Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh cường giáp có lây không? Biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp

Ngày 09/10/2022
Kích thước chữ

Bệnh cường giáp là một trong số những bệnh lý tuyến giáp thường gặp. Vậy bệnh cường giáp là gì? Bệnh cường giáp có lây không? Các biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp như thế nào? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Cường giáp là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng hormone tuyến giáp sản xuất quá mức trong cơ thể. Nghe qua tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Để trả lời cho câu hỏi: Bệnh cường giáp có lây không? Biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp bao gồm những biện pháp nào? Trước hết, hãy cùng Nhà Thuốc điểm qua một vài thông tin cơ bản xoay quanh bệnh lý này nhé!

Bệnh cường giáp là gì?

Cường giáp là tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp quá mức, cao hơn nhu cầu của cơ thể từ đó làm tăng nồng độ hormone tuyến giáp trong máu. 

Thyroxine và Triiodothyronine là hai hormone được sản xuất bởi tuyến giáp. Các hormone này đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình chuyển hóa, tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Do đó, việc tuyến giáp hoạt động quá mức - tăng sản xuất hormone tuyến giáp và tiết hormone tuyến giáp kéo dài sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.

80 - 90% người mắc cường giáp là do mắc bệnh Basedow. Ngoài ra, tình trạng cường giáp còn gặp ở một số bệnh lý khác như: Bướu đa nhân độc, bướu đơn nhân độc, u tuyến yên tiết TSH, chửa trứng và ung thư tế bào nuôi, ung thư tuyến giáp thể nang di căn… Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp mắc bệnh cường giáp mà không rõ nguyên nhân.

Người bệnh cường giáp có thể gặp những biểu hiện sau:

  • Toàn thân mệt mỏi và sụt cân.
  • Xuất hiện bướu cổ.
  • Tim đập nhanh có thể có loạn nhịp, huyết áp tâm thu tăng, huyết áp tâm trương bình thường, có dấu hiệu mạch kích động.
  • Ăn nhiều, nhanh đói, khát nhiều và uống nhiều, có thể có rối loạn tiêu hóa.
  • Sợ nóng, cảm giác gây sốt, vã mồ hôi…
  • Rối loạn kinh nguyệt ở nữ và rối loạn cương dương, suy sinh dục ở nam.
  • Run đầu chi, phản xạ gân xương tăng, liệt chi đột ngột.
  • Dễ cáu gắt, kích động, lo âu, giảm tập trung, mất ngủ. 

Người mắc cường giáp nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch thậm chí là suy tim, cơn bão tim, lồi mắt ác tính (gặp trong trường hợp cường giáp do bệnh Basedow…

Bệnh cường giáp có lây không? Biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp 1 Cường giáp là bệnh lý tuyến giáp không hiếm gặp

Bệnh cường giáp có lây không?

Bệnh cường giáp có lây không? Đây là nỗi băn khoăn của hầu hết mỗi chúng ta trước những ảnh hưởng mà hội chứng cường giáp gây ra. Để giải đáp được thắc mắc này, bạn đọc cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh cường giáp.

Như đã nói ở trên, có 80 - 90% trường hợp cường giáp là do bệnh Basedow - đây là một bệnh lý bắt nguồn từ sự rối loạn hệ miễn dịch. Thông thường, hệ miễn dịch sinh ra kháng thể giúp bảo vệ cơ thể trước những tác nhân lạ, sự tấn công của vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Song, ở những bệnh nhân cường giáp, hệ thống miễn dịch bị rối loạn, kháng thể được sản sinh nhưng lại tấn công nhầm tế bào tuyến giáp. Điều này vô tình kích thích tuyến giáp tăng sản sinh hormone tuyến giáp từ đó dẫn đến tình trạng cường giáp.

Bên cạnh đó, còn một số nguyên nhân dẫn đến hội chứng cường giáp như đã điểm qua ở trên bao gồm: Viêm tuyến giáp, bướu đa nhân độc, chế độ ăn dư thừa iot…

Như vậy, có thể thấy rằng nguyên nhân dẫn đến bệnh cường giáp hoàn toàn không liên quan đến vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hay nấm. Từ đó có thể khẳng định chắc nịch rằng: Bệnh cường giáp hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm từ người bệnh sang người lành và bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi tiếp xúc với người mắc hội chứng cường giáp.

Bệnh cường giáp có lây không? Biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp 2 Bệnh cường giáp có lây không? Câu trả lời là không

Tuy không lây lan hình thành dịch bệnh nhưng một số đối tượng vẫn có nguy cơ khởi phát bệnh cường giáp bởi sự tác động của các yếu tố nguy cơ như: 

  • Yếu tố di truyền: Trong gia đình, họ hàng có người mắc hội chứng cường giáp hoặc có các rối loạn tự miễn khác thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn bình thường.
  • Yếu tố biến đổi gen: Trong hệ gen của chúng ta có một vài loại gen có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch giúp nhận dạng các protein của cơ thể và protein lạ có nguy cơ gây bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp khiếm khuyết các gen này hoặc sai cấu trúc thì cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp.
  • Một số yếu tố khác như: Nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus, chế độ ăn sử dụng quá nhiều iot hoặc quá ít iot, tác dụng phụ của một số loại thuốc đang điều trị, hút thuốc lá… Đây cũng là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cường giáp.

Biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp

Biện pháp điều trị bệnh cường giáp

Hiện nay, việc điều trị bệnh cường giáp hướng đến mục đích đưa lượng hormoen tuyến giáp về lại mức bình thường để ngăn ngừa các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đồng thời giảm những triệu chứng khó chịu cho người bệnh do tình trạng gia tăng nồng độ hormone tuyến giáp gây ra.

Có 3 phương pháp điều trị cường giáp đang được áp dụng rộng rãi bao gồm: Điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và liệu pháp điều trị iot phóng xạ. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh cường giáp và tình trạng bệnh mà các bác sĩ sẽ lựa chọn những phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị nội khoa: 

Sử dụng các loại thuốc chống biểu hiện cường giao cảm như thuốc chẹn beta giao cảm (propranolol, metoprolol, atenolol…), thuốc kháng giáp: Các loại thuốc này giúp giảm nhanh các triệu chứng như: Nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, run và lo lắng.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm một số loại thuốc khác như Corticoid (trong trường hợp các cơn cường giáp cấp), thuốc an thần.

Bệnh cường giáp có lây không? Biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp 3 Sử dụng thuốc giúp giảm triệu chứng khó chịu do tình trạng cường giáp gây nên

Điều trị ngoại khoa:

Phương pháp này được chỉ định trong trường hợp bướu giáp to, bướu giáp chìm, Basedow tái phát sau điều trị nội khoa. Song, phương pháp này chống chỉ định trong trường hợp bệnh nhân suy tim hoặc đã lớn tuổi.

Trước khi phẫu thuật cần được điều trị nội khoa 2 - 3 tháng và điều trị Lugol 1 tuần. Đây là phương pháp cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và nhờ phương pháp này bệnh cường giáp của bạn có thể được điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể để lại một số biến chứng như: Liệt dây thanh, suy giáp hoặc suy cận giáp.

Liệu pháp điều trị iot phóng xạ:

Phương pháp này được chỉ định đối với trường hợp bệnh nhân đã lớn tuổi, tai biến hoặc tái phát sau điều trị nội khoa, chống chỉ định điều trị ngoại khoa. Chống chỉ định trong trường hợp phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, dưới 30 tuổi, lồi mắt nặng.

Iot phóng xạ được sử dụng trong điều trị này là một viên nang nhỏ, dùng 1 lần và vào cơ thể qua đường uống. Khi vào cơ thể, iot phóng xạ sẽ được hấp thụ nhanh chóng bởi các tế bào tuyến giáp hoạt động quá mức và phá hủy các tế bào tuyến giáp này.

Kết quả: Tuyến giáp nhỏ lại và nồng độ hormone tuyến giáp trong máu trở lại bình thường. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp vẫn bị cường giáp nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Biến chứng có thể xảy ra khi điều trị bằng liệu pháp này đó là: Viêm tuyến giáp, lồi mắt nặng, suy giáp vĩnh viễn.

Bệnh cường giáp có lây không? Biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp 4 Điều trị bằng liệu pháp iốt phóng xạ được áp dụng rộng rãi cho bệnh nhân cường giáp

Biện pháp phòng bệnh cường giáp

Cường giáp ở giai đoạn đầu hầu như không có triệu chứng rõ ràng và cũng rất khó phát hiện bệnh bằng việc khám sức khỏe thông thường. Do đó, chúng ta cần chủ động phòng ngừa bệnh cường giáp cũng như các bệnh lý tuyến giáp khác để tránh gây những hậu quả khôn lường. Vậy chúng ta cần làm gì để phòng ngừa bệnh cường giáp?

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và tập luyện thể dục đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phòng và ngăn ngừa tiến triển bệnh cường giáp nói riêng và sức khỏe toàn thân nói chung. Do đó, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học là cần thiết. Bạn nên:

  • Đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
  • Tăng cường các thực phẩm giàu chất oxy hóa như: Hoa quả (đặc biệt là những loại quả mọng như cà chua, cam, quýt…), rau xanh (các loại rau họ cải như cải bắp, súp lơ, cải xoăn…).
  • Bổ sung iot: Cung cấp thiếu hoặc dư thừa iot là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh cường giáp, do đó việc cung cấp đủ lượng chất này là vô cùng cần thiết.
  • Hạn chế ăn những thực phẩm chiên rán, chế biến sẵn, thực phẩm bẩn chứa nhiều chất độc hại. Hạn chế sử dụng các thức uống có ga, các chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào…
  • Tập thể dục thường xuyên là cách tốt nhất giúp tăng cường hệ miễn dịch phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp nói riêng và bệnh tật nói chung.
  • Cần có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Tránh mệt mỏi và căng thẳng quá mức, tránh stress.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng 1 lần hoặc khi phát hiện những biểu hiện của bệnh cường giáp để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh cường giáp có lây không? Biện pháp phòng và điều trị bệnh cường giáp 5 Tập thể dục đều đặn hàng ngày giúp tăng cường sức đề kháng chống lại bệnh tật

Trên đây là toàn bộ những thông tin xoay quanh chủ đề bệnh cường giáp mà Nhà Thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn đọc trả lời được câu hỏi bệnh cường giáp có lây không đồng thời nắm được các biện pháp phòng cũng như điều trị bệnh cường giáp. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và đừng quên theo dõi trang web của Nhà Thuốc để cập nhật những thông tin bổ ích khác nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin