Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Ăn lựu có nên ăn hạt không? Một số điều cần lưu ý khi ăn lựu

Ngày 26/02/2023
Kích thước chữ

Lựu là loại quả rất tốt cho sức khỏe. Loại quả này nổi tiếng là thực phẩm chống oxy hóa hiệu quả. Vậy khi ăn lựu có nên ăn hạt không? Cách ăn quả lựu như thế nào để tốt cho sức khỏe?

Lựu là một trong những loại trái cây cung cấp vitamin và khoáng chất rất tốt cho sức khỏe. Trong quả lựu chứa nhiều chất xơ và hợp chất thực vật giúp ngừa các bệnh mãn tính. Tuy nhiên, vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh việc ăn lựu có nên ăn hạt không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp chính xác cho bạn về cách ăn lựu đúng.

Lợi ích của quả lựu đối với sức khỏe

Quả lựu ít calo và là nguồn cung cấp chất xơ cực tốt cho cơ thể. Hàm lượng kali, photpho, magie, canxi trong lựu rất dồi dào. Đặc biệt chất polyphenol của lựu có đặc tính chống oxy hoá và chống viêm. Dưới đây là một số lợi ích tuyệt vời của lựu đối với sức khỏe.

Chống viêm khớp và đau khớp

Viêm khớp là một bệnh lý khá phổ biến ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Các hợp chất thực vật trong quả lựu có tác dụng chống viêm, từ đó có thể giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp. Các nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ ​​quả lựu có thể ngăn chặn các enzyme gây tổn thương khớp ở những người bị viêm xương khớp, giảm tình trạng viêm khớp dạng thấp.

Ăn lựu có tác dụng gì tốt? Ăn lựu có nên ăn hạt không? 1
Ăn lựu hỗ trợ giảm tình trạng viêm khớp

Giảm huyết áp

Nếu bạn đang mắc chứng huyết áp cao thì ăn lựu là sự lựa chọn hợp lý. Quả lựu có khả năng ngăn chặn hoạt động enzym chuyển đổi angiotensin trong huyết thanh, từ đó giảm huyết áp tâm thu.

Tốt cho tim mạch

Các chất chống oxy hóa trong nước ép lựu có thể giảm cholesterol xấu và giảm mảng bám tích tụ trong mạch máu. Từ đó việc uống nước ép lựu thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa bệnh xơ vữa động mạch.

Chống nhiễm trùng

Ăn lựu giúp cơ thể nhanh lành vết thương hơn. Lựu khi được cung cấp vào cơ thể sẽ tăng khả năng tổng hợp collagen, DNA và protein. Đặc biệt các hoạt tính kháng khuẩn của lựu chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng vết thương hiệu quả.

an-luu-co-nen-an-hat-khong-mot-so-dieu-can-luu-y-khi-an-luu-2.jpg
Ăn lựu làm nhanh lành vết thương hơn

Tốt cho răng miệng

Ăn lựu hay uống nước ép lựu giúp kiểm soát mảng bám răng. Lựu có thể xem là dung dịch sát khuẩn tự nhiên cho răng miệng. Ăn lựu thường xuyên còn hạn chế sự phát triển của mầm bệnh gây ra các bệnh như viêm nha chu.

Tăng lưu lượng máu

Lựu có ảnh hưởng tích cực đến lưu lượng máu. Những ai thường xuyên uống nước ép lựu trước khi tập thể dục giúp tăng cường đường kính mạch, lưu lượng máu và trì hoãn sự mệt mỏi khi tập.

Ăn lựu có nên ăn hạt không?

Hạt lựu chiếm khoảng 3% trọng lượng quả lựu. Trong Đông y, hạt lựu được cho là thành phần tốt có tính mát, khử trùng và có thể dùng để điều trị tiêu chảy, đại tiện ra máu. Ăn hạt lựu giúp cơ thể sản sinh ra collagen và giúp hệ xương chắc khỏe hơn. Đặc biệt hạt lựu giàu vitamin K và vitamin C rất tốt cho da. Hàm lượng chất xơ trong hạt lựu rất cao cực kỳ tốt cho những ai muốn giảm cân.

Tóm lại lựu ăn hạt được không? Câu trả lời là có. Hạt lựu chín có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng chống vi khuẩn, chống oxy hóa và tẩy giun hiệu quả. Tuy nhiên chỉ ăn một lượng vừa phải, khi ăn không nên nuốt hạt lựu, người lớn thì cần nhai kỹ trước khi nuốt. Trường hợp nếu nuốt hạt lựu nhiều quá trong một lúc sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn đường ruột.

Ăn lựu có tác dụng gì tốt? Ăn lựu có nên ăn hạt không? 3
Ăn hạt lựu được không?

Trẻ em ăn lựu có ăn hạt được không? Đây là nhóm đối tượng không nên nuốt cả hạt vì dễ bị hóc. Thực tế đã có trường hợp trẻ em nguy kịch vì tắc ruột do ăn nhiều hạt lựu. Tốt nhất nên cho trẻ uống nước ép lựu khi đã gạt bỏ hết hạt.

Đồng thời những ai bị táo bón nặng thì không nên ăn hạt lựu. Đối với những người bị viêm dạ dày, sâu răng hay đang gặp các vấn đề về răng miệng thì cần đánh răng ngay sau khi ăn lựu. Hành động này giúp tránh tình trạng răng miệng bị tổn thương nặng hơn. Những người có cơ địa hay nóng trong người cũng cần hạn chế ăn lựu.

Cách tốt nhất là bạn có thể sử dụng máy ép trái cây để ép lựu, vừa giữ được lợi ích sức khoẻ từ hạt lựu lại không gây gánh nặng cho đường tiêu hoá.

Một số điều bạn cần lưu ý khi ăn lựu

Mặc dù quả lựu tốt và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên lựu phát huy tối đa công dụng, bạn cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Tuy rằng bạn có thể ăn lựu vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, nhưng nên ưu tiên ăn vào buổi sáng để cung cấp năng lượng cho cơ thể, kích thích hoạt động thể chất và khả năng làm việc, góp phần đốt cháy thêm calo.

Theo khuyến cáo, nữ giới nên uống 150ml nước ép (tương đương nửa trái lựu lớn hoặc 1 trái nhỏ). Đối với nam giới có thể sử dụng 200ml nước ép (tương đương 1 - 2 quả cỡ lớn). Tuyệt đối không lạm dụng, khiến cơ thể quá tải, không thể hấp thụ được, từ đó gây ra các triệu chứng như buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy,…

Ăn lựu có tác dụng gì tốt? Ăn lựu có nên ăn hạt không? 4
Nước ép lựu rất tốt cho sức khoẻ

Mặc dù có thể ăn cả hạt lựu, nhưng đối với trẻ em tốt nhất bạn nên loại bỏ hạt, hoặc hướng dẫn trẻ nhai thật kỹ trước khi nuốt.

Không nên kết hợp lựu với quả mơ để tránh gây ra ảnh hưởng đến dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa của toàn cơ thể.

Bạn không nên ăn lựu và uống sữa cùng một lúc, điều này làm ảnh hưởng đến việc hấp thụ dưỡng chất và quá trình tiêu hóa. Do protein trong sữa khi gặp axit trong lựu sẽ bị ngưng đọng, dẫn đến tình trạng chướng bụng, đau bụng hoặc tiêu chảy.

Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường nghi ngờ là do sử dụng quả lựu thì bạn nên đi khám bác sĩ để làm rõ nguyên nhân và được hướng dẫn xử lý phù hợp.

Trên đây là những chia sẻ về việc ăn lựu có nên ăn hạt không cũng như những lợi ích của lựu đối với sức khỏe. Hy vọng qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về loại quả này và biết cách ăn sao cho phù hợp với sức khỏe bản thân.

Bảo Vân

Nguồn tham khảo: suckhoedoisong.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin