1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Người bị áp xe có được tự nặn mủ áp xe hay không?

Phương Thảo

26/06/2025
Kích thước chữ

Áp xe là tình trạng nhiễm trùng gây tụ mủ dưới da, khiến nhiều người cảm thấy khó chịu và lo lắng. Không ít người tự hỏi: “Có được tự nặn mủ áp xe không?”, nhất là khi vùng sưng tấy gây đau và có cảm giác "chín muồi". Tuy nhiên, việc bị áp xe có nên tự ý chích rạch nặn mủ hay không không chỉ là vấn đề vệ sinh mà còn liên quan đến nhiều nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ những rủi ro khi tự xử lý áp xe tại nhà và hướng dẫn cách xử lý đúng cách, an toàn.

Việc tự xử lý áp xe tại nhà bằng cách nặn mủ hay chích rạch có thể gây ra những hậu quả khôn lường, từ nhiễm trùng lan rộng đến để lại sẹo xấu hoặc ảnh hưởng đến chức năng vùng tổn thương. Dù việc nặn mủ có vẻ đơn giản nhưng có được tự nặn mủ áp xe hay không lại là câu hỏi cần được xem xét kỹ lưỡng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đâu là cách xử lý an toàn, hiệu quả nhất cho người bệnh áp xe.

Người bệnh có được tự nặn mủ áp xe hay không?

Vậy, bị áp xe có được tự nặn mủ áp xe hay không? Câu trả lời là: Không, người bệnh không nên tự ý nặn mủ áp xe tại nhà dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả khi ổ áp xe đã “chín” hoặc thấy có dấu hiệu sắp vỡ. Dù có vẻ đơn giản, hành động tự chích rạch và nặn mủ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe. Dưới đây là những hậu quả mà người bệnh có thể gặp phải nếu cố tình xử lý tại nhà mà không có hướng dẫn chuyên môn:

  • Làm tình trạng viêm trở nên nặng hơn: Nhiều ổ áp xe có thể tự thoát mủ hoặc xẹp dần nếu được chăm sóc đúng cách. Nhưng nếu bạn cố chích rạch, có thể khiến vùng viêm đau hơn, tổn thương sâu hơn và nguy cơ bội nhiễm tăng cao.
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng máu: Đây là biến chứng nguy hiểm và có thể đe dọa tính mạng. Vi khuẩn từ ổ áp xe có thể lan vào máu nếu thao tác không đúng cách, không đảm bảo vệ sinh.
  • Gây tổn thương lan rộng hoặc hoại tử mô: Khi áp xe bị tác động sai cách, nhiễm trùng có thể lan rộng ra các mô xung quanh, gây hoại tử, đặc biệt là với các ổ áp xe sâu hoặc ở vùng có nhiều mô mềm.
  • Dễ để lại sẹo xấu: Việc chích nặn không đúng kỹ thuật dễ khiến da tổn thương sâu, từ đó hình thành sẹo lồi, sẹo lõm ảnh hưởng thẩm mỹ, đặc biệt nếu áp xe ở mặt, cổ, tay chân.
  • Kéo dài thời gian hồi phục: Tự xử lý không đúng cách thường khiến vết thương lâu lành hơn, đồng thời phải điều trị kéo dài bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
  • Lạm dụng kháng sinh: Nhiều người tự mua thuốc uống sau khi nặn mủ mà không biết loại nào phù hợp, điều này làm tăng nguy cơ kháng thuốc, một vấn đề đang rất đáng lo ngại hiện nay.
  • Nguy hiểm đến tính mạng nếu áp xe ở vị trí quan trọng: Ổ áp xe ở các vị trí như não, gan, thận, cột sống,… việc tự ý can thiệp có thể gây biến chứng nặng, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Người bị áp xe có được tự nặn mủ áp xe hay không?1
Người bệnh tuyệt đối không tự ý nặn mủ áp xe

Cách xử trí thông minh khi bị áp xe

Khi phát hiện mình có dấu hiệu bị áp xe, điều quan trọng nhất là bạn nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Tùy vào vị trí, kích thước và mức độ viêm nhiễm của ổ áp xe, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị như dùng thuốc, rạch dẫn lưu mủ hay kết hợp chăm sóc vết thương tại chỗ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đi khám hoặc nếu chưa thể đến bệnh viện ngay, bạn có thể sơ cứu tạm thời tại nhà bằng những cách đơn giản và an toàn sau:

  • Làm sạch vùng da bị tổn thương: Sử dụng nước muối sinh lý để rửa nhẹ vùng áp xe, giúp loại bỏ vi khuẩn và giảm nguy cơ nhiễm trùng nặng hơn.
  • Chườm lạnh giúp giảm sưng đau: Dùng khăn sạch bọc đá lạnh, chườm nhẹ lên khu vực bị sưng trong 10 – 15 phút, có thể lặp lại vài lần trong ngày. Tránh chườm trực tiếp đá lên da.
  • Sát trùng đúng cách: Với vết thương mới, có thể dùng dung dịch sát khuẩn như betadine. Tuy nhiên, nếu vết thương đã khô và lên da non, không nên dùng betadine tiếp vì sẽ làm vết thương lâu lành hơn.
  • Che chắn vết thương cẩn thận: Dùng gạc sạch đã tiệt trùng để băng lại giúp vết thương tránh tiếp xúc với khói bụi, vi khuẩn từ môi trường bên ngoài.
  • Giữ da mềm và tránh bị khô căng: Có thể bôi một lớp mỏng kem dưỡng ẩm với thành phần an toàn (không mùi, không cồn) quanh vùng da bị tổn thương để tránh da khô, nứt nẻ gây đau.
  • Tuyệt đối không dùng mẹo dân gian: Tránh nghe theo lời mách bảo dùng thuốc nam, lá cây hoặc đắp bất kỳ thứ gì không rõ nguồn gốc lên ổ áp xe vì điều này có thể gây nhiễm trùng nặng, thậm chí hoại tử da.
Người bị áp xe có được tự nặn mủ áp xe hay không?2
Làm sạch vùng da bị tổn thương là việc quan trọng và cần thiết

Điều trị áp xe như thế nào?

Các bước chẩn đoán khi bị áp xe

Trước khi điều trị, bác sĩ cần xác định áp xe nằm ở đâu, có nguy cơ gì và loại trừ các yếu tố khác như dị vật bên trong vết thương. Với áp xe nông, nhìn thấy được bằng mắt thường (ở da hoặc dưới da), bác sĩ có thể dễ dàng xác định bằng việc khám lâm sàng. Ngược lại, với áp xe sâu bên trong cơ thể như áp xe gan, phổi, ổ bụng hay não, cần thực hiện thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác. Các xét nghiệm phổ biến gồm:

  • Siêu âm: Thường dùng để phát hiện áp xe ở phần mềm, ổ bụng hoặc vùng chậu.
  • Chụp CT (cắt lớp vi tính): Cho hình ảnh chi tiết hơn để đánh giá mức độ lan rộng của ổ mủ.
  • Chụp MRI (cộng hưởng từ): Đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện áp xe tại các cơ quan như não, cột sống hoặc mô mềm sâu.
Người bị áp xe có được tự nặn mủ áp xe hay không?3
Thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn chi tiết phác đồ điều trị

Phương pháp điều trị áp xe

Sau khi xác định rõ tình trạng áp xe, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Trong đa số trường hợp, cần thực hiện rạch dẫn lưu mủ, kết hợp với thuốc điều trị hỗ trợ như kháng sinh và thuốc chống viêm. Các bước điều trị thường gồm:

  • Sát trùng vùng da xung quanh ổ áp xe để đảm bảo vô khuẩn.
  • Chích rạch ổ áp xe: Bác sĩ sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng để rạch một đường nhỏ giúp mủ thoát ra ngoài.
  • Dẫn lưu và xử lý vết thương: Tùy kích thước ổ mủ, vết rạch có thể để hở hoặc băng lại. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ đặt ống dẫn lưu để dịch tiếp tục thoát ra trong những ngày đầu.
  • Kê đơn thuốc: Sau thủ thuật, người bệnh thường được kê thuốc kháng sinh, giảm đau, chống viêm để hỗ trợ hồi phục.
  • Theo dõi và chăm sóc sau thủ thuật: Với các ổ áp xe sâu hoặc phức tạp, người bệnh có thể cần nằm viện vài ngày để theo dõi. Trong khi đó, áp xe nông ngoài da thường có thể xử trí ngoại trú, người bệnh về nhà tự chăm sóc theo hướng dẫn và tái khám khi cần.

Ngoài ra, bác sĩ có thể tư vấn khâu thẩm mỹ vết thương nếu vị trí rạch có nguy cơ để lại sẹo xấu và người bệnh có nhu cầu.

Người bị áp xe có được tự nặn mủ áp xe hay không?4
Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ

Bị áp xe có được tự nặn mủ áp xe hay không? Câu trả lời là: Tuyệt đối không, tự ý nặn mủ áp xe tại nhà là hành động nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được thực hiện đúng cách và trong điều kiện vô trùng. Thay vì mạo hiểm, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám và xử trí đúng chuyên môn. Việc điều trị áp xe đúng cách không chỉ giúp bệnh nhanh khỏi mà còn giảm nguy cơ để lại sẹo, nhiễm trùng lan rộng hay ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin