Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Bé 9 tháng biết làm gì? Sự phát triển về thể chất và nhận thức của bé 9 tháng tuổi

Ngày 09/02/2023
Kích thước chữ

Khi bước vào giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu có mong muốn được khám phá thế giới bằng cả thể chất lẫn tư duy. Vậy, bé 9 tháng biết làm gì? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu giải đáp câu hỏi này qua bài viết dưới đây!

Bé 9 tháng biết làm gì? Đây là câu hỏi của không ít các bậc phụ huynh. Thực tế, trẻ 9 tháng tuổi có thể phân biệt được người và vật ở khoảng cách xa, đồng thời chúng còn có thể cố gắng nghe và tìm hiểu âm thanh đang phát ra từ đâu. Chính vì vậy, giai đoạn 9 tháng tuổi được coi là giai đoạn vàng trong phát triển thể chất và tư duy ở trẻ.

Bé 9 tháng biết làm gì? Sự phát triển về thể chất và nhận thức của bé 9 tháng tuổi 1 Bé 9 tháng biết làm gì?

Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi

Khi trẻ đạt mốc 9 tháng tuổi, chúng thường thích hoạt động và di chuyển để tự mình khám phá thế giới xung quanh. Trẻ có thể bò, trườn, với các đồ vật ở xung quanh mình. Ngoài ra, lúc này trẻ còn có thể nhận biết người và vật ở khoảng cách xa, từ đó có thể di chuyển để cầm, nắm, thậm chí nếu có tiếng động trẻ cũng cố tìm hiểu nguồn âm thanh phát ra để hướng sự chú ý tới.

Đây là những hành vi vừa là cột mốc trong việc phát triển kỹ năng vận động ở trẻ, vừa biểu hiện rằng trẻ đang hiểu dần về chiều sâu không gian. Tuy nhiên, sự di chuyển và hoạt động của trẻ trong giai đoạn này chưa thật sự linh hoạt, vì thế cha mẹ không nên quá lo lắng. Lúc này, bạn cần tin tưởng khả năng làm cha, làm mẹ của bản thân, cho trẻ một chế độ dinh dưỡng tốt nhất để trẻ có thể phát triển toàn diện.

Bé 9 tháng biết làm gì?

Về kỹ năng ăn, ngủ

Trong giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ thường có bản tính tò mò và thích được khám phá, vì vậy trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và muốn thử tất cả đồ ăn hoặc đơn giản là chỉ cầm đồ ăn và ném khắp nơi. Dù vậy, cha mẹ cũng không nên sợ bẩn, hãy để cho bé tự ăn, tự quyết định bản thân sẽ ăn bao nhiêu, ăn những gì và ăn như thế nào. Cách làm này giúp mẹ biết được sở trường ăn uống của con, đồng thời tạo môi trường ăn uống thoải mái cho bé để bé ăn uống ngon miệng hơn.

Giấc ngủ cũng là một phần quan trọng nhất đối với bé, lúc buồn ngủ bé có thể cáu gắt và mệt mỏi, vì vậy cần chú ý đến các biểu hiện cảm xúc của bé để cho bé đi ngủ đúng giờ, khi đó bé sẽ ngủ ngon hơn.

Bé 9 tháng biết làm gì? Sự phát triển về thể chất và nhận thức của bé 9 tháng tuổi 2 Bé 9 tháng tuổi có thể tự ăn uống

Hoàn thiện kỹ năng giao tiếp

Thông thường, khi bước sang tháng thứ 9, bé có xu hướng tập nói nhiều hơn, ồn ào hơn, giọng bé trở nên cao vút, do đó cha mẹ nên bắt đầu tăng cường kỹ năng giao tiếp của trẻ bằng cách chỉ tên đồ vật, con vật, màu sắc hoặc kể chuyện, hát cho bé nghe. Những cuộc đối thoại này rất đơn giản, tuy nhiên lại có tác dụng rất lớn trong việc phát triển kỹ năng giao tiếp ở trẻ.

Khi trẻ chú ý đến lời nói của cha mẹ, chúng sẽ học được cách giao tiếp luân phiên, tức là trẻ sẽ bập bẹ, sau đó dừng lại một chút để nghe trả lời rồi mới tiếp tục. Lúc này, cha mẹ có thể nhận thấy trẻ cố gắng bắt chước những từ mà chúng nghe được. Trên thực tế, những trẻ được tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ sẽ học rất nhanh kỹ năng này.

Bé 9 tháng biết làm gì? Sự phát triển về thể chất và nhận thức của bé 9 tháng tuổi 3 Bé 9 tháng tuổi có thể đã có những kỹ năng giao tiếp cơ bản

Sự phát triển về mặt cảm xúc

Bé 9 tháng biết làm gì? 9 tháng tuổi là thời điểm trẻ có những phát triển mạnh về mặt cảm xúc. Cụ thể, trẻ có thể tỏ ra vui vẻ khi nhìn thấy cha mẹ hoặc người quen, ngược lại sẽ tỏ ra lo lắng khi gặp người lạ, ví dụ như gặp bảo mẫu, cô giúp việc, họ hàng xa…

Đây là điều hoàn toàn bình thường ở trẻ, vì vậy các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể dỗ trẻ bằng cách ôm lấy trẻ, đồng thời cho trẻ chơi với người lạ để trẻ có thể quen dần và tiếp xúc với nhiều người hơn.

Ngoài ra, trẻ 9 tháng tuổi cũng có thể học được một số hành vi ở người lớn như bắt tay, vẫy tay tạm biệt, tỏ vẻ không vui khi bị từ chối. Cha mẹ nên ghi nhận và phản hồi những tương tác này ở trẻ để trẻ phát triển hơn kỹ năng xã giao của mình.

Kỹ năng vận động phát triển

Khi bước vào giai đoạn 9 tháng tuổi, kỹ năng vận động của trẻ được phát triển một cách nhanh chóng, biểu hiện ở việc trẻ có thể tự mình lấy những món đồ mình thích bằng cách trườn, bò, thậm chí có những bé có thể đi men theo thành giường. Trong trường hợp trẻ lò dò đi như vậy có thể gọi là trẻ trốn bò.

Để bảo vệ con, cha mẹ cần lưu ý khoảng cách an toàn cho bé, không nên để vật có khả năng gây sát thương trong phạm vi chơi của bé, đồng thời cần đặt con trong tầm mắt của mình để xử lý kịp thời những tình huống xấu nhất có thể xảy ra với bé.

Bé 9 tháng biết làm gì? Sự phát triển về thể chất và nhận thức của bé 9 tháng tuổi 4 Trẻ 9 tháng tuổi có thể di chuyển nhưng chưa thật sự linh hoạt

Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ 9 tháng tuổi

Để trẻ phát triển tốt và khỏe mạnh, cần phải có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo sự cân đối về cả số lượng lẫn chất lượng, nếu không sẽ dẫn đến một số bệnh có thể ảnh hưởng tới sự phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm cả tâm thần, thể chất lẫn vận động.

Trẻ ăn uống không đảm bảo dinh dưỡng sẽ dẫn đến các tình trạng như biếng ăn, chậm lớn, hấp thụ kém… Nếu gặp các dấu hiệu trên, cha mẹ cần bổ sung những sản phẩm hỗ trợ có chứa nhiều protein, khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, selen, crom, vitamin B… giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ, đồng thời giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi.

Trẻ 9 tháng tuổi rất thích chơi đùa, vì vậy trong 1 ngày cha mẹ phải tạo ra nhiều sự tương tác với trẻ bằng cách đọc sách, chơi ú òa hoặc mua đồ chơi phù hợp với lứa tuổi cho bé nhằm kích thích sự phát triển trí óc và sự tò mò ở bé.

Ngoài ra, khi bé 9 tháng tuổi, cha mẹ có thể hạn chế việc sử dụng núm vú giả ở trẻ, bởi khi bé mọc răng nhiều hơn, núm vú giả sẽ cản trở sự phát triển của răng. Tuy nhiên nếu thấy trẻ vẫn chưa mọc răng thì cha mẹ không nên quá lo lắng, bởi mỗi trẻ đều có tốc độ phát triển của riêng mình, miễn rằng bé vẫn tràn đầy năng lượng và vui vẻ là được.

Bé 9 tháng biết làm gì? Sự phát triển về thể chất và nhận thức của bé 9 tháng tuổi 5 Cha mẹ cần tương tác với trẻ thường xuyên

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Bé 9 tháng biết làm gì?”, đồng thời đưa ra một số lưu ý dành cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ 9 tháng. Chúc bạn đọc sức khỏe và đừng quên theo dõi những bài viết sắp tới trên trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!

Ánh Vũ

Nguồn: Vinmec, Hellobacsi

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin