Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật? Cần lưu ý gì?

Ngày 26/07/2024
Kích thước chữ

Sỏi túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nặng. Tuy nhiên, những biểu hiện triệu chứng ban đầu của bệnh thường khá mờ nhạt nên nhiều người băn khoăn không biết sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật. Hãy cùng giải đáp thắc mắc trong bài viết này nhé!

Sỏi túi mật là bệnh lý thường gặp, thường phổ biến ở phụ nữ trên 40 tuổi. Bệnh diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xuất hiện cơn đau rõ rệt thì kích thước sỏi đã trở nên khá lớn. Vậy sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn tìm lời giải đáp cho thắc mắc này nhé!

Sỏi túi mật là gì?

Túi mật là một cơ quan nhỏ màu xanh lam, có vị trí nằm dưới thùy gan phải với dung tích từ 30 - 60ml. Chức năng chính của túi mật là tích trữ và cô đặc dịch mật do gan tiết ra. Khi thức ăn đi vào dạ dày, túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật vào đường mật xuống tá tràng và giúp chuyển hóa chất béo trong thức ăn.

Sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật? 2
Sỏi túi mật hình thành do sự tích tụ của dịch tiêu hóa trong túi mật hoặc ống mật

Sỏi túi mật hình thành do sự tích tụ của dịch tiêu hóa trong túi mật hoặc ống mật. Nếu không được điều trị kịp thời, sỏi túi mật sẽ tiếp tục phát triển về cả số lượng lẫn kích thước. Kích thước của sỏi thường rất đa dạng, ban đầu có thể nhỏ như hạt cát nhưng có thể phát triển đến to bằng hạt đậu. Kích thước của sỏi quyết định mức độ gây tổn thương và tính nguy hiểm của nó.

Người bệnh có thể bị một hoặc nhiều sỏi cùng lúc. Sỏi túi mật có thể khiến quá trình tiết dịch mật bị tắc nghẽn dẫn đến viêm túi mật, ảnh hưởng đến gan và tụy.

Biến chứng nguy hiểm của sỏi túi mật

Trước khi đi vào giải đáp sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật, bạn cũng cần nắm được mức độ nguy hiểm của bệnh lý này. Bệnh sỏi túi mật nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm túi mật cấp: Sỏi mật gây tắc nghẽn dịch mật, dẫn đến viêm túi mật cấp tính với triệu chứng đau dữ dội, sốt, ớn lạnh và căng đau ở bụng trên bên phải. Nếu không điều trị kịp thời, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết và hoại tử túi mật.
  • Viêm đường mật cấp tính: Viêm đường mật cấp tính gây đau bụng trên, sốt, ớn lạnh và vàng da. Tình trạng viêm có thể lan sang các cơ quan lân cận, gây biến chứng nghiêm trọng.
  • Viêm tụy: Sỏi mật làm tắc lỗ mở ống mật gây viêm tụy với triệu chứng điển hình như đau dữ dội, buồn nôn, nôn và sốt. Bệnh có thể đe dọa tính mạng nếu không điều trị kịp thời.
  • Ung thư túi mật và ung thư đường mật: Sỏi mật làm tăng nguy cơ ung thư túi mật và đường mật. Mặc dù hiếm gặp, nhưng nếu phát hiện muộn hoặc điều trị sai cách, những loại ung thư này rất nguy hiểm và có tiên lượng xấu.

Sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật?

Hầu hết các trường hợp bị sỏi túi mật đều không có triệu chứng rõ ràng ban đầu và ít gây đau, do đó không cần phải can thiệp ngay. Tuy nhiên, khi sỏi túi mật tăng dần kích thước và gây đau đớn thì bệnh nhân có thể cần được điều trị để tránh gây ra biến chứng nghiêm trọng.

Sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật? 1
Phẫu thuật sỏi túi mật được chỉ định để làm giảm cơn đau và phòng ngừa biến chứng

Vậy sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật? Phẫu thuật là giải pháp tốt nhất để giảm đau và ngăn ngừa biến chứng trong các trường hợp sau:

  • Sỏi túi mật gây viêm túi mật tái đi tái lại nhiều lần khiến bụng đau dữ dội, buồn nôn, sốt, chướng bụng,... ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Túi mật sứ (thành dày, nhiễm canxi) dẫn đến mất khả năng co bóp và cô đặc dịch mật.
  • Sỏi kẹt xuất hiện ở các vị trí hẹp như cổ túi mật, gây đau và viêm thường xuyên.
  • Sỏi mật xuất hiện cùng với polyp túi mật và có kích thước trên 10mm.
  • Sỏi lớn hơn 2cm hoặc có kích thước chiếm 2/3 thể tích túi mật, ảnh hưởng đến hoạt động của túi mật.
  • Trong một số trường hợp đặc biệt như người mắc bệnh tiểu đường bị sỏi mật cũng sẽ được bác sĩ khuyến nghị cắt túi mật ngay cả khi chưa có xuất hiện triệu chứng để phòng ngừa các rủi ro về sau.

Mặc dù phẫu thuật loại bỏ sỏi mật, nhưng không giải quyết triệt để nguyên nhân gây sỏi. Khoảng 50% số ca điều trị bằng phương pháp mổ sẽ tái phát sỏi trong vòng 3 - 5 năm tới.

Những điều cần lưu ý khi bị sỏi túi mật

Khi bị sỏi túi mật, người bệnh cần phải duy trì mức cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, quá trình này nên được thực hiện từ từ để tránh làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Mức giảm cân an toàn thường sẽ nằm trong khoảng tham chiếu từ 0,5 đến 1kg mỗi tuần. Ngoài ra, người bệnh cần tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng lành mạnh như:

  • Bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây.
  • Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa như bánh ngọt, bánh quy, phô mai, bơ,...
  • Tận dụng chất béo không bão hòa có trong hạt hướng dương, dầu oliu, dầu hạt cải, bơ, quả hạch và các loại hạt,... để thay thế cho các chất béo bão hòa. Tuy nhiên, cũng không nên tiêu thụ quá nhiều.
  • Bổ sung ít nhất 2 lít nước mỗi ngày cho cơ thể.
Sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật? 3
Tận dụng chất béo không bão hòa có trong các loại hạt thay vì chất béo bão hòa

Trên đây là những thông tin giải đáp thắc mắc về sỏi túi mật khi nào cần phẫu thuật và những điều cần lưu ý khi bị sỏi túi mật. Hy vọng những chia sẻ này giúp người bệnh có thêm thông tin hữu ích để chủ động theo dõi và phát hiện bệnh sớm để giảm nguy cơ gặp phải biến chứng không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin