Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Risperidone: Thuốc chống loạn thần

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Risperidone (Risperidon).

Loại thuốc

Thuốc chống loạn thần.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nén 1 mg, 2 mg, 3 mg, 4 mg.
  • Dung dịch uống 1 mg/ml.
  • Hỗn dịch uống 1 mg/ml.
  • Bột pha hỗn dịch tiêm 25 mg; 37,5 mg; 50 mg.

Chỉ định

Thuốc Risperidone chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị bệnh tâm thần phân liệt.

  • Điều trị giai đoạn hưng cảm vừa đến nặng liên quan đến rối loạn lưỡng cực.

  • Điều trị ngắn hạn (khoảng 6 tuần) hành vi gây hấn dai dẳng ở bệnh nhân sa sút trí tuệ vừa đến nặng do bệnh Alzheimer mà không đáp ứng với các biện pháp không dùng thuốc và có nguy cơ gây hại cho bản thân hoặc người khác.

  • Điều trị ngắn hạn (khoảng 6 tuần) hành vi gây hấn kéo dài do rối loạn hành vi ở trẻ em từ 5 tuổi trở lên và thanh thiếu niên có trí tuệ dưới mức trung bình hoặc có chậm phát triển được chẩn đoán theo tiêu chí DSM-IV, trong đó mức độ nặng của các hành vi gây hấn hay rối loạn khác đòi hỏi phải dùng thuốc.

Dược lực học

Risperidone là một chất đối kháng monoaminergic chọn lọc.

Thuốc có ái lực cao với các thụ thể serotoninergic 5-HT2 và dopaminergic D2. Risperidone cũng liên kết với các thụ thể alpha 1-adrenergic, có ái lực thấp với histamin H1 và alpha 2-adrenergic.

Mặc dù Risperidone là một thuốc đối kháng mạnh với D2, được coi là cải thiện các triệu chứng dương tính của bệnh tâm thần phân liệt, nhưng thuốc  ít gây ức chế hoạt động về vận động và ít gây chứng giữ nguyên tư thế hơn so với thuốc chống loạn thần cổ điển.

Sự đối kháng cân bằng giữa serotonin và dopamine có thể làm giảm nguy cơ tác dụng phụ ngoại tháp và mở rộng hoạt tính điều trị đối với các triệu chứng âm tính và cảm xúc của bệnh tâm thần phân liệt.

Động lực học

Hấp thu

Risperidone được hấp thu tốt khi uống. Thức ăn không ảnh hưởng đến tốc độ hoặc mức độ hấp thu. 

Phân bố

Thể tích phân bố: 1 - 2 L/kg. Risperidone liên kết với albumin và alpha 1- acid glycoprotein. Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương của Risperidone là 90% và 9-hydroxy-risperidone là 77%.

Chuyển hóa

Risperidone được chuyển hóa bởi CYP 2D6 thành 9-hydroxy-risperidone có hoạt tính dược lý tương tự như Risperidone. Một con đường chuyển hóa khác của Risperidone là N-dealkylation. 

Thải trừ

Một tuần sau khi dùng, 70% liều dùng được thải trừ qua nước tiểu và 14% qua phân. Phần còn lại là các chất chuyển hóa không có hoạt tính.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

  • Thận trọng khi kê đơn Risperidone với các thuốc có thể kéo dài khoảng QT như thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc chống trầm cảm ba vòng/ bốn vòng, anti-histamine, thuốc chống loạn thần khác, thuốc trị sốt rét, thuốc gây mất cân bằng điện giải...

  • Risperidone có thể làm tăng tác dụng của thuốc chống tăng huyết áp. 

  • Risperidone có thể đối kháng với tác dụng của levodopa và thuốc chủ vận dopamin. 

  • Sử dụng lâu dài carbamazepine hoặc clozapine cùng với Risperidone có thể làm tăng tác dụng của Risperidone . 

  • Risperidone được chuyển hoá chủ yếu qua CYP 2D6 và một phần qua CYP 3A4. Đồng thời Risperidone và chất chuyển hoá 9-hydroxy-risperidone đều là chất nền của P-glycoprotein, vì vậy thuốc tác động vào các enzyme kể trên và P-gp đều ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị của  Risperidone.

Tương tác với thực phẩm 

Risperidone và rượu đều ảnh hưởng lên thần kinh trung ương (chủ yếu là tác dụng an thần), nên không được uống rượu trong thời gian điều trị bằng thuốc.

Chống chỉ định

Chống chỉ định dùng thuốc ở bệnh nhân quá mẫn với Risperidone hoặc chất chuyển hoá là Paliperidone.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Bệnh tâm thần phân liệt

Đường uống:

  • Liều khởi đầu: 2 mg/ngày, có thể tăng lên 4 mg vào ngày thứ 2 tuỳ đáp ứng của bệnh nhân.
  • Liều duy trì: 4 - 6 mg/ngày chia thành 1 - 2 lần.

Đường tiêm bắp:

  • Liều khởi đầu: 25 mg/lần x 2 tuần/lần. 
  • Liều duy trì: 25 - 50 mg/lần x 2 tuần/lần (> 4 tuần tăng liều một lần)
  • Liều tối đa: 50 mg/lần x 2 tuần/lần.

Các giai đoạn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực

  • Liều khởi đầu: 2 mg x 1 lần/ngày.
  • Liều duy trì: 1 - 6 mg x 1 lần/ngày, mỗi lần tăng 1 mg/ngày.

Hành vi gây hấn kéo dài ở bệnh nhân sa sút trí tuệ vừa đến nặng do Alzheimer

  • Liều khởi đầu: 0,25 mg x 2 lần/ngày. 
  • Liều tối ưu: 0,5 mg x 2 lần/ngày. 
  • Có thể chỉ định liều 1 mg x 2 lần /ngày cho một số bệnh nhân.

Không điều trị bằng Risperidone quá 6 tuần.

Người cao tuổi

Bệnh tâm thần phân liệt

Đường uống:

  • Liều khởi đầu: 0,5 mg x 2 lần/ngày.
  • Liều duy trì: 1 - 2 mg x 2 lần/ngày, mỗi lần tăng 0,5 mg/lần uống. 

Đường tiêm bắp:

  • Liều lượng giống người lớn.

Các giai đoạn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực

  • Liều khởi đầu: 0,5 mg x 2 lần/ngày. 
  • Liều duy trì: 1 - 2 mg x 2 lần/ngày, mỗi lần tăng 0,5 mg /lần uống.  

Trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 đến 18 tuổi

Rối loạn hành vi

 

Liều khởi đầu

Liều duy trì

Liều tối ưu

≥ 50 kg

0,5 mg x 1 lần/ngày

0,5 - 1,5 mg x 1 lần/ngày

(tăng 0,5 mg/lần/ngày)

0,5 mg x 1 lần/ngày

< 50 kg

0,25 mg x 1 lần/ngày

0,25 - 0,75 mg x 1 lần/ngày

(tăng 0,25 mg/lần/ngày)

0,5 mg x 1 lần/ngày

Bệnh nhân suy thận, suy gan

Giảm nửa liều khởi đầu cũng như liều duy trì và tăng liều chậm hơn so với người bình thường trong bất cứ chỉ định nào. 

Bệnh nhân đã uống Risperidone trên 2 tuần và cần đổi sang đường tiêm bắp 

Liều uống

Liều tiêm bắp

≤ 4 mg/ngày

25 mg x 2 tuần/lần

> 4 mg/ngày

37,5 mg x 2 tuần/lần

Cách dùng

Dạng viên/ dung dịch/ hỗn dịch uống: 

Thức ăn không ảnh hưởng đến sự hấp thu qua đường tiêu hóa của Risperidone. Vì vậy có thể uống lúc no hay đói, tuy nhiên không được uống với nước ngọt, cola, nước chè. Nếu buồn ngủ nhiều, uống một lần vào lúc đi ngủ. 

Hỗn dịch tiêm:

  • Risperidone dùng đường tiêm bắp (không được tiêm tĩnh mạch).
  • Tiêm sâu vào cơ mông 2 tuần/ lần và phải đổi vị trí mỗi lần tiêm.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Chóng mặt, tăng kích thích, lo âu, ngủ gà, triệu chứng ngoại tháp, nhức đầu, hội chứng Parkinson, táo bón, buồn nôn, nôn, khó tiêu, đau bụng, chán ăn, tăng tiết nước bọt, đau răng, viêm mũi, ho, viêm xoang, viêm họng, khó thở, ban da, da khô, tăng tiết bã nhờn, đau khớp, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp tư thế, nhìn mờ, đau lưng, đau ngực, sốt, mệt mỏi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, loạn chức năng sinh dục...

Hiếm gặp

Giảm tập trung, trầm cảm, lãnh đạm, tăng trương lực, mất trí nhớ, nói khó, chóng mặt, dị cảm, lú lẫn, đầy hơi, tiêu chảy, tăng ngon miệng, viêm miệng, phân đen, khó nuốt, trĩ, viêm dạ dày, co thắt phế quản, viêm phổi, tăng hoặc giảm ra mồ hôi, rụng tóc, tăng/ giảm huyết áp, phù, block nhĩ thất, nhồi máu cơ tim, rối loạn điều tiết, khô mắt, giảm natri huyết...

Lưu ý

Lưu ý chung

Bệnh nhân cao tuổi mất trí nhớ: Risperidone gây tăng tỷ lệ tử vong ở người cao tuổi bị mất trí nhớ, đặc biệt ở bệnh nhân dùng đồng thời Furosemide và Risperidone . 

Tác dụng không mong muốn lên mạch máu não: Thận trọng với những bệnh nhân có nguy cơ bị đột quỵ. Không chỉ định Risperidone cho bệnh nhân bị sa sút trí tuệ không do Alzheimer.

Hạ huyết áp tư thế: Hạ huyết áp tư thế thường xảy ra trong thời gian chỉnh liều ban đầu, đặc biệt khi sử dụng đồng thời Risperidone và thuốc điều trị tăng huyết áp. Vì vậy cần thận trọng ở bệnh nhân có bệnh tim mạch, điều chỉnh liều từ từ và giảm liều nếu bị hạ huyết áp.

Giảm bạch cầu: Bệnh nhân có tiền sử giảm bạch cầu do thuốc cần được theo dõi trong các tháng điều trị đầu tiên. Nên ngưng Risperidone nếu bị giảm bạch cầu không do nguyên nhân khác.

Rối loạn vận động muộn / triệu chứng ngoại tháp: Nếu xuất hiện triệu chứng rối loạn vận động muộn như cử động nhịp nhàng không tự chủ, chủ yếu ở lưỡi và/hoặc mặt, nên ngưng tất cả các thuốc chống loạn thần.

Hội chứng ác tính do thuốc an thần: Ngưng sử dụng Risperidone nếu có triệu chứng tăng thân nhiệt, cứng cơ, bất ổn thần kinh thực vật, thay đổi ý thức và tăng creatin phosphokinase huyết thanh. 

Bệnh Parkinson và sa sút trí tuệ thể Lewy: Cân nhắc khi sử dụng Risperidone cho bệnh nhân mắc bệnh Parkinson hay sa sút trí tuệ thể Lewy. Bệnh Parkinson có thể xấu đi khi dùng Risperidone . Biểu hiện của tăng độ nhạy này có thể bao gồm nhầm lẫn, mất tri giác, tư thế không ổn định té ngã thường xuyên, các triệu chứng ngoại tháp.

Tăng đường huyết và bệnh đái tháo đường: Thường xuyên theo dõi đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh.

Tăng cân: Risperidon có thể gây tăng cân.

Tăng prolactin máu: Thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử tăng prolactin máu hoặc có khối u phụ thuộc prolactin.

Kéo dài khoảng QT: Thận trọng khi chỉ định Risperidone cho bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch, tiền sử gia đình có khoảng QT kéo dài, nhịp tim chậm, hoặc rối loạn điện giải (hạ kali/ magne máu)

Động kinh: Thận trọng ở những bệnh nhân có tiền sử động kinh hoặc có nguy cơ bị co giật.

Chứng cương dương: Có thể xảy ra khi điều trị với Risperidone.

Điều hòa thân nhiệt: Bệnh có thể bị tăng thân nhiệt khi tập thể dục nặng, tiếp xúc với nhiệt độ cực cao, điều trị đồng thời với thuốc kháng acetylcholin, hoặc đang bị mất nước.

Chống nôn: Tác dụng chống nôn của Risperidone có thể che lấp triệu chứng quá liều của các thuốc đang dùng hoặc tình trạng tắc nghẽn hệ tiêu hóa, hội chứng Reye và u não.

Huyết khối tĩnh mạch: Risperidone có thể gây tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Hội chứng mềm mống mắt trong phẫu thuật: Tác dụng đối vận alpha 1-adrenergic của Risperidone có thể ảnh hưởng đến thuốc dùng trong phẫu thuật nhãn khoa.

Trẻ em: Không khuyến cáo chỉ định Risperidone cho trẻ em dưới 5 tuổi trong điều trị rối loạn hành vi và trẻ em dưới 18 tuổi cho các chỉ định khác.

Risperidone có thể ảnh hưởng khả năng học tập. Liều lượng thuốc được tính trên cân nặng. 

Cần theo dõi thường xuyên chiều cao, cân nặng, sự trưởng thành sinh dục, chu kỳ kinh nguyệt, và các ảnh hưởng khác liên quan đến prolactin ở trẻ em.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Phân loại thai kỳ: C

Không dùng Risperidone  cho người trong thời kỳ mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Người đang dùng Risperidone không nên cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Risperidone có thể làm rối loạn khả năng phán đoán, suy nghĩ và kỹ năng vận động, vì vậy không nên lái xe hoặc vận hành máy móc trong thời gian điều trị.

Quá liều

Quá liều Risperidone và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng quá liều thường gặp: Buồn ngủ, an thần, nhịp tim nhanh và hạ huyết áp. Hoặc nghiêm trọng hơn như kéo dài khoảng QT, co giật, và ngừng tim - hô hấp.

Cách xử lý khi quá liều

Không có thuốc giải độc đặ hiệu cho Risperidone.

Duy trì hô hấp của bệnh nhân, đảm bảo đủ oxy và thông khí. Liên tục theo dõi điện tâm đồ để phát hiện các rối loạn nhịp tim có thể xảy ra.

Trong vòng một giờ sau khi dùng thuốc, có thể rửa dạ dày và dùng than hoạt cùng với thuốc nhuận tràng. 

Nếu bệnh nhân bị tụt huyết áp và trụy tuần hoàn cần truyền dịch tĩnh mạch và / hoặc thuốc cường giao cảm. Chỉ định thuốc kháng cholinergic nếu có các triệu chứng ngoại tháp nghiêm trọng.

Quên liều và xử trí

Uống thuốc càng sớm càng tốt, nhưng bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian dùng liều tiếp theo. Không dùng hai liều cùng một lúc.

Nguồn tham khảo