1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bệnh Noma là gì? Bệnh nguy hiểm như thế nào?

Phương Thảo

08/01/2024
Kích thước chữ

Bệnh Noma, hay còn gọi là bệnh Cancrum oris, bệnh cam tẩu mã,... là một bệnh lý nhiễm khuẩn cực kỳ nghiêm trọng gây hoại tử mô mềm và xương ở khuôn mặt. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh Noma có thể để lại hậu quả nặng nề cả về mặt thẩm mỹ lẫn chức năng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu đúng, hiểu sâu và nắm cách phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Ở nhiều khu vực thiếu thốn nguồn lực y tế và xã hội trên toàn cầu, bệnh Noma vẫn tồn tại, âm thầm hủy hoại sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh. Mặc dù hiếm gặp ở nước ta nhưng mức độ nguy hiểm và hậu quả để lại khiến Noma trở thành vấn đề y tế đáng lưu tâm. Vậy, cụ thể, bệnh Noma là gì? Việc trang bị kiến thức đúng đắn sẽ giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời và góp phần đẩy lùi căn bệnh đáng sợ này.

Bệnh Noma là gì? Tổng quan bệnh Noma

Bệnh Noma, còn được biết đến với nhiều tên gọi như cam tẩu mã, nha cam tẩu mã, tị cam, hàu cam hoặc thuần cam, tên tiếng Anh là Cancrum oris. Tên gọi “Noma” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp nomein, mang nghĩa là “ăn tươi nuốt sống”, mô tả đúng bản chất tàn phá khủng khiếp của căn bệnh, làm các mô cơ thể hoại tử nhanh chóng. Đây là một dạng nhiễm trùng hoại tử cấp tính, xảy ra ở vùng mặt, đặc biệt quanh miệng, làm tổn thương nặng nề mô mềm và xương hàm. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh còn lan đến vùng sinh dục, khiến hậu quả thêm nặng nề.

Theo đó, bệnh thường xuất hiện ở các khu vực điều kiện y tế còn hạn chế. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là:

  • Trẻ em từ 2 - 6 tuổi, đặc biệt là những em bị suy dinh dưỡng, có hệ miễn dịch yếu hoặc không vệ sinh răng miệng.
  • Trẻ sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm như sởi, kiết lỵ, bạch hầu, cúm, sốt rét, HIV/AIDS hoặc leishmaniasis.
  • Người lớn cũng có thể mắc bệnh, nhất là những người có hệ miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng.
Bệnh Cancrum oris nguy hiểm như thế nào?1
Noma là bệnh nhiễm trùng hoại tử cấp tính nguy hiểm

Các giai đoạn tiến triển, dấu hiệu của bệnh Noma

Tùy cơ địa từng người, bệnh có thể phát triển nhanh hoặc chậm nhưng thường trải qua 5 giai đoạn điển hình như sau:

Giai đoạn 1 - Viêm lợi loét hoại tử

Đây là giai đoạn đầu tiên, thường bị nhầm với viêm lợi thông thường. Tuy nhiên, nếu không chú ý điều trị sớm, bệnh có thể chuyển biến nặng rất nhanh. Các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, đôi khi sốt cao.
  • Miệng có mùi hôi khó chịu, dù trẻ không sốt hay ngậm miệng.
  • Nướu và mũi bị chảy máu tự phát, viêm loét và đau rát.
  • Có cảm giác đau hoặc xuất hiện vết loét nhỏ giữa các kẽ răng.
Bệnh Cancrum oris nguy hiểm như thế nào?2
Miệng xuất hiện các vết loét nặng, có mùi hôi có thể là biểu hiện của bệnh Noma

Giai đoạn 2 - Phù nề

Trong vòng 1 - 2 tuần, bệnh tiến triển sang giai đoạn sưng phù rõ rệt. Lúc này, các dấu hiệu rõ ràng hơn và cần được can thiệp y tế sớm để hạn chế biến chứng:

  • Mặt sưng, phù nề nhiều vùng, nhất là quanh miệng.
  • Hơi thở có mùi hôi thối, vết loét lan rộng và sâu hơn.
  • Môi, má trở nên mềm, đau và dễ bị tổn thương.
  • Người bệnh ăn kém, chán ăn, sốt cao và tiết nước bọt nhiều.

Giai đoạn 3 - Hoại tử

Đây là giai đoạn nguy kịch, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị khẩn cấp. Hoại tử xảy ra trong khoảng 1 - 2 tuần và có thể gây tử vong với tỷ lệ lên tới 70 - 90%. Biểu hiện bao gồm:

  • Các mô mềm và cứng trong miệng hoại tử, bốc mùi thối rữa.
  • Vết loét lan nhanh đến xương gò má, mũi, vùng mắt.
  • Răng lung lay, rụng, xương mặt bị ăn mòn, biến dạng.
  • Vùng má có thể bị thủng, để lộ mô trong.
  • Người bệnh không thể ăn uống, thể trạng suy kiệt nghiêm trọng.
  • Một số trường hợp nặng có thể lan đến não, gây tử vong.

Giai đoạn 4 - Sẹo

Sau giai đoạn hoại tử, vùng tổn thương bắt đầu khô lại và hình thành sẹo. Do mô bị phá hủy sâu, các vết sẹo thường lõm, lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ:

  • Sẹo co kéo vùng mặt.
  • Khuôn mặt biến dạng rõ rệt, đặc biệt quanh má, miệng, mũi.

Giai đoạn 5 - Di chứng

Nếu không được điều trị hoặc phục hồi đúng cách, bệnh nhân có thể phải sống chung với những di chứng vĩnh viễn như:

  • Hàm cứng, khó mở miệng.
  • Mất răng, răng mọc lệch hoặc bị đẩy sang vị trí khác.
  • Gặp khó khăn trong ăn uống, phát âm.
  • Vết thủng vùng mặt hoặc tình trạng rò nước bọt kéo dài, gây mất tự tin và khó khăn trong sinh hoạt.
Bệnh Cancrum oris nguy hiểm như thế nào?3
Bệnh có thể để lại những biến chứng nghiêm trọng cho vùng răng - hàm - mặt

Bệnh Noma nguy hiểm ra sao?

Nhiều người khi mới mắc bệnh Noma thường chủ quan, không nhận thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Chính vì vậy, bệnh thường bị phát hiện muộn, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài việc gây tổn thương tại chỗ, Noma còn có thể kéo theo các biến chứng nặng nề như viêm phổi, nhiễm trùng máu và suy giảm chức năng thần kinh. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể gây biến dạng nghiêm trọng ở vùng mặt, ảnh hưởng đến mắt, mũi, má, răng và môi. Những tổn thương này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây khó khăn trong ăn uống, giao tiếp và sinh hoạt hằng ngày.

Trong các trường hợp nghiêm trọng, Noma có thể gây tử vong, thường là do nhiễm trùng lan rộng hoặc hậu quả của suy dinh dưỡng trầm trọng.

Bệnh Cancrum oris nguy hiểm như thế nào?4
Đây là căn bệnh nguy hiểm không thể chủ quan

Phân biệt bệnh Noma và bệnh viêm họng Aphtose

Bệnh Noma rất dễ bị nhầm lẫn với viêm họng Aphtose (còn gọi là áp-tơ) do giai đoạn đầu đều có biểu hiện loét ở vùng miệng. Tuy nhiên, hai bệnh lý này khác nhau hoàn toàn về mức độ nghiêm trọng và cách điều trị.

Viêm họng Aphtose

Viêm họng Aphtose là tình trạng loét nông trong miệng, không do vi khuẩn gây nên và không có tính lây lan. Các vết loét thường nhỏ hơn 1cm, có hình tròn hoặc bầu dục, xung quanh có viền đỏ và thường xuất hiện ở vùng niêm mạc miệng hoặc hầu họng. Đây là một bệnh lành tính, thường gặp ở thanh thiếu niên. Bệnh thường tự khỏi sau khoảng 7 - 10 ngày.

Bệnh Noma

Noma là bệnh nhiễm trùng hoại tử cấp tính, rất nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng. Vết loét ở bệnh Noma thường bắt đầu từ vùng nướu, mô niêm mạc, có kích thước to hơn (bằng hạt đậu xanh), tốc độ bệnh lan rộng rất nhanh chóng và gây bốc mùi hôi thối nặng nề. Khác với áp-tơ, các vết loét này không tự lành mà sẽ phá hủy dần mô và xương nếu không được điều trị.

Vì vậy, việc phân biệt sớm giữa hai tình trạng này là cực kỳ quan trọng. Nếu thấy vết loét ở miệng có mùi hôi, lan rộng, kèm sốt, sưng nề hoặc có biểu hiện bất thường ở vùng mặt, cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Bệnh Cancrum oris nguy hiểm như thế nào?5
Người bệnh nên thăm khám ngay nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện các biểu hiện bất thường

Trên đây là một số thông tin về bệnh Noma. Dù không phổ biến ở Việt Nam nhưng nguy cơ nhiễm bệnh vẫn có thể tồn tại ở những cộng đồng có điều kiện sống khó khăn. Việc nâng cao nhận thức, phát hiện sớm triệu chứng và can thiệp y tế đúng lúc có thể cứu sống người bệnh cũng như ngăn ngừa biến chứng nặng nề. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn cần sự chung tay từ các cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ: Dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, quan sát kỹ các dấu hiệu bất thường ở trẻ nhỏ, đây là những điều đơn giản có thể bảo vệ sức khỏe hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin