1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Áp xe cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Thanh Hương

27/06/2025
Kích thước chữ

Áp xe cổ là tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng nếu không được xử lý kịp thời. Bài viết dưới đây giúp bạn tìm hiểu nguyên nhân, biết cách nhận biết sớm dấu hiệu áp xe cổ, biết khi nào cần đi khám và cách điều trị an toàn.

Sưng đau bất thường ở vùng cổ, kèm theo sốt cao và khó nuốt, đôi khi không đơn giản là viêm họng thông thường. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của áp xe cổ - một bệnh lý nhiễm trùng sâu nguy hiểm.

Áp xe cổ không chỉ gây đau nhức, khó chịu mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tắc đường thở, nhiễm trùng huyết. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và hướng xử lý khi bị áp xe cổ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Những nguyên nhân phổ biến gây áp xe cổ

Việc hiểu rõ các nguyên nhân phổ biến gây áp xe cổ có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Dưới đây là những nguyên nhân gây áp xe cổ thường gặp:

  • Các tình trạng như sâu răng không được điều trị triệt để, viêm tủy răng, áp xe quanh chóp răng, viêm lợi, viêm nha chu hoặc răng khôn mọc lệch, viêm quanh răng khôn,… có thể khiến vi khuẩn xuyên qua các khoảng mô và hạch lympho vùng cổ, hình thành ổ mủ.
  • Những tình trạng như viêm họng hạt kéo dài, viêm amidan mủ, viêm VA nặng hoặc viêm xoang cấp tính, nhiễm trùng tai giữa cấp hoặc viêm xương chũm,… có thể gây lan viêm xuống vùng cổ sâu, gây áp xe quanh hầu.
  • Những tổn thương hở ở vùng cổ do côn trùng đốt, vật nhọn đâm hoặc trầy xước nặng có thể là “cửa ngõ” để vi khuẩn xâm nhập, gây viêm mô tế bào, tiến triển thành áp xe.
  • Các biến chứng sau phẫu thuật ở vùng cổ (như phẫu thuật tuyến giáp, cắt amidan) cũng có thể là nguồn gây nhiễm trùng sâu nếu không chăm sóc hậu phẫu đúng cách.
  • Ở những người có hệ miễn dịch suy giảm như bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát, người nhiễm HIV/AIDS hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch, nguy cơ nhiễm trùng lan rộng và hình thành áp xe vùng cổ sẽ cao hơn người khỏe mạnh bình thường.
Áp xe cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Áp xe cổ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau

Áp xe cổ có nguy hiểm không?

Ổ áp xe sưng to có thể chèn ép trực tiếp lên khí quản hoặc các cấu trúc quan trọng khác như thực quản, mạch máu lớn, dẫn đến khó thở, suy hô hấp, hoặc thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Vùng cổ thông với trung thất (khoang chứa tim, phổi và các mạch máu lớn) thông qua các khoang sâu. Nhiễm trùng từ áp xe cổ có thể lan xuống trung thất, gây ra tình trạng viêm nhiễm rất nặng và khó điều trị, tỷ lệ tử vong cao.

Nhiễm trùng từ áp xe cổ có thể lan theo đường mô liên kết hoặc đường máu xuống phổi, làm tăng nguy cơ viêm phổi nặng, áp xe phổi hoặc tràn mủ màng phổi.

Nhiễm trùng có thể gây viêm và hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch cảnh trong, một tĩnh mạch lớn ở cổ. Cục máu đông này có thể di chuyển lên não gây thuyên tắc mạch máu não, hoặc lan rộng gây các biến chứng nghiêm trọng khác.

Vi khuẩn từ ổ áp xe có thể đi vào máu và gây nhiễm khuẩn huyết, một tình trạng nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng, có thể tiến triển thành sốc nhiễm khuẩn đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Mặc dù ít gặp hơn, áp xe có thể chèn ép hoặc gây tổn thương các dây thần kinh quan trọng ở cổ, dẫn đến các vấn đề về giọng nói (khàn tiếng, mất tiếng), khó nuốt, hoặc liệt một số cơ vùng mặt/cổ.

Áp xe cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Áp xe cổ có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

Dấu hiệu nhận biết áp xe cổ

Để nhận biết sớm, điều trị kịp thời và phòng ngừa biến chứng áp xe cổ, bạn cần quan sát kỹ các dấu hiệu sau:

Dấu hiệu tại chỗ

Một trong những dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất của áp xe cổ là sự xuất hiện của khối sưng to rõ rệt ở vùng cổ. Khối sưng này có thể phát triển dần theo thời gian, khiến vùng da phía trên trở nên đỏ, nóng, căng bóng và rất đau. Ban đầu, khối sưng có thể rắn chắc, nhưng khi mủ bắt đầu hình thành sẽ chuyển sang mềm hơn và có cảm giác “lùng bùng” khi sờ.

Dấu hiệu toàn thân

Áp xe cổ còn gây phản ứng toàn thân mạnh mẽ do cơ thể chống lại nhiễm trùng. Người bệnh thường bị sốt cao, đôi khi kèm theo rét run, đổ mồ hôi nhiều. Cơ thể mệt mỏi, cảm thấy uể oải, suy kiệt sức lực rõ rệt. Nhiều người có dấu hiệu chán ăn, buồn nôn và sưng hạch bạch huyết vùng cổ, dưới hàm hoặc sau tai.

Dấu hiệu nguy hiểm cần cấp cứu ngay

Một số trường hợp áp xe cổ tiến triển rất nhanh và cần được cấp cứu khẩn cấp khi người bệnh có các triệu chứng: Khó thở, thở khò khè, có tiếng rít khi hít vào do khối áp xe chèn ép đường thở.

Người bệnh có thể khó nuốt, đau khi nuốt hoặc nuốt nghẹn nếu ổ mủ lan ra vùng hầu họng hoặc thực quản. Khi đã nhiễm trùng huyết nặng, người bệnh có triệu chứng sốt cao không hạ, mạch nhanh, huyết áp tụt, cơ thể lơ mơ hoặc li bì.

Áp xe cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Cần nhận biết dấu hiệu áp xe cổ càng sớm càng tốt

Cách điều trị áp xe cổ

Khi bị áp xe cổ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý chích hoặc nặn mủ tại nhà. Việc này có thể làm nhiễm trùng lan rộng, phá hủy mô lành, thậm chí gây tổn thương mạch máu lớn, dây thần kinh vùng cổ, dẫn đến biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.

Tùy theo kích thước và vị trí ổ áp xe, bác sĩ có thể lựa chọn chọc hút dưới hướng dẫn siêu âm đối với các ổ áp xe nhỏ, nông. Hoặc bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật rạch dẫn lưu áp xe qua đường ngoài hoặc đường miệng đối với các ổ áp xe lớn, sâu hoặc phức tạp.

Người bệnh cũng sẽ được bác sĩ kê kháng sinh phổ rộng hoặc kháng sinh theo kháng sinh đồ (nếu có kết quả cấy mủ). Người bệnh không nên tự mua thuốc uống tại nhà hoặc ngưng thuốc khi thấy bớt sưng để tránh làm nhiễm trùng tái phát nặng hơn.

Sau khi ổ áp xe được xử lý, bệnh nhân cần được điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được chỉ định nhổ răng, cắt amidan, hoặc phẫu thuật xoang nếu cần thiết. Sau điều trị ổn định, bệnh nhân vẫn cần theo dõi sát và tái khám định kỳ để đảm bảo ổ áp xe không tái phát hoặc để lại biến chứng tiềm ẩn.

Áp xe cổ: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Bệnh nhân cần dùng kháng sinh đúng phác đồ, đủ liệu trình theo chỉ định

Áp xe cổ là tình trạng không thể xem nhẹ vì có thể tiến triển rất nhanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần nhận diện sớm các dấu hiệu áp xe cổ. Với sự can thiệp đúng lúc, đa số trường hợp áp xe cổ có thể điều trị khỏi mà không để lại di chứng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin