Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh nấm ngoài da là gì? Cách điều trị nấm ngoài da

Ngày 20/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nấm ngoài da là một căn bệnh thường gặp ở nước ta do điều kiện khí hậu nóng ẩm tạo điều kiện để các loại vi nấm phát triển. Bệnh nấm ngoài da có khả năng lây truyền rất cao nếu như bạn không biết cách giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. 

Trên da người, nấm thường sinh sôi và phát triển tại những khu vực ẩm ướt và có nhiều mồ hôi như kẽ các ngón tay, chân, nếp dưới vú, bìu, bẹn... Ở bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tính chất, đặc điểm của các bệnh nấm ngoài da cũng như tham khảo một số cách để điều trị căn bệnh này. 

Thế nào là bệnh nấm ngoài da?

Nấm ngoài da là một căn bệnh hay thường gặp ở nước ta do điều kiện môi trường nóng ẩm tạo điều kiện để những vi nấm phát triển. Vi nấm khi ký sinh vào cơ thể con người sẽ phát triển và gây ra bệnh. Tùy thuộc tác nhân xâm nhập vào cơ quan nội tạng, da, vào máu hay trung bì mà bạn sẽ bị nhiễm nấm nông, sâu hay hệ thống. Theo đó, nấm ngoài da thuộc vào nhóm nhiễm nấm nông.

Bệnh nấm ngoài da là gì? Cách điều trị nấm ngoài da1 Bệnh nấm ngoài da thường gây nên các nốt sưng đỏ

Nhiễm nấm nông bao gồm những loại nấm như:

  • Nấm sợi: Bao gồm các chủng như Epidermophyton, Microsporum, Trichophyton thường gây ra nấm kẽ, nấm thân mình, móng, nấm da đầu.
  • Nấm men: Nấm candida gây bệnh tại cơ quan sinh dục, mạc môi, móng, mông…
  • Nấm mốc: Gây nhiễm trùng móng và nấm men.

Trong số các loại nấm thì nhiễm nấm sợi thường xảy ra phổ biến nhất. Căn bệnh có thể lây từ người sang người, từ động vật sang con người, trong trường hợp còn lây từ đất sang người. Nếu nấm lây từ người thì thường ít gây ra phản ứng viêm. Nếu như nấm lây từ động vật và đất thì phản ứng viêm sẽ xảy ra khá mạnh mẽ, các triệu chứng lâm sàng sẽ nặng.

Các dạng nấm ngoài da thường gặp

Nấm ngoài da thuộc trong nhóm nhiễm nấm nông. Nấm gồm có nhiều dạng bệnh lý khác nhau như nấm kẽ, nấm móng, lang ben, hắc lào… Dựa vào tác nhân gây bệnh thì nấm được chia ra làm 2 nhóm lớn là:

Nhiễm nấm nông do nấm sợi

Nấm sợi có thể gây ra triệu chứng bệnh lý tại bất cứ vùng da nào ở trên cơ thể như nấm kẽ, nấm thân mình, nấm móng, nấm da đầu… Loại nấm này thường dùng keratin để làm chất dinh dưỡng nên sẽ không gây ra bệnh lý tại niêm mạc hoặc vùng bán niêm mạc.

Ở thượng bì, lớp hạt chính là lớp mà bắt đầu xuất hiện nên tiền chất hình thành keratin. Tùy thuộc vào nguồn lây cũng như mức độ viêm mà bệnh nấm ngoài da này sẽ gây ra các triệu chứng lâm sàng khác nhau như:

  • Ngứa nhẹ tại vùng da bị nấm.
  • Trên da xuất hiện những vết hồng ban có viền vảy trắng và tiến triển ly tâm.
  • Bị sần nhỏ mụn nước tại bờ viền.
  • Nấm có thể gây nhiễm nang lông và tạo nên u hạt Maiochi.

Nhiễm nấm nông do Candida

Nhiễm nấm Candida albicans thường chiếm từ 70 đến 80% các trường hợp. Các triệu chứng của bệnh thường được biểu hiện tại niêm mạc (hầu họng, miệng, thực quản, cơ quan sinh dục, móng). Bệnh được đặc trưng với các mảng trợt da với phần viền vảy bị tróc mỏng và có nhiều nốt sần.

Bệnh nấm ngoài da là gì? Cách điều trị nấm ngoài da2 Hình ảnh nấm Candida

Candida miệng thường gây ra chứng viêm mạc miệng cấp tính và khiến cho trẻ bỏ ăn. Triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh đó là xuất hiện những mảng đỏ da ở trong miệng. Trên màng đỏ của da thường phủ đầy những mảng bám trắng và bong tróc. 

Candida móng thường xảy ra nhiều ở những người luôn phải tiếp xúc với nước và tạo điều kiện để nấm phát triển. Móng khi bị ly tách tại bờ gốc sẽ đổi sang màu xanh đậm hoặc vàng. Các vùng da ở xung quanh móng sẽ bị sưng mủ, tổn thương và bốc mùi hôi thối. 

Cách điều trị bệnh nấm ngoài da thế nào?

Khi bị nấm da, bạn có thể sử dụng các loại thuốc được bán trên thị trường để điều trị. Tuy nhiên, đối với căn bệnh nấm ngoài da thì bạn nên dùng thuốc theo sự chỉ định của các bác sĩ để đạt được hiệu quả tối ưu nhất. Một số dạng thuốc điều trị nấm ngoài da mà bạn có thể tham khảo sử dụng như:

Thuốc bôi

Thuốc bôi là loại thuốc rất được ưa chuộng để chữa nấm bởi thuốc rất dễ sử dụng, ít gây ra tác dụng phụ và hiệu quả khá cao. Tùy thuộc vào tác nhân gây ra bệnh nấm ngoài da mà bạn nên lựa chọn thuốc bôi sao cho phù hợp. Một số loại thuốc bôi mà bạn nên dùng đó là:

  • Ciclopirox olamine: Thuốc thường tác dụng lên cả hai loại là nấm men và nấm sợi.
  • Imidazole: Thuốc cũng cho tác dụng lên cả hai nhóm nấm.
  • Nystatin: Thuốc chỉ có hiệu quả ở trên nấm men, nhất là nấm Candida.
  • Terbinafine, Allylamine: Thuốc cho hiệu quả ở trên nấm sợi và ít có hiệu quả đối với nấm men, không có tác dụng đối với nấm Candida.
Bệnh nấm ngoài da là gì? Cách điều trị nấm ngoài da3 Bạn có thể chữa nấm ngoài da bằng thuốc bôi

Thuốc uống

Đối với các trường hợp bị nhiễm nấm với mức độ nặng, diện tích tổn thương quá rộng và việc bôi thuốc ngoài da không phù hợp, bạn có thể dùng các loại thuốc trị nấm đường uống.

Theo đó, các loại thuốc trị nấm thuộc nhóm azoles có hiệu quả ở trên nấm Candida và nấm sợi đó là Fluconazole, Itraconazole, Voriconazole. Thuốc cho hiệu quả đối với nấm sợi là Terbinafin, Griseofulvin. Thuốc cho hiệu quả đối với nấm Candida là Flucytosine, Nystatin,Caspofungin, Amphotericin B…

Tùy thuộc vào mức độ cũng như tác nhân gây bệnh nấm ngoài da mà khoảng thời gian điều trị ở mỗi người sẽ có sự khác nhau. Thuốc ở dạng đường uống có thể gây ra một số tác dụng không như mong muốn và thường có chống chỉ định riêng. Chính vì vậy, bạn nên tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ và không nên sử dụng thuốc tùy tiện. 

Bệnh nấm ngoài da tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Do đó, bạn hãy cố gắng khắc phục bệnh ngay khi có những dấu hiệu dù là nhỏ nhất nhé.

Lê Hồng

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Bệnh ngoài da