Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trực khuẩn lao là gì? Những điều cần biết về trực khuẩn lao

Ngày 14/11/2023
Kích thước chữ

Bệnh lao là một bệnh lý nguy hiểm tác động trực tiếp đến đường hô hấp và tiềm ẩn nhiều biến chứng. Tác nhân chủ yếu gây nên căn bệnh này là trực khuẩn lao. Vậy trực khuẩn lao là gì? Cần làm gì để phòng ngừa trực khuẩn lao hiệu quả? Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Trực khuẩn lao là loại vi khuẩn có khả năng lây lan nhanh chóng qua không khí, tấn công hệ thống hô hấp và là tác nhân chính gây ra căn bệnh lao phổi. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, chúng ta cần hiểu rõ thông tin về loại vi khuẩn nguy hiểm này để có các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Theo dõi bài viết dưới đây để biết thêm chi tiết.

Tìm hiểu về bệnh lao phổi

Bệnh lao là gì?

Bệnh lao hay còn gọi là lao phổi, là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn lao gây ra, thường tấn công chủ yếu vào đường hô hấp. Bệnh này có khả năng lây nhiễm cao khi người bệnh chưa được điều trị, nhất là khi người bệnh có biểu hiện sốt, ho nhiều, ho có đờm,... Vì vậy, rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa bệnh lao và cảm thông thường.

Trực khuẩn lao là gì? Những điều cần biết 1
Bệnh lao là một bệnh lý thường gặp liên quan đến đường hô hấp

Bệnh lao có thể phát tác nhanh hơn nếu người bệnh có hệ miễn dịch bị suy yếu, đặc biệt là khi họ mắc các bệnh như HIV, ung thư hoặc đang trong giai đoạn điều trị, hóa trị. Bệnh lao ảnh hưởng nhiều nhất đến hệ thống hô hấp, tuy nhiên, nó còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm lên các cơ quan như hạch bạch huyết, xương, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa và tim mạch.

Triệu chứng của bệnh lao phổi

Bệnh lao có triệu chứng khá giống với ho do cảm cúm hoặc viêm họng thông thường, vì vậy, để nhận biết dấu hiệu bệnh lao, người bệnh cần quan sát kĩ tình trạng cơ thể cũng như đến thăm khám tại bệnh viện. Các triệu chứng phổ biến có thể là:

  • Ho khan, ho có đờm, ho ra máu với thời gian dài (hơn 3 tuần).
  • Cảm giác đau ngực, khó thở xuất hiện nhiều hơn.
  • Thường xuyên mệt mỏi, ớn lạnh.
  • Sốt nhẹ.
  • Chán ăn và giảm sút cân nặng nhanh chóng.

Trực khuẩn lao - nguyên nhân chủ yếu gây bệnh lao phổi

Trực khuẩn lao, hay có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis, là thành viên của giống Mycobacterium thuộc họ Mycobacteriaceae. Trong giống này có tổng cộng 71 loài, trong đó chỉ một số ít gây bệnh ở người và động vật. Robert Koch đã thành công trong việc phân lập vi khuẩn lao vào năm 1882, và sau đó, sự xuất hiện của hai loại thuốc là Streptomycin vào năm 1946 và Rimifon vào năm 1952 đã làm giảm tỷ lệ mắc bệnh lao.

Trực khuẩn lao là gì? Những điều cần biết 2
Trực khuẩn lao là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lao phổi

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh lao đang bùng phát mạnh mẽ và gặp khó khăn trong quá trình điều trị, chủ yếu là do sự xuất hiện của vi khuẩn lao kháng thuốc, chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng.

Nguyên nhân chính khiến trực khuẩn lao lây truyền từ người sang người là do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ đường hô hấp của người bệnh, chẳng hạn như ho, hắt hơi, nói chuyện,... Khi người bệnh ho, hắt hơi, các hạt vi khuẩn lao có thể phát tán ra không khí và xâm nhập vào cơ thể người lành qua đường hô hấp.

Đặc điểm của trực khuẩn lao

Trực khuẩn lao là loại vi khuẩn ưa khí, có thể tồn tại ở nhiệt độ lý tưởng là 37 độ C. Trong môi trường nuôi cấy giàu chất dinh dưỡng Lowenstein-Jensen, gồm chủ yếu khoai tây, lòng đỏ trứng gà, asparagine, glycerin 0,75%, vi khuẩn lao mất khoảng 4 - 6 tuần để hình thành khuẩn lạc điển hình, do tốc độ phân chia chậm là 18 giờ/lần.

Vi khuẩn lao thích ứng tốt trong môi trường khô hanh. Trong đờm, chúng có thể tồn tại vài tuần, trong đờm khô thậm chí có thể kéo dài đến 2 tháng. Hóa chất diệt vi khuẩn lao cần được sử dụng ở nồng độ cao, và thời gian tiếp xúc phải đủ lâu, bao gồm Crezyl 5%, phenol 5%, lysol 3%, và Formol 3 - 8%.

Biện pháp phòng bệnh lao hiệu quả

Để ngăn chặn sự xâm nhập của trực khuẩn lao cũng như sự lây lan của bệnh lao trong cộng đồng, mọi người nên thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Tiêm phòng lao: Đây là cách tối ưu nhất để bảo vệ bản thân khỏi vi khuẩn lao. Vắc xin phòng bệnh lao có khả năng kích thích cơ thể tạo ra kháng thể, tăng cường hệ miễn dịch để phòng ngừa bệnh lao. Việc tiêm phòng lao đặc biệt quan trọng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Sử dụng khẩu trang: Khi ra khỏi nhà hoặc tiếp xúc với người bệnh lao phổi, cần đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh lao cũng như các bệnh đường hô hấp khác.
  • Không chia sẻ đồ dùng cá nhân: Tránh việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người bệnh để ngăn chặn việc truyền nhiễm trực khuẩn lao.
  • Lối sống lành mạnh: Thực hiện lối sống lành mạnh bao gồm ăn uống hợp lý, đảm bảo giấc ngủ, tập thể dục đều đặn và tránh sử dụng chất gây nghiện như ma túy, rượu bia, thuốc lá.
  • Vệ sinh không gian sống: Duy trì sự sạch sẽ tại nơi ở và làm việc, đồng thời thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để chủ động phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Tận dụng ánh nắng mặt trời: Tiêu diệt vi khuẩn tại nơi sinh hoạt và vật dụng của người bệnh bằng cách sử dụng ánh nắng mặt trời.
Trực khuẩn lao là gì? Những điều cần biết 3
Tiêm phòng lao là biện pháp phòng ngừa bệnh lao hiệu quả nhất, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Hy vọng qua bài viết trên, mọi người đã có cái nhìn tổng quan hơn về trực khuẩn lao, bệnh lao cũng như các biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả, an toàn. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý sẽ góp phần tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể. Hơn nữa, việc thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ và duy trì vệ sinh không gian sống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin