Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Fluticasone furoate: Thuốc xịt trị viêm mũi dị ứng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Fluticasone furoate 

Loại thuốc

Corticosteroid

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Hỗn dịch xịt mũi: 27,5 mcg fluticasone furoate/liều.
  • Thuốc bột để hít cố định liều: 250 mcg/liều, 100 mcg/liều.

Chỉ định

Người lớn và trẻ em trên 6 tuổi:

Dược lực học

Cơ chế tác dụng của các corticosteroid dùng tại chỗ là sự phối hợp 3 tính chất quan trọng: chống viêm, chống ngứa và tác dụng co mạch. 

Tác dụng của thuốc một phần do liên kết với thụ thể steroid. Các corticosteroid giảm viêm bằng cách làm ổn định màng lysosom của bạch cầu, ức chế tập trung đại thực bào trong các vùng bị viêm, giảm sự bám dính của bạch cầu với nội mô mao mạch, giảm tính thấm thành mao mạch, giảm các thành phần bổ thể, đối kháng tác dụng của histamin và sự giải phóng kinin từ các cơ chất, giảm tăng sinh các nguyên bào sợi, giảm lắng đọng colagen và sau đó giảm tạo thành sẹo ở mô.

Fluticasone furoate là một corticosteroid trifluorinated tổng hợp, có ái lực rất cao với thụ thể glucocorticoid và có tác dụng chống viêm mạnh.

Corticosteroid đã được chứng minh là có nhiều tác dụng trên nhiều loại tế bào (ví dụ như bạch cầu ái toan, đại thực bào, tế bào lympho) và chất trung gian (ví dụ như cytokine và chemokine liên quan đến viêm).

Động lực học

Hấp thu

Fluticasone furoate trải qua quá trình hấp thu không hoàn toàn, sinh khả dụng tuyệt đối ở đường mũi là 0,5 %.

Phân bố

Liên kết với protein huyết tương của fluticasone furoate lớn khoảng 99%. 

Fluticasone furoate được phân phối rộng rãi vào các mô trong cơ thể, thể tích phân bố ở trạng thái ổn định, trung bình là 608 lít.

Chuyển hóa

Fluticasone furoate được đào thải nhanh chóng (tổng độ thanh thải trong huyết tương là 58,7 lít/giờ) từ hệ tuần hoàn, chủ yếu do quá trình chuyển hóa ở gan thành chất chuyển hóa 17β-carboxylic không hoạt động bởi enzyme cytochrome P450 CYP3A4.

Con đường chuyển hóa chính là thủy phân chức năng S-fluoromethyl carbothioate để tạo thành chất chuyển hóa axit 17β-carboxylic.

Thải trừ

Thuốc fluticasone furoate được thải trừ chủ yếu qua mật.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Cần thận trọng khi dùng đồng thời fluticasone furoate với các chất ức chế CYP3A mạnh, bao gồm các sản phẩm chứa cobicistat, nếu cần thiết bệnh nhân phải được theo dõi về tác dụng phụ toàn thân chặt chẽ.

Không khuyến cáo dùng đồng thời với ritonavir vì nguy cơ tăng phơi nhiễm toàn thân của fluticasone furoate.

Chống chỉ định

  • Quá mẫn với fluticasone furoate hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Không sử dụng thuốc xịt mũi trong điều trị viêm mũi dị ứng cho trẻ em dưới 6 tuổi.
  • Không điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cho trẻ em dưới 18 tuổi và bệnh hen phế quản cho trẻ em dưới 12 tuổi.

Liều lượng & cách dùng

Cách dùng Fluticasone furoate

Dùng thuốc fluticasone furoate theo đường hít, nên được sử dụng vào cùng một thời điểm mỗi ngày. 

Nếu được bảo quản trong tủ lạnh, ống thuốc phải được để trở lại nhiệt độ phòng ít nhất một giờ trước khi sử dụng. Hạn sử dụng trong vòng 6 tuần kể từ ngày mở thuốc.

Lắc dụng cụ xông mũi trước khi dùng và vệ sinh thiết bị, thay nắp sau khi đã sử dụng xong.

Nếu mở nắp ống thuốc nhưng không sử dụng, liều thuốc sẽ bị mất. Liều đã mất sẽ được giữ an toàn bên trong ống hít, nhưng không còn khả dụng. Do đó, không có trường hợp dùng liều gấp đôi trong một lần hít.

Người lớn

Thuốc xịt mũi:

Điều trị viêm mũi dị ứng:

  • Liều khởi đầu: 2 nhát xịt (27,5 mcg/nhát xịt) vào mỗi bên mũi x 1 lần/ngày (tổng liều mỗi ngày là 110 mcg). 
  • Khi các triệu chứng đã được kiểm soát ổn định, giảm xuống liều duy trì 55 μ/ngày, 1 nhát xịt cho mỗi bên mũi. 

Thuốc dạng hít:

Điều trị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính: 

Liều khuyến cáo và liều tối đa là một lần hít với 100 mcg/ngày (với dạng bào chế có hàm lượng 92/65/22 mcg).

Điều trị hen hen phế quản:

Liều khởi đầu 100 mcg (với dạng bào chế có hàm lượng 92/22 mcg) mỗi ngày. Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, có thể cân nhắc tăng lên liều 250 mcg mỗi ngày. 

Trẻ em 

Dùng thuốc xịt mũi để điều trị viêm mũi dị ứng:

  • Trẻ từ 6 đến 11 tuổi: Liều khởi đầu: 1 nhát xịt (27,5 mcg/nhát xịt) vào mỗi bên mũi x 1 lần/ngày (tổng liều 55 mcg).
  • Nếu bệnh nhân không đáp ứng, 2 nhát xịt vào mỗi bên mũi x 1 lần/ngày, (tổng liều 110 mcg).
  • Hiệu quả có tác dụng ít nhất trong khoảng 8 giờ sau liều xịt khởi đầu. 
  • Khi đã kiểm soát được đầy đủ các triệu chứng, liều duy trì: 1 nhát xịt (27,5 mcg/nhát xịt) vào mỗi bên mũi x 1 lần/ngày (tổng liều 55 mcg).

Dùng thuốc theo đường hít:

  • Giống như liều chỉ định dành cho người lớn.
  • Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đối với trẻ từ 18 tuổi trở lên và bệnh hen suyễn đối với trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Đối tượng khác 

Không cần hiệu chỉnh liều fluticasone furoate đối với bệnh nhân cao tuổi, suy thận.

Sử dụng thận trọng cho bệnh nhân suy gan trung bình đến nặng, liều tối đa là 100 mcg (với dạng bào chế có hàm lượng 92/22 mcg).

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Chảy máu cam, lở loét mũi, nhức đầu, khó thở, viêm mũi, viêm họng.

Ít gặp 

Đau rát, khó chịu ở mũi (bao gồm nóng rát, kích ứng và đau nhức mũi), khô mũi.

Hiếm gặp

Phản ứng quá mẫn bao gồm phản vệ, phù mạch, phát ban và mày đay.

Thủng vách ngăn mũi.

Không xác định tần suất 

Chậm phát triển ở trẻ em. 

Thay đổi tầm nhìn thoáng qua, rối loạn thị giác, mắt mờ, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.

Gây co thắt phế quản, tăng đường huyết.

Lưu ý

Lưu ý chung

Súc họng bằng nước sau khi đã sử dụng ống hít, không được nuốt để làm giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ như đau miệng hoặc cổ họng.

Tác dụng phụ của corticoid toàn thân:

  • Cần thận trọng khi dùng fluticasone furoate cho những bệnh nhân bị bệnh tim mạch nặng hoặc có bất thường trên nhịp tim, bệnh nhân bị nhiễm độc giáp, có hạ kali máu không điều chỉnh được hoặc có sẵn tiền sử có nồng độ kali huyết thanh thấp.
  • Tác dụng toàn thân của corticosteroid đường mũi có thể xảy ra, đặc biệt ở liều cao, được kê đơn trong thời gian dài có thể dẫn đến ức chế tuyến thượng thận đáng kể. Nếu có bằng chứng về việc đang sử dụng thuốc ở liều cao hơn khuyến cáo, xem xét dùng thêm liều corticosteroid toàn thân.
  • Mặc dù liều 110 mcg/ngày không có khả năng ức chế trục hạ đồi - tuyến yên – tuyến thượng thận nhưng liều dùng duy trì hằng ngày luôn phải được giảm xuống liều thấp nhất để duy trì hiệu quả đáp ứng.
  • Cẩn trọng tác dụng phụ toàn thân khi sử dụng phối hợp các thuốc corticosteroid và khi chuyển bệnh nhân từ điều trị steroid toàn thân sang fluticasone furoate.
  • Theo dõi thường xuyên sự tăng trưởng của trẻ em, nếu tăng trưởng chậm lại, xem xét giảm xuống liều thấp nhất để duy trì hiệu quả, kiểm soát được các triệu chứng.
  • Bệnh nhân sử dụng fluticasone furoate trên vài tháng hoặc lâu hơn cần được khám định kỳ để ngừa nhiễm nấm candida hoặc ngừa các tác dụng phụ khác có thể xảy ra trên niêm mạc mũi.
  • Do tác dụng ức chế của corticosteroid lên các vết thương nên đối với những bệnh nhân bị loét mũi, có phẫu thuật mũi hoặc chấn thương mũi gần đây không nên sử dụng thuốc xịt mũi cho đến khi vết thương đã lành.
  • Không sử dụng để điều trị các cơn co thắt phế quản cấp tính hoặc để điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). 
  • Trong quá trình điều trị bệnh hen phế quản, các cơn co thắt phế quản nghịch thường có thể xảy ra kèm theo triệu chứng thở khò khè sau khi dùng thuốc, nên được điều trị ngay lập tức bằng thuốc giãn phế quản dạng hít tác dụng nhanh.
  • Thận trọng ở bệnh nhân lao phổi hoặc bệnh nhân bị nhiễm trùng mãn tính.
  • Bệnh nhân không nên ngừng điều trị khi không có sự giám sát của bác sĩ vì các triệu chứng có thể tái phát lại.
  • Nếu trong quá trình điều trị mà tình trạng bệnh không cải thiện hoặc xấu đi, cần tiến hành đánh giá lại tình trạng của bệnh nhân và phác đồ điều trị.

Rối loạn thị giác:

  • Rối loạn thị giác có thể xảy ra khi sử dụng corticosteroid toàn thân và tại chỗ. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng như nhìn mờ hoặc các rối loạn thị giác khác, bệnh nhân cần đến bác sĩ nhãn khoa để đánh giá các biến chứng có thể xảy ra, bao gồm đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Không có dữ liệu đầy đủ về việc sử dụng fluticasone furoate ở phụ nữ có thai. Trong các nghiên cứu trên động vật, glucocorticoid đã được chứng minh là gây ra dị tật bao gồm hở hàm ếch và chậm phát triển thai nhi.
  • Fluticasone furoate chỉ nên được sử dụng trong thai kỳ khi cân nhắc lợi ích cho người mẹ lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi hoặc trẻ em.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

  • Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu cho biết liệu fluticasone furoate dùng qua đường mũi có bài tiết vào sữa mẹ hay không. Chỉ nên cân nhắc sử dụng fluticasone furoate cho phụ nữ đang cho con bú nếu lợi ích cho mẹ lớn hơn bất kỳ nguy cơ nào có thể xảy ra đối với trẻ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

  • Thuốc xịt đường mũi không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều Fluticasone furoate và xử trí

Đối với thuốc dạng xịt mũi điều trị viêm dị ứng: Nếu quên một liều, dùng liều bổ sung ngay khi nhớ ra. Nếu gần thời điểm liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và tiếp tục như điều trị bình thường. Không bù liều quên bằng liều gấp đôi.

Đối với bệnh nhân đang điều trị hen phế quản hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Nếu bỏ lỡ một liều, liều tiếp theo nên được hít vào thời điểm thông thường vào ngày hôm sau.

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Chưa có báo cáo về việc sử dụng quá liều xịt mũi, có thể có triệu chứng sưng nề mũi.

Sử dụng quá liều điều trị hen suyễn hoặc COPD gây nặng nề thêm triệu chứng của các dụng phụ có thể có do corticosteroid hoặc thuốc kháng β2.

Cách xử lý khi quá liều

Báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn. Không có thuốc giải độc đặc hiệu đối với fluticasone furoate.  Bệnh nhân nên được điều trị triệu chứng cùng với sự theo dõi chặt chẽ.

Cân nhắc sử dụng thuốc chẹn beta chọn lọc trên tim khi có tình trạng quá liều vilanterol nghiêm trọng, không đáp ứng với các biện pháp hỗ trợ.

Nguồn tham khảo