Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Yếu sinh lý: Bệnh nhạy cảm cần được nhận biết sớm và điều trị đúng cách

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Yếu sinh lý là thuật ngữ y khoa chỉ sự rối loạn chức năng tình dục của một cá nhân (thuộc cả hai giới nam và nữ) hay của một cặp nam nữ. Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của y học, bệnh lý này có thể chữa trị hoàn toàn. Tuy nhiên, đây là bệnh nhạy cảm, nên bệnh nhân thường có tâm lý che giấu và tự điều trị tại nhà. Do đó, khi thấy bản thân có triệu chứng yếu sinh lý nên đến các chuyên khoa uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Yếu sinh lý là gì? 

Yếu sinh lý là thuật ngữ y khoa bao hàm sự rối loạn của bất kỳ yếu tố nào trong hoạt động tình dục (gồm yếu tố thể chất và yếu tố tinh thần), bao gồm sự rối loạn về:

  • Khoái cảm về thể xác;

  • Ham muốn tình dục;

  • Sở thích, xu hướng về tình dục;

  • Sự kích thích hoặc cực khoái.

Một cá nhân được xem là yếu sinh lý nếu như những rối loạn tình dục có ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất kéo dài từ 6 tháng trở lên. Yếu sinh lý không bao gồm những trường hợp rối loạn tình dục tạm thời do ảnh hưởng của thuốc điều trị.

Các dạng yếu sinh lý bao gồm:

  • Rối loạn ham muốn tình dục: Bao gồm những trường hợp ham muốn tình dục suy giảm, mức độ ham muốn thấp hoặc không có.

  • Rối loạn hưng phấn: Bao gồm rối loạn cương dương, xuất tinh sớm (ở nam giới) và lãnh cảm (ở nữ giới).

  • Rối loạn cực khoái: Gặp khó khăn để đạt khoái cảm hoặc không đạt được khoái cảm.

  • Rối loạn đau: Rối loạn chức năng tình dục do đau khi quan hệ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của yếu sinh lý

Dấu hiệu yếu sinh lý phổ biến thường gặp ở nam giới bao gồm:

  • Rối loạn cương dương: Triệu chứng của tình trạng rối loạn này là dù có ham muốn tình dục nhưng dương vật cương không đủ cứng, cứng không đủ lâu hoặc cương cứng không đúng lúc.

  • Xuất tinh sớm: Xuất tinh sớm được tính khi dương vật đưa vào âm vật chỉ duy trì trong vòng 2 phút. Bên cạnh xuất tinh sớm thì trường hợp không thể xuất tinh, khó xuất tinh và xuất tinh ngược dòng cũng được xem là yếu sinh lý.

  • Giảm ham muốn tình dục là tình trạng không còn cảm giác rạo rực, hứng thú, thậm chí né tránh ân ái,  quan hệ tình dục một cách qua loa. 

  • Đau khi quan hệ: Dương vật không thể đạt được độ cương cứng, dẫn đến dương vật bị cong vẹo, gây đau đớn, mất khoái cảm khi giao hợp.

  • Không thỏa mãn sau khi xuất tinh: Đối với những người yếu sinh lý, thường gặp rắc rối về vấn đề xuất tinh, xuất tinh khó kiểm soát. Tình trạng cực khoái xảy ra ngắn ngủi, hoặc vừa đến đã kết thúc, gây cảm giác thất vọng, không thỏa mãn.  

Các dấu hiệu yếu sinh lý thường gặp ở nữ giới bao gồm:

  • Giảm ham muốn tình dục, ham muốn chuyện gối chăn. Nếu sinh lý phụ nữ yếu thì sẽ không còn hứng thú với quan hệ tình dục, đôi khi còn cố tình trốn tránh. 

  • Âm đạo tiết ra rất ít chất nhờn hoặc thậm chí còn không tiết ra chất nhờn khiến âm đạo bị khô, gây đau rát khi quan hệ tình dục, khó đạt được khoái cảm khi giao hợp.

  • Rối loạn kích dục, rối loạn cực khoái.

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, giảm hoặc không còn khả năng có con.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến yếu sinh lý

Yếu sinh lý xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm: 

  • Tuổi tác: Đối với nam theo thời gian, hormone sinh dục nam là testosterone sau tuổi 50 đã bắt đầu suy giảm. Điều này tác động đến hoạt động tình dục của nam giới, gây suy giảm ham muốn, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm… Phụ nữ tuổi mãn kinh nội tiết tố nữ estrogen bị giảm đi nhanh chóng khiến suy giảm ham muốn tình dục nhiều nhất. 

  • Mắc bệnh lý về chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, huyết áp cao… sẽ có tác động không nhỏ đến sinh lý. Ngoài ra, các bệnh lý  ở nam như teo tinh hoàn, ung thư tinh hoàn, … cũng tác động trực tiếp đến khả năng tình dục của nam giới. Các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nhiễm nấm âm đạo, viêm đường tiết niệu… cũng là nguyên nhân chính làm giảm khoái cảm ở nữ giới.

  • Các phẫu thuật ở cùng cột sống, vùng chậu và các vùng liên quan đến cơ quan sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), đều khiến sinh lý ở nam và nữ yếu đi do lo sợ tư thế và lực quan hệ ảnh hưởng đến vùng phẫu thuật. 

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc hạ huyết áp, một số loại thuốc lợi tiểu. 

  • Chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, thường xuyên sử dụng chất kích thích như: Cà phê, thuốc lá, ma túy… cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh lý của cả hai giới. 

  • Chế độ sinh hoạt không điều độ: Thói quen ít vận động, lạm dụng quan hệ tình dục, thường xuyên thủ dâm sẽ khiến dương vật và âm đạo hoạt động với tần suất cao, gây ra tình trạng xuất tinh sớm hoặc khô rát âm đạo.

  • Tâm lý căng thẳng: Thường xuyên chịu áp lực, mệt mỏi, sang chấn tâm lý từng bị lạm dụng tình dục… ảnh hưởng đến ham muốn tình dục hoặc có cái nhìn tiêu cực về tình dục.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải yếu sinh lý?

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trong đó, nhóm đối tượng dễ mắc phải là người lạm dụng chất kích thích, bị căng thẳng kéo dài, rối loạn nội tiết tố, chấn thương vùng xương chậu, mắc một số bệnh lý về tim mạch, dị tật ở bộ phận sinh dục,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải yếu sinh lý

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc yếu sinh lý, bao gồm:

  • Các yếu tố về tâm lý như trầm cảm, mặc cảm, chấn thương tâm lý liên quan đến tình dục trong quá khứ.

  • Rối loạn tình dục do lối sống không khoa học, lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, chất gây nghiện.

  • Các bệnh lý xương khớp, chấn thương lưng, tủy sống, các bệnh nội tiết (tuyến giáp, tuyến yên, thượng thận), thiếu hụt nội tiết (giảm testosterone, androgen, estrogen).

  • Dị tật bẩm sinh vùng sinh dục.

  • Ảnh hưởng của tuổi tác.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán yếu sinh lý

Thăm khám lâm sàng:

Hỏi thăm bệnh nhân về tiền sử dùng thuốc, thói quen sinh hoạt, tiền sử phẫu thuật chấn thương, tiền sử bệnh lý, tâm thần. Thăm khám nên tập trung vào bộ phận sinh dục và các dấu hiệu của rối loạn nội tiết, thần kinh, và mạch máu.

Bộ phận sinh dục được khám phát hiện các dị thường, dấu hiệu suy sinh dục. Ngoài ra, bác sĩ cũng nên tìm hiểu sự hài lòng của bệnh nhân với các mối quan hệ tình dục. 

Xét nghiệm:

Có thể xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone sinh dục và kiểm tra vấn đề về tuyến giáp, tiểu đường, cholesterol cao hay rối loạn gan. Đánh giá bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, cường prolactin, bệnh tuyến giáp và hội chứng Cushing cần được thực hiện dựa trên nghi ngờ lâm sàng.

Phương pháp điều trị yếu sinh lý hiệu quả

Điều trị ở nam giới

Điều trị tâm lý: Áp dụng khi bệnh nhân có các vấn đề về tâm lý gây ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động tình dục. Các biện pháp điều trị tâm lý tương đối phức tạp, thường kết hợp nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau.

Điều trị bằng thuốc hỗ trợ: Áp dụng liệu pháp hỗ trợ với Viagra, Cialis và Levitra giúp kích thích, hỗ trợ chức năng tình dục. Điều trị kết hợp bằng các loại thuốc tiêm giãn tĩnh mạch giúp cải thiện khả năng cương dương trong những trường hợp rối loạn liên quan đến khả năng cương.

Nếu điều trị bảo tồn thất bại, bệnh nhân có thể được chỉ định cấy ghép bộ phận giả dương vật hoặc các thiết bị cấy ghép khác nhằm mục đích hỗ trợ.

Điều trị ở nữ giới

Để điều tra yếu sinh lý nữ, bước đầu tiên là nên giảm stress, tạo tâm lý thoải mái bằng các biện pháp tâm lý, tư vấn hỗ trợ.

Điều trị nội khoa đối với các trường hợp suy giảm nội tiết tố nữ. Tùy thuộc vào tình trạng, mức độ thiếu hụt nội tiết tố của bạn thế nào mà bác sĩ sẽ kê đơn bổ sung estrogen tổng hợp hay bổ sung estrogen thảo dược.

Điều trị bằng các loại thuốc giảm đau trong trường hợp rối loạn chức năng tình dục do đau khi giao hợp. Sử dụng các sản phẩm hỗ trợ trong những trường hợp chức năng tình dục gặp trục trặc, khó khăn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của yếu sinh lý

Chế độ sinh hoạt:

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Điều chỉnh lối sống lành mạnh, rèn luyện thể chất thường xuyên. Việc luyện tập thể thao giúp tăng cường sự dẻo dai cho cơ thể, giúp máu được lưu thông tốt hơn, cải thiện khả năng sinh lý ở cả nam lẫn nữ giới.

  • Kiểm soát hạn chế căng thẳng: Hạn chế thức khuya, nên ngủ đủ giấc, kiểm soát stress bằng cách sắp xếp công việc khoa học, tránh làm việc quá sức. Giải tỏa căng thẳng bằng cách tham gia các hoạt động giải trí lành mạnh hoặc các phương pháp thư giãn như thiền, yoga để  giúp bản thân lấy lại cân bằng. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Thực phẩm nên ăn: Hải sản (tôm, cua, cá, hàu, ốc…), chocolate đen, dưa hấu, các loại hạt, trứng gà, củ dền, quả sung. 

  • Thực phẩm cần tránh: Đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ, thực phẩm chứa nhiều muối, đồ ngọt, chất kích thích, rượu bia, thuốc lá… 

Phương pháp phòng ngừa yếu sinh lý hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Sử dụng sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp phòng ngừa và hỗ trợ cải thiện tình trạng yếu sinh lý an toàn, hiệu quả.

  • Sinh hoạt tình dục an toàn với tần suất hợp lý, điều độ (2 - 3 lần/tuần).

  • Điều trị sớm các bệnh lý đường tiết niệu, bệnh chuyển hóa, xương khớp,...

Nguồn tham khảo
  1. Msdmanuals.com: https://www.msdmanuals.com/vi-vn/
  2. Wikipedia.org: https://vi.wikipedia.org/wiki/Y%E1%BA%BFu_sinh_l%C3%BD
  3. Nhs.uk: https://www.nhs.uk/conditions/erection-problems-erectile-dysfunction/

Các bệnh liên quan

  1. Suy giảm Testosterone

  2. Di tinh, mộng tinh

  3. Xuất tinh muộn

  4. Viêm tinh hoàn

  5. Ung thư tinh hoàn

  6. Tắc ống dẫn tinh

  7. Liệt dương

  8. Tăng tiết mồ hôi

  9. Rối loạn xuất tinh

  10. Ung thư dương vật