Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Kẽm và tất cả những điều cần biết

Ngày 29/06/2020
Kích thước chữ

Kẽm là một trong những thành phần của coenzym đảm nhiệm nhiều vai trò trong cơ thể. Vậy tác dụng của kẽm, cách bổ sung và hậu quả khi thiếu kẽm hoặc thừa kẽm là gì? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây.

Kẽm là một nguyên tố vi lượng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe con người. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra cụ thể vai trò của kẽm cũng như làm cách nào để bổ sung kẽm một cách hợp lý cho cơ thể. Mời bạn cùng theo dõi.

Đặc điểm của kẽm

Kẽm là một dưỡng chất có số lượng rất nhỏ trong cơ thể nhưng chiếm vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì chức năng  các cơ quan của cơ thể.

Cũng như các nguyên tố vi lượng khác, cơ thể không tự tổng hợp được kẽm mà phải bổ sung từ ngoài vào thông qua thức ăn hoặc các loại viên uống bổ sung kẽm dưới dạng dưới dạng hợp chất như kẽm gluconat, kẽm sunfat hay kẽm acetat.

Kẽm có vai trò cần thiết trong cơ thể

Kẽm có vai trò cần thiết trong cơ thể

Kẽm chủ yếu vào cơ thể qua đường tiêu hóa và được hấp thu ở ruột non. Tỷ lệ hấp thu kẽm trong thực phẩm đạt khoảng 33%, trong đó, kẽm động vật thường hấp thu dễ hơn kẽm thực vật.

Trung bình có khoảng 2 - 4g kẽm trong cơ thể và tập trung chủ yếu ở các cơ quan như: gan, thận, tụy, cơ, xương, mắt, tuyến tiền liệt và tinh dịch. Kẽm bài tiết ra ngoài cơ thể qua 3 con đường: phân, nước tiểu và mồ hôi, lượng kẽm bài tiết qua phân đạt khoảng 5 - 6 mg mỗi ngày.

Vai trò của kẽm đối với sức khỏe?

Kẽm tham gia vào rất nhiều các quá trình sinh học quan trọng trong cơ thể. Cụ thể như:

  • Kẽm tham gia vào quá trình tăng sinh và tái tạo tế bào: Kẽm là thành phần của nhiều loại protein tham gia vào sự tăng trưởng, phân chia tế bào và tái tạo tổ chức như: tạo tế bào máu, tế bào mỡ, tái tạo cấu trúc tim, tái tạo tế bào thần kinh võng mạc, duy trì tế bào gốc, duy trì phát triển hệ cơ trơn và xương. Điều này có vai trò đặc biệt đối với thai nhi, kẽm chính là yếu tố để đảm bảo cho thai nhi sinh trưởng, phát triển bình thường và hình thành các cơ quan trong cơ thể. 
  • Kẽm là thành phần của hơn 80 loại enzym trong cơ thể bao gồm các enzym trong hệ thống vận chuyển, đồng hóa, xúc tác tham gia các phản ứng gắn kết chuỗi ADN và các phản ứng sinh năng lượng khác.
  • Kẽm giúp điều hòa vị giác và kích thích ngon miệng.

Kẽm giúp trẻ ăn ngon miệng hơn

Kẽm giúp trẻ ăn ngon miệng hơn

  • Kẽm là thành phần quan trọng của Insulin - yếu tố giúp kiểm soát đường huyết của cơ thể.
  • Kẽm giúp tăng cường hệ miễn dịch do giúp kích thích sự phát triển của tế bào lympho B và lympho T, tạo hàng rào miễn dịch tế bào cho cơ thể chống lại các tác nhân gây hại.
  • Kẽm cần thiết cho quá trình phát triển não bộ, tham gia dẫn truyền thần kinh và điều hòa các rối loạn thần kinh.
  • Kẽm tham gia điều hòa hormone trong cơ thể như hormone tuyến yên, tuyến cận giáp, tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục. Đối với nam giới, kẽm đóng vai trò quan trọng trong cân bằng chức năng tuyến tiền liệt, giúp duy trì số lượng, tính di động của tinh trùng và nồng độ testosterone trong huyết thanh. 
  • Kẽm còn giúp tăng khả năng hấp thu và chuyển hóa các chất như: magie, đồng, mangan,…

Bổ sung kẽm như thế nào?

Nhu cầu kẽm cho cơ thể phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính cũng như tình trạng sinh lí. Theo nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị, lượng kẽm cần thiết cho từng đối tượng tính theo kẽm nguyên tố cụ thể như sau:

  • Trẻ 0 - 6 tháng: 2 mg/ngày
  • Trẻ 6 - 12 tháng: 3 mg/ngày
  • Trẻ 1 - 3 tuổi: 5mg/ngày
  • Trẻ 3 - 13 tuổi: 10mg/ngày
  • Trẻ trên 14 tuổi và người trưởng thành: 15 mg/ngày
  • Phụ nữ mang thai: 15 - 25 mg/ngày.

Để bổ sung kẽm cho cơ thể, có thể sử dụng các thực phẩm giàu kẽm có sẵn trong tự nhiên hoặc các dạng kẽm tổng hợp dưới dạng viên nén hay dung dịch uống.

Một số thực phẩm giàu kẽm có thể kể tới như:

  • Hải sản: tôm, cua, hàu, sò huyết, hến, trai, cá bơn, cá hồi, cá mòi,...
  • Các loại thịt: thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt gà...
  • Trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa: phô mai, sữa chua, váng sữa,...
  • Các loại hạt và đậu: ngũ cốc, hạt điều, hạt bí, gạo lứt, ngô, lúa mì, đậu xanh, đậu đen, đậu trắng,...
  • Trái cây, các loại nấm và một số loại rau như: rau chân vịt, cải xoăn, bông cải xanh, măng tây,...

Hàu là thực phẩm rất giàu kẽm

Hàu là thực phẩm rất giàu kẽm

Hậu quả khi thiếu kẽm

Thiếu kẽm ảnh hưởng không nhỏ tới các cơ quan, bộ phận và chức năng của cơ thể. Có thể kể đến như:

  • Ảnh hưởng thần kinh: thiếu kẽm làm giảm dẫn truyền thần kinh, gây giảm phản ứng với môi trường, khả năng tiếp nhận và xử lí thông tin kém, lâu dần, gây giảm trí tuệ, thay đổi tập tính thậm chí tâm thần phân liệt.
  • Rối loạn hấp thu và chuyển hóa các chất như: canxi, mangan, magie,... Lượng canxi thấp gây một số biểu hiện về xương như: chậm phát triển xương, loãng xương, xương dễ gãy,…
  • Suy giảm miễn dịch, cơ thể dễ nhiễm trùng, viêm nhiễm,...
  • Rối loạn nội tiết, đặc biệt là chức năng sinh dục. Thiếu kẽm làm chậm dậy thì, giảm chất lượng tinh trùng và khả năng tình dục ở nam giới cũng như rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới.
  • Chán ăn, mất cảm giác ngon miệng, rối loạn tiêu hóa.
  • Thiếu kẽm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sự phát triển của thai nhi và trẻ em. Phụ nữ mang thai bổ sung thiếu kẽm gây chậm phát triển thai nhi. Trẻ em nếu bổ sung thiếu kẽm sẽ dẫn đến một số biểu hiện như: biếng ăn, nôn trớ, rối loạn giấc ngủ, rụng lông, tóc, chậm phát triển thể chất, trí tuệ và gia tăng khả năng nhiễm khuẩn.

Thiếu kẽm làm giảm chất lượng tinh trùng

Thiếu kẽm làm giảm chất lượng tinh trùng

Thừa kẽm gây tác hại gì?

Bổ sung quá nhiều kẽm so với nhu cầu cũng không phải là vấn đề được khuyến khích, do dư thừa kẽm có thể gây ra một số ảnh hưởng sau:

  • Ngộ độc kẽm với biểu hiện: sốt, ho, ớn lạnh, nhức đầu
  • Buồn nôn và nôn
  • Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, tiêu chảy
  • Đắng miệng
  • Giảm HDL- cholesterol, tăng LDL- cholesterol
  • Cản trở hấp thu đồng, sắt

Thiếu hay thừa kẽm đều mang đến những ảnh hưởng có hại cho sức khỏe. Do vậy, tùy vào nhu cầu cụ thể của từng đối tượng để có kế hoạch bổ sung kẽm sao cho hiệu quả, không thiếu, không thừa.

Trên đây là tất cả những thông tin liên quan đến kẽm. Hy vọng bài viết đã giúp bạn giải đáp được những thắc mắc liên quan đến loại vi chất quan trọng này. Chúc bạn luôn nhiều sức khỏe!

Lâm Khuê

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.