Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Ai dễ mắc bệnh lao? Phát hiện sớm và điều trị bệnh lao như thế nào?

Ngày 20/07/2024
Kích thước chữ

Lao là căn bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm bởi khả năng lây lan nhanh chóng. Bệnh có thể gặp ở bất cứ ai nhưng một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Vậy ai dễ mắc bệnh lao? Phát hiện và điều trị bệnh lao như thế nào? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết về bệnh lao trong bài viết dưới đây.

Bệnh lao nằm trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Theo thống kê, mỗi năm có tới hơn 1 triệu người tử vong vì bệnh lao và khoảng 10 triệu người nhiễm bệnh mới. Đây không phải là bệnh lý xa lạ nhưng rất nhiều người chưa hiểu rõ về căn bệnh này. Trong đó, những ai dễ mắc bệnh lao là thắc mắc hàng đầu hiện nay.

Tìm hiểu chung về bệnh lao

Bệnh lao là gì?

Lao hay TB là bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis gây ra. Trực khuẩn lao có thể tấn công nhiều cơ quan trên cơ thể như phổi, da, xương, hạch, màng não, màng bụng,... Trong đó, lao phổi hay ho lao là dạng bệnh lao thường gặp nhất chiếm tới 85%.

Ai dễ mắc bệnh lao? Phát hiện sớm và điều trị bệnh lao như thế nào? 1
Bệnh lao gây ra bởi trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis

Bệnh lao trở thành nỗi ám ảnh của toàn thế giới bởi khả năng lây lan dễ dàng từ người sang người thông qua không khí. Người bị bệnh lao khi ho, hắt hơi, khạc nhổ sẽ phát tán mầm bệnh vào không khí, chúng ta chỉ cần vô tình hít phải một vài vi khuẩn lao trong số đó sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh lao tại phổi. Bệnh lao có tỷ lệ tử vong rất cao nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Nhiều người cho rằng chỉ những ai dễ mắc bệnh lao mới cần phòng ngừa. Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm bởi chúng ta đều có nguy cơ nhiễm bệnh.

Nguyên nhân gây ra bệnh lao

Trực khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis chính là nguyên nhân gây ra căn bệnh này. Loại trực khuẩn này có hình dạng mảnh, hơi cong, không có vỏ, không có lông và không có nha bào. Nó có thể sống trong đờm, rác ẩm, nơi không có ánh sáng trong nhiều tuần và chết ở nhiệt độ 1000 độ C trong 5 phút. Dưới ánh nắng mặt trời, trực khuẩn lao cũng dễ bị mất khả năng hoạt động. Trực khuẩn lao có sức đề kháng cao với điều kiện khô, kháng cồn và axit với nồng độ có thể diệt được các loại vi khuẩn khác. Vì thế, nó có thể tồn tại trong đờm khô tới 2 tháng.

Trực khuẩn lao thường lây truyền qua đường không khí từ người này sang người khác thông qua hành động ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện,... Khi hít phải mầm bệnh lao, chúng sẽ bám vào phổi và bắt đầu phát triển, di chuyển qua máu tới các bộ phận khác trên cơ thể.

Phân loại và dấu hiệu nhận biết bệnh lao

Bệnh lao được phân loại thành 2 nhóm chính gồm lao tiềm ẩn và lao hoạt động. Trong đó, lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể đã nhiễm trực khuẩn lao nhưng chúng chỉ tồn tại trong cơ thể mà không hoạt động hay sinh trưởng gây bệnh do sự khống chế của hệ thống miễn dịch. Lúc này, cơ thể cũng không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng hay cận lâm sàng nào. Tuy nhiên, bệnh lao sẽ bùng phát từ thể tiềm ẩn sang lao hoạt động nếu sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm.

Ai dễ mắc bệnh lao? Phát hiện sớm và điều trị bệnh lao như thế nào? 2
Người bị bệnh lao thường bị ho nhiều, thậm chí ho ra máu

Bệnh lao hoạt động có thể gặp ở tất cả các bộ phận trên cơ thể. Tùy vào vị trí, bệnh lao có thể được chia ra bệnh lao phổi và bệnh lao ngoài phổi. Lao phổi là bệnh lao hoạt động phổ biến nhất cũng là nguồn lây nhiễm chính ra cộng đồng. Trái ngược với lao tiềm ẩn, người bị lao hoạt động sẽ xuất hiện các dấu hiệu điển hình như ho nhiều, ho ra máu, sốt, sụt cân, khó thở, biếng ăn, đau ngực, đổ mồ hôi đêm,... Đồng thời, các xét nghiệm cận lâm sàng cũng cho thấy có trực khuẩn lao đang hoạt động.

Ai dễ mắc bệnh lao?

Bất cứ ai cũng có thể trở thành nạn nhân của căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này. Tuy nhiên, một số người có các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh hơn so với người khác. Nắm vững kiến thức về bệnh lao cũng như những ai dễ mắc bệnh lao sẽ giúp chúng ta có cách phòng tránh hiệu quả hơn.

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn người bình thường:

  • Người nhiễm lao tiềm ẩn.
  • Người từng tiếp xúc với người bị bệnh lao. Đặc biệt người sống chung với người bệnh trong không gian sinh hoạt chật hẹp, không thông thoáng.
  • Người bị suy dinh dưỡng, trẻ nhỏ và người cao tuổi.
  • Người có hệ miễn dịch suy yếu như người bị bệnh HIV/AIDS, tiểu đường, bệnh thận, ung thư,...
  • Người đang dùng các loại thuốc chống thải ghép sau khi cấy ghép tạng.
  • Người dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến, bệnh Crohn,...
  • Nhân viên y tế đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và điều trị cho người bệnh lao.
  • Người sinh sống ở những nơi ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh.
  • Người nghiện rượu, bia, thuốc và sử dụng chất kích thích.
Ai dễ mắc bệnh lao? Phát hiện sớm và điều trị bệnh lao như thế nào? 3
Người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ bị bệnh lao cao

Các phương pháp điều trị bệnh lao

Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm và được điều trị đúng phác đồ. Phác đồ điều trị lao phổi phổ biến hiện nay là dùng kháng sinh kết hợp trong tối thiểu 6 tháng. Bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và bệnh lý của từng người bệnh. Việc điều trị sớm không chỉ giúp tăng hiệu quả điều trị mà còn giúp giảm nguy cơ biến chứng. Ngoài ra, những người bị bệnh lao phổi phải được đăng ký điều trị và theo dõi suốt quá trình điều trị.

Để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, người bệnh cần tuân thủ 3 nguyên tắc khi điều trị bệnh lao bao gồm:

  • Dùng thuốc đúng phác đồ.
  • Dùng thuốc đủ thời gian.
  • Dùng thuốc đều đặn theo chỉ dẫn. Tuyệt đối không bỏ thuốc khiến gián đoạn việc điều trị.

Trên đây là những thông tin chi tiết về bệnh lao và những ai dễ mắc lao. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này. Từ đó chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt với những người có nguy cơ dễ mắc bệnh lao.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin