống huyết thanh âm tính khác nhau, nhưng trong khoảng 85% trường hợp, không có yếu tố tự miễn dịch nào được khảo sát thấy.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm cân gan chân?

Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm cân gan chân, bao gồm:

  • Người thừa cân, béo phì;
  • Người có bàn chân bẹt, bàn chân quặp có vòm cao;
  • Tuổi từ 40 đến 60 tuổi;
  • Nghề nghiệp công nhân, giáo viên, tiếp viên, diễn viên múa ba lê, tập aerobic...
Viêm cân gan chân: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 2
Béo phì làm tăng nguy cơ viêm cân gan chân

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm cân gan chân

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm cân gan chân như sau:

  • Thường xuyên đi giày cao gót;
  • Đứng hoặc đi lại với tư thế bàn chân bất thường;
  • Đứng nhiều giờ mỗi ngày.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm viêm cân gan chân

Bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về các triệu chứng của bạn và khám thực thể để kiểm tra bàn chân của bạn. Bạn cần cung cấp cho bác sĩ biết về mức độ đau, thời điểm đau, các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến cơn đau của bạn.

Bác sĩ thường không cần làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán viêm cân gan chân. Tuy nhiên, họ có thể sử dụng các xét nghiệm hình ảnh nếu nghi ngờ tình trạng đau của bạn do vấn đề khác gây ra. Một số xét nghiệm hình ảnh bạn có thể được yêu cầu thực hiện bao gồm:

  • Chụp X-quang;
  • Siêu âm;
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
Viêm cân gan chân: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 3
Bác sĩ thăm khám bàn chân

Phương pháp điều trị viêm cân gan chân

Hầu hết những người bệnh viêm cân gan chân sẽ hồi phục sau vài tháng bằng cách điều trị bảo tồn, chẳng hạn như cố định, chườm đá, kéo giãn, điều chỉnh hoặc tránh các hoạt động gây đau.

Các loại thuốc

Một số loại thuốc giảm đau thông thường có thể giảm triệu chứng như ibuprofen và naproxen có thể làm dịu cơn đau và viêm do viêm cân gan chân.

Liệu pháp

Vật lý trị liệu hoặc sử dụng các thiết bị đặc biệt có thể làm giảm triệu chứng. Điều trị có thể bao gồm:

  • Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn các bài tập giúp kéo giãn cân gan chân và gân Achilles cũng như tăng cường sức mạnh cho các cơ bụng chân. Chuyên gia trị liệu cũng có thể hướng dẫn bạn cách dán băng cố định để hỗ trợ lòng bàn chân.
  • Nẹp ban đêm: Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nên đeo nẹp cố định cân gan chân và gân Achilles ở tư thế trung tính qua đêm để thúc đẩy sự giãn cơ trong khi bạn ngủ.
  • Bộ dụng cụ chỉnh hình: Bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ hỗ trợ vòm bàn chân có sẵn hoặc được trang bị tùy chỉnh được gọi là dụng cụ chỉnh hình, giúp bạn phân bổ áp lực lên bàn chân đồng đều hơn.
  • Gậy hoặc nạng: Bác sĩ có thể đề xuất một trong những loại này hỗ trợ đi lại cho bạn trong một khoảng thời gian ngắn giúp bạn hạn chế đặt hết sức nặng đè lên chân.
Viêm cân gan chân: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 4
Dụng cụ hỗ trợ điều trị viêm cân gan chân

Phẫu thuật hoặc các phương pháp khác

Nếu các biện pháp điều trị trên không có tác dụng sau vài tháng, bác sĩ có thể khuyến nghị:

  • Tiêm: Tiêm thuốc steroid vào vùng đau có thể giúp giảm đau tạm thời. Không nên tiêm nhiều mũi vì chúng có thể làm suy yếu cân gan chân và có thể khiến nó bị đứt. Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có thể được tiêm vào vùng bị đau để thúc đẩy quá trình lành mô.
  • Liệu pháp sóng xung kích: Sóng âm hướng vào vùng đau gót chân để kích thích quá trình lành vết thương. Liệu pháp này dành cho bệnh viêm cân gan chân mạn tính không đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn.
  • Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật khá ít được chỉ định trong viêm cân gan chân. Phẫu thuật để tách cân gan chân ra khỏi xương gót chân có thể giúp điều trị bệnh lý này. Nói chung, đây chỉ là một lựa chọn khi cơn đau nghiêm trọng và các phương pháp điều trị khác không thành công.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm cân gan chân

Chế độ sinh hoạt:

Để hỗ trợ cho quá trình điều trị viêm cân gan chân và hạn chế diễn tiến của bệnh, bạn cần thực hiện một số biện pháp sau:

  • Tập luyện các động tác kéo căng cơ bụng chân và kéo giãn cân gan chân.
  • Mang loại giày phù hợp nếu bạn có tình trạng bàn chân bẹt hoặc bàn chân quặp có vòm cao.
  • Hạn chế đứng lâu và mang giày cao gót.
  • Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì.
  • Điều trị các bệnh lý cơ xương khớp như thoái hóa cột sống thắt lưng, thoái hóa khớp gối.

Chế độ dinh dưỡng:

Bạn hãy bổ sung một số nhóm chất dinh dưỡng sau để hỗ trợ quá trình điều trị viêm cân gan chân:

  • Thực phẩm giàu collagen: Các loại rau xanh đậm như cải kale, rau chân vịt, súp lơ, bắp cải, thịt gà, cà chua,... bổ sung nhiều collagen tốt cho dây chằng và gân cơ.
  • Thực phẩm chống viêm: Nhóm thực phẩm cung cấp nhiều chất chống viêm, chống oxy hóa có thể kể đến như các loại quả mọng, cá hồi, cá trích, súp lơ, trà xanh, nấm, ớt chuông,...
  • Thực phẩm giàu đạm: Thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, các loại đậu,... giúp bổ sung nhiều protein giúp tăng cường dinh dưỡng nhằm tái tạo tế bào.

Phòng ngừa viêm cân gan chân

Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm cân gan chân là tránh sử dụng bàn chân liên tục và quá mức. Bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau giúp tránh tình trạng bệnh trên:

  • Giãn cơ trước và sau khi tập thể dục.
  • Cho đôi chân có thời gian để nghỉ ngơi và phục hồi sau khi hoạt động hoặc tập luyện cường độ cao.
  • Mang giày hỗ trợ nếu có bàn chân bẹt hoặc bàn chân quặp có vòm cao.
  • Hạn chế đi chân trần trên bề mặt cứng.
  • Thay giày thể thao của bạn sau mỗi 6 - 9 tháng hoặc khi đế giày giảm chất lượng.
Viêm cân gan chân: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị 5
Bổ sung collagen giúp gân cơ dây chằng dẻo dai

Các câu hỏi thường gặp về viêm cân gan chân

Viêm cân gan chân là tạm thời hay mạn tính?

Viêm cân gan chân có thể là tình trạng viêm cấp tính và đáp ứng tốt với điều trị trong thời gian ngắn, nhưng nếu bạn không có chiến lược điều trị phù hợp, viêm cân gan chân có thể dẫn đến đau gót chân mạn tính do tăng sức căng của cân gan chân.

Viêm cân gan chân kéo dài bao lâu?

Bạn sẽ nhận thấy các triệu chứng viêm cân gan chân được cải thiện ngay khi bắt đầu điều trị. Trong một số trường hợp, có thể mất từ ​​​​vài tuần đến vài tháng để màng cân gan chân của bạn lành lại.

Tôi có phải nghỉ làm hoặc nghỉ học nếu bị viêm cân gan chân không?

Nếu việc học hoặc việc làm của bạn cần có thời gian đứng liên tục, bác sĩ có thể đề nghị bạn nghỉ làm hoặc nghỉ học trong ít nhất vài ngày giúp cân gan chân có thời gian hồi phục trong giai đoạn cấp. Bạn nên tránh các hoạt động gây áp lực lên bàn chân trong ít nhất một tuần.

Tôi có cần thiết mang giày chuyên dụng để điều trị viêm cân gan chân không?

Nếu bạn có tình trạng bàn chân bẹt hoặc bàn chân quặp có vòm cao, bạn cần mang các loại giày được thiết kế chuyên biệt cho bàn chân của mình. Ngoài ra, bạn nên chọn mua giày có gót thấp đến trung bình, đế êm dày, hỗ trợ vòm tốt và có thêm đệm. Không đi giày bệt hoặc đi chân trần trên nền cứng.

Viêm cân gan chân giống gai gót chân không?

Viêm cân gan chân và gai gót chân đều gây đau gót chân, nhưng chúng là những tình trạng khác nhau. Gai gót chân là tình trạng khối xương gót phát triển bất thường và nhô ra ở nơi xương gót chân kết nối với cân gan chân, gây đau gót chân.

Nguồn tham khảo
  1. Plantar Fasciitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14709-plantar-fasciitis
  2. Plantar fasciitis: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/plantar-fasciitis/diagnosis-treatment/drc-20354851
  3. Plantar Fasciitis: https://www.nhs.uk/conditions/plantar-fasciitis/
  4. Thompson JV, Saini SS, Reb CW, Daniel JN. Diagnosis and management of plantar fasciitis. J Am Osteopath Assoc. 2014 Dec;114(12):900-6. doi: 10.7556/jaoa.2014.177.
  5. Trojian T, Tucker AK. Plantar Fasciitis. Am Fam Physician. 2019 Jun 15;99(12):744-750. PMID: 31194492.

Các bệnh liên quan

  1. U tế bào khổng lồ

  2. Thoái hóa khớp gối

  3. Són phân

  4. Viêm đa khớp dạng thấp

  5. Cong vẹo cột sống

  6. Thoát vị đùi

  7. Hội chứng cơ nâng hậu môn

  8. Chấn thương

  9. Còi xương

  10. Rạn xương