Ngồi thiền được biết đến như một phương thức hiệu quả xóa tan căng thẳng đơn giản mà bạn có thể thực hiện ở bất cứ đâu và không yêu cầu một thiết bị tập cụ thể nào. Chính vì những công dụng đặc biệt đó mà càng có nhiều người tìm đến phương pháp này như một liều thuốc bổ tâm và thể. Bên cạnh lợi ích, bạn có biết những tác hại của ngồi thiền sai cách mang lại hay không?
Sơ lược về thiền
Thiền là gì?
Thiền được biết đến là một bài tập về hơi thở nhằm mang lại sự tập trung và góp phần giảm căng thẳng cho người tập. Bạn có thể tập ở bất cứ đâu khi cảm thấy căng thẳng và lo âu, có thể là trong thời gian nghỉ giải lao, trước khi ngủ, thậm chí là ngay trong một buổi họp kéo dài. Thiền không phải là một hoạt động tâm linh.
Ngồi thiền là một cách giảm căng thẳng
Có 7 loại thiền được biết đến rộng rãi trên thế giới:
-
Thiền từ tâm.
-
Thiền chánh niệm.
-
Thiền thư giãn tiến bộ.
-
Thiền nhận thức hơi thở.
-
Thiền thiền.
-
Thiền siêu việt.
-
Thiền Kundalini.
Công dụng của thiền
Trước đây thiền được biết đến với công dụng giúp người tập hiểu sâu hơn về những điều huyền bí của cuộc sống.
Tuy nhiên ngày nay đã nhiều minh chứng chỉ ra rằng thiền có công dụng tuyệt vời trong duy trì sự tập trung, giảm mệt mỏi và căng thẳng, điều trị một số bệnh như trầm cảm đồng thời góp phần tích cực cải thiện cuộc sống. Một vài công dụng cụ thể như:
-
Góp phần giảm căng thẳng.
-
Giảm lo lắng.
-
Thúc đẩy sức khỏe cảm xúc cá nhân.
-
Nhận thức và phát triển bản thân.
-
Duy trì sự chú ý.
-
Cải thiện sức khỏe và giấc ngủ.
Tác hại của ngồi thiền sai cách
Bên cạnh những công dụng tuyệt vời mà ngồi thiền mang đến, cũng có rất nhiều tác hại của ngồi thiền sai cách mà không phải ai cũng biết. Việc ngồi thiền không đúng cách không những không mang lại hiệu quả mà con dẫn tới những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tập.
Ngồi thiền sai cách khiến người tập suy nghĩ tiêu cực
Đa phần những người tìm đến ngồi thiền đều mong muốn giảm thiểu căng thẳng, duy trì sự tập trung và cải thiện cuộc sống tốt hơn.
Tuy nhiên một nghiên cứu năm 2017 đã chỉ ra rằng gần một nửa số người tham gia nghiên cứu thừa nhận rằng có những mâu thuẫn trong tư tưởng, xuất hiện những tiếng nói, hình ảnh trong tâm trí giống như một dạng của tâm thần phân liệt.
Chứng ảo tưởng của người ngồi thiền còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng kiểm soát hành vi và công việc. Theo các chuyên gia, đây có thể là hậu quả của việc ngồi thiền sai cách.
Giải pháp được đề xuất nhằm giảm thiểu tác hại này là nên mở nhạc khi ngồi thiền đặc biệt là những bài nhạc nhẹ nhàng thư giãn. Ngoài ra người tập nên tĩnh tâm, điều chỉnh nhịp thở tránh suy nghĩ đến những chuyện khác. Đây cũng là một cách tốt giúp bạn thả lỏng và dễ chịu hơn.
Làm giảm động lực và năng suất làm việc
Ngồi thiền sai cách còn khiến bạn cảm thấy chán nản, mất động lực để hoàn thành công việc hàng ngày. Cũng giống như chứng ảo tưởng, giảm động lực và năng suất làm việc bắt nguồn từ việc ngồi thiền sai cách.
Cũng theo nghiên cứu năm 2017, ngồi thiền sai cách khiến bạn mất đi hứng thú với những công việc từng là sở thích của bạn, triệu chứng này khá giống với bệnh trầm cảm và vô cùng nguy hiểm nếu kéo dài.
Giảm năng suất làm việc dễ xảy ra khi bạn ngồi thiền sai cách
Ngồi thiền rất tốt cho sức khỏe, nhưng một khi bạn lạm dụng việc ngồi thiền quá mức tình trạng giảm động lực và năng suất làm việc rất dễ xảy ra.
Chính vì vậy thời gian ngồi thiền mà các chuyên gia khuyến cáo là 2 phút/ngày đối với những bạn mới bắt đầu và tăng lên 3 - 5 phút/ngày khi bạn cảm thấy cơ thể đã quen dần. Ngoài ra để cân bằng cuộc sống bạn cũng nên kết hợp việc ngồi thiền với các hoạt động thể chất và vui chơi giải trí khác.
Ảnh hưởng tới các mối quan hệ xung quanh
Ngồi thiền ảnh hưởng tới cách bạn tương tác với các mối quan hệ xung quanh một cách tích cực. Tuy nhiên nếu thực hiện sai cách không những không mang lại hiệu quả mà còn khiến bạn trở nên khó khăn khi liên lạc với chính mình và với những mối quan hệ xung quanh.
Cũng chính khảo sát về những người tham gia ngồi thiền năm 2017 đã chỉ ra nhiều người đã cảm thấy mệt mỏi và khó hòa nhập với cuộc sống sau khi thực hành luyện tập thiền chuyên sâu. Một vài người khác còn thừa nhận họ thực sự đã cảm thấy mình bị thiệt thòi hơn về mọi mặt trong cuộc sống và xuất hiện hành vi chống đối xã hội.
Nếu như nhận thấy tinh thần sa sút và khó hòa nhập với cuộc sống xung quanh thì giải pháp đầu tiên bạn nên làm đó là dừng việc tập thiền lại bởi khả năng cao bạn đã mắc sai lầm khi tiến hành ngồi thiền. Nếu muốn tiếp tục, bạn cũng có thể nghĩ tới việc tìm một huấn luyện viên chuyên nghiệp để được học bài bản và hướng dẫn chi tiết các nguyên tắc khi ngồi thiền.
Khiến người tập trở nên nhạy cảm hơn
Ngồi thiền còn có thể ảnh hưởng tới cách bạn nhìn, nghe, ngửi và nếm. Ngồi thiền sai cách khiến bạn trở nên nhạy cảm hơn với âm thanh và ánh sáng. Đôi khi xuất hiện ảo giác, ảo ảnh, hình ảnh không có thật.
Ngoài ra khi bạn ngồi thiền sai cách còn có thể khơi gợi lại những cảm xúc, ký ức bạn đã kìm nén quá nhiều trong quá khứ. Điều này dẫn tới cảm xúc tiêu cực cho người tập. Thực tế đã có nhiều người tham gia cuộc khảo sát năm 2017 thừa nhận rằng ngồi thiền khiến họ cảm thấy lo lắng, hồi hộp, đau đớn và thậm chí có biểu hiện của trầm cảm.
Để hạn chế tình trạng này việc tốt nhất là hãy thả lỏng tâm trí một cách tự nhiên, loại bỏ những suy nghĩ trong đầu, để cơ thể đạt trạng thái thư giãn nhất. Nếu thấy khó bạn cũng có thể thử cách mở mắt khi ngồi thiền, đếm từng nhịp thở và chuyển động của cơ thể để đạt được hiệu quả tối đa.
Ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe
Một trong những tác hại của ngồi thiền sai cách phải đặc biệt chú ý đó là ảnh hưởng tới sức khỏe của người tập. Nó không chỉ khiến cơ thể đau nhức mà còn có thể gây suy nhược cơ thể.
Tác hại của ngồi thiền sai cách: Ảnh hưởng tới sức khỏe
Đau nhức cơ thể, đau đầu, hoa mắt chóng mặt… Đều có thể là tác hại của việc ngồi thiền sai cách. Để cải thiện tình trạng này, bạn nên điều chỉnh tư thế khi ngồi thiền, chú ý ngồi thấp vai, thả lỏng tay và lưng tự nhiên, không gồng căng cơ và khuỷu tay không ép sát vào cơ thể.
Một tư thế thoải mái sẽ góp phần làm cho việc ngồi thiền của bạn đạt hiệu quả như mong muốn. Ngoài ra sau khi tập cũng nên xoa bóp tay, chân, cổ, lưng và hông, vận động nhẹ giúp thư giãn cơ và cân bằng thể chất.
Nhiều người còn lựa chọn phương pháp nhịn ăn và chỉ uống nước trong quá trình ngồi thiền với mong muốn nhanh chóng đạt được hiệu quả tối đa. Tuy nhiên việc này có thể sẽ gây nên tình trạng thiếu chất, suy nhược cơ thể và có thể dẫn tới tử vong. Khuyến cáo các bạn không nên thử phương pháp này, nếu muốn thử thực hiện một điều bắt buộc đó là phải có chuyên viên theo sát hướng dẫn và thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe.
Việc ngồi thiền mang lại rất nhiều lợi ích cả tâm và thể cho người tập. Tuy nhiên những tác hại của ngồi thiền sai cách là điều không thể chối cãi được. Do đó nếu muốn thử sức với bộ môn này, tốt nhất là bạn nên tìm tới các lớp yoga hay thiền để được các huấn luyện viên chuyên nghiệp hướng dẫn chi tiết những lưu ý trong quá trình thực hiện.
Một khi nhận ra cơ thể không phù hợp với thiền hãy dừng lại và thử sức với những bộ môn thể thao nhẹ nhàng khác như: Tập dưỡng sinh, bơi lội, yoga nhẹ nhàng, đi dạo thư giãn… Cho dù là môn thể thao nào điều quan trọng nhất vẫn là lắng nghe tiếng nói của cơ thể. Hy vọng thông qua bài tổng hợp này, Nhà thuốc Long Châu đã cung cấp được những thông tin cần thiết cho bạn về những tác hại của ngồi thiền sai cách. Chúc các bạn thành công và nhiều sức khỏe.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp