Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bạch cầu trung tính tăng trong trường hợp nào? Cách chẩn đoán bệnh?

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trong số bạch cầu trong cơ thể, bạch cầu trung tính chiếm từ 50 - 75% với chức năng quan trọng là tấn công và tiêu diệt các tác nhân nấm, vi khuẩn để bảo vệ cơ thể. Bạch cầu trung tính tăng là dấu hiệu cảnh báo người bệnh đang mắc phải bệnh lý nguy hiểm và cần được điều trị kịp thời.

Bạch cầu trung tính (Neutrophil) hay gọi là bạch cầu đa nhân trung tính là một phân loại của bạch cầu được tạo ra từ tủy xương, có chức năng quan trọng là thực bào, nghĩa là tấn công các tác nhân như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng,... ngay khi những sinh vật này xâm nhập vào cơ thể. Khi bạch cầu trung tính tăng cảnh báo cơ thể đang gặp phải tổn thương hay mắc bệnh lý nào đó cần được điều trị ngay.

Bạch cầu trung tính tăng cảnh báo gì?

Bạch cầu là một phần quan trọng trong hệ thống miễn dịch, chiếm khoảng 1% tổng tế bào máu của cơ thể. Bạch cầu trung tính chiếm 50% đến 75% tế bào bạch cầu và là các tế bào phản ứng đầu tiên khi ta bị nhiễm trùng hoặc có vết thương. Bạch cầu trung tính được sản xuất từ tủy xương. Do vòng đời của bạch cầu trung tính thường ít hơn một ngày nên tủy xương cần liên tục tạo ra tế bào bạch cầu trung tính mới.

Khi các tác nhân như vi khuẩn, nấm xâm nhập vào cơ thể, bạch cầu trung tính sẽ tấn công và phá hủy chúng ngay trong máu tuần hoàn. Vì vậy các trường hợp nhiễm trùng cấp tính sẽ dẫn tới bạch cầu trung tính tăng cao. Đôi khi lượng bạch cầu trung tính giảm xuống trong trường hợp nhiễm trùng quá nặng như nhiễm trùng huyết hoặc cơ thể của bệnh nhân suy kiệt hay thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu bạch cầu trung tính giảm quá thấp sẽ rất nguy hiểm vì khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh cũng giảm theo. Số lượng bạch cầu trung tính thường phụ thuộc vào tuổi tác. Nhìn chung, mức bạch cầu trung tính bình thường là từ 1.500 - 8.000/μl. Số lượng bạch cầu trung tính tăng là hơn 8.000/μl.

Bạch cầu trung tính tăng trong trường hợp nào? Cách chẩn đoán bệnh? 1
Các trường hợp nhiễm trùng cấp tính sẽ dẫn tới lượng bạch cầu trung tính tăng

Bạch cầu trung tính tăng trong trường hợp nào?

Nhiều người thắc mắc rằng bạch cầu trung tính tăng khi nào? Sau đây là những trường hợp dẫn đến bạch cầu trung tính tăng cao.

Nhiễm trùng

Nhiễm trùng là nguyên nhân thường gặp nhất khiến số lượng bạch cầu trung tính tăng. Tình trạng tăng bạch cầu trung tính đều xuất phát từ hầu hết các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Nhiễm virus thường không làm bạch cầu trung tính tăng, nhưng có thể làm chúng gia tăng trong giai đoạn đầu nhiễm virus. Một số bệnh nhiễm nấm và ký sinh trùng cũng có thể dẫn đến tăng bạch cầu trung tính.

Viêm

Các trường hợp gây viêm trong cơ thể dẫn đến làm tăng số lượng bạch cầu trung tính bao gồm:

  • Bệnh Gout và viêm khớp dạng thấp;
  • Viêm loét đại tràng;
  • Tổn thương mô do bỏng, chấn thương hoặc phẫu thuật;
  • Mất máu;
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm;
  • Suy thận cấp;
  • Nhiễm toan ceton ở người bệnh tiểu đường;
  • Hội chứng Cushing;
  • Sản giật và tiền sản giật;
  • Đau tim;
  • Thiếu oxy cấp tính.
Bạch cầu trung tính tăng trong trường hợp nào? Cách chẩn đoán bệnh? 2
Thiếu máu hồng cầu hình liềm là nguyên nhân dẫn đến tăng bạch cầu trung tính

Thuốc

Bạch cầu trung tính tăng có thể do một số loại thuốc gây ra như:

  • Lithium;
  • Heparin;
  • Thuốc chống co giật;
  • Minocycline;
  • Clozapine;
  • Corticosteroids.

Ung thư

Một số loại ung thư làm tăng bạch cầu trung tính bao gồm:

  • U lympho hodgkin: Đây là loại ung thư bắt đầu trong hệ thống bạch huyết, là một phần trong hệ thống miễn dịch.
  • Bệnh bạch cầu myelocytic mạn tính: Đây là một loại ung thư từ trong tủy xương.
  • Khối u trong phổi và một số khối u khác.
  • Hút thuốc lá, tình trạng suy nhược cơ thể, căng thẳng kéo dài.

Các dấu hiệu cho thấy bạch cầu trung tính tăng

Tùy vào nguyên nhân khiến bạch cầu trung tính tăng mà các triệu chứng của bệnh có thể khác nhau. Nhưng nhìn chung một số triệu chứng thường gặp phải như sau:

  • Sốt, đau nhức người, mệt mỏi;
  • Dễ bị bầm tím, chảy máu;
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm;
  • Ngứa, nổi mề đay và dị ứng ngoài da;
  • Có cảm giác khó thở;

Trong trường hợp số lượng bạch cầu trong máu tăng quá cao có thể khiến máu đặc hơn, ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu trong cơ thể. Điều này có thể làm nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm tăng cao như khó thở và có các vấn đề về hô hấp, đột quỵ.

Nếu bạn nhận thấy các triệu chứng nguy hiểm như trên, bạn cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bạch cầu trung tính tăng trong trường hợp nào? Cách chẩn đoán bệnh? 3
Ngứa, nổi mề đay và dị ứng ngoài da là triệu chứng thường gặp

Cách chẩn đoán bạch cầu trung tính tăng

Để chẩn đoán tình trạng tăng bạch cầu trung tính và tìm nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cần thực hiện các loại xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Khi đi khám sức khỏe hoặc khi cần chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, người bệnh thường được chỉ định xét nghiệm máu toàn phần. Sau khi lấy máu từ tĩnh mạch của người bệnh, nhân viên y tế đem đi phân tích để xác định số lượng và tỷ lệ của từng tế bào máu, trong đó gồm có bạch cầu trung tính. Kết quả xét nghiệm sẽ cho biết về nhiều loại tế bào máu khác nhau, qua đó bác sĩ có thể xác định được phần nào nguyên nhân gây bệnh.
  • Xét nghiệm phết máu ngoại vi: Bên cạnh xét nghiệm công thức máu toàn phần, xét nghiệm phết máu ngoại vi cũng thường được thực hiện. Nhân viên y tế sẽ xác định kích thước, hình dạng, màu sắc của các tế bào máu bằng cách quan sát phết máu dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này có thể được chỉ định khi nghi ngờ bệnh nhân bị tăng bạch cầu trung tính hoặc bạch cầu lympho. Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ phần nào định hướng được nguyên nhân gây bệnh.
  • Xét nghiệm sinh thiết tủy xương: Sau khi thực hiện các xét nghiệm trên, nhận thấy số lượng bạch cầu trung tính cao bất thường, để hỗ trợ chẩn đoán bệnh, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm chọc hút và sinh thiết tủy xương. Nhân viên y tế dùng một mũi kim dài và mỏng lấy mẫu tủy từ xương hông, xương ức hoặc phía trước xương chày ở chân. Sau đó, mẫu sinh thiết sẽ được mang đi phân tích để kiểm tra trong quá trình sản xuất bạch cầu ở tủy xương có những bất thường xảy ra hay không, từ đó bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh.
Bạch cầu trung tính tăng trong trường hợp nào? Cách chẩn đoán bệnh? 4
Xét nghiệm máu toàn phần giúp bác sĩ phần nào tìm ra nguyên nhân gây bệnh

Phương pháp điều trị bệnh bạch cầu tăng cao

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh mà có cách điều trị tình trạng bạch cầu cao. Những phương pháp đó gồm:

  • Để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, viêm: Dùng kháng sinh và kháng viêm.
  • Để kiểm soát phản ứng dị ứng: Dùng thuốc kháng histamine và thuốc hít.
  • Dùng liệu pháp điều trị tình trạng lo lắng, căng thẳng.
  • Điều trị tình trạng bệnh ác tính.

Sau khi chẩn đoán dạng bệnh tăng bạch cầu, bác sĩ sẽ đề xuất phác đồ điều trị. Người bệnh cần hợp tác và tuân thủ nghiêm túc chỉ định của bác sĩ trong suốt thời gian điều trị bệnh.

Làm gì để phòng ngừa bạch cầu tăng cao?

Cách tốt nhất để phòng ngừa tình trạng bạch cầu trung tính tăng là tránh hoặc giảm tối đa các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Duy trì lối sống lành mạnh.
  • Rửa tay thường xuyên để tránh các bệnh do ký sinh trùng và tình trạng nhiễm trùng.
  • Bỏ hút thuốc lá.
  • Khi đang điều trị tình trạng viêm nhiễm, bệnh nhân cần uống thuốc đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống và luôn cân bằng cảm xúc của bản thân.
  • Hạn chế tiếp xúc những yếu tố dễ gây dị ứng.

Nhìn chung, để điều trị tình trạng bạch cầu trung tính tăng cần tập trung điều trị nguyên nhân gây bệnh. Việc tăng lượng bạch cầu trung tính không phải là một bệnh lý mà là một triệu chứng của một bệnh lý khác. Người bệnh cần đến bệnh viện để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm khác nhau để tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng này và tìm ra liệu pháp điều trị phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin