Bệnh thận mạn xảy ra khi chức năng thận bị suy giảm tiến triển kéo dài trong vài năm. Những năm gần đây, căn bệnh này đang có xu hướng ngày càng gia tăng và trẻ hóa, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh còn rất cao khi chỉ có khoảng 4,5 – 15,5% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn 3.
Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người (chiếm 12,8% dân số) trưởng thành mắc bệnh thận mạn. Trong đó, có hơn 400 đơn vị cung cấp dịch vụ chạy thận nhân tạo và lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối mỗi năm. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không biết mình bị bệnh cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Vậy bệnh thận mạn là gì? Dấu hiệu cảnh báo và cách phòng ngừa ra sao? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Bệnh thận mạn là gì?
Bệnh thận là thuật ngữ phổ biến để chỉ tình trạng thận bị tổn thương, hư hỏng và không thể hoạt động lọc máu bình thường. Những người mắc đái tháo đường hoặc cao huyết áp là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh thận. Trong trường hợp suy thận giai đoạn cuối, cần phải áp dụng các phương pháp điều trị như lọc máu, lọc màng bụng hoặc ghép thận.
Bệnh thận mạn (CKD) xảy ra khi chức năng thận bị suy giảm kéo dài. Bệnh thường có diễn tiến chậm và âm thầm, dấu hiệu thường không rõ ràng và dễ nhầm lẫn so với các bệnh khác.
Thông thường, ở giai đoạn đầu của bệnh thận (giai đoạn 1 - 3), không có triệu chứng rõ ràng, chỉ được phát hiện thông qua các xét nghiệm máu và nước tiểu. Nhưng khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 4 sẽ xuất hiện nhiều biểu hiện như chán ăn, buồn nôn và nôn, viêm miệng, tiểu đêm, rối loạn vị giác, mệt mỏi, uể oải, ngứa, suy giảm tinh thần, giật cơ và chuột rút, giữ nước, suy dinh dưỡng, co giật và bệnh thần kinh ngoại biên.
Để được chẩn đoán chính xác, cần phải đến các cơ sở y tế để thực hiện các xét nghiệm lâm sàng. Các bác sĩ sẽ đánh giá chức năng thận, chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Dấu hiệu nhận biết bệnh thận mạn
Việc phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh thận mạn trong giai đoạn đầu có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị và phục hồi. Dưới đây là một số biểu hiện điển hình của bệnh suy thận giai đoạn đầu như:
Mệt mỏi và suy nhược cơ thể: Sự suy giảm chức năng thận có thể khiến độc tố và tạp chất tích tụ trong máu. Điều này có thể gây mệt mỏi, khó tập trung và suy nhược cơ thể.
Khó ngủ: Khi quá trình lọc máu ở thận gặp sự cố, các chất độc không được loại bỏ khỏi cơ thể, làm cho người bệnh gặp phải tình trạng khó ngủ.
Da khô và ngứa: Thận đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ chất thải và duy trì cân bằng khoáng chất trong máu. Sự suy giảm chức năng của thận có thể làm mất đi sự cân bằng giữa chất dinh dưỡng và khoáng chất có trong máu, làm cho da trở nên khô và ngứa.
Thói quen tiểu tiện bất thường: Nếu bạn thường xuyên đi tiểu, đặc biệt vào ban đêm thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh thận. Cảm giác muốn đi tiểu tăng lên do bộ lọc thận bị hư hỏng.
Xuất hiện máu trong nước tiểu: Khi thận gặp vấn đề, quá trình lọc máu thường sẽ không thể giữ lại hết các tế bào máu trong cơ thể. Các tế bào máu bị rò rỉ này có thể sẽ được đào thải cùng nước tiểu.
Sưng ở các vùng như mắt cá chân và bàn chân: Sự suy giảm chức năng lọc máu có thể dẫn đến việc tích tụ natri trong cơ thể, gây ra tình trạng sưng ở mắt cá chân và bàn chân của bệnh nhân.
Mất khẩu vị và chán ăn: Một dấu hiệu phổ biến của vấn đề về thận là mất khẩu vị và cảm giác chán ăn. Điều này có thể do chức năng thận bị suy giảm khiến độc tố tích tụ trong cơ thể.
Chuột rút cơ thường xuyên: Khi chức năng thận bị suy giảm, quá trình lọc máu diễn ra không đúng cách sẽ gây mất cân bằng điện giải. Điều này sẽ khiến cơ thể dễ bị hạ canxi, không kiểm soát được photpho,... dẫn đến bị chuột rút.
Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ: Đối với những người mắc suy thận mạn, hội chứng ngưng thở khi ngủ và ngáy to kéo dài có thể xảy ra do sự rối loạn giấc ngủ.
Nước tiểu có nhiều bọt: Khi đi tiểu thấy có nhiều bọt nước tiểu nổi lên như khi đánh trứng và cần phải xả nước nhiều lần thì bọt mới biến mất. Đó có thể là biểu hiện của bệnh suy thận mạn.
Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh suy thận
Để tránh bị suy thận mạn, mỗi người cần phải xây dựng lối sống lành mạnh thông qua các thói quen tích cực như sau:
Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn hàng ngày nên tăng cường bổ sung rau xanh và các loại củ quả, trái cây. Không nên ăn quá mặn (chỉ bổ sung khoảng 3 - 5g muối/ngày). Đồng thời, cần hạn chế ăn những loại thực phẩm nhiều đạm, kali, photpho và chất béo.
Uống đủ nước: Việc bổ sung đủ nước sẽ giúp nước tiểu được làm loãng hơn, đào thải hết các độc tố ra khỏi cơ thể và ngăn ngừa sỏi thận. Do vậy, bạn hãy tập thói quen uống nước khi cảm thấy khát, lượng nước bổ sung hàng ngày cần đủ ít nhất 2 lít.
Kiểm tra huyết áp và đường huyết thường xuyên: Điều này sẽ giúp phát hiện sớm những biểu hiện bất thường và chủ động đi khám sức khỏe kịp thời.
Tập thể dục: Duy trì thói quen hoạt động thể lực hàng ngày không chỉ giúp tăng cường đề kháng mà còn giúp duy trì huyết áp ổn định mà còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Từ đó giúp giảm nguy cơ bị tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường và bệnh thận.
Cẩn trọng khi sử dụng thuốc Tây: Không lạm dụng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc chống viêm, giảm đau vì chúng có thể khiến thận bị tổn thương, dẫn đến suy thận.
Thay đổi các thói quen sinh hoạt: Bao gồm bỏ thuốc lá, không sử dụng rượu bia, đảm bảo ngủ đủ giấc và làm việc vừa sức.
Kiểm tra thận định kỳ: Bệnh thận mạn thường diễn tiến âm thầm và không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển nặng. Điều này sẽ giúp để phát hiện sớm các bất thường, đặc biệt ở những người có nguy cơ cao như béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp và người trên 40 tuổi.
Trên đây là một số chia sẻ về bệnh thận mạn. Trên thực tế, bệnh lý này rất nguy hiểm nhưng lại không có triệu chứng rõ ràng nên rất khó phát hiện. Do vậy, mỗi người cần phải chủ động thăm khám định kỳ hoặc khi có dấu hiệu nghi ngờ để bảo vệ sức khỏe bản thân.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.